Xe hơi Trung Quốc: 3 lần ‘đổ bộ” vào thị trường Việt Nam thất bại, lần thứ tư sẽ ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu hết các mẫu xe của Trung Quốc về Việt Nam đều có mẫu mã khá đẹp và giá dưới 800 triệu đồng, nhưng sau bao lần ra mắt rầm rộ, các dòng xe này vẫn phải ra đi trong im lặng.

Trong những năm đầu thời kỳ đổi mới, hàng loạt xe ô tô Trung Quốc đã gia nhập thị trường xe Việt Nam, chủ yếu là các mẫu xe nhỏ. Nhưng nhanh đến cũng nhanh đi, đến đầu những năm 2000, hàng loạt hãng xe Trung Quốc đành rời bỏ Việt Nam vì sức mua kém và không được lòng người tiêu dùng.

Đến đầu những năm 2015, xe Trung Quốc lại “tiến quân’ sang Việt Nam lần thứ 2 nnhằm đánh chiếm thị phần xe phổ thông với các loại xe bình dân.giá rẻ, mẫu mã đẹp, nội thất trang bị “tận răng”.

Tuy nhiên, điểm trừ của các mẫu xe Trung Quốc là bị đánh thuế nhập khẩu cao từ 70% trở lên nên mức giá xe này vào Việt Nam vẫn ở nhóm phổ thông, không phải dòng xe siêu rẻ. Vì vậy, lần “đổ bộ” này thất bại vì không cạnh tranh nổi với các hãng xe có thương hiệu trên thế giới.

Lần thứ 3 là vào năm 2019 cũng “ê chề” không kém. Hàng loạt mẫu xe lắp ráp hoặc sản xuất tại Trung Quốc bị phanh phui cài cắm bản đồ chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Xe Trung Quốc vốn bị nghi kỵ, càng thêm mất điểm trước người tiêu dùng Việt.

Và đầu năm nay, làn sóng ô tô Trung Quốc vào Việt Nam lại bắt đầu. Lần này liệu có thành công? Để dự đoán chính xác, chúng ta hãy xem nguyên nhân tại sao những lần trước họ “đổ bộ” lại thất bại.

Vì sao người Việt không 'mặn mà' với xe Trung Quốc?

Nguyên nhân chính là bởi các hãng xe nội địa Trung Quốc này vẫn chưa khẳng định được chỗ đứng ngay tại thị trường nơi nó sinh ra.

Hơn nữa, người Việt vẫn bị ám ảnh về chất lượng của xe máy Trung Quốc hơn 20 năm trước. Xe máy Trung Quốc thời điểm đó cũng ồ ạt vào Việt Nam với giá siêu rẻ khiến đa số người dân Việt Nam đều có thể mua được. Nhưng các mẫu xe đó lại hư hỏng nhanh chóng khiến phần đông người Việt đến giờ vẫn còn ái ngại xe Trung Quốc. Do đó, dễ hiểu vì sao người Việt thường có tâm lý "gạt" xe Trung Quốc ra khỏi giỏ hàng xe hơi dù không hiểu gì về công nghiệp xe hơi nước này.

Một nguyên nhân chủ quan khác đó là xe hơi ở Việt Nam đang được mặc định giá quá cao so với thu nhập thấp của đại bộ phận người dân. Vì vậy, người mua xe phải đặt ra khá nhiều điều kiện với chiếc xe mà họ sẽ mua. Đó là phải mẫu mã đẹp, chất lượng, bền bỉ, không lỗi mốt, đi vài năm vẫn bán được giá cao. Vì thế, hiện đa phần người Việt vẫn dựa vào độ uy tín của thương hiệu xe để mua.

Với sự "khó tính" này, các mẫu xe giá rẻ chưa hẳn đã được nhiều người đón nhận. Trong khi đó, những mẫu xe có "thương hiệu", ít thay mẫu, giữ giá, thậm chí có giá đắt vẫn được chọn lựa tích cực.

Một điểm yếu nữa của xe Trung Quốc tại Việt Nam là do các kênh bán chính thức của xe Trung Quốc trước năm 2020 không mở ở Việt Nam. Các doanh nghiệp bán xe Trung Quốc hầu hết là gom mua các loại xe của nhiều hãng khác nhau để bán trên thị trường. Điều này khiến nhiều người Việt lo ngại khi bảo hành và sử dụng lâu dài ở Việt Nam.

Việc một loại hãng xe, thương hiệu xe không thiết lập đại lý, chi nhánh riêng cho thấy các hãng xe Trung Quốc thực sự chưa dám dấn sâu vào Việt Nam. Đối với người có tiền mua ô tô, điều này được xem là khó chấp nhận, bởi bên cạnh yếu tố rẻ, họ còn phải được tận hưởng chính sách hậu bán hàng từ các hãng hoặc mong muốn đối tác bán hàng của mình phải kinh doanh nghiêm túc ở Việt Nam trên cơ sở đặt đại lý phân phối độc quyền ở Việt Nam. Vì vậy, xe ô tô Trung Quốc khó lòng tạo được làn sóng tiêu dùng và điểm nhấn đáng kể đối với khách Việt.

