10 nhóm người 'ưu tiên' tiêm vaccine Covid-19 ở TP. HCM và những điều cần chuẩn bị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai sẽ là những người tiêm vaccine Covid-19 tại TP. HCM vào ngày 19/6 và cần chuẩn bị những gì trước, sau khi tiêm vaccine?

Ngày 18/6, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM ký văn bản về những nhóm ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo đó, số lượng vaccine tiêm cho tất cả nhóm này khoảng 2,38 triệu liều. Trong đó, 1,1 triệu liều dành cho người sống ở quận Gò Vấp, phường Tân Thới Nhất, phường Thạnh Lộc (quận 12) và công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Riêng công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp là 320.000 liều.

10 nhóm đối tượng sẽ ưu tiên tiêm vaccine

  1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch là nhóm đầu tiên.
    Trong đó có hơn 85.000 người làm việc trong các cơ sở y tế và hơn 63.000 người tham gia phòng, chống dịch. Cùng với đó là 3.800 người trong lực lượng quân đội và hơn 23.000 người trong lực lượng công an.
  2. Những người làm công việc ngoại giao, xuất nhập cảnh.
  3. Nhóm thứ ba là 1.816 nhân viên hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
  4. Nhóm thứ tư là gần 29.000 người cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước.
  5. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
  6. Nhóm thứ sáu là người mắc bệnh mạn tính. Riêng nhóm này Sở Y tế chưa có thống kê số lượng.
  7. Nhóm thứ bảy là người trên 65 tuổi với hơn 608.000 trường hợp.
  8. Người sinh sống tại các vùng có dịch. Trong đó có gần 677.000 người dân sinh sống tại quận Gò Vấp; gần 120.000 người tại phường Tân Thới Nhất và phường Thạnh Lộc (quận 12); và 320.000 công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
  9. Nhóm thứ chín là hơn 202.000 người nghèo, các đối tượng chính sách.
  10. Nhóm thứ mười là 100 người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

Trước đó, ngày 17/6, TP. HCM được Chính phủ phân bổ thêm 836.000 liều vắc xin AstraZeneca. Đây là đợt phân bổ thứ 4 và là đợt lớn nhất từ trước đến nay.

Dự kiến từ ngày 19/6 thành phố sẽ triển khai tiêm chủng với 1.000 điểm tiêm, kéo dài trong 5 đến 7 ngày.

Cần chuẩn bị gì khi được tiêm vaccine Covid-19?

Theo Sở Y tế TP. HCM, trước khi đến điểm tiêm chủng, người dân cần mang theo chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vaccine khác… sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có).

Khi tới điểm tiêm, người dân có trách nhiệm chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin như:

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại (có đang bị sốt, mắc bệnh cấp tính không…);
  • Bệnh lý mạn tính đang mắc phải hoặc điều trị;
  • Loại thuốc, liều trình điều trị đã hoặc đang sử dụng gần đây;
  • Từng mắc Covid-19 hay chưa;
  • Các loại vaccine tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua;
  • Đang mang thai hoặc nuôi con bú hay không.

Đặc biệt, bạn cần thông báo với nhân viên y tế nếu có tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào. Nếu tiêm mũi vaccine thứ 2, người tiêm phải thông báo các phản ứng của cơ thể trong lần tiêm chủng đầu tiên.

Ngoài ra, người dân nên chủ động tìm hiểu và hỏi nhân viên y tế về:

  • Loại vaccine được tiêm, lịch tiêm mũi tiếp theo;
  • Các dấu hiệu có thể xuất hiện và cách xử lý;
  • Cơ sở y tế, số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Cần làm gì sau khi tiêm vaccine?

Người dân nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau tiêm để được nhân viên y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng, tác dụng phụ. Khi về nhà, nơi làm việc, người tiêm nên chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân trong vòng 3 tuần sau đó. Ngoài ra, giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19 nên được giữ lại.

Bạn có thể gặp một số dấu hiệu thông thường sau tiêm vaccine phòng Covid-19 như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn…

Phản ứng nào là nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine?

Các dấu hiệu nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau tiêm phòng, bao gồm:

Vị trí Phản ứng nghiêm trọng
Miệng Tê quanh môi và/hoặc đầu lưỡi
Da Phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da
Họng Ngứa, căng cứng, tắc nghẽn, khản đặc
Đường tiêu hóa Nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng
Toàn thân Mạch yếu, chóng mặt, choáng, cảm giác muốn ngã, tay chân co quắp…

Khi các phản ứng nặng lên, người bệnh sẽ bị sốt cao >39 độ C, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, huyết áp không ổn định.

Sau khi tiêm vaccine Covid-19, nếu gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường nêu trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám. Sau đó, người dân cần cập nhật trên sổ sức khỏe điện tử.

Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm 150 triệu liều vaccine Covid-19

Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc. Để chuẩn bị cho đợt tiêm 150 triệu liều vaccine COVID-19, Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, nhà kho bảo quản vaccine.

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã đàm phán và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Tính đến 15/6, Việt Nam đã tiêm chủng cho trên 1,55 triệu người với gần 60.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Số người đã được tiêm chủng (một mũi) tương đương 2,1% số người có chỉ định tiêm chủng.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

10 nhóm người 'ưu tiên' tiêm vaccine Covid-19 ở TP. HCM và những điều cần chuẩn bị