4 vật dụng trong bếp nếu không thay thường xuyên, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dân gian có câu: “Bệnh từ miệng mà vào”. Rất nhiều bệnh tật liên quan đến các thực phẩm kém lành mạnh mà chúng ta ăn hàng ngày. Tuy nhiên, trong phòng bếp tồn tại những vật dụng nếu không được thay thường xuyên, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

Rất nhiều người vệ sinh bếp nhưng lại bỏ qua “hạn sử dụng” của một số vật dụng hàng ngày, cho rằng miễn là chúng không hỏng hóc thì chưa cần phải thay thế.

Nhưng bốn vật dụng dưới đây đều là những thứ có mức độ gần gũi rất lớn đối với con người, thay thế thường xuyên sẽ hạn chế nguy cơ mắc một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hoặc thậm chí là ung thư.

Vật dụng #1 cần thay trong bếp: Đũa

Bất kỳ loại đũa nào sau một thời gian sử dụng, bề mặt đều sẽ bị trầy xước.

Cặn thức ăn và vết dầu mỡ có thể tích tụ trong các kẽ hở nhỏ này. Với điều kiện ẩm ướt, vi khuẩn có thể dễ dàng sinh sôi và phát triển.

Vì vậy, đũa phải được thay thường xuyên, thông thường nên thay 6 tháng/lần.

Ngoài ra, nếu đũa xuất hiện các tình trạng dưới đây thì bạn nên thay thế kịp thời bất kể chúng đã hết thời gian sử dụng hay chưa.

  • Đũa đổi màu, đốm dài

Đũa nên được thay thế khi lớp sơn rơi ra hoặc đổi màu, nhằm tránh một số chất có hại xâm nhập vào cơ thể.

Đặc biệt khi trên bề mặt đũa có những vết đốm thì bạn càng nên cẩn thận, rất có thể nấm mốc đã phát triển, thậm chí có thể có độc tố aflatoxin, nếu tiếp tục sử dụng có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.

  • Đũa bị uốn, biến dạng

Khi đũa bị cong hoặc biến dạng dưới tác động của ngoại lực, rất có thể bên trong đã xuống cấp do ẩm ướt hoặc các yếu tố khác, cần được thay thế nhanh chóng.

  • Đũa có mùi

Nếu đũa có mùi ẩm, chua cũng là dấu hiệu đã bị nhiễm bẩn, hư hỏng, không nên sử dụng tiếp.

Bất kỳ loại đũa nào sau một thời gian sử dụng, bề mặt đều sẽ bị trầy xước.
Bất kỳ loại đũa nào sau một thời gian sử dụng, bề mặt đều sẽ bị trầy xước. (Unsplash)

Vật dụng #2 cần thay trong bếp: Thớt

Thớt sử dụng lâu ngày, bề mặt thường có nhiều vết dao. Điều này cho phép cặn thức ăn dễ dàng bám lại.

Nếu không được vệ sinh kỹ càng thì thớt rất dễ bị nấm mốc, thậm chí sinh ra chất aflatoxin, một trong những yếu tố hàng đầu có thể gây ung thư.

Khi cắt thái thức ăn, những vi trùng này có thể bám vào thực phẩm, xâm nhập vào cơ thể người và gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Để sử dụng hàng ngày, bạn nên chuẩn bị ít nhất hai chiếc thớt, phân biệt thớt dành riêng cho thực phẩm sống cần chế biến và thớt dành cho thực phẩm chín ăn trực tiếp. Mục đích là để tránh lây nhiễm chéo vi sinh vật.

Sau khi sử dụng, bạn có thể khử trùng thớt bằng cách trụng nước sôi, rửa trong máy rửa chén, v.v. Sau khi vệ sinh, đặt thớt ở nơi thoáng khí và giữ khô ráo.

Nói chung, thớt tre và gỗ, hoặc thớt đặt tại các nơi ẩm ướt, nên được thay thế sau mỗi sáu tháng đến một năm.

Nếu trên thớt xuất hiện những vết nấm mốc, đốm đen thì nên ngừng sử dụng và thay bằng thớt mới.

Nói chung, thớt tre và gỗ, hoặc thớt đặt tại các nơi ẩm ướt, nên được thay thế sau mỗi sáu tháng đến một năm. (Unsplash)
Nói chung, thớt tre và gỗ, hoặc thớt đặt tại các nơi ẩm ướt, nên được thay thế sau mỗi sáu tháng đến một năm. (Unsplash)

Vật dụng #3 cần thay trong bếp: Giẻ lau và miếng bọt biển

Giẻ lau và miếng bọt biển rửa chén lâu ngày ở trong môi trường ẩm ướt rất dễ tích tụ một lượng lớn vi khuẩn.

Sử dụng giẻ lau và miếng bọt biển rửa bát bị ô nhiễm như vