4 khía cạnh tiêu cực mà hộ chiếu vắc xin có thể mang lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 1/7, Liên minh châu Âu đã chính thức ra mắt hộ chiếu vắc xin (còn được gọi là hộ chiếu tiêm chủng, hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng). Theo đó, người dân sở hữu nó có thể đi lại tự do giữa các quốc gia thành viên mà không cần cách ly và xét nghiệm, miễn là họ có chứng chỉ liên quan.

EU hy vọng sẽ sử dụng điều này để thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch. Trong khi đó, nhiều bang ở Mỹ phản đối việc thực hiện cấp giấy thông hành vắc xin.

Chính xác thì hộ chiếu vắc xin là gì? Việc sử dụng hộ chiếu vắc xin có thể ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus không?

Tiến sĩ Lin Xiaoxu, một chuyên gia về virus học và là cựu giám đốc Phòng virus học của Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, đã đưa ra một phân tích chi tiết. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Lin Xiaoxu:

Hộ chiếu tiêm chủng khác với giấy chứng nhận tiêm chủng truyền thống

Trước đại dịch Covid-19, trên thế giới cũng từng có khái niệm về “giấy chứng nhận miễn dịch”. Giấy chứng nhận tiêm chủng truyền thống chủ yếu là để bảo vệ sức khỏe cá nhân của người dân.

Ví dụ, nếu một du khách muốn du lịch đến một vùng đang xuất hiện bệnh sốt vàng da, để có một sức đề kháng nhất định, anh ta cần được tiêm phòng bệnh sốt vàng trước khi đi. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể sử dụng “sổ vắc xin” để biết mình đã uống những loại vắc xin nào, và có an toàn khi đến vùng dịch nhất định hay không.

Mục đích chính của giấy thông hành vắc xin hiện tại của Liên minh châu Âu là thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch quốc tế, và trật tự kinh tế đã bị tổn hại nhiều trong thời kỳ đại dịch.

Bản thân thuật ngữ "hộ chiếu vắc xin" cũng có thể phản ánh điều này. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia sử dụng hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số, vốn không giống như cách mà giấy chứng nhận tiêm chủng trước đây từng sử dụng.

Hình thức mới này có vẻ rất tiện lợi và tạo sự thuận tiện cho người dân khi đi du lịch quốc tế trong thời đại dịch. Tuy nhiên, cũng giống như vắc xin có tác dụng phụ, hộ chiếu vắc xin cũng có "tác dụng phụ" của chúng.

Tác dụng phụ 1: Giữ hộ chiếu vắc xin không đồng nghĩa cơ thể bạn khỏe mạnh

Theo quy định của EU, một người nếu:

  • Đã được tiêm phòng.
  • Xét nghiệm axit nucleic âm tính gần đây.
  • Đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh.

Theo đó, chỉ cần đáp ứng một trong ba điều kiện, bạn có thể mang hộ chiếu vắc xin và đi lại tự do trong các quốc gia thành viên EU. Vậy phải chăng sở hữu hộ chiếu vắc xin tương đương với việc virus sẽ không lây lan?

Câu trả lời là không!

Mặc dù WHO đã tuyên bố trên trang web chính thức của mình rằng việc thực hiện hộ chiếu vắc xin có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng:

  • Các công ty vắc xin về cơ bản không hề tuyên bố chính thức: "vắc xin có thể ngăn chặn sự lây lan của virus";
  • Chủ đề của các phương tiện truyền thông lớn cũng đã chuyển sang "tiêm chủng chủ yếu là để giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tật và giảm nhập viện."

Điều này là do các bệnh nhân nhiễm virus mới không có triệu chứng hiện đang chiếm tỷ lệ lớn, và rất khó để xác nhận liệu một người có virus trong cơ thể hay không, và liệu anh ta có lây nhiễm sau khi được tiêm chủng hay không.

Ngoài ra, hiện tại vẫn chưa rõ thời hạn bảo vệ của vắc xin, ví dụ một người được tiêm chủng cách đây 6 tháng liệu còn tác dụng hay không? Liệu một loại vắc xin được phát triển dựa trên chủng ban đầu có thể chống lại các loại virus mới liên tục đột biến không? Đây là những điều khó nói.

