Xung đột Nga - Ukriane khiến giá lương thực tăng cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Nga xâm lược Ukraine có ảnh hưởng rất lớn tới ngành lương thực của thế giới. Cả hai nước này đều là những nước sản xuất và xuất khẩu lương thực lớn. Nước nhập khẩu nhiều lương thực từ Ukriane là Trung Quốc đã mua dự trữ lương thực từ trước cuộc chiến.

Việc Nga xâm lược Ukraine, một nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, sẽ làm tăng giá lương thực trên toàn thế giới và làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.

Xung đột Nga - Ukriane làm trầm trọng hóa vấn đề của ngành lương thực

Ukraine là nước có những vùng đất đai màu mỡ nhất thế giới. Theo Nathan Carson, một chuyên gia hậu cần, mặc dù Mỹ không nhập khẩu nhiều lương thực từ Ukraine, nhưng giá ngũ cốc vẫn có khả năng tăng khoảng 10% do áp lực từ thị trường quốc tế.

Ông Carson nói: "Cho dù cuộc chiến này là một cuộc tấn công chặt đầu nhanh chóng (cuộc tấn công nhằm tiêu diệt các vị trí lãnh đạo) mà Nga mong muốn hay là một cuộc chiến kéo dài, thì đều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc gieo trồng vào mùa xuân".

Ông Carson cho biết thêm, cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ra nhiều tổn hại đúng vào thời điểm thị trường đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ukraine chiếm 9% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 15% xuất khẩu ngô toàn cầu và 50% xuất khẩu dầu hướng dương. Nga cũng là một nước xuất khẩu lương thực lớn. Tổng cộng, cả hai quốc gia đóng góp khoảng 1/4 lượng thực phẩm xuất khẩu của thế giới, ông Carson nói thêm.

Tác động ngắn hạn của cuộc chiến Nga- Ukraine lên ngành lương thực

Arlan Suderman, chuyên gia về hàng hóa của StoneX Group, một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, cho biết cuộc xâm lược của Nga có cả tác động dài hạn và ngắn hạn.

Hiện tại, cuộc giao tranh đã làm đóng cửa Biển Đen, con đường vận chuyển chính cho xuất khẩu ngũ cốc của Đông Âu. Các công ty bảo hiểm tàu ​​biển đã tăng mức phí bảo hiểm của họ lên cao tới mức không thể chấp nhận được trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa.

Ông Suderman nói: “Chúng tôi đã có một số tàu bị trúng tên lửa. Có khoảng 100 tàu bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, có cảm giác sẽ không an toàn nếu cố gắng rời cảng tại thời điểm này”.

Ít nhất hai tàu đã bị bắn, mặc dù vẫn chưa rõ bên nào phải chịu trách nhiệm.

Ông Suderman nói: Nga, Ukraine và Romania cộng lại đóng góp hơn 30% sản lượng ngũ cốc thế giới. Nga cũng chiếm 25% lượng dầu hướng dương xuất khẩu. Nếu chiến tranh tiếp diễn, sẽ khó để vận chuyển lượng ngũ cốc này rời khỏi châu Âu.

Ông Suderman cho biết, khí đốt tự nhiên của Nga cũng là một nguồn phân bón quan trọng. “Nếu nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga bị chặn lại bởi cuộc xung đột, thì điều đó không chỉ tạo ra các vấn đề với việc sưởi ấm ngôi nhà của người dân và việc vận hành các ngành công nghiệp ở châu Âu, mà còn làm ngừng hoạt động sản xuất phân bón ở châu Âu. Châu Âu là khu vực xuất khẩu phân bón chính. Điều này càng thắt chặt thêm nguồn cung phân bón vốn rất eo hẹp, cần thiết cho các vụ mùa năm nay trên khắp thế giới”.

Tác động lâu dài của cuộc chiến Nga - Ukraine đối với ngành lương thực

Ông Suderman cho biết xung đột cũng sẽ có một số tác động lâu dài.

Ngay cả khi chiến tranh kết thúc vào tuần tới, Ukraine nhiều khả năng sẽ không thể trồng bất kỳ loại ngũ cốc nào trong năm nay.

