3 lưu ý khi uống nước để tránh vô tình làm hại thận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu hỏi thắc mắc rằng: “Uống nhiều nước và đi tiểu nhiều hơn có thể bảo vệ thận, nhưng không phải đi tiểu nhiều hơn cũng làm tăng khối lượng công việc của thận hay sao? Nếu thận hoạt động quá nhiều thì có bị kiệt sức không? Thực ra, thận của con người là cơ quan chính điều chỉnh sự cân bằng nước của cơ thể, uống nhiều nước sẽ không gây hại cho thận, ngược lại còn có tác dụng bảo vệ hệ tiết niệu. Nhưng hãy chú ý uống nước đúng cách.

1. Tại sao uống nhiều nước lại bảo vệ thận?

Cơ thể con người có hai quả thận đảm trách nhiệm vụ lọc máu. Sau khi máu đi vào cầu thận, nó sẽ được lọc để tạo thành nước tiểu ban đầu. Sự khác biệt giữa nước tiểu và máu ban đầu là không chỉ tế bào máu và protein đại phân tử, mà các thành phần khác đều giống huyết tương. Khi nước tiểu ban đầu chảy qua ống thận, hầu hết nước, chất điện giải, glucose và các chất hữu ích khác trong nước tiểu ban đầu được tái hấp thu trở lại máu, chỉ còn lại axit uric, urê và các chất thải chuyển hóa khác, một phần nước và chất điện giải. Chúng kết hợp với nhau tạo thành nước tiểu thực và bài tiết ra khỏi cơ thể.

Điều gây hại cho thận không phải là tổng lượng nước tiểu, mà là nồng độ của nước tiểu. Khi cơ thể thiếu nước, nước tiểu sẽ bị cô đặc, đồng thời tăng nồng độ các chất thải chuyển hóa trong đó có thể sinh ra các tinh thể kết tủa, hình thành sỏi và gây hại cho thận. Vì vậy, hãy uống nhiều nước để đảm bảo lượng nước tiểu đầy đủ, từ đó sẽ bảo vệ thận.

2. Uống quá nhiều nước sẽ không gây hại cho thận

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng uống quá nhiều nước sẽ làm tăng khối lượng công việc của thận và gây hại cho thận. Tuy nhiên, khả năng làm việc của thận bị nhiều người đánh giá thấp. Hai quả thận của cơ thể con người có từ 1 triệu đến 2 triệu nephron, và chỉ 25% đến 30% trong số chúng cần được sử dụng để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của cơ thể con người.

Do đó, khi uống nhiều nước, cơ thể con người sẽ mở ra nhiều nephron hơn để hoạt động, đồng thời không tạo gánh nặng cho thận. Phần nước dư thừa sẽ được đào thải ra ngoài cùng với nước tiểu để làm loãng nước tiểu tránh sự kết tủa của các chất thải chuyển hóa trong nước tiểu, các tinh thể đã hình thành cũng sẽ tan ra, có tác dụng ngăn cản quá trình hình thành sỏi. Lượng nước tiểu tăng lên cũng có tác dụng “rửa sạch” hệ tiết niệu, giảm khả năng vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào niệu đạo, ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

3. Tránh uống nước không đúng cách

Uống nhiều nước sẽ không gây hại cho thận, nhưng uống nước sai cách có thể ảnh hưởng không tốt đến thận.

  • Không nên chỉ uống nước khi khát: Nhiều người đã quen khát nước rồi mới uống, nhưng khi khát thì thực ra cơ thể đã bắt đầu thiếu nước, não bộ sẽ nghĩ rằng cơ thể người đã vào "trạng thái thiếu nước"; lúc này, vùng dưới đồi tăng tiết hormone chống bài niệu (ADH), làm tăng khả năng tái hấp thu nước của ống thận, và nước tiểu sẽ cô đặc hơn, có thể gây tổn thương cho thận.
  • Không nên uống nước chè vằng và canh rau ngót thường xuyên: Trong thành phần của sỏi thận, canxi oxalat chiếm 80%, là loại sỏi được hình thành do sự kết hợp của axit oxalic và canxi trong nước tiểu. Trong rau ngót và chè có chứa axit oxalic, axit oxalic dễ tan trong nước. Do đó, nếu bạn thường xuyên uống trà đậm và canh rau ngót sẽ dẫn đến việc hấp thụ quá nhiều axit oxalic, và có nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Không thay nước lọc bằng đồ uống khác: Nhiều loại đồ uống có thêm nhiều đường để tạo mùi vị, nạp quá nhiều đường có thể gây béo phì, gây xơ vữa động mạch, hẹp động mạch thận và gây hại cho thận.

4. Cách uống nhiều nước đúng cách là uống một lượng nhỏ nhiều lần

Nước trong cơ thể con người sẽ thường xuyên bị tiêu hao khi thở, đổ mồ hôi, đại tiện, tiểu tiện và các phương thức bài tiết khác, trong các hoạt động bình thường, một người trưởng thành sẽ mất khoảng 2000ml ~ 2500ml nước mỗi ngày. Rau, cơm và trái cây ăn hàng ngày chứa một lượng nước nhất định và một số nước được tạo ra khi các chất dinh dưỡng được chuyển hóa, do đó, người trưởng thành nên uống khoảng 2000ml nước mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cơ thể của họ.

Tuy nhiên, không nên uống một lúc 2 lít nước, nếu không, một lượng lớn nước đổ vào trong thời gian ngắn sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tuần hoàn. Cách đúng là chia 2000ml nước mỗi ngày thành nhiều phần và uống cách nhau từ 1 đến 2 giờ. Nếu trời nóng hoặc đổ nhiều mồ hôi khi vận động, bạn nên tăng lượng nước uống lên một cách hợp lý.

Tóm lại, uống nhiều nước không những không gây hại cho thận mà còn có tác dụng bảo vệ thận rất tốt. Đảm bảo hơn 2000ml mỗi ngày, khi uống nước cần chú ý tránh uống sai cách, đúng cách là uống từng ngụm nước và chia làm nhiều lần trong ngày.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

3 lưu ý khi uống nước để tránh vô tình làm hại thận