Xây dựng lại tốt hơn: Cẩn thận với bữa trưa miễn phí của chủ nghĩa xã hội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đa số người dân Mỹ không nhận ra sự nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội (CNXH) đối với an toàn tài chính của tất cả người dân và của riêng từng cá nhân. Trong tương lai gần, CNXH sẽ mang những tác động tiêu cực tới tất cả dân chúng Mỹ nếu các chương trình đang được đề xuất được ban hành thành luật.

Theo Investopedia, trong một hệ thống CNXH thuần túy, tất cả các quyết định sản xuất và phân phối tài sản một cách hợp pháp đều do chính phủ đưa ra, và các cá nhân được nhà nước lo cho mọi thứ, từ thực phẩm đến chăm sóc sức khỏe.

Khi một chính phủ phải thanh toán các hóa đơn cho tất cả mọi người, điều đó sẽ dẫn đến chi tiêu quá mức, và dẫn đến thâm hụt hàng năm của liên bang, cuối cùng dẫn đến mức lạm phát cao hàng năm.

Hậu quả cuối cùng của việc chi tiêu quá mức của chính phú và sự gia tăng thâm hụt hàng năm có thể sẽ là thảm họa đối với mỗi người tiêu dùng Mỹ.

Mức chi khổng lồ làm tăng thâm hụt liên bang

Trọng tâm của chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Joe Biden bao gồm hai phần lớn: ‘Dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng’’ trị giá 1 nghìn tỷ USD và Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn’ trị giá 3,5 nghìn tỷ USD, vốn là một dự luật hoà giải (reconciliation bill - được dùng để xúc tiến việc thông qua một đạo luật).

Dự luật thứ hai, được gọi là Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn, có trọng tâm là một danh sách dài các chính sách và chương trình xã hội. Ví dụ như việc đảm bảo có trường mầm non dành cho trẻ em từ 3 - 4 tuổi, miễn học phí đại học cộng đồng, mở rộng Medicare và Medicaid, 12 tuần nghỉ phép có lương dành cho gia đình hoặc các lý do y tế và việc mua xe điện của chính phủ liên bang. Với việc các đảng viên Cộng hòa đều thống nhất phản đối, đảng Dân chủ đang sử dụng một quy trình ngân sách đặc biệt được gọi là "hòa giải" (reconciliation) để tránh ngưỡng 60 phiếu bầu và thông qua dự luật bằng một cuộc bỏ phiếu của đảng phái (party-line vote - một cuộc bỏ phiếu trong đó phần lớn thành viên của một đảng sẽ bỏ phiếu theo một hướng, để chống lại các thành viên của đảng khác sẽ bỏ phiếu ngược lại).

Tổng thống Joe Biden tham gia vào một sự kiện của CNN tại Nhà hát Pabst ở Milwaukee, Wis., ngày 16/2/ 2021. (Ảnh: Saul Loeb / AFP qua Getty Images)

Một bài báo của tờ Washington Times lưu ý rằng: "Hầu hết các chương trình trong kế hoạch là các chương trình phân bố lại tài sản, các chương trình này sẽ làm suy yếu các hoạt động của thị trường tự do vốn mang lại việc làm. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng kế hoạch của ông Biden sẽ mở rộng mạnh mẽ một chính phủ liên bang vốn đã quá lớn, theo cách sẽ không thể đảo ngược được".

Vào ngày 14/10/2021, ông Biden đã ký một đạo luật tạm thời nâng giới hạn vay hay còn gọi là trần nợ của chính phủ Mỹ lên 28,9 nghìn tỷ USD. Đạo luật này chỉ có tác dụng kéo dài thời hạn không trả được nợ đến tháng 12. Nếu không tăng trần nợ, Bộ Tài chính Mỹ đã dự đoán rằng họ sẽ hết tiền để thanh toán vào ngày 18/10.

Mười năm trước, khoảng cuối năm 2011, trần nợ là 14,8 nghìn tỷ USD, gần bằng một nửa so với bây giờ.

Một nghìn tỷ là một nghìn lần một tỷ. Rất khó để tưởng tượng được 1 nghìn tỷ USD là bao nhiêu tiền. Nếu bạn đếm một USD trong mỗi giây, bạn sẽ mất 31.688 năm để đếm đến 1 nghìn tỷ USD! Để đếm đến 3,5 nghìn tỷ USD, số tiền của Đạo luật Xây dựng lại tốt đẹp hơn, bạn sẽ mất 110.908 năm. Nói cách khác, mất 31.688 năm cho 1 nghìn tỷ giây đồng hồ trôi qua và 110.908 năm để 3,5 nghìn tỷ giây trôi qua. Con số đó gấp hơn 55 lần số năm đã trôi qua từ khi Chúa Giê-su Christ giáng thế cách đây 2000 năm.