Những năm gần đây, do có lợi thế về dân số hơn 1,2 tỷ dân, thị trường rộng lớn mà nhà đầu tư nào cũng cần nên Trung Quốc đều yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài bắt tay liên kết với hãng xe trong nước hoặc chuyển giao dần công nghệ. Sự bắt tay, học hỏi và được chuyển giao nên các hãng xe nội địa Trung Quốc lớn dần và đưa ra các mẫu xe nội địa hoặc theo kiểu "máy hãng" vỏ gia công, đa phương tiện lai tạo... điều này tạo ra nhiều dòng xe lai, sao chép nhiều mẫu xe lớn trên thế giới.

"Ở Trung Quốc, các mẫu xe này không chịu ảnh hưởng lớn từ thương hiệu nước ngoài, nhưng khi xuất khẩu, chúng sẽ chịu nhiều chỉ trích bởi chính các hãng xe lớn hoặc nghi ngại từ chính người tiêu dùng", một chuyên gia về ô tô cho biết.

Cũng chính sự chắp vá máy móc, kiểu dáng, công nghệ và đa phương tiện, nên có thể nhìn xe Trung Quốc đẹp song người ta đặt câu hỏi về chất lượng các mẫu xe trên có thực sự tốt khi mà nhà sản xuất chưa thể phân phối độc quyền.

Làn sóng thứ tư của xe hơi Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Một làn sóng thứ tư vừa được hình thành sau quy định kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc theo lô cũng được bãi bỏ, thay vào đó là kiểm tra theo mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất. Có nghĩa là, việc nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc năm 2020 trở đi sẽ thông thoáng hơn rất nhiều. Nhiều mẫu xe mới từ nước này có thể về Việt Nam nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN chưa đẩy mạnh nhập khẩu ô tô Trung Quốc. Nhưng khi hết dịch, hoạt động này sẽ được đẩy mạnh. Cùng với đó, ô tô con Trung Quốc từ năm nay cũng bắt đầu được lắp ráp tại Việt Nam.

Trở ngại lớn đối với xe Trung Quốc nhập khẩu nguyên chiếc hiện nay là thuế cao. Ô tô Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu từ 47-70% tùy loại. Với thuế suất này, giá xe không thể giảm thấp. Vì vậy, xe Trung Quốc gặp bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN hưởng ưu đãi thuế 0%.

Mặc dù vậy, đa số xe Trung Quốc vẫn duy trì được giá bán thấp, chỉ bằng gần một nửa so với những mẫu xe thương hiệu Nhật, Mỹ nhập khẩu từ ASEAN cùng phân khúc.

Nếu lắp ráp tại Việt Nam, giá xe sẽ giảm mạnh. Theo tính toán, giá xe khi đó sẽ giảm từ 25-30% so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Chưa kể, DN đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam có thể được hưởng những chính sách ưu đãi lớn sắp ban hành.

Trong năm 2020, thương hiệu xe Anh quốc là MG được doanh nghiệp Trung Quốc mua lại đã bắt tay vào kế hoạch chinh phục thị trường Việt một cách bài bản hơn thông qua mở hàng loạt đại lý, xây dựng nhà phân phối, bảo dưỡng, triệu hồi... Điều này khác với việc bán quyền phân phối, ủy quyền cho một doanh nghiệp khác ở Việt Nam để bán xe.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, lượng xe nhập từ Trung Quốc tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó xe con dưới 9 chỗ ngồi gia tăng cả về lượng lẫn chủng loại.

Cụ thể, tổng lượng xe Trung Quốc nhập về Việt Nam hết tháng 2/2021 đạt 2.000 chiếc, tăng hơn 7,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Các loại xe nhập về có sự gia tăng là xe con dưới 9 chỗ ngồi, xe tải hạng nhẹ và xe chuyên dùng.

Một làn sóng mới đã hình thành, người Việt cũng đang trong lan sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, nhu cầu dùng xe hơi riêng để “tách biệt” với nguy cơ bên ngoài là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một mặt hàng sẽ không nhờ một sự may mắn nhất thời để có được đất sống lâu dài, chúng ta hãy xem lần đổ bộ này của xe Trung Quốc sẽ kết thúc ra sao và chiến lược của lần “tổng tấn công” này là gì.

Tâm Chính



BÀI CHỌN LỌC

Xe hơi Trung Quốc: 3 lần ‘đổ bộ” vào thị trường Việt Nam thất bại, lần thứ tư sẽ ra sao?