4 lợi ích sức khỏe của nấm đen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nấm đen rất giàu chất chống oxy hóa, có lượng protein dồi dào, cùng với sắt, canxi và vitamin B. Cứ 100gr nấm đen có 6.5gr chất xơ, bao gồm cả chất xơ hòa tan trong nước có nguồn gốc thực vật, giúp thúc đẩy nhu động ruột.

Nấm đen cũng chứa polysacarit, giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Tiêu thụ vừa phải trong thời gian dài có thể làm giảm độ nhớt của máu, ức chế đông máu tiểu cầu và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Hàm lượng sắt cao trong nấm đen khiến nó trở thành một phương thuốc hữu hiệu cho bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, vì nó có thể làm chậm quá trình đông máu nên những người bị rối loạn chảy máu nên tránh.

Tiến sĩ Yu-Hsiang Fu, một bác sĩ nội khoa và là giám đốc của Phòng khám Xiangzhan ở Đài Loan, đã giới thiệu bốn lợi ích chính của nấm đen trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 22 tháng 2:

  • Tốt cho đường ruột: Nấm đen rất giàu chất xơ, chủ yếu là chất xơ hòa tan trong nước, có tác dụng hỗ trợ nhu động đường tiêu hóa, thúc đẩy đại tiện, cải thiện tình trạng táo bón.
  • Giảm cân: Nấm đen hút nước mạnh; chất xơ hòa tan trong nước có thể làm giảm lượng thức ăn nạp vào và tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm cân tốt hơn.
  • Giảm cholesterol: Lượng chất xơ cao trong mộc nhĩ có thể làm giảm mức cholesterol, làm chậm sự gia tăng đường huyết và bảo vệ hệ thống tim mạch, do đó ngăn ngừa xơ cứng động mạch và đột quỵ.
  • Bảo vệ tim mạch: Nấm đen chứa nhiều chất chống đông máu, có thể ức chế sự kết tập tiểu cầu trong thành mạch máu, cải thiện độ đặc của máu, ngăn ngừa huyết khối, do đó cải thiện sức khỏe tim mạch.

Nấm đen được đánh giá cao trong y học cổ truyền Trung Hoa

Nấm đen được đề cập khá nhiều trong các cuốn sách y học kinh điển của Trung Hoa cổ đại, chẳng hạn như cuốn “Bản thảo cương mục” (Lý Thời Trân biên soạn) và “Thần Nông bản thảo kinh”.

Cuốn sách chuyên khảo về thảo dược sớm nhất còn tồn tại đến ngày nay là “Thần Nông bản thảo kinh” nêu rõ giá trị dược liệu của nấm đen bao gồm: “bồi bổ khí, giảm bớt cảm giác đói và tăng cường sức mạnh”.

Lý Thời Trân, một nhà y học nổi tiếng của Trung Quốc vào thời nhà Minh (1368-1644), đã đưa nấm đen vào đơn thuốc của mình để điều trị chứng nôn ra máu, đi ngoài ra máu, kiết lỵ ra máu, chảy máu trĩ, chảy máu tử cung ở phụ nữ, khô họng và miệng, đau răng, v.v.

Cảnh báo: Không ăn nấm sống

Nấm sống có chứa purin, vốn là một chất nhạy cảm với ánh sáng.

Sau khi ăn nấm sống, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây viêm da (nhạy cảm với ánh sáng). Điều này có thể dẫn đến ngứa da, phù nề, đau hoặc thậm chí hoại tử ở những vùng cơ thể tiếp xúc.

Do đó, bạn chỉ nên ăn nấm đã sấy khô, bởi các chất purine cảm quang lúc này đã tự biến mất và độc tính bị loại bỏ.

Các bài báo của NTDVN nhằm mục đích cung cấp thông tin và không thay thế cho tư vấn y tế cá nhân. Vui lòng tham khảo ý kiến ​​​​chuyên gia đáng tin cậy để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị y tế cá nhân.

Theo Ellen Wan từ The Epoch Times tiếng Anh
Hoàng Tuấn biên dịch

Ellen Wan đã làm việc cho phiên bản tiếng Nhật của The Epoch Times từ năm 2007.



BÀI CHỌN LỌC

4 lợi ích sức khỏe của nấm đen