Các dự luật chi tiêu làm tăng thâm hụt liên bang

Các dự luật chi tiêu ồ ạt hầu như luôn làm tăng thâm hụt liên bang, ảnh hưởng xấu đến kinh tế của đất nước.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng dự luật cơ sở hạ tầng sẽ làm tăng nợ thêm khoảng 250 tỷ USD.

Đối với Đạo luật Xây dựng lại tốt hơn, ông Biden tuyên bố nó sẽ không tốn chi phí. Mặc dù đây là một cách sử dụng mới lạ của từ "chi phí", nhưng có lẽ ông ấy muốn ám chỉ nó sẽ không làm tăng nợ liên bang vì ông ấy mong đợi các khoản thuế mới và các khoản thu khác sẽ bù lại cho khoản chi tiêu mới này.

Tổng số tiền phải chi và khấu trừ thuế của dự luật dự kiến ​sẽ là 3,5 nghìn tỷ USD và với khoản tăng thuế khoảng 2,3 nghìn tỷ USD, khoảng chênh lệch sẽ là hơn 1 nghìn tỷ USD. Đảng Dân chủ tuyên bố rằng sự chênh lệch sẽ được san lấp bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát giá đối với thuốc kê đơn và thông qua mức tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng.

Trung tâm Chính sách lưỡng đảng báo cáo rằng, trong năm tài chính 2021 (kết thúc vào ngày 30/9/2021), chính phủ liên bang thâm hụt 2,8 nghìn tỷ USD - khoảng chênh lệch giữa 4,0 nghìn tỷ USD doanh thu và 6,8 nghìn tỷ USD chi tiêu. Mức thâm hụt năm tài chính 2021 gấp gần 3 lần mức thâm hụt 1,0 nghìn tỷ USD của năm tài chính 2019 do tiền cứu trợ COVID-19 của liên bang tiếp tục đẩy chi tiêu lên mức cao kỷ lục. Mức thâm hụt năm 2021 lên tới xấp xỉ 13% GDP, mức thâm hụt lớn thứ hai tính theo tỷ trọng của nền kinh tế kể từ năm 1945.

Tại Mỹ, thâm hụt liên bang hàng năm hơn 1 nghìn tỷ USD đã trở thành điều bình thường.

Tính cả tiền lãi vay vào khoản nợ

Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi mà tiền lãi hàng năm phải trả cho nợ quốc gia được dự báo ​​sẽ tăng đáng kể. Vào tháng 7/2021, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính chi phí lãi vay hàng năm sẽ tăng từ 331 tỷ USD vào năm 2021 lên 910 tỷ USD vào năm 2031 - tức là gần gấp 3 lần. Các chi phí lãi suất hàng năm này được tính vào mức thâm hụt của mỗi năm và đóng góp vào khoản nợ quốc gia vốn đang tăng nhanh. Khoản thanh toán lãi suất 331 tỷ USD trong năm nay tương ứng với khoảng 2.600 USD cho mỗi hộ gia đình.

Tác động của lãi suất đối với các khoản nợ cũng tương tự như lãi suất mà người tiêu dùng phải trả đối với khoản nợ thẻ tín dụng. Nếu bạn nợ thẻ tín dụng cá nhân đến 100.000 USD, bạn có thể phải trả lãi hàng năm từ 18.000 đến 20.000 USD và không còn tiền để chi tiêu cho bản thân.

Với quy mô lớn hơn rất nhiều, đây chính là những gì xảy ra với chính phủ liên bang khi khoản nợ tăng lên và cùng với đó là lãi suất của khoản nợ tăng lên. Chính phủ có thể không còn khả năng cung cấp các dịch vụ thiết yếu vì phải trả số tiền lãi lớn cho các khoản vay của mình.

In quá nhiều tiền có thể sẽ dẫn đến siêu lạm phát

Điều này rõ ràng có tác động lên mỗi người dân Mỹ với tư cách là người tiêu dùng nếu chính phủ quyết định tăng thuế một lượng đáng kể để bù đắp khoản chi phí này. Thậm chí tình hình có thể tồi tệ hơn nếu chính phủ đồng thời chọn tăng cung tiền bằng cách in thêm tiền. Tỷ lệ lạm phát có khả năng sẽ bị đẩy lên rất cao nếu sự việc diễn ra theo kịch bản đó, trở thành một mối nguy hiểm thực sự.

Lạm phát gia tăng đã và đang diễn ra ở mức mà người Mỹ chưa từng trải qua trong 30 năm qua, ngay cả trước khi điều luật mới ở trên được thông qua. Sự tăng vọt giá tiêu dùng vào tháng 9 đã khiến lạm phát tăng 5,4% so với một năm trước. Tỷ lệ đó ngang bằng với mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008.

