12 loại thức ăn nguồn gốc tự nhiên giúp thải độc cho cơ thể - Phần 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không giống như nhiều chu trình và sản phẩm thải độc phiền phức và tốn kém phổ biến tràn lan trên Internet, thực phẩm là cách tốt nhất giúp cơ thể bạn loại bỏ độc tố và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe...

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, và cũng là ‘trạm xử lý’ chất độc cho cơ thể. Trong hoàn cảnh hiện nay môi trường đang tràn ngập hóa chất, cơ thể bị quá tải và nhu cầu giải độc cho gan là thực sự rất cần thiết. Tiếp nối phần I, chúng ta hãy cùng tham khảo tiếp 6 loại thực phẩm giúp hỗ trợ và tăng cường quá trình thải độc cho cơ thể sau đây:

7. Tảo lục Chlorella

Tảo lục Chlorella là một loại rong đặc biệt thường sống ở vùng nước ngọt. Đây là loại tảo có hàm lượng chlorophyll cao nhất, đạt tới 28,9g/kg. Tên tảo lục bắt nguồn từ Hy Lạp, chloros có nghĩa là màu xanh và ella có nghĩa là nhỏ bé. Kích thước của rong chỉ bằng tế bào hồng cầu người.

Nếu kim loại nặng và chất diệt cỏ nổi tiếng do độc tố, thì tảo lục được các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Châu Âu chứng minh là có khả năng bẻ gãy chúng. Nhiều độc tố sau khi đi vào cơ thể đã bị Chlorella bám dính và bất hoạt, cuối cùng là loại bỏ khỏi cơ thể. Cơ chế này đã được ứng dụng để giải độc thuốc trừ sâu như Chlordecone trên người, hay chữa cho người mắc PCB (polychlorobiphenyl - chất độc được biết đến với khả năng gây ung thư, phá hủy miễn dịch, hệ thần kinh, sinh sản, hệ nội tiết v.v...)

Trông nhỏ bé và không xinh đẹp lắm nhưng rất nhiều tác dụng cho sức khỏe... (Wikipedia)

Cũng không thể không kể đến giá trị dinh dưỡng của tảo lục Chlorella với đầy đủ các loại acid amin và vitamin, khoáng chất đa lượng và vi lượng, các acid béo không no, acid nucleic, canxi, kẽm, magie, sắt, chất xơ... Các nghiên cứu đã chỉ ra, tảo lục chứa lượng Vitamin A cao gấp 5,8 lần cà rốt, Canxi cao gấp 1,6 lần sữa, Sắt cao gấp 13 lần gan lợn và B1 gấp 1,3 lần men vô cơ...

8. Nghệ

Nghệ không chỉ làm tăng tiết mật mà còn làm tăng chất lượng của mật, mà mật càng nhiều thì gan giải độc càng hiệu quả. Nhiều thử nghiệm cũng cho thấy việc uống nước có nghệ làm tăng khả năng giải độc của gan.

Theo khoa học, nghệ có hoạt chất curcumin có tác dụng làm sạch gan, lọc máu, tăng cường chức năng tiêu hóa, loại bỏ các độc tố khỏi cơ thể. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Phần Lan và Hồng Kông cũng cho thấy curcumin có thể ngăn chặn hoạt tính của gen NF-kappaB, là thủ phạm chính gây ra các bệnh về gan. Nói cách khác, nghệ giúp gan cả trong phòng bệnh và chữa bệnh.

Gừng cũng được biết đến với tác dụng làm dịu chứng buồn nôn. Nó được sử dụng hiệu quả trong điều trị ốm nghén hoặc buồn nôn do hóa trị... (Pixabay)

(Curcumin trong nghệ thậm chí có khả năng bảo vệ tế bào gan khỏi sự phá hủy của nồng độ cồn cao trong máu.)