Trên thực tế, việc cầm hộ chiếu vắc xin chỉ có thể cho biết một người đã được tiêm vắc xin. Nó không có nghĩa là người đó vĩnh viễn khỏe mạnh, cũng không có nghĩa là vắc xin đã kích thích đáp ứng miễn dịch đầy đủ.

Mặt khác, đối với "những người gần đây đã xét nghiệm âm tính với axit nucleic", nếu họ bị nhiễm bệnh ngay sau khi xét nghiệm và không có triệu chứng, thì hộ chiếu này cũng không khác gì một “tờ giấy” vụn.

Liên quan đến vấn đề “thời gian khỏi bệnh”, bản thân hộ chiếu vắc xin có ghi các thông tin như thời gian bị bệnh, giai đoạn điều trị và thời gian khỏi bệnh không? Đây là quyền riêng tư về sức khỏe cá nhân và bệnh nhân có thể không sẵn sàng chia sẻ.

Tuy nhiên, nếu thông tin này không được cung cấp, làm thế nào để xác định thời hạn hiệu lực của hộ chiếu vắc xin, hoặc khi nào nó sẽ hết hạn?

Ngoài ra, liệu cơ thể bạn tích đủ kháng thể sau khi nhiễm Covid-19 hay không, vẫn là câu hỏi làm đau đầu giới y học.

Chính phủ đã đầu tư nguồn lực khổng lồ vào việc tạo ra một sản phẩm kỹ thuật số như hộ chiếu vắc xin, điều này dường như tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và thúc đẩy một số ngành du lịch.

Tuy nhiên, nó có liên quan đến tình trạng sức khỏe của người tiêm chủng hay không? Nó có bao nhiêu tác dụng thiết thực trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus? Đây là tất cả những điều chưa biết.

Tác dụng phụ 2: Việc thực hiện hộ chiếu vắc xin liên quan đến sự phân biệt đối xử

Sự xuất hiện của hộ chiếu vắc xin có thể hạn chế một nhóm người đi lại, hoạt động hoặc tiếp cận với một số dịch vụ; điều này tương đương với một kiểu phân biệt đối xử ngược lại với những người chưa được tiêm chủng, và đó là vấn đề công bằng xã hội.

Vì nhiều lý do khác nhau, sẽ luôn có một số lượng đáng kể người không muốn tiêm chủng, chẳng hạn như niềm tin tôn giáo, lý do sức khỏe hoặc lo lắng về các tác dụng phụ của vắc xin (ví dụ, CDC gần đây đã xác nhận rằng mRNA vắc xin có tác dụng phụ là viêm cơ tim).

Tuy nhiên, một số lượng lớn các công ty và trường học buộc nhân viên hoặc học sinh phải tiêm phòng. Tại Texas (Mỹ), 153 nhân viên y tế đã bị sa thải vì họ không muốn tiêm chủng.

Mọi người nên có quyền độc lập để quyết định có tiêm chủng hay không và không ai nên vi phạm quyền này. Rốt cuộc, tất cả các loại vắc xin Covid-19 hiện tại chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp, chúng vẫn là thuốc thử nghiệm và chưa được phê duyệt chính thức và đầy đủ.

Nếu có người bị phản ứng nghiêm trọng do tiêm chủng thì người xúc tiến tiêm chủng có phải chịu trách nhiệm không? Nếu không thì ai sẽ là người đứng ra làm điều đó?

Người dân có quyền tự nguyện quyết định sử dụng vắc xin sau khi họ đã nhận được đầy đủ thông tin và cân nhắc ưu nhược điểm. Cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại, nếu chỉ nhìn thấy ưu điểm của nó mà không xem xét đầy đủ khía cạnh tiêu cực thì có thể sẽ gây ra tác hại rất lớn.

