4 điểm nguy hiểm của làn sóng dịch Covid-19 mới ở Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chức và chuyên gia y tế đánh giá đợt dịch lần này có nhiều đặc điểm nguy hiểm như: nhiều ổ dịch cùng lúc, nhiều biến chủng xuất hiện, mất dấu F0,...

Trong 8 ngày qua (từ 29/4 đến 6/5), Việt Nam ghi nhận đến 120 ca nhiễm trong cộng đồng từ 14 tỉnh thành. Riêng hôm 6/5, Việt Nam đã có thêm 56 ca nhiễm mới, trong đó phần nhiều có liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là thành trì quan trọng của ngành y tế khu vực phía Bắc, là nơi tiếp nhận tất cả bệnh nhân Covid-19, điều trị hơn 1.000 ca bệnh.

Tuy nhiên, "Giờ đây, thành trì này đã bị thủng", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Đây là lần bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam kể từ năm ngoái đến nay, sau đợt dịch tháng 3-4/2020, tháng 7-8 liên quan Đà Nẵng, tháng 1-2 liên quan Hải Dương.

Bảng thống kê số ca nhiễm mới trong cộng đồng ở Việt Nam từ 29/4 đến nay:

Tỉnh/thành Số ca nhiễm mới
Hà Nội 47
Bắc Ninh 12
Vĩnh Phúc 25
Thái Bình 5
Đà Nẵng 5
Hưng Yên 4
Hải Dương 2
Lạng Sơn 1
Quảng Ngãi 1
Hà Nam 14
Đồng Nai 1
Quảng Nam 1
Yên Bái 1
TP. HCM 1
Người dân được nhân viên y tế kiểm tra nhanh tại Hà Nội ngày 1/8/2020. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP via Getty Images)

Theo các chuyên gia, đợt dịch này có 4 đặc điểm nguy hiểm như sau:

Cùng lúc xuất hiện nhiều ổ dịch ở nhiều địa phương

Các đợt dịch trước đây là từ một ổ dịch lây sang nguồn khác, chẳng hạn Đà Nẵng là Bệnh viện Đà Nẵng hay Hải Dương là từ khu công nghiệp Poyun. Còn đợt dịch lần này lây cùng lúc từ nhiều điểm khác nhau.

  • Thứ nhất là chuỗi siêu lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam, lây lan bốn tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP. HCM.
  • Thứ hai là chuỗi lây nhiễm từ khách sạn Như Nguyệt 2, Yên Bái ghi nhận 5 ca nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Ấn Độ và trong khu cách ly tập trung của khách sạn.
  • Thứ ba là chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Vĩnh Phúc ghi nhận 6 ca liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc hết cách ly di chuyển nhiều nơi.
  • Thứ tư là ổ dịch mới tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội, bao gồm nhân viên y tế, người nhà và bệnh nhân đang điều trị.

Đặc biệt, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong hơn 2 tuần qua, số bệnh nhân, người đến thăm nom lên đến trên 2.600 người.

(Ảnh minh hoạ: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Nhiều biến chủng có khả năng lây lan nhanh trong thời gian ngắn

Kết quả giải trình tự gene các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn Yên Bái do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện, đều thuộc biến chủng Ấn Độ là B.1.167. Đây là biến chủng kép, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam.

Chiều 4/5, Bộ Y tế công bố kết quả giải trình tự gene 3 mẫu virus bệnh nhân Covid-19 cộng đồng ở Vĩnh Phúc thuộc biến chủng B.1.617 Ấn Độ.

Các chuyên gia cũng giải trình tự gene virus 6 mẫu bệnh phẩm ở Hà Nam, hai mẫu ở Hưng Yên, hai mẫu tại Hà Tĩnh lấy từ hai bệnh nhân Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ, kết quả nhiễm chủng B.1.1.7, là biến thể từ Anh. Hiện, ngành y tế đang tiến hành giải tình tự gene một số trường hợp khác.

Việc xuất hiện cùng lúc nhiều ổ dịch, nhiều biến chủng khác nhau, chứng tỏ những ổ này độc lập, từ các nguồn lây khác nhau.

Hình ảnh trong một khu cách ly ở Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Mất dấu các F0

Đợt dịch lần này khá giống đợt ở Hải Dương là mất dấu hoàn toàn F0. Biến thể virus ngày càng nhiều, đa dạng về lâm sàng, có người bị nhiễm không có triệu chứng, không biết bị bệnh nên vẫn di chuyển khắp nơi.

Vì vậy có tình trạng lây lan ra cộng đồng lúc nào không biết, từ những bệnh nhân không triệu chứng.

Gần đây, Việt Nam bắt được rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, cả qua biên giới đất liền lẫn đường biển, đường sông. Các chuyên gia nhận định, số nhập cảnh trái phép trót lọt, nhiễm bệnh không triệu chứng, vào cộng đồng sẽ có nguy cơ lây nCoV rất lớn. Khi đó, rất khó xác định nguồn lây.

(Ảnh minh hoạ: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Nhiều ca dương tính sau khi hết cách ly tập trung

Bệnh nhân 2899 được ghi nhận ngày 29/4, sau hơn một tháng Việt Nam không có lây nhiễm cộng đồng. Anh đã hoàn thành cách ly tập trung và có 3 lần kết quả âm tính. Sau khi trở về Hà Nam, người này trở thành nguồn lây cho 19 ca khác.

5 chuyên gia Trung Quốc, hoàn thành cách ly tập trung ở Yên Bái và xuất cảnh ngày 29/4, cũng dương tính nCoV. Một chuyên gia Ấn Độ sống tại Hà Nội, dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung 2 ngày.

Một phụ nữ 32 tuổi từ Dubai về TP. HCM, hết hạn cách ly tập trung với ba lần xét nghiệm âm tính, khi về quê Thạch Hà xét nghiệm lại dương tính, ghi nhận chiều 5/5.

Hiện Bộ Y tế đã quyết định nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày, công bố chiều 5/5. Ngoài ra, người sau khi cách ly tập trung 14 ngày phải tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà chứ không được đi học, đi làm như trước đó.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

4 điểm nguy hiểm của làn sóng dịch Covid-19 mới ở Việt Nam