27 sự thật về Helicobacter pylori

Giúp NTDVN sửa lỗi

Helicobacter pylori (vi khuẩn HP) là một trong những yếu tố quan trọng gây bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng hay thậm chí ung thư.

Năm 2005, Barry Marshall và Robin Warren đã được trao giải Nobel Sinh lý học cho công trình tiên phong về vi khuẩn Helicobacter pylori (gọi tắt là HP).

Theo lời của Ủy ban Nobel, cả hai đã được vinh danh “vì đã phát hiện ra vi khuẩn Helicobacter pylori, cũng như vai trò của nó trong bệnh viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng”.

Hiện nay, vi khuẩn HP đang dần trở nên phổ biến. Nhưng người ta cũng nhận ra rằng, nó không chỉ liên quan đến bệnh viêm dạ dày hay loét dạ dày tá tràng, mà còn liên quan mật thiết đến bệnh ung thư dạ dày.

Mặc dù vậy, vốn hiểu biết của nhiều người về Helicobacter pylori vẫn còn tương đối hạn chế. Dưới đây là 27 vấn đề mà bạn có thể quan tâm nhất dưới góc độ chuyên môn, thực ra cũng là những thắc mắc phổ biến liên quan đến vấn đề này.

1. Có nhiều người xung quanh chúng ta bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori không?

Nhiều, và tỷ lệ không thấp!

Có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm HP giữa các nhóm tuổi khác nhau, người càng lớn tuổi thì tỷ lệ nhiễm HP càng cao.

2. Nhiễm Helicobacter pylori gây hại gì cho cơ thể?

100% bệnh nhân nhiễm HP đều bị viêm dạ dày mãn tính, tức là viêm dạ dày HP.

Ngoài ra, 15% đến 20% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP bị loét dạ dày tá tràng (bao gồm cả loét dạ dày hoặc loét tá tràng),

5% đến 10% mắc chứng khó tiêu liên quan đến vi khuẩn HP (đầy bụng, ợ hơi, trào ngược axit, ợ hơi),

Các khối u ác tính ở dạ dày (ung thư dạ dày, u lymphoma MALT) xảy ra đối với 1-3% bệnh nhân.

Mặc dù hầu hết những người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc biến chứng, nhưng các tổn thương trong dạ dày đang âm thầm phát triển và ngày càng nặng hơn.

3. Nhiễm HP như thế nào? Làm thế nào để ngăn chặn?

HP có thể lây từ người này sang người khác, chủ yếu là lây truyền qua đường miệng.

Thói quen ăn uống chung là nguyên nhân quan trọng khiến tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori cao; chẳng hạn như dùng chung bát đũa, dùng chung cốc nước, dùng chung đĩa đựng bát đĩa.

Trên thực tế, việc thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống chung là không thực tế và không cần thiết. Vì đây là văn hóa lâu đời của người phương Đông nói chung.

Vì vậy, một gợi ý hợp lý là cả gia đình nên kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn HP và cùng nhau điều trị để loại bỏ nguồn lây bệnh.

4. Nhiễm vi khuẩn HP có gây ung thư dạ dày không?

Nhiễm khuẩn HP là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố môi trường gây ung thư dạ dày.

Ung thư biểu mô tuyến dạ dày loại ruột chiếm phần lớn trong số các bệnh ung thư dạ dày, hiện nay chúng ta biết rằng mô hình xuất hiện của ung thư dạ dày loại ruột như sau:

Niêm mạc dạ dày bình thường → viêm dạ dày nông → viêm dạ dày teo → chuyển sản ruột → loạn sản → ung thư dạ dày.

Nhiễm Helicobacter pylori có thể gây viêm dạ dày mãn tính, đồng thời cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện cũng như phát triển của teo niêm mạc dạ dày và chuyển sản ruột.

5. Có vẻ không phải là vấn đề gì to tát, HP có thể điều trị khỏi không?

Nhiễm Helicobacter pylori không nhất thiết dẫn đến ung thư dạ dày. Tuy nhiên, nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn rất nhiều so với những người không có khuẩn HP.

Mặc dù nhiều người không xuất hiện triệu chứng, nhưng điều này không đồng nghĩa rằng họ có thể chủ quan. Việc không có triệu chứng có thể là do mức độ tổn thương do vi khuẩn HP gây ra chưa đạt đến mức độ nhất định.

Chắc chắn rằng Helicobacter pylori là vi khuẩn có hại cho cơ thể con người, một khi đã nhiễm thì khó có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trừ khi có sự can thiệp chủ động, còn không thì vi khuẩn HP không tự giảm.

6. Việc tiệt trừ Helicobacter pylori có thể ngăn ngừa ung thư dạ dày không?

Có nhiều yếu tố gây ra ung thư dạ dày, và khuẩn HP chỉ là một trong số đó.

Mặc dù không thể khẳng định tiệt trừ hết Helicobacter pylori thì bạn sẽ tránh được ung thư dạ dày, nhưng đó là phương pháp chính xác nhất mà chúng ta có thể làm để giảm khả năng mắc bệnh này.

Việc loại bỏ vi khuẩn HP đặc biệt có lợi ở những bệnh nhân không có triệu chứng và sau khi cắt bỏ ung thư sớm bằng nội soi, giảm 34% nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Ngoài ra, loại bỏ khuẩn HP ở giai đoạn viêm dạ dày nông có thể ngăn ngừa gần như 100% nguy cơ mắc ung thư biểu mô tuyến dạ dày loại ruột.

7. Có khả năng tái nhiễm sau khi chữa khỏi HP không?

Bạn vẫn có thể bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nhiễm hàng năm sau khi tiệt trừ thành công là dưới 3%.

Nói chung, bạn vẫn có khả năng tái nhiễm nếu người bạn ăn cùng không được chữa khỏi cùng nhau.

8. Vi khuẩn HP có thể được điều trị trong khi mang thai không?

Trừ khi cần thiết, việc khám và điều trị trong thời kỳ mang thai thường không được khuyến khích.

9. Làm thế nào để được coi là đã khỏi bệnh (tiệt trừ vi khuẩn HP thành công)?

Kiểm tra hơi thở một lần nữa và kết quả là âm tính. Nhưng hãy cẩn thận với việc tái nhiễm.

10. Tôi nên đến bệnh viện khám vi khuẩn HP ở khoa nào?

Để điều trị dứt điểm bệnh HP và viêm dạ dày, bạn hãy đến khám tại Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa.

11. Làm thế nào để phát hiện HP? Kiểm tra hơi thở là gì?

Xét nghiệm hơi thở (13C hoặc 14C) là xét nghiệm không xâm lấn được sử dụng phổ biến nhất trong thực hành lâm sàng.

Các phương pháp xét nghiệm khác bao gồm xét nghiệm huyết thanh học (lấy máu), và xét nghiệm kháng nguyên trong phân (xét nghiệm phân) ít được sử dụng hơn.

HP cũng có thể được phát hiện bằng cách sinh thiết trong quá trình nội soi dạ dày, phương pháp này phù hợp cho những người cần nội soi dạ dày.

12. Điều trị HP như thế nào? Tôi nên dùng thuốc trong bao lâu?

Để có phương án điều trị cụ thể, bạn vui lòng tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và lập phương án điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Khuyến cáo sử dụng phác đồ 4 thuốc tiêu chuẩn.

Việc kéo dài đợt điều trị từ 10-14 ngày có thể cải thiện tỷ lệ tiệt trừ Helicobacter pylori ở một mức độ nhất định, nhưng cũng có sự khác biệt đáng kể theo vùng về tỷ lệ kháng kháng sinh.

13. Điều trị bằng thuốc chống HP có làm tổn thương cơ thể không?

Kế hoạch điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori có ít nhất 2 loại kháng sinh và liệu trình điều trị từ 10-14 ngày.

Việc sử dụng kháng sinh sẽ làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột trong thời gian ngắn, nhưng sự thay đổi về tính đa dạng và thành phần của hệ vi khuẩn đường ruột có thể được phục hồi sau 2 tháng.

Do đó, việc diệt trừ Helicobacter pylori theo tiêu chuẩn thường không mang lại hậu quả bất lợi nghiêm trọng (lạm dụng kháng sinh, lây lan vi khuẩn kháng thuốc, béo phì, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh viêm ruột, hen suyễn dị ứng, v.v.).

Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc cần dựa trên cơ địa cá nhân, những bệnh nhân bị dị ứng với một số loại kháng sinh trước đó nên thông báo cho bác sĩ tiền sử dị ứng của bạn để tham khảo khi lựa chọn thuốc.

14. Ăn thực phẩm gì dễ lây nhiễm vi khuẩn HP?

HP là bệnh lây truyền qua đường miệng từ người sang người, con người là vật chủ của nó, trong thực phẩm không có vi khuẩn HP.

Tuy nhiên, nước không sạch và thức ăn sống có thể có Helicobacter pylori. Một nguyên nhân chủ yếu khác là do dùng chung bộ đồ ăn và dụng cụ rửa với người có bệnh.

