4 bệnh ung thư có thể chữa khỏi thành công kể cả ở giai đoạn cuối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao bệnh ung thư thường khi phát hiện thì đã bước vào giai đoạn cuối? Liệu bệnh nhân ung thư nên tiếp tục điều trị khi bệnh trạng đã trở nặng không? Thực tế, bệnh ung thư không nhất định là án tử với bất cứ ai.

Liệu bạn nên tiếp tục điều trị khi ung thư đã ở giai đoạn cuối không?

Liệu có cần thiết phải tiếp tục điều trị nếu ung thư đã ở giai đoạn cuối? Đây là một vấn đề khó quyết định đối với nhiều thân nhân của người mắc ung thư.

Trước tiên chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của bác sĩ.

1. Một số bệnh ung thư có thể được chữa khỏi ngay cả khi ở giai đoạn cuối

Ung thư giai đoạn cuối không nhất định là án tử hình đối với bất cứ ai.

Nó là một khái niệm rất rộng. Đối với những tổn thương đơn lẻ, chưa di căn xa, bằng cách phẫu thuật kịp thời và hóa trị bổ trợ cũng có thể chữa khỏi tận gốc và giúp kéo dài mạng sống.

2. Đầu tiên hãy chọn phương pháp xạ trị và hóa trị để kéo dài sự sống

Đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tạm thời không thể phẫu thuật được, họ có thể sử dụng hóa trị hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu để thu nhỏ tổn thương và kiểm soát bệnh. Sau đó tiến hành phẫu thuật để chữa khỏi triệt để.

3. Sau khi khối u đã di căn, điều trị làm giảm triệu chứng là chính

Trước tình trạng khối u di căn lan rộng và không còn cơ hội phẫu thuật, phần lớn bệnh nhân sẽ chọn cách từ bỏ.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân này, mặc dù không thể phẫu thuật và khả năng chữa khỏi triệt để là nhỏ, nhưng điều trị một cách hệ thống có thể làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm.

Ít nhất trong những ngày cuối đời, bệnh nhân không phải bị hành hạ bởi căn bệnh ung thư, và bệnh nhân có thể ra đi một cách nhẹ nhàng hơn.

Có thể chữa khỏi một số bệnh ung thư cho dù ở giai đoạn cuối

Về mặt lâm sàng, hầu hết các bệnh ung thư ở giai đoạn đầu đều có thể chữa khỏi, nhưng các bệnh ung thư giai đoạn cuối không phải là không có khả năng chữa lành. Ví dụ:

1. Bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính

Ung thư máu không phải là bệnh nan y; ngược lại, ung thư máu là một trong những khối u có thể chữa khỏi. Lấy bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính làm ví dụ, theo thống kê, tỷ lệ chữa khỏi cao tới 95%.

Chỉ cần bệnh nhân đến bệnh viện điều trị thường xuyên và hợp tác tích cực là có thể đạt được hiệu quả chữa bệnh như mong muốn.

Trong điều kiện thuận lợi, thậm chí bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn và trở lại với công việc cũng như cuộc sống bình thường.

2. Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp được mệnh danh là “căn bệnh ung thư tử tế”.

Tuy tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng trong những năm gần đây nhưng nó không đáng sợ như tưởng tượng. Do mức độ ác tính thấp, nên chỉ cần điều trị khoa học, đúng tiêu chuẩn thì bệnh có thể khỏi. Tin vui là tỷ lệ chữa khỏi có thể đạt hơn 95%.

Ngoài ra, nhiều người còn lo lắng nhân tuyến giáp sẽ phát triển thành ung thư tuyến giáp.

Trên thực tế, 95% nhân tuyến giáp là lành tính và chỉ 5% nhân giáp là ác tính, khả năng phát triển thành ung thư tuyến giáp là tương đối nhỏ, không cần quá lo lắng.

3. Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt thường gặp nhất ở người trung niên và cao tuổi; ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh này đang ngày càng gia tăng.

Do các triệu chứng ban đầu không rõ ràng, nên nhiều bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng và bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất; vì vậy chúng ta không được xem nhẹ.

May mắn thay, so với ung thư phổi, ung thư gan và các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt có tiên lượng tốt hơn. Ngay cả khi có di căn hạch, sau khi áp dụng liệu pháp điều trị tiêu chuẩn, tỷ lệ bệnh nhân sống sót 5 năm có thể đạt 100%.

4. U lympho Hodgkin

U lympho Hodgkin là một loại u lympho ác tính, chiếm khoảng 4.7%, tỷ lệ mắc cao nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên và 50-60 tuổi.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ chữa khỏi của ung thư lympho Hodgkin là rất cao, khoảng 80% bệnh nhân có thể được chữa khỏi bằng phương pháp hóa trị.

Vì vậy, chỉ cần có chẩn đoán và điều trị sớm, đúng tiêu chuẩn, thì khả năng đánh bại khối u lympho Hodgkin vẫn rất lớn. Do đó, bạn không cần thiết phải quá sợ hãi.

Vì sao khi phát hiện ung thư, nó thường ở giai đoạn cuối?

Tại sao nhiều người khi cảm thấy không khỏe, đi khám thì mới phát hiện bệnh ung thư đã phát triển sang giai đoạn giữa và cuối?

Thực tế, không phải ung thư giai đoạn đầu không có triệu chứng, mà là do chúng ta bỏ qua tín hiệu đau đớn của cơ thể và bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất.

Khi bệnh ung thư xuất hiện và phát triển, cơ thể luôn phản ánh ra những dấu vết nhất định.

Về mặt lâm sàng, các dấu hiệu cảnh báo sớm phổ biến của ung thư bao gồm: sốt dai dẳng, ho thường xuyên, khó nuốt, chướng và đau bụng, tiểu máu, có máu trong phân, mệt mỏi, sụt cân và đau không rõ nguyên nhân.

Chúng ta phải hết sức chú ý đến thể trạng của mình, ngay khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ phải đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân, tránh bỏ sót dấu hiệu của bệnh ung thư.

Đối với nhóm nguy cơ cao, ngoài việc cảnh giác với các triệu chứng ban đầu, còn phải tầm soát ung thư thường xuyên.

Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh ung thư, bao gồm người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, người hút thuốc lá, uống rượu bia lâu năm, người tiếp xúc với chất gây ung thư trong thời gian dài, người trung niên và cao tuổi, v.v.

Ung thư là “kẻ thù lớn” đe dọa sức khỏe con người và mang lại gánh nặng cho chúng ta. Vì vậy, để phòng chống ung thư, chúng ta phải chăm chỉ tập thể dục, tránh xa các yếu tố gây ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Đối với những người không may bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, hãy lạc quan và đừng dễ dàng từ bỏ việc điều trị, miễn là còn tia hy vọng.

Mục đích cuối cùng của điều trị không phải là loại bỏ ung thư, miễn là có thể giảm bớt đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống sót, thì nó cũng tương đương với việc đánh bại ung thư.

Vậy nếu là bạn, bạn sẽ chọn từ bỏ hay duy trì với việc điều trị?

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

4 bệnh ung thư có thể chữa khỏi thành công kể cả ở giai đoạn cuối