10 thói quen mà hầu hết chúng ta không để ý, nhưng lại âm thầm làm tổn hại sức khỏe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có nhiều thói quen tưởng như bình thường, cũng có thể là do chúng ta thấy hầu như ai ai cũng đều làm như vậy, nhưng về bản chất, chúng không hề an toàn và đang âm thầm gây tổn hại cho sức khỏe của chính bạn.

Dưới đây là 10 thói quen xấu mà rất nhiều người mắc phải:

1. Hiếm khi giặt gối

Hầu hết chúng ta đều xem nhẹ việc vệ sinh vỏ gối. Tuy nhiên, trong quá trình nằm ngủ, vỏ gối sẽ liên tục tích tụ khá nhiều tóc, dầu, lông và vô số mạt bụi từ cơ thể.

Theo chuyên gia làm sạch Shannon Lush, tương tự việc bạn vệ sinh cơ thể hàng ngày, vỏ gối cũng cần giặt sạch và thay mới hai ngày một lần. Nguyên nhân là vì vỏ gối thường xuyên tiếp xúc với tóc, mà tóc lại giống như "chổi lau nhà".

Bà Lush nói rằng, trong khi ngủ, các tế bào da chết sẽ rơi xuống gối và tích tụ ở đó. Mặt khác, gối bẩn là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành của mụn đầu đen.

2. Thức ăn còn nóng không nên cho vào tủ lạnh

Có một quan niệm tương đối phổ biến rằng, đặt thức ăn còn nóng đưa vào tủ lạnh rất nguy hiểm, vì nó sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Kiểm tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ, các loại vi khuẩn gây bệnh như salmonella, E. coli và botulinum phát triển nhanh nhất ở nhiệt độ từ 4 đến 60°C. Chúng thậm chí tăng gấp đôi số lượng cứ sau 20 phút.

Vì vậy, bảo quản thực phẩm còn nóng trong tủ lạnh vẫn là một lựa chọn tốt. Nhưng điều cần quan tâm ở đây là chúng có tác động đến tuổi thọ của tủ lạnh không.

Thực ra, đối với những tủ lạnh tốt, tác động của thức ăn còn nóng không thực sự lớn, nhưng chúng sẽ phần nào khiến điện năng tiêu thụ tăng lên.

3. Ám ảnh với việc dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày

Yêu sạch sẽ là một thói quen tốt, nhưng nếu ngày nào bạn cũng chỉ chăm chăm làm sạch nhà cửa đến mức không tì vết, thì bạn lại trở thành người "nghiện sạch sẽ". Nói chung, đây không phải là một điều tốt.

Ngoài việc khiến cơ thể và tâm trí của bạn mệt mỏi, việc dọn dẹp thường xuyên có nghĩa là bạn phải tiếp xúc với khói bụi và hóa chất tẩy rửa hàng ngày. Điều đó có thể gây tổn thương cho da và phổi.

4. Tẩy tế bào chết mỗi ngày

Một số phụ nữ tẩy da chết hàng ngày vì tin rằng nó sẽ giúp làn da trở nên đẹp và sáng hơn. Tuy nhiên, làm như vậy có thể khiến da bạn khô và nhạy cảm hơn, dễ bị nhiễm trùng.

Vậy thì tần suất tẩy da chết như thế nào là tốt nhất? Thực ra, bạn chỉ cần thực hiện mỗi tuần một lần là đủ.

5. Thường xuyên sử dụng chất khử trùng và nước tẩy rửa

Chất khử trùng chứa cồn giúp tiêu diệt hầu hết vi trùng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên sử dụng chúng trên da thường xuyên. Bởi nó có thể làm cho da của bạn khô hơn.

Thông thường, rửa tay bằng nước rửa tay chuyên dụng hoặc xà phòng diệt khuẩn cũng đủ để tiêu diệt hầu hết vi trùng.

6. Đánh răng nhiều hơn 3 lần một ngày

Đánh răng là việc mà tất cả chúng ta đều phải làm hàng ngày. Tùy thuộc vào thói quen cá nhân, cách thức và tần suất đánh răng của mỗi người sẽ không giống nhau.

Một số người có thể đánh răng ba lần một ngày vào sáng, trưa và tối, tức sau mỗi bữa ăn là họ đều chải răng.

Tuy nhiên, đánh răng đúng cách chỉ cần hai lần một ngày (vào sáng và tối) là đủ để bảo vệ răng của bạn. Đánh răng quá mạnh và quá nhiều có thể làm hỏng men răng.

7. Nấu bằng chảo chống dính

Chảo chống dính là một sản phẩm rất được ưa chuộng hiện nay, vì nó cho phép chúng ta nấu nướng thỏa thích mà không lo thức ăn bị dính vào đáy nồi.

Vấn đề là khi nhiệt độ tăng, lớp phủ trên bề mặt nồi cũng có thể bị bong và thải ra một số khói độc, từ đó gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe.

8. Tắm nắng trong thời gian dài

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên thực sự tốt cho cơ thể và có thể giúp chúng ta bổ sung vitamin D.

Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, ngay cả khi bạn bôi kem chống nắng, có thể gây hại cho da do tiếp xúc lâu dài với tia UV, khiến da bị lão hóa nhanh hơn.

9. Sử dụng chất khử mùi thường xuyên

Cơ thể ra nhiều mồ hôi khiến bạn phải thường xuyên sử dụng chất khử mùi, nhưng để tạo ấn tượng và làm tăng cảm giác tự tin khi đối diện với người khác, có người thậm chí phụ thuộc nó quá mức.

Vấn đề là, lạm dụng chất khử mùi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bạn, vì trong nó có một số paraben và diethanolamine có thể liên quan đến ung thư vú.

10. Ăn thức ăn đựng trong hộp nhựa

Nhựa có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là khi liên quan đến thực phẩm.

Theo Daily Mail, các dụng cụ nấu ăn hoặc đồ đựng thức ăn bằng nhựa có chứa chất oligomers, vốn có thể ngấm vào thức ăn khi ở nhiệt độ cao trên 70°C.

Con người sẽ có nguy cơ mắc bệnh gan và tuyến giáp, thậm chí bị vô sinh, ung thư hay cholesterol cao nếu hấp thụ chất này với liều lượng lớn.

Mặt khác, thường xuyên ăn thức ăn nóng trong hộp nhựa, xốp hay túi nilon sẽ làm giảm số lượng tinh trùng, bởi vì các vật dụng làm từ nhựa đều chứa nhiều hóa chất độc hại có thể xâm nhập vào cơ thể.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

10 thói quen mà hầu hết chúng ta không để ý, nhưng lại âm thầm làm tổn hại sức khỏe