Yêu cầu bồi thường 221 tỷ đồng, công ty Việt cáo buộc TikTok vi phạm Luật sở hữu trí tuệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty công nghệ Việt Nam VNG chuẩn bị khởi kiện TikTok do “ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng” này sử dụng trái phép các bản nhạc thuộc sở hữu của Zing, một công ty con của VNG.

Vào ngày 24/8, tờ Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, công ty cổ phần VNG (gọi là Zing) ghi trong Đơn khởi kiện ngày 28/5/2020 gửi đến Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh: Qua kiểm tra, Zing phát hiện nhiều Bản ghi Zing (bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn tác phẩm âm nhạc) bị truyền đạt tới công chúng mà không có sự đồng ý của Zing, [điều này] cấu thành hành vi xâm phạm quyền liên quan theo khoản 8 điều 35 Luật Sở Hữu Trí tuệ.

VNG yêu cầu Tiktok bồi thường thiệt hại hơn 221 tỷ đồng

Theo nội dung đơn này, Zing đã gửi Thư khuyến cáo số 29/2019/ZA-CV ngày 7/6/2019 với dẫn chiếu minh họa một số đoạn âm thanh được TikTok Inc sử dụng trái phép và yêu cầu TikTok Inc phải loại bỏ khỏi ứng dụng TikTok toàn bộ các đoạn âm thanh cắt từ Bản ghi Zing, cũng như ẩn toàn bộ các video có sử dụng các đoạn âm thanh cắt từ Bản ghi Zing (cho tới khi được Zing cấp phép sử dụng).

Zing cũng yêu cầu phía TikTok phản hồi bằng văn bản trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được Thư Khuyến cáo nói trên.

Theo Reuters, VNG đã yêu cầu Tiktok bồi thường thiệt hại hơn 221 tỷ đồng (9,5 triệu đô-la Mỹ)

"Đáng lưu ý là, TikTok đã đưa ra một mô hình kinh doanh rất phức tạp để "lách" luật bản quyền tại Việt Nam", đại diện Hội Âm nhạc Việt Nam đã chia sẻ với hãng tin Reuters.

Một đại diện truyền thông của nguyên đơn xác nhận rằng tòa đã thụ lý vụ kiện hôm 10/8, trong đó cũng yêu cầu TikTok “xin lỗi công khai” VNG.

Được thành lập vào năm 2004 với chưa đầy 100 nhân viên, VNG đã phát triển lên 3.100 nhân viên tại 5 quốc gia. Là công ty khởi nghiệp “hóa kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam, VNG đã phát triển nhiều sản phẩm đa dạng (cung cấp cho hàng chục triệu người dùng) như Zalo, ví di động ZaloPay, nền tảng giải trí Zing MP3 và cổng thông tin Baomoi.

Trong khi đó, TikTok chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 4 năm ngoái, với hơn 1.000 nhân viên tại Việt Nam. Công ty này cũng công bố kế hoạch hợp tác với Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam để thúc đẩy sản xuất nội dung địa phương.

Tính đến tháng 8 này, TikTok có khoảng 10 triệu người dùng với hàng triệu lượt tải clip ngắn lên nền tảng này.

Tiktok bị cáo buộc hỗ trợ và hợp tác trong công tác tình báo do ĐCSTQ kiểm soát

TikTok - thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh - đã nhiều lần bị chỉ trích bởi các chính trị gia Hoa Kỳ khi cáo buộc ứng dụng video dạng ngắn này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, vì mối quan hệ của nó với Bắc Kinh.

Washington cho rằng công ty này có thể bị buộc phải "hỗ trợ và hợp tác với công việc tình báo do ĐCSTQ kiểm soát".

Hôm 6/8, Tổng thống Trump ký lệnh hành pháp yêu cầu ByteDance xóa tất cả dữ liệu thu được từ người dùng TikTok của Hoa Kỳ. Sau đó, ông Trump ra thời hạn 90 ngày để ByteDance bán hoặc thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ.

ByteDance hiện phải tìm người mua cho TikTok hoặc rút khỏi Hoa Kỳ - thị trường sinh lợi nhất của họ. Microsoft là công ty tiên phong trong thương vụ mua bán này, với trị giá ước tính từ 10 tỷ đến 30 tỷ USD.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Yêu cầu bồi thường 221 tỷ đồng, công ty Việt cáo buộc TikTok vi phạm Luật sở hữu trí tuệ