Ý chí của Bắc Kinh và các mệnh lệnh hành chính không ngăn được hậu họa của nổ bong bóng BĐS

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bơm tiền qua chính sách tiền tệ nới lỏng, đầu tư hàng ngàn dự án hạ tầng, cung tiền cho các nhà phát triển BĐS... tất cả đều không thể ngăn được hậu họa hỗn loạn tài chính và thất nghiệp đang lan rộng từ vụ nổ bong bóng BĐS ở Trung Quốc. Lý do bởi vì BĐS Trung Quốc, từ lâu, đã tiêu tốn tiền tiết kiệm của dân cư, tài trợ cho chi tiêu tham nhũng của chính quyền từ trung ương đến địa phương, là chủ nợ lớn nhất nền kinh tế..

Một bài nghiên cứu của Kenneth Rogoff và Yuanchen Yang ( pdf ) ước tính rằng lĩnh vực bất động sản chiếm 29% GDP của Trung Quốc. Các vấn đề đến từ sự suy thoái từ từ [mà bền bỉ] của lĩnh vực bất động sản đã kéo theo những thách thức tài chính của các chính phủ địa phương của Trung Quốc và có thể tạo ra một vấn đề tài khóa liên quan cho các tài khoản công của quốc gia.

Bloomberg đưa tin: “Doanh số bán tại các nhà phát triển nhà ở lớn nhất Trung Quốc đã giảm 43% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm trước”, vấn đề đáng kể đối với lĩnh vực tài chính và chính phủ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hứa sẽ huy động gói cứu trợ trị giá 148 tỷ USD để hoàn thành các dự án bất động sản chưa hoàn thành khi sự tức giận gia tăng từ những người mua chưa nhận được nhà sau khi ứng trước các khoản thanh toán đáng kể.

Quy mô của lĩnh vực bất động sản trong nền kinh tế là rất lớn. Tác động của việc sụt giảm doanh số bán BĐS lên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là không thể bù đắp được từ bất kỳ lĩnh vực nào khác trong nền kinh tế Trung Quốc.

Theo S&P Global, doanh số bán bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ giảm khoảng 30% trong năm nay do số lượng người mua nhà ngừng thanh toán cho khoản thế chấp trả trước mua nhà ở Trung Quốc. Cô Esther Liu tại S&P Global Ratings nói với CNBC, điều này có thể tồi tệ hơn năm 2008 khi doanh số bán hàng giảm khoảng 20%. Không có lĩnh vực nào ở Trung Quốc có thể giảm thiểu tác động của việc sụt giảm doanh thu thuế và sản lượng như vậy.

JP Morgan đã giải thích mức độ trầm trọng của vấn đề trong một báo cáo gần đây nhan đề “Hồi chuông cảnh báo thị trường nhà ở của Trung Quốc lại vang lên”. Theo bài báo, “Kể từ hôm 30/06, các yêu cầu đình chỉ thế chấp do giao nhà chậm trễ đã mở rộng đến hơn 300 dự án ở các khu vực khác nhau của Trung Quốc”. Nhóm nghiên cứu cổ phiếu của JP Morgan ước tính rằng những yêu cầu này đại diện cho tổng giá trị là 330 tỷ nhân dân tệ (49 tỷ USD) (hoặc giá trị thế chấp là 132 tỷ nhân dân tệ (20 tỷ USD) giả sử khoản vay 40% giá trị căn nhà).

Các chính quyền địa phương đã chứng kiến ​​doanh thu tài chính của họ giảm 7.9% trong nửa đầu năm 2022 và doanh số bán đất giảm 31.4%. “Trong khi đó, chi phí tài chính của các chính quyền địa phương tăng 6.4% do chi tiêu tài khóa gia tăng liên quan đến chính sách không COVID”. JP Morgan ước tính rằng mức giảm 5% trong đầu tư bất động sản sẽ làm giảm tăng trưởng GDP 0.6 - 0.7% ở nền kinh tế này.

