1 Thế kỷ - 100 Quốc gia - Hơn 1 tỷ em bé tử vong do phá thai

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Số người chết trung bình hàng ngày trong Thế Chiến I là 6.500 người, trong Thế Chiến II là 24.700 người, tính cả trong quân sự và dân sự. Nhưng hiện nay có tới 34.400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày bằng cách phá thai.” - Theo Báo cáo phá thai toàn cầu...

Thomas W. Jacobson là giám đốc dự án Chiến dịch Cuộc sống Toàn cầu, ông đã cùng cộng sự bỏ ra tất cả 36 năm để nghiên cứu về vấn đề phá thai. Năm 2017, Báo cáo Phá thai Toàn cầu đầu tiên của lịch sử nhân loại đã được hoàn tất và đến nay vẫn tiếp tục được cập nhật. Báo cáo đã vén tấm màn được tô vẽ đẹp đẽ về vấn đề phá thai, đồng thời bật mí những hiện thực kinh hoàng được giấu nhẹm trong bóng tối.

Một thế kỷ chết chóc (1920-2020)

Từ năm 1914 đến 1918, trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, 19 triệu người đã tử vong, tương đương 6.500 người chết mỗi ngày. Nhưng con số này chẳng là gì nếu so với Thế chiến thứ II.

Từ năm 1939 đến 1945, trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, 70 triệu người đã vong mạng, tương đương 24.700 người chết mỗi ngày.

Gần 80 triệu người chết trong 12 năm, tương đương với hơn 18.200 người chết mỗi ngày. Tuy nhiên, cả tổng số lẫn số ca tử vong mỗi ngày do 2 cuộc đại chiến vẫn thua xa nạo phá thai.

Từ năm 1921 đến 2019, theo thống kê số liệu chính thức, có hơn 1 tỷ ca phá thai, tương đương với việc mỗi ngày có 34.400 bào thai bị giết chết. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày gấp hơn 5 lần Thế chiến I và hoàn toàn cách biệt so với Thế chiến thứ II.

Khung thời gian Tổng số ca tử vong Số ca tử vong/ngày
Thế Chiến I 1914 - 1918 ~19.000.000 ~6.500
Thế Chiến II 1939 - 1945 ~70.000.000 ~24.700
Nạo phá thai 1921 - 2019 ~1.000.000.000 ~34.400

Giám đốc dự án Chiến dịch Cuộc sống Toàn cầu Jacobson nói: “Đây thực sự là việc đếm số trẻ sơ sinh bị giết”.

Chiến tranh là để bảo vệ chính nghĩa, để hòa bình được tiếp tục, để nhà nhà được an cư, để trẻ em được sống. Thế nhưng, nếu so sánh số người chết trong chiến tranh, sao số thai nhi bị tước đi quyền được khóc lại chênh lệch đến vậy?

Đảng Cộng hòa ủng hộ quyền được sống của thai nhi, phản đối việc nạo phá thai. Đảng Dân chủ có xu hướng tự do cá nhân nên coi việc nạo phá thai là vấn đề lựa chọn của cá nhân.
Đảng Cộng hòa ủng hộ quyền được sống của thai nhi, phản đối việc nạo phá thai. Đảng Dân chủ có xu hướng tự do cá nhân nên coi việc nạo phá thai là vấn đề lựa chọn của cá nhân. (Pixabay)

Thiểu số nắm đa số

Chúng ta vẫn thường nghe câu: “Trước Chúa, mọi người đều bình đẳng”, nhưng đó là với tôn giáo. Tuy nhiên, pháp luật cũng có hiến pháp và chúng ta đang trong một xã hội luôn đòi hỏi quyền bình đẳng trong mọi mặt của đời sống, thế sao bào thai lại là một ngoại lệ bất thành văn, đặc biệt là ở các cường quốc?