Lạm phát gia tăng đã và đang diễn ra ở mức mà người Mỹ chưa từng trải qua trong 30 năm qua. (Ảnh: Hoàng Đình Nam / AFP qua Getty Images)

Để đối phó với sự gia tăng thâm hụt và nợ quốc gia quá mức như vậy, trên thực tế, một điều dễ xảy ra là các chính phủ sẽ in thêm tiền để hỗ trợ cho chi tiêu quá mức. Lịch sử đã chỉ ra rằng hậu quả của việc tăng cung tiền có thể dẫn đến mức lạm phát cao và thậm chí dẫn đến siêu lạm phát (xảy ra khi tỷ lệ lạm phát là trên 50% mỗi tháng).

Với tỷ lệ siêu lạm phát 50% mỗi tháng, bạn sẽ cần 129.746 USD vào cuối mỗi năm để duy trì sức mua là 1.000 USD vào đầu năm đó. Điều đó có nghĩa là chi phí của một mặt hàng tiêu dùng (chẳng hạn như một ổ bánh mì) có thể tăng từ 1 USD lên 130 USD chỉ sau một năm siêu lạm phát.

Siêu lạm phát đã bùng nổ ở Đức trong những năm 1920, Zimbabwe vào năm 2008 và Venezuela vào năm 2019. Tất cả những trường hợp siêu lạm phát này ít nhất đều được thúc đẩy một phần bởi cung tiền ngày càng tăng do chi tiêu quá mức của chính phủ.

Tỷ lệ lạm phát thậm chí còn cao hơn ngưỡng siêu lạm phát trong ba ví dụ lịch sử ở trên. Tại đỉnh điểm của nó, ở Đức, cứ qua 3,7 ngày, chi phí hàng tiêu dùng tăng gấp đôi; ở Zimbabwe, chi phí hàng tiêu dùng tăng gấp đôi mỗi ngày; và ở Venezuela, chi phí tăng gấp đôi sau vài phút.

Nếu bạn nghĩ rằng mức lạm phát cao không thể xảy ra ở Mỹ, thì điều này đã thực sự xảy ra vào năm 1980, khi tỷ lệ lạm phát hàng năm ở nước này vượt quá 14%.

Tổn thất lớn trong dài hạn

Các dự luật chi tiêu của ông Biden có thể có lợi cho người Mỹ trong ngắn hạn, nhưng một số chuyên gia cho rằng người Mỹ sẽ chịu nhiều tổn thất về lâu dài.

Ông Biden hứa rằng kế hoạch của ông sẽ không làm tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, những nhân viên đánh giá chính thức của Quốc hội cho thấy gánh nặng thuế sẽ tăng lên ngay cả với các gia đình có thu nhập chỉ khoảng 30.000 USD mỗi năm.

Không chỉ vậy, gánh nặng thuế cao hơn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ so với các đối thủ nước ngoài. Gánh nặng thuế cũng sẽ làm giảm đầu tư vào khu vực tư nhân vốn tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng lương cho người lao động.

Một điều rõ ràng là, tác động của các khoản chi tiêu của ông Biden đối với tình hình tài chính của Mỹ là một vấn đề chính trị rất nhạy cảm. Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ mức chi tiêu lớn của chính phủ, trong khi đó, nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa lại tìm cách thu hẹp các ảnh hưởng của chính phủ lên cuộc sống của người dân.

Iain Murray là một nhà phân tích tài chính theo chủ nghĩa tự do nổi tiếng và là phó chủ tịch phụ trách chiến lược tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh. Ông nói rằng dự luật chi tiêu xã hội trị giá 3,5 nghìn tỷ USD được Tổng thống Biden và các đảng viên Dân chủ tại quốc hội ca ngợi sẽ đưa Mỹ tiến gần hơn đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo kiểu cổ điển. Ông nói rằng con số 3,5 nghìn tỷ USD cho kế hoạch Xây dựng lại tốt hơn của Biden là một sự thỏa hiệp cho con số 6,5 nghìn tỷ USD mà Thượng nghị sĩ Bernard Sanders của Vermont, một người tự cho mình là người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, coi là "điểm khởi đầu". Ông lưu ý rằng mục đích của dự luật là "chuyển đổi nước Mỹ theo hướng chủ nghĩa xã hội dân chủ kiểu Tây Âu, tăng ồ ạt phúc lợi của nhà nước với nhiều điều khoản tốn kém.

Hãy coi chừng những "món quà miễn phí" của chủ nghĩa xã hội. Chúng còn lâu mới thật sự miễn phí.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Fred Sievert là cựu chủ tịch của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ New York, một công ty nằm trong danh sách Fortune 100. Ông là tác giả của cuốn sách Fast-Starting a Career of Consequence.

Bảo Nguyên

Theo Fox Business

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Xây dựng lại tốt hơn: Cẩn thận với bữa trưa miễn phí của chủ nghĩa xã hội