15. Có thực phẩm hoặc bài thuốc Đông y nào như tỏi, mật ong, bồ kết… có thể điều trị được HP không?

Không. Bạn hãy đến bệnh viện tiêu hóa tiêu chuẩn khám chữa bệnh.

16. Bạn trai tôi cứ nấc lên khi ăn và nói rằng bụng anh ấy không tốt, tôi phải làm sao đây?

Nên phát hiện vi khuẩn HP bằng xét nghiệm hơi thở, nếu có thể nội soi dạ dày thì tốt hơn.

17. Bạn trai bị hôi miệng, có phải bị nhiễm vi khuẩn Hp không?

Hoàn toàn có thể, nhưng 80% trường hợp hôi miệng là do các bệnh lý răng miệng và nha chu. Nguyên nhân do vi khuẩn HP không nhiều.

18. Tôi đã bị viêm dạ dày teo rồi, liệu điều trị HP có còn ích lợi gì không?

HP phải được loại trừ trong viêm dạ dày teo; mặc dù viêm dạ dày nông là giai đoạn phù hợp nhất để điều trị, nhưng miễn là không có yếu tố đối kháng, điều trị tiệt trừ khuẩn Helicobacter pylori bất cứ lúc nào cũng có lợi.

19. Sau khi điều trị khuẩn HP, tôi cảm thấy bụng khó chịu hơn, có chuyện gì vậy?

Hãy chú ý đến chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt, chờ một thời gian bạn sẽ thấy dễ chịu hơn;

20. Trẻ em có phù hợp để sử dụng liệu pháp tiệt trừ vi khuẩn HP không?

Trừ khi cần thiết, còn không thì bạn đừng nên khám và điều trị cho trẻ em dưới 14 tuổi; trọng tâm là phòng chống nhiễm khuẩn. Khoảng 10% trẻ em có thể tự động loại bỏ vi khuẩn HP.

21. Sau khi điều trị, tôi phải làm gì nếu tái khám vẫn cho kết quả dương tính?

Đừng vội điều trị lại, tạm thời ngưng thuốc hơn 3 tháng, tốt nhất là 6 tháng. Ngoài ra, bạn nên tìm bác sĩ mà mình có thể tin tưởng để điều trị lại.

22. Có vaccine phòng tránh nhiễm khuẩn HP không?

Vaccine đang được nghiên cứu, nhưng hiện tại không có.

23. Tôi sắp có con, liệu tôi có di truyền cho con không?

Các cặp vợ chồng đang cố gắng thụ thai được khuyến cáo nên xét nghiệm và điều trị sớm vi khuẩn Helicobacter pylori. Khoảng 70% người trưởng thành nhiễm khuẩn HP là đã có bệnh từ trước 10 tuổi.

24. Hôn nhau thì có bị lây không?

Có thể. Dù sao thì bạn đã chọn kết hôn với anh ấy, tại sao không xét nghiệm và điều trị trước?

25. Tôi xin hỏi, tôi không bị bệnh về dạ dày, độ tuổi nào là thích hợp nhất để loại bỏ vi khuẩn HP?

Liệu pháp loại bỏ thực sự được khuyến cáo cho tất cả người lớn (14 tuổi trở lên), tốt nhất là trước 40 tuổi.

26. Tôi bị phát hiện nhiễm bệnh, có phải cách ly khỏi gia đình không?

Không cần, bạn chỉ cần hình thành thói quen sống tốt.

27. Ai nên điều trị vi khuẩn Helicobacter pylori?

Nếu bạn có triệu chứng, xuất hiện các hiện tượng như loét dạ dày hoặc tá tràng, hoặc bạn là người từng có tiền sử loét thì nên làm xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm khuẩn HP.

Việc xét nghiệm không được khuyến nghị đối với người không có triệu chứng hay tiền sử loét dạ dày. Mặc dù vậy, những người có tiền sử gia đình hoặc lo lắng về ung thư dạ dày cũng nên khám xét nghiệm.

Nhiễm Helicobacter pylori không phải là nhiễm coronavirus mới, vì vậy đừng hoảng sợ. Thực ra, sự lây truyền Helicobacter pylori ở người lớn là rất hạn chế.

Ở nhà, bạn nên chú ý không dùng chung khăn, ăn uống chung. Điều này không chỉ nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn Helicobacter pylori, mà còn là một thói quen sống tốt mà chúng ta nên hình thành.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

27 sự thật về Helicobacter pylori