Theo Báo cáo Phá thai Toàn cầu, hơn 1 tỷ ca phá thai trong thế kỷ qua (1921-2019) đến từ 100 quốc gia, trong đó:

    1. Trung Quốc dẫn đầu với hơn 400 triệu ca phá thai (40%).
    2. Nga đứng thứ hai với khoảng 219 triệu ca (~ 22%).
    3. Hoa Kỳ đứng thứ ba với hơn 60 triệu ca (~6%).
    4. Ukraina đứng thứ tư với hơn 52 triệu ca (hơn 5%).
    5. Nhật Bản với gần 40 triệu (~4%) xếp thứ năm.

Tiên phong trong việc ban hành chính sách cho phép phá thai là nhà nước liên bang Xô-viết (Soviet Union). Liên bang này đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế cho phép phá thai tính từ ngày 18/11 năm 1920. Khi đó, Ukraina là một phần của Xô-viết.

Nếu tính như vậy, những chính sách từ thời Nga Sô đã mở đường cho 271 triệu ca phá thai trên thế giới. Hơn nữa, cách tính này làm lộ diện quốc gia dự bị cho vị trí thứ 5, chính là Việt Nam, với gần 28 triệu ca phá thai, đóng góp gần 3% vào con số hơn 1 tỷ ca phá thai trong thế kỷ hành quyết thai nhi.

Thai nhi, đối với một số nhóm người, là món hời kếch xù đến từ các dịch vụ nạo phá thai chui ở gần như tất cả các quốc gia.
Thai nhi, đối với một số nhóm người, là món hời kếch xù đến từ các dịch vụ nạo phá thai chui ở gần như tất cả các quốc gia. (Internet)

Phá thai dung hợp với luật pháp

Ngày nay, chúng ta tưởng chừng như phụ nữ được tự do hơn, được lựa chọn quyền sinh nở. Tuy nhiên, nhiều người đã bỏ qua hoàn toàn thiên chức của người phụ nữ và không quan tâm đến khởi nguồn của những chính sách mở đường cho thế kỷ loại bỏ thiên chức này.

Không thể phủ nhận một hiện thực là phụ nữ hiện đại thường cảm thấy mình không sẵn sàng cho sinh nở. Họ sợ mang thai và việc có con dường như là một sự ám ảnh, kể cả sau khi đã có kinh nghiệm. Một thực trạng hiển nhiên khác là những cô gái trẻ đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phá thai.

Cơ sở cho sự thật này đã bắt đầu từ thời Soviet và tiếp tục ở nhiều cường quốc khác.

1935 - Cộng Hòa Iceland

Năm 1935, Iceland tiếp bước Liên Xô, trở thành nước thứ hai hợp pháp hóa việc phá thai. Đến nay, quốc hội Iceland đã thông qua luật cho phép phụ nữ nước này phá thai trước tuần thứ 22 của thai kỳ.

1950 - Trung Quốc Đại Lục

Năm 1950, ĐCSTQ đã bắt đầu hợp pháp hóa việc phá thai nếu người mẹ có bệnh từ trước. Luật tiếp tục được nới lỏng theo thời gian khiến việc nạo phá thai ngày càng được thực hiện tự do và bỏ qua luôn giới hạn về độ tuổi của thai nhi.

Đặc biệt đến năm 1980, chế độ Trung Quốc đưa ra chính sách độc nhất vô nhị tự cổ chí kim: “Chính sách 1 con”. Theo đó, phụ nữ bị bắt buộc phải phá thai nếu vi phạm. Sự “bắt buộc” này là hàng loạt hình thức bức tử thai nhi một cách vô nhân đạo, vẫn còn ám ảnh những nạn nhân còn sống cho đến ngày nay.

1967 - Vương quốc Anh (trừ Ireland)

Năm 1967, Vương quốc Anh thông qua luật Phá thai. Đạo luật này cho phép phá thai giới hạn trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi của thai phụ khi phá thai không bị giới hạn, miễn là có được sự tư vấn và đồng ý cho phá thai của 2 bác sĩ.

1973 - Cộng hòa liên bang Mỹ

Năm 1973, án lệ Roe v. Wade đã đánh dấu bước ngoặt tại Hoa Kỳ khi đục thủng hàng rào thép bảo vệ thai nhi của liên bang và nhiều tiểu bang. Theo đó, Tòa án Tối cao cho phép một phụ nữ mang thai được chọn phá thai mà không bị chính phủ hạn chế quá đáng.