Có những tác động liên quan đến nhiều lĩnh vực và các gia đình. Các nhà phát triển bất động sản là nhà phát hành thương phiếu lớn nhất ở Trung Quốc. Hàng triệu người tiết kiệm đã đầu tư vào trái phiếu và công cụ nợ của các nhà phát triển bất động sản để tạo ra lợi nhuận ổn định và an toàn. Nhưng hiện nay, nhiều nhà phát triển BĐS đang vỡ nợ. Theo ngân hàng ANZ, các khoản vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc đã lên tới 20 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn gấp đôi so với năm ngoái. Trong số 19 vụ vỡ nợ được ghi nhận, 18 đến từ các nhà phát triển bất động sản. Và trong 5 năm qua, chỉ riêng nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng USD, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ 1.000 tỷ USD, khoảng 40% lượng trái phiếu phát hành, theo C-Bonds.

Bất động sản cũng là một động lực liên quan của hoạt động kinh tế trong các ngành dịch vụ và sản xuất khác. Sự sụp đổ của nhiều chủ đầu tư đang tạo ra hiệu ứng dây truyền trên khắp các lĩnh vực phát triển mạnh từ xây dựng và hoạt động mà bất động sản khuyến khích.

Đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu, đây chủ yếu là một vấn đề trong nước và nhiều người dự tính chính phủ sẽ kiềm chế nó thông qua một loạt các gói cứu trợ và bơm thanh khoản cho khu vực tài chính để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng tín dụng. Từ góc độ tài chính, điều này có thể đúng, nhưng không có cách nào để chế độ Trung Quốc ngăn chặn những tác động kinh tế vĩ mô đến từ sự bùng nổ của một bong bóng khổng lồ như vậy. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại, chỉ còn 0.4% trong quý thứ hai, và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang tăng lên mức cao mới.

Chính phủ Trung Quốc có thể kiềm chế được những tác động tài chính của cuộc khủng hoảng bất động sản, nhưng để làm được như vậy, họ sẽ phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP 5.5% cho năm 2022 và có thể giảm mục tiêu năm 2023 xuống một con số nhỏ hơn nhiều. Trong nhiều năm, chế độ đã lo ngại về mức nợ gia tăng trong nền kinh tế Trung Quốc và tỷ trọng gia tăng của lĩnh vực nhà ở, nhưng có vẻ như họ dự kiến ​​sự tăng trưởng và sự cải thiện trong cái gọi là “nền kinh tế mới” sẽ che giấu vấn đề.

Nhiều nhà phân tích quốc tế kỳ vọng Trung Quốc sẽ là nền kinh tế đầu tiên chứng minh rằng họ có thể điều hướng bong bóng bất động sản bằng cách làm xẹp nó thông qua quá trình kế hoạch hóa trung tâm. Có quá nhiều hy vọng vào nền kinh tế kế hoạch có thể can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính và quá ít chú ý đến mức độ của vấn đề.

Rõ ràng là không có lĩnh vực nào có thể làm loãng ảnh hưởng của vụ vỡ bong bóng bất động sản. Ngay cả khi thách thức tài chính được giải quyết thông qua các gói cứu trợ và bơm thanh khoản, tác động sẽ phải thể hiện ở tiền tệ, lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng hoặc tất cả cùng một lúc. Nhiều người tin rằng giải pháp dễ dàng nhất là giảm giá đồng nhân dân tệ, nhưng ngân hàng trung ương biết rằng điều đó không dễ dàng như vậy, vì lạm phát sẽ làm giảm mức sống của một nhóm dân cư vốn đã bất mãn, và phá giá sẽ phá hủy sức mua của tiền lương thực tế và giá trị của khoản tiết kiệm.

Nếu chúng ta có thể học được bất cứ điều gì từ sự sụt giảm bất động sản này thì đó là việc thổi phồng tăng trưởng với bong bóng nhà ở được quy hoạch tập trung không bao giờ dẫn đến một giải pháp dễ dàng và dễ quản lý.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả, Tiến sĩ Daniel Lacalle, và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Đức Duy

Theo The Epoch Times

Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Tự Do Hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương” và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính”.



BÀI CHỌN LỌC

Ý chí của Bắc Kinh và các mệnh lệnh hành chính không ngăn được hậu họa của nổ bong bóng BĐS