Tác dụng phụ 3: "Cơ chế khen thưởng khi tiêm chủng" làm sai lệch ý định tiêm chủng ban đầu của mọi người

Việc cấp hộ chiếu vắc xin cũng sẽ thúc đẩy động cơ tiêm vắc xin của nhiều người từ bảo vệ sức khỏe sang cơ hội đi lại tự do. Không chỉ vậy, nhiều nơi còn tung ra không ít chiêu trò "dụ hoặc" để nỗ lực làm tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Bang California (Hoa Kỳ) đã đưa ra một "chương trình khuyến khích vắc xin", cụ thể: những người tiêm vắc xin có cơ hội nhận được phần thưởng du lịch trị giá 2.000 đô la; một số nơi thậm chí còn cung cấp "phần thưởng" cho phép người tiêm được hút cần sa.

Phương pháp dẫn dụ này bề ngoài có vẻ nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, nhưng nó thực sự là một hành vi trái đạo đức và rất nguy hiểm.

Nó giống như việc đi khám bệnh trong bệnh viện, bác sĩ không thể nói: “Tôi sẽ thưởng cho bạn bao nhiêu nếu bạn uống thuốc này”. Vì vóc dáng của mỗi người là khác nhau. Thể trạng và sức khỏe của mỗi người cũng không giống nhau.

Hiện nay có thể có một số người không thích hợp để tiêm chủng, chẳng hạn như bệnh nhân mắc bệnh mãn tính nặng. Sử dụng phần thưởng để kêu gọi tiêm chủng, nếu không tiêm chủng sẽ giới hạn một số quyền lợi, như vậy dù tiêm hay không, nó cũng tương đương với việc gián tiếp làm tổn thương họ?

Hơn nữa, tỷ lệ nào là cần thiết cho khả năng miễn dịch cộng đồng, cho đến nay, dù là chuyên gia hay WHO, vẫn chưa có kết luận.

Việc tiêm vắc xin hay không cần phải xem xét từ mức độ sức khỏe, tức là tiêm vắc xin có tốt cho sức khỏe của một cá nhân không? Thay vì kích thích mọi người làm những việc mà hậu quả về sức khỏe vẫn chưa được biết đến.

Yêu cầu mọi người từ bỏ ý thức trách nhiệm về sức khỏe của bản thân, thay vào đó là tập trung vào các phần thưởng tiền bạc, cơ hội đi du lịch, và thậm chí có thể hút cần sa để tiêm phòng, điều đó đã làm sai lệch cách suy nghĩ của mọi người.

Tác dụng phụ 4: Hộ chiếu vắc xin kỹ thuật số có thể làm rò rỉ quyền riêng tư cá nhân

Việc sử dụng hộ chiếu vắc xin có thể khiến toàn cầu rơi vào một hệ thống tín dụng xã hội tương tự như Trung Quốc.

Với Ứng dụng Hộ chiếu Vắc xin, chính phủ có thể dễ dàng nắm bắt mọi thông tin như "bạn đã ở đâu và khi nào". Ngoài ra, bản thân hộ chiếu kỹ thuật số chứa một lượng lớn thông tin cá nhân, có khả năng bị đánh cắp hoặc bán bởi tin tặc hay nhân viên liên quan.

Trên thực tế, nguyên nhân chính gây ra thiệt hại kinh tế trong đại dịch là do phong tỏa kéo dài và các biện pháp kiểm soát cực đoan khác, để khôi phục nền kinh tế cần có các chính sách kích thích kinh tế hoàn thiện và tích cực hơn.

Yếu tố quyết định liệu một khu vực có mở cửa hay không và liệu mọi người có đến đó du lịch hay không là mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong một khu vực; trong đó, hộ chiếu vắc xin chỉ như một biện pháp phụ trợ đơn giản, tác dụng của nó thực sự rất hạn chế.

Nếu bạn xem hộ chiếu vắc xin như một phương án hiệu quả để khôi phục nền kinh tế toàn cầu, thì đó là sự phóng đại quá mức cần thiết.

(*) Ảnh chủ đề: Marco Verch Professional Photographer Flickr - CC BY 2.0.

Bảo Vy
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

4 khía cạnh tiêu cực mà hộ chiếu vắc xin có thể mang lại