Án lệ này đã đưa Hoa Kỳ một lần nữa vào nội chiến - dù đất nước không bị chia cắt. Những tranh luận bùng nổ và các phong trào chống phá thai bị chính trị hóa. Tuy nhiên, luật thì đã định và gián tiếp dẫn đến cái chết của hơn 60 triệu thai nhi. Chưa đầy nửa thế kỷ, Hoa Kỳ đã bị lọt vào top 3 các nước phá thai nhiều nhất trên thế giới.

Ngược lại với Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ chủ trương cấp tiến, tự do hóa, giải phóng khỏi các ràng buộc về đạo đức vốn được chế ước bởi các giá trị truyền thống, do đó đảng này có xu hướng ủng hộ nạo phá thai. (Getty)
Ngược lại với Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ chủ trương cấp tiến, tự do hóa, giải phóng khỏi các ràng buộc về đạo đức vốn được chế ước bởi các giá trị truyền thống, do đó đảng này có xu hướng ủng hộ nạo phá thai. (Getty)

1988 - Canada

Năm 1988, Canada gặp hoàn cảnh tương tự như Hoa Kỳ. Sau vụ việc R. v. Morgentaler vào năm đó, Tòa án Tối cao Canada cũng loại bỏ luật hình sự về phá thai. Đến năm 1993, Canada chính thức loại bỏ các quy định về phá thai, “giúp” các sản phụ được phép nạo phá thai ở mọi giai đoạn thai kỳ.

Thế nhưng đến nay, tại “quốc gia của nhân quyền” Canada, việc ngăn cản phụ nữ đến phòng khám chuyên khoa để thực hiện giết chết thai nhi lại là vi phạm pháp luật.

Cứ như thế, trong suốt một thế kỷ, làn sóng “tự do” đã hòa tan các điều luật phá thai vào đời sống gây ra cái chết thương tâm cho hơn 1 tỷ em bé trên hơn 100 nước. Liệu có cuộc đại diệt chủng nào mang tính chất toàn cầu hóa và được hợp pháp như vậy không?

Lật án oan cho hơn 1 tỷ người

“Đây sẽ là kỷ nguyên quay trở lại với truyền thống của Mỹ, kỷ nguyên phá thai hợp pháp sẽ phải kết thúc.” - Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố trong nhiệm kỳ của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời cũng nói rằng ông Trump là Tổng thống chống phá thai mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Sau án lệ Roe v. Wade năm 1973, tỷ lệ nạo phá thai tại Mỹ gần như chưa bao giờ giảm. Nhưng chỉ trong trong 4 năm, TT Trump đã khiến tỷ lệ nạo phá thai của Mỹ giảm xuống tới mức thấp nhất trong hơn 4 thập niên, kể từ năm 1974.

Trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, ông Trump cũng tuyên bố: “Nếu tái đắc cử, tôi sẽ tiếp tục hành động để hoàn toàn xóa sổ ngành công nghiệp phá thai lớn bao gồm Tổ chức Planned Parenthood (KHHGĐ) vốn hoạt động bằng tiền thuế của chúng ta".

Hy vọng lật lại án phá thai dường như đã sáng sủa thêm khi Amy Coney Barrett - một Thẩm phán rất cứng rắn đối với quyền phá thai - đã chính thức đặt chân vào Tối cao Pháp Viện Mỹ vào ngày 26/10/2020.

Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử vài ngày tới, thì Hoa Kỳ rất có thể sẽ tạo ra 1 làn sóng chống phá thai, chấm dứt 1 thế kỷ “phá thai hợp pháp” trên thế giới, trả lại sự vô tội của hơn 1 tỷ thai nhi.

Minh Sang

Tài liệu tham khảo:
(1). The Epoch Times tiếng Anh
(2). Báo cáo phá thai toàn cầu

(3). Luật phá thai (Wikipedia)
(4). Phá thai ở Trung Quốc (Wikipedia)



BÀI CHỌN LỌC

1 Thế kỷ - 100 Quốc gia - Hơn 1 tỷ em bé tử vong do phá thai