12 lợi ích sức khỏe của quả đu đủ, một số kiểu người nên tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đu đủ chứa rất nhiều dinh dưỡng và enzym có thể ngăn ngừa bệnh tật bằng cách chống lại các gốc tự do, cải thiện hệ miễn dịch và giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Tuy nhiên, một số kiểu người cần thận trọng.

12 tác dụng sức khỏe của quả đu đủ

- Hỗ trợ tiêu hóa

Papain là một loại enzym chiết xuất từ vỏ quả đu đủ. Nó giúp phân giải các protein thành các đoạn nhỏ hơn, giúp thức ăn được tiêu hóa dễ dàng.

Khi tiêu hóa ở ruột, chất xơ có trong đu đủ sẽ hấp thụ nước và làm tăng khối lượng phân, kích thích ruột co bóp và đẩy phân ra ngoài. Đại tiện thường xuyên sẽ ngăn ngừa nguy cơ chất độc ngấm từ phân vào máu.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh

Phản ứng viêm, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, ô nhiễm môi trường và các tác nhân khác có thể sinh ra nhiều gốc tự do trong cơ thể.

Các gốc tự do gây rối loạn hoạt động bình thường của tế bào, hoặc thậm chí phá hủy chúng khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn và mắc nhiều bệnh tật.

Một số bệnh liên quan đến các gốc tự do bao gồm: Alzheimer, Parkinson, tắc động mạch, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, đục thủy tinh thể, da lão hóa, tóc bạc, bệnh lý đái tháo đường ở người già…

Đu đủ chứa carotenoid, là một trong những chất chống oxy hóa có thể trung hòa các gốc tự do. Nhờ vậy, nó ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm thiểu tình trạng thương tổn tế bào.

Vitamin C trong đu đủ cũng là một chất chống oxy hóa mạnh, có thể tăng cường chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh tật.

Trong 100g đu đủ xanh chứa 74-80mg vitamin C. Theo khuyến nghị, nam giới trưởng thành mỗi ngày nên dùng 90mg vitamin C, đối với nữ là 75mg.

Vitamin C trong đu đủ cũng là một chất chống oxy hóa mạnh, có thể tăng cường chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh tật.
Vitamin C trong đu đủ cũng là một chất chống oxy hóa mạnh, có thể tăng cường chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh tật. (Pexels)

- Ngăn ngừa các bệnh về mắt

Đu đủ chứa các chất có tác dụng bảo vệ thị lực, bao gồm: lutein, zeaxanthin, vitamin C và vitamin E.

  • Lutein là một chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng chống lại các gốc tự do có hại cho mắt.
  • Cả zeaxanthin và lutein bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính… Tiếp xúc với ánh sáng xanh kéo dài có thể gây ra các vấn đề về mắt như mờ mắt, mỏi mắt, khô mắt, thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể, (theo Vinmec).
  • Đối với mắt, vitamin C giúp bảo vệ và chống lại các bức xạ tia cực tím, từ đó ngăn ngừa tình trạng viêm.
  • Vitamin E có thể thúc đẩy lưu thông máu và cải thiện thị lực, (theo Tuổi trẻ).

- Giảm cân

Đu đủ có một lượng chất xơ tan, khi tiêu hóa ở ruột, chúng có thể tồn tại dưới dạng gel, tạo cảm giác no lâu, giúp ngăn ngừa nguy cơ thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều.

Mặt khác, đu đủ cũng có hàm lượng calo thấp. Nhờ vậy, bạn có thể ăn loại quả này nhiều hơn và xem nó như một biện pháp hỗ trợ giảm cân mà không lo đến vấn đề tăng cân trở lại, (theo báo Sức khỏe & Đời sống).

- Tốt cho xương

Một số nghiên cứu phát hiện mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và lượng vitamin K thấp. Theo đó, vitamin K sẽ giúp xương chắc khỏe nhờ cải thiện mật độ xương bằng cách giảm bài tiết canxi qua nước tiểu, giúp cơ thể hấp thụ canxi tối đa, từ đó giảm nguy cơ gãy xương.

Trong khoảng 140g đu đủ chín chứa 3.6mcg vitamin K. Với tác dụng như trên của vitamin K, ăn đu đủ thường xuyên sẽ giúp bảo vệ sự chắc khỏe của xương, ngăn ngừa tình trạng gãy xương do mật độ xương thấp (loãng xương).

Ăn đu đủ thường xuyên sẽ giúp bảo vệ sự chắc khỏe của xương, ngăn ngừa tình trạng gãy xương do mật độ xương thấp (loãng xương).
Ăn đu đủ thường xuyên sẽ giúp bảo vệ sự chắc khỏe của xương, ngăn ngừa tình trạng gãy xương do mật độ xương thấp (loãng xương). (Pxhere)

- Giảm viêm

Trong đu đủ chứa hai enzym có khả năng chống viêm gồm enzym papain và enzym chymopapain, chúng đều có tác dụng thủy phân các protein thành polypeptide và acid amin. Trong đó, papain có hoạt tính phân giải cao gấp nhiều lần so với chymopapain.

Nghiên cứu vào năm 2013 được công bố trên Tạp chí Nutrient cho thấy, enzym papain có thể ngăn chặn các phức hợp miễn dịch gây bệnh và giảm nguy cơ sưng viêm.

- Giảm đường huyết

Enzym papain trong đu đủ bảo vệ bệnh nhân tiểu đường khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra.

Bên cạnh đó, đu đủ cũng là một thực phẩm có chỉ số đường huyết vừa phải với GI khoảng 60. Đối với các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, GI thường từ 70 - 100.

Mặt khác, flavonoid trong đu đủ còn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và ngăn chặn bệnh tiểu đường tuýp 2.

- Ngăn ngừa bệnh tim

Cholesterol trong máu tăng cao có thể gây ra một số bệnh liên quan đến tim mạch.

Chất xơ trong đu đủ có thể làm giảm cholesterol bằng cách giảm chất béo LDL (Low density lipoprotein Cholesterol) và tăng chất béo HDL (High density lipoprotein Cholesterol).

Chất béo LDL chứa mật độ lipoprotein thấp và được coi là cholesterol xấu trong cơ thể, điều này ngược lại với chất béo HDL, (theo Viện dinh dưỡng).

Trong khi đó, kali đóng vai trò như một chất làm giãn mạch, giúp thành mạch máu giảm bớt căng thẳng, hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn.

140g đu đủ chín chứa khoảng 360mg kali, tăng cường hấp thụ kali và giảm bớt natri là biện pháp tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.

Chất xơ trong đu đủ có thể làm giảm cholesterol bằng cách giảm chất béo LDL (Low density lipoprotein Cholesterol) và tăng chất béo HDL (High density lipoprotein Cholesterol).
Chất xơ trong đu đủ có thể làm giảm cholesterol bằng cách giảm chất béo LDL (Low density lipoprotein Cholesterol) và tăng chất béo HDL (High density lipoprotein Cholesterol). (peakpx - CC0)

- Tốt cho da và tóc

Đu đủ cũng rất tốt cho da và tóc nhờ vitamin C, vitamin E và vitamin A. Trong đó:

  • Vitamin C giúp duy trì collagen, vốn là một khối xây dựng quan trọng, cung cấp khả năng đàn hồi và giảm tình trạng nếp nhăn hoặc đường nhăn trên da.
  • Vitamin E lại rất tốt cho người da khô nhờ khả năng dưỡng ẩm. Loại vitamin này cũng có tác dụng chống lão hóa, sáng mịn làn da nhờ khả năng làm mờ sẹo thâm.
  • Vitamin A đóng vai trò như một nguyên liệu cần thiết để sản xuất bã nhờn và giữ ẩm cho tóc, nó cũng đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển của da và tóc.

- Chống ung thư

Nghiên cứu trên động vật cho thấy, enzym papain (được tìm thấy trong đu đủ chín) có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư.

Nhờ vitamin C, đu đủ cũng có tác dụng nhất định đối với bệnh nhân ung thư trong và sau khi điều trị. Vitamin này tăng cường sản xuất tế bào lympho và thực bào, giúp chống lại nhiễm trùng, nó cũng bảo vệ các tế bào này khỏi bị hư hại trước sự tấn công của các gốc tự do.

- Ngăn ngừa hen suyễn

Chất beta-carotene có trong đu đủ có thể chuyển đổi thành vitamin A, giúp hệ thống miễn dịch chống lại các cơn hen suyễn.

Ngoài ra, vitamin C và E cũng có thể ngăn chặn các gốc tự do, vốn có thể gây hại cho tế bào và gây viêm, kích ứng phổi của bệnh nhân hen.

Chất beta-carotene có trong đu đủ có thể chuyển đổi thành vitamin A, giúp hệ thống miễn dịch chống lại các cơn hen suyễn, (theo báo Tiền phong).
Chất beta-carotene có trong đu đủ có thể chuyển đổi thành vitamin A, giúp hệ thống miễn dịch chống lại các cơn hen suyễn, (theo báo Tiền phong). (pickpik)

- Chống lại nhiễm virus

Chất enzym papain có thể điều trị nhiễm trùng do nấm và virus trên da. Nó phá hủy lớp protein bảo vệ virus và nấm, chống lại sự tấn công và làm giảm khả năng sinh sản cũng như lây lan của virus.

Ai nên hạn chế ăn đu đủ?

Đu đủ là một loại quả nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên có 8 kiểu người không nên ăn nhiều:

  • Phụ nữ mang thai. Đu đủ còn sống chứa nhiều mủ, có thể kích hoạt co thắt tử cung và gây sảy thai ngoài ý muốn.
  • Người mắc bệnh suy gan. Lá đu đủ có thể kích hoạt và làm tăng nồng độ men GGT, bilirubin và ALP, vốn liên quan đến bệnh gan.
  • Người có nhịp tim không đều. Quả đu đủ chứa một lượng nhỏ cyanogenic glycoside, là một axit amin có thể ảnh hưởng đến nhịp tim nếu hấp thụ quá nhiều.
  • Người bị suy giáp. Cyanogenic glycoside cũng có thể cản trở quá trình tổng hợp và chuyển hóa iot trong cơ thể.
  • Người bị dị ứng. Khi ăn đu đủ, người bị dị ứng có thể xuất hiện các triệu chứng sưng miệng, ngứa mặt và cổ họng, phát ban trên lưỡi…
  • Người bị sỏi thận. Vitamin C có trong đu đủ có thể góp phần hình thành sỏi canxi oxalat.
  • Người tiêu hóa kém. Ăn nhiều đu đủ có thể gây tiêu chảy hay đầy hơi.
  • Người bị hạ đường huyết. Loại quả này có thể dẫn đến triệu chứng run rẩy và tim đập nhanh, (theo Zing).

Bảo Vy tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

12 lợi ích sức khỏe của quả đu đủ, một số kiểu người nên tránh