Ông Suderman đặt câu hỏi: "Liệu các chủ đất sẽ có thể duy trì quyền sở hữu đối với đất đai của họ? Ai sẽ chi trả cho các đầu vào cần thiết để trồng trọt? Liệu họ có thể tìm đủ đầu vào để sản xuất một vụ mùa không? Và ngay cả khi cuộc giao tranh ngừng lại, liệu họ có thể tin tưởng Putin sẽ không khơi mào chiến tranh một lần nữa hay không?".

Theo ông Suderman, yếu tố tác động lớn nhất đến giá thực phẩm không đến từ chính bản thân thực phẩm. Thức ăn thì rẻ, nhưng vận chuyển lại đắt đỏ.

Ông Suderman nói: “Chính giá dầu thô và khí đốt tự nhiên là các yếu tố tác động lớn nhất đến việc tăng giá lương thực". Cuộc chiến của Putin có thể vẫn sẽ ảnh hưởng đến thị trường lúa mì trong 2 năm tới. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói tương lai sẽ ra sao.

Ông nói: Chiến tranh có thể kết thúc vào chiều nay. Hoặc nó có thể tiếp tục vô thời hạn.

“Chúng ta không biết được mức độ thiệt hại có thể sẽ xảy ra. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến ​​thiệt hại đáng kể đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine. Nhưng mọi thứ chỉ là phỏng đoán tại thời điểm hiện tại".

Còn ông Carson thì cho hay: hiện đã xuất hiện sự khan hiếm dầu ăn trên toàn thế giới. Vào năm 2021, những tên trộm đã lấy trộm dầu ăn đã qua sử dụng từ thùng rác nhà hàng để bán lại. Việc mất nguồn dầu hướng dương từ Nga và Ukraine sẽ làm tình trạng thiếu hụt này trầm trọng hơn.

Putin đã cảnh báo trước cho Tập Cận Bình về chiến tranh?

Ông Carson cho biết một trong những quốc gia nhập khẩu thực phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự gián đoạn từ Ukraine là Trung Quốc. Trung Quốc mua từ 30 đến 60% ngô của Ukraine, tùy thuộc vào từng năm. Năm 2021, Trung Quốc dự trữ khoảng 300.000 đến 700.000 tấn ngũ cốc.

Ông Carson nói: "Có một số suy đoán rằng Putin có thể đã cảnh báo Tập Cận Bình rằng nguồn cung có thể trở nên hạn chế và Trung Quốc có thể cần tăng dự trữ ngô của mình. Và những giao dịch từ sớm về cơ bản đã bảo vệ Trung Quốc khỏi sự tăng giá".

Giá lương thực tăng cao sẽ gây bất ổn xã hội

Theo ông Carson, giá lương thực tăng cao thường ảnh hưởng nhiều nhất đến các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba. Khi giá cả tăng đến mức mọi người phải rất cố gắng mới mua được bánh mì, nó thường dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.

Ông Carson nói rằng giá thực phẩm hiện nay ở Trung Đông đã ở mức tương đương với thời kì các cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập. “Khi bạn tăng giá thực phẩm, bạn sẽ làm gia tăng bất ổn và căng thẳng xã hội".

Ảnh hưởng của cuộc chiến lên người nông dân Mỹ

Xung đột Nga - Ukriane khiến giá lương thực tăng cao
Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn, một nguyên liệu quan trọng cho bánh mì trên toàn thế giới. Ảnh chụp ngày 28/02/2022 tại Rossville, Georgia. (Ảnh: Jackson Elliott: The Epoch Times)

Hiệp hội những người trồng lúa mì quốc gia của Mỹ, một nhóm gồm 20 tổ chức trồng lúa mì, nói với The Epoch Times rằng hiệp hội sẽ tiếp tục theo dõi biến động của thị trường gây ra bởi cuộc chiến giữa hai quốc gia sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới.

Theo hiệp hội, chiến tranh có thể sẽ làm tăng giá ngũ cốc và các sản phẩm đầu vào chính của nó. Ngay cả trước khi xảy ra xung đột, nông dân Mỹ đã đang phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng và những rủi ro về các chi phí đầu vào chính.

Hiệp hội những người trồng lúa mì Mỹ cho biết: “Trong khi chúng tôi lo ngại về biến động của thị trường, chúng tôi cũng quan tâm sâu sắc đến ổn định địa chính trị và những đau khổ không cần thiết đang xảy ra ở Ukraine hiện nay".

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Xung đột Nga - Ukriane khiến giá lương thực tăng cao