9. Củ cải đường

Thế kỷ XIX chứng kiến sự lên ngôi của củ cải với khả năng sản xuất đường, nhưng ít ai biết tới công dụng của chúng trong y khoa. Củ cải đường giúp thúc đẩy giải độc ở gan, giúp trị bệnh gan. Bên cạnh đó, betacyanin - thứ nhuộm màu đỏ thẫm cho củ cải - có công dụng kìm hãm sự phát triển của một số loại ung thư. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients vào năm 2015 cũng chỉ ra nước ép củ cải đường có thể khuếch đại các enzyme giúp hỗ trợ thải độc.

Betacyanin - thứ nhuộm màu đỏ thẫm cho củ cải - có công dụng kìm hãm sự phát triển của một số loại ung thư... (Pixabay)

Ngoài ra, củ cải đường rất giàu chất xơ nên cực kỳ có ích cho nhu động ruột, góp phần làm giảm táo bón và đồng thời giúp hạ huyết áp.

10. Việt quất

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Applied Physiology, Nutrition, and Metabolism, việt quất (blueberry) nằm trong danh sách quả mọng giúp tăng cường hệ thống phòng thủ bảo vệ cơ thể, đẩy mạnh hoạt động của các tế bào tiêu diệt ung thư tự nhiên.

Bên cạnh đó, việt quất còn chống oxy hóa, giúp làm giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa bệnh Alzheimer và là một loại quả vô cùng ngon miệng.

Việt quất còn chống oxy hóa, giúp làm giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa bệnh Alzheimer và là một loại quả vô cùng ngon miệng... (Pixabay)

11. Rau mùi

Một nghiên cứu được công bố trên Scientific World Journal vào năm 2013 cho thấy rau mùi có khả năng tăng cường bài tiết thủy ngân và giảm hấp thụ chì, hai chất độc phổ biến và khó đào thải.

Rau mùi còn chứa một lượng lớn các axit béo omega 3 và omega 6 giúp chống viêm. Bên cạnh đó, Vitamin A, C trong rau mùi có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy hệ thống miễn dịch cơ thể, còn chất diệp lục lại có tác dụng chống các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm gây ra.

Theo cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi, cả rễ, lá và quả mùi đều là vị thuốc chữa bệnh vì có chứa tinh dầu, trong đó quả chín phơi hay sấy khô của cây mùi là bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu.

Mùi đâu chỉ có lợi cho sức khỏe, hoa mùi còn rất xinh phải không... (Pixabay)

12. Gừng

Thành phần dinh dưỡng trong củ gừng bao gồm:

    • Các khoáng chất thiết yếu: natri, sắt, kali, magie, phốt pho và kẽm
    • Các vitamin thiết yếu: Vitamin C, Vitamin nhóm B (B2, B3, B6, B9)
    • Chất chống viêm và chống oxy hóa: axit pantothenic, beta-carotene, capsaicin, curcumin, axit axetic và salicylate
    • Các hợp chất khác: shogaol, zerumbone, terpenoids, flavonoid, paradol và zingerone
Bạn có thể nghiền gừng cho vào nước nóng để uống, cách này cho hiệu quả tốt nhất. Nếu chưa quen, bạn có thể ngậm kẹo gừng, ăn gừng ngâm chua hoặc bánh quy gừng sau bữa ăn... (Pixabay)

Nhờ những thành phần dinh dưỡng này, gừng giúp đường tiêu hóa thải độc nhờ tăng khả năng chuyển hóa thức ăn trong ruột đồng thời loại bỏ chất thải ra phân.

Một đánh giá nghiên cứu đăng trên tạp chí International Journal of Preventive Medicine vào năm 2013 cho thấy gừng còn có tác dụng chống viêm, chống ung thư đồng thời cung cấp nhiều chất chống oxy hóa cho cơ thể.

Thiên Chân
- Theo foodrevolution.org.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

12 loại thức ăn nguồn gốc tự nhiên giúp thải độc cho cơ thể - Phần 2