11 lý do khiến mỡ bụng tăng lên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi trọng lượng cơ thể chúng ta tăng lên, bụng là một trong những bộ phận nổi bật nhất trên cơ thể. Một dấu hiệu khác của việc tăng cân đó chính là: Bạn không thể mặc vừa quần jean nữa. Nguyên nhân nào khiến mỡ bụng tăng khi người ta béo lên?

1. Thực phẩm và đồ uống có đường

Bánh ngọt, kẹo, sữa chua đông lạnh, đồ uống có hương vị cà phê, nước ngọt và trà có đường chỉ là một số loại thực phẩm và đồ uống có đường phổ biến nhất.

Mặc dù thật khó để nói "không" với những thực phẩm - đồ uống hấp dẫn này, nhưng chúng rất có thể là thủ phạm khiến bạn bị béo bụng.

Các loại thực phẩm bổ sung đường như xi-rô ngô có fructose cao được lưu trữ dưới dạng chất béo. Vì vậy, bạn cần đọc kỹ nhãn mác trên bao bì để đảm bảo chắc chắn loại đường được thêm vào là gì.

Nói chung, khi bạn thèm một thứ gì đó ngọt như đường, hãy dùng một miếng trái cây tươi để thay thế.

2. Rượu

Uống rượu điều độ có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Nhưng uống rượu bia quá nhiều không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn làm tăng mỡ bụng.

Rượu ức chế quá trình đốt cháy chất béo, nó cũng chứa nhiều đường; lượng calo dư thừa có trong rượu được lưu trữ dưới dạng mỡ bụng. Đó cũng là lý do vì sao người ta gọi thuật ngữ béo bụng là "bụng bia".

3. Chất béo chuyển hóa

Chất béo chuyển hóa là chất béo không lành mạnh thường được thêm vào thực phẩm đóng gói để kéo dài thời hạn sử dụng.

Ngoài việc có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, bao gồm bệnh tim và kháng insulin, chế độ ăn giàu chất béo chuyển hóa cũng có thể góp phần làm tăng mỡ bụng.

Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi ăn bánh nướng xốp và nghĩ về vòng eo của bạn.

4. Ít vận động

Số người ít vận động ngày càng tăng trong vài năm qua. Điều đó một phần là do sự phổ biến của điện thoại thông minh, truyền hình kỹ thuật số và các thiết bị khác khiến bạn dán mắt vào chiếc ghế dài hàng giờ.

Những người ít vận động có nhiều khả năng bị béo bụng nghiêm trọng hơn những người có lối sống năng động.

Vì vậy, hãy đi cầu thang bộ để đi làm, đỗ xe xa hơn khi bạn đi mua sắm và duy trì hoạt động tích cực hơn bằng cách ghi lại số bước bạn đi mỗi ngày.

5. Chế độ ăn ít protein

Nếu bạn muốn ngăn chặn việc tăng cân, bạn nên ăn những thực phẩm lành mạnh giàu protein, vì nó sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất, do đó bạn giữ được cảm giác no lâu.

Chế độ ăn ít protein theo thời gian có thể dẫn đến tăng mỡ bụng. Ăn ít protein làm tăng sản xuất neuropeptide Y (NPY), một loại hormone được biết là làm tăng cảm giác thèm ăn và giảm mỡ bụng.

6. Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột

Có hàng triệu vi khuẩn trong ruột của chúng ta, một số vi khuẩn tốt cho sức khỏe trong khi một số vi khuẩn khác lại gây ra vấn đề. Duy trì sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột là điều quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể.

Một số nghiên cứu cho rằng, một trong những lý do dẫn đến tăng cân và béo bụng là do mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Firmicutes, một loại vi khuẩn được gia tăng khi tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng calo cao, có nhiều ở những người béo phì.

7. Căng thẳng và Cortisol

Cortisol, một loại hormone căng thẳng được sản xuất bởi tuyến thượng thận, cũng là một loại hormone căng thẳng và cần thiết để tồn tại.

Tuy nhiên, khi cortisol được sản xuất quá mức, nó có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt là xung quanh vòng eo. Khi bị căng thẳng, một số người có xu hướng ăn quá nhiều, đó là lý do vì sao họ dễ tăng cân và béo bụng.

8. Chế độ ăn ít chất xơ

Chất xơ rất quan trọng cho quá trình trao đổi chất lành mạnh và kiểm soát cân nặng. Chế độ ăn giàu chất xơ hòa tan làm giảm sự tích tụ mỡ ở bụng, trong khi chế độ ăn ít chất xơ và nhiều carbohydrate tinh chế thì ngược lại.

Chất xơ cũng giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột được đề cập trong mục 6 ở trên. Chất xơ giúp nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi.

9. Di truyền

Một số người có vòng eo dày do yếu tố di truyền. Cơ thể chúng ta tích trữ chất béo như thế nào thì gen đóng một vai trò rất lớn.

Nhưng chúng ta có thể lựa chọn lối sống tích cực hơn như cắt giảm lượng đường, tập thể dục, thiền để giảm căng thẳng và ăn nhiều thực phẩm nguyên chất hơn.

Tất cả các yếu tố này đều quyết định cách biểu hiện của các gen lưu trữ chất béo.

10. Thiếu ngủ

Thiếu ngủ có thể dẫn đến tăng cân và béo phì. Nếu bạn ngủ không ngon giấc, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại, quá trình hồi phục và phục hồi bị cản trở.

Những người ngủ không ngon có xu hướng ăn đồ ăn nhẹ có đường để tiếp thêm năng lượng cho cả ngày.

Một vấn đề ảnh hưởng đến giấc ngủ là chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một chứng rối loạn giấc ngủ, trong đó mô mềm chặn đường thở, khiến việc thở liên tục bị ngừng lại.

Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông mắc chứng này có nhiều mỡ bụng hơn những người đàn ông không mắc bệnh này. Hãy đến một phòng khám chuyên khoa về giấc ngủ để xem liệu bạn có gặp phải vấn đề này hay không.

11. Phương pháp thể dục sai

Nếu bạn đã dành quá nhiều thời gian trong phòng tập thể dục và dường như không thể loại bỏ mỡ bụng, có lẽ bạn đang tập không đúng. Bạn hãy bắt đầu bằng cách nâng tạ hoặc tập luyện cường độ cao.

Để giảm mỡ ở những vùng cứng đầu như bụng, điều quan trọng là phải thúc đẩy quá trình trao đổi chất của các cơ.

Bây giờ bạn đã biết một số nguyên nhân gây tăng mỡ bụng, đã đến lúc thay đổi lối sống. Có một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống năng động là chìa khóa để có một thân hình lý tưởng và sức khỏe suốt đời.

Tác giả: Lisa Roth Collins là một Nhà dinh dưỡng toàn diện, và bài viết này xuất hiện lần đầu trên naturalysavvy.com.

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

11 lý do khiến mỡ bụng tăng lên