Thời gian qua, nhiều thương hiệu Việt đã thâm nhập thành công thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để hàng Việt vươn ra và đứng vững trên thị trường thế giới thì vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Cuối tháng 5 vừa qua, thương hiệu cà phê Việt Nam King Coffee đã thâm nhập thành công vào hệ thống Costco Wholesale, chuỗi cung ứng bán buôn lớn nhất tại Mỹ và tiếp tục có kế hoạch thâm nhập hầu hết các bang tại Mỹ.
Được biết, năm 2016 sản phẩm cà phê nhãn hiệu King Coffee ra mắt tại Mỹ, đến nay đã phát triển tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), từ năm 2016, doanh nghiệp này đã đưa sản phẩm sữa đặc và creamer đặc lên kệ siêu thị ở bang Arizona và California của Mỹ.
Điều này khiến nhiều người bất ngờ, bởi Mỹ là cường quốc về sản xuất và chế biến sữa với hàng nghìn thương hiệu khác nhau. Đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đi 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trở thành thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới và được định giá thương hiệu lên đến 2,8 tỷ USD.
Việc sản phẩm Việt khẳng định trên thị trường thế giới đã khiến giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng gia tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Báo cáo của Tổ chức định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh Brand Finance cho thấy, nếu như năm 2016, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 141 tỷ USD, thì đến năm 2021 đạt 388 tỷ USD, đến năm 2022 đạt giá trị lên đến 431 tỷ USD.
Mặc dù nhiều thương hiệu Việt đã vươn ra thế giới, thế nhưng nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vẫn mang thương hiệu nước ngoài. Đa phần doanh nghiệp Việt đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên thường sử dụng hình thức xuất khẩu thông qua gia công hoặc xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, sau đó nguyên liệu được đối tác đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ.
Bộ Công Thương cho hay, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đều dưới dạng gia công, doanh nghiệp sau khi nhập về sẽ đóng bao bì, nhãn mác của họ lên sản phẩm gạo Việt Nam để bán cho người tiêu dùng nước sở tại.
Chẳng hạn, gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu do nhà phân phối như Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).
Mặc dù Việt Nam là quốc gia tốp đầu trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu cà phê, nhưng chưa nhiều khách hàng nước ngoài biết đến. Cụ thể, nhiều người Đức vẫn chưa biết Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong khi những gói cà phê họ sử dụng hằng ngày được xuất thô từ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cấp bách hơn bao giờ hết khi nhiều cánh cửa ra thị trường thế giới được mở qua các hiệp định thương mại tự do; xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để hàng hóa Việt Nam duy trì thị phần tại thị trường xuất khẩu.