10 lầm tưởng phổ biến về dinh dưỡng thực phẩm (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu hết chúng ta hiểu rằng việc duy trì sức khỏe tốt và tuổi thọ cần có một chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, các lầm tưởng phổ biến về thực phẩm và những câu chuyện mâu thuẫn thường ảnh hưởng đáng kể đến cách chúng ta lựa chọn đồ ăn.

--> Xem lại: 10 lầm tưởng phổ biến về dinh dưỡng thực phẩm (Phần 1)

Lầm tưởng số 6: Ăn thịt đỏ gây bệnh tim

Ban đầu, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết về mối liên hệ tiềm tàng giữa thịt đỏ và bệnh tim. Tuy nhiên, bằng chứng gần đây cho thấy thịt đỏ có khả năng góp phần vào sự phát triển của ung thư đại trực tràng.

Mặc dù một số báo cáo đã chỉ ra mối liên quan giữa việc ăn thịt đỏ và tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là những phát hiện này chứng minh mối tương quan chứ không phải quan hệ nhân quả.

Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều thịt đỏ cũng có xu hướng ăn nhiều thức ăn nhanh hơn so với những người ăn ít thịt đỏ. Do đó, người ta phải xem xét yếu tố này trước khi cho rằng thịt đỏ tự nó gây ung thư.

Hơn nữa, thịt đỏ không đáp ứng cả ba tiêu chí để được phân loại là chất gây ung thư. Không có đủ dữ liệu thực nghiệm thuyết phục để chứng minh rằng việc tiêu thụ thịt đỏ có liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư.

Trái ngược với dữ liệu quan sát vốn chỉ có thể thiết lập mối liên hệ, một thử nghiệm lâm sàng đã không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và nguy cơ tái phát u tuyến đại trực tràng. U tuyến, trong khi lành tính, có thể biến thành khối u ung thư.

Rodgers nói: “Thực phẩm truyền thống, giàu chất dinh dưỡng như thịt không phải là thứ đang giết chết chúng ta. Nói một cách hợp lý, rất khó để đổ lỗi cho những thực phẩm lâu đời nhất là nguyên nhân gây ra những căn bệnh mới nhất”.

Lầm tưởng số 7: Tất cả các loại ngũ cốc đều gây viêm

Trong những năm gần đây, các chuyên gia dinh dưỡng tin rằng ngũ cốc có thể gây ra chứng viêm mãn tính. Theo Volpe, mặc dù có một số sự thật đối với quan điểm này, nhưng nó không cung cấp bức tranh toàn cảnh.

Cô nói: “Các sản phẩm ngũ cốc làm từ bột mì đã qua chế biến kỹ (như bột mì đa dụng được làm giàu, tẩy trắng) dường như có nhiều tác dụng gây viêm nhiễm hơn trên cơ thể đối với một số người”.

Cô ấy nói thêm: “Điều này có thể là do bột mì đã qua chế biến có thể nuôi sống các vi khuẩn rối loạn sinh học trong ruột - sau đó có thể gây ra phản ứng viêm nhiễm”.

Phản ứng viêm thường được quan sát thấy nhiều hơn ở các loại ngũ cốc tinh chế, vốn đã được lai tạo và loại bỏ các chất dinh dưỡng có lợi của chúng.

Lầm tưởng số 8: Mật ong cũng giống như đường tinh luyện

Bất chấp những điểm tương đồng ban đầu, nghiên cứu sâu rộng đã xác nhận rằng mật ong khác biệt đáng kể so với đường tinh luyện. Ví dụ, đường tinh luyện làm gián đoạn quá trình trao đổi chất, góp phần làm tăng cân và có khả năng thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, mật ong sở hữu các đặc tính chống viêm đáng chú ý có thể điều chỉnh hệ thống miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và có khả năng chống ung thư.

Mặc dù mật ong có hàm lượng đường cao, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng nó có thể không ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng đường trong máu như đường trắng và thậm chí có thể có đặc tính chống bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu tin rằng các hợp chất riêng biệt của mật ong góp phần vào các tác động khác nhau của nó đối với quá trình chuyển hóa đường.

Nghiên cứu phân biệt rõ mật ong với đường tinh luyện. Tuy nhiên, những người mắc bệnh thận hoặc tiểu đường nên coi mật ong tương tự như đường, theo khuyến nghị của Volpe. Nên chọn mật ong địa phương, chưa tiệt trùng, tốt nhất là được dán nhãn “không đun nóng”.

Lầm tưởng số 9: Bơ đậu phộng là nguồn giàu protein

Các nhà tiếp thị thực phẩm thường quảng cáo bơ đậu phộng là một nguồn protein tốt, nhưng các chuyên gia không đồng ý với tuyên bố này. Mặc dù bơ đậu phộng có chứa một số protein, nhưng nó không được coi là một nguồn protein toàn diện.

Theo Morell và Rodgers, các nguồn protein tốt nhất cung cấp đầy đủ các axit amin. Chúng bao gồm các loại thực phẩm như thịt, trứng và sữa. Tuy nhiên, bơ đậu phộng thiếu một số axit amin, khiến nó trở thành một loại protein không hoàn chỉnh.

Rodgers khuyên rằng lý tưởng nhất là chúng ta nên ưu tiên protein động vật để đảm bảo có được tỷ lệ axit amin tối ưu.

Lầm tưởng số 10: Hương vị tự nhiên là vô hại

Hương vị tự nhiên được tìm thấy trong các sản phẩm từ ngũ cốc đóng hộp đến nước có ga đến bột protein. Chúng được bổ sung trong các sản phẩm thực phẩm để tăng hương vị và mùi vị. Thuật ngữ “tự nhiên” cho thấy thành phần này vô hại hoặc thậm chí có lợi cho sức khỏe con người.

Trên thực tế, “hương vị tự nhiên” chỉ nhiều (đôi khi hơn 100) các thành phần riêng lẻ được sử dụng để tạo nên một “hương vị tự nhiên” duy nhất. Trong một số trường hợp, các thành phần được sử dụng để tạo ra hương vị tự nhiên thậm chí không có nguồn gốc tự nhiên, thậm chí còn liên quan đến các hậu quả sức khỏe nghiêm trọng như bệnh thoái hóa thần kinh.

Thật không may, người tiêu dùng không biết chính xác các thành phần được sử dụng để tạo ra hương vị tự nhiên, vì các công ty thực phẩm không bắt buộc phải tiết lộ danh sách thành phần.

Do sự mơ hồ của hương vị tự nhiên, một số chuyên gia dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe khuyến cáo các cá nhân hạn chế tiêu thụ hương vị tự nhiên, thay vào đó, họ nên tiêu thụ thực phẩm có thành phần đã biết.

Theo Vance Footberg từ The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Vance Voetberg là nhà báo tự do của The Epoch Times có trụ sở tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Anh có bằng Cử nhân Báo chí và mong muốn trình bày những tin tức liên quan đến sức khỏe một cách trung thực, truyền cảm hứng. Anh ấy là người sáng lập blog dinh dưỡng “Running On Butter.”



BÀI CHỌN LỌC

10 lầm tưởng phổ biến về dinh dưỡng thực phẩm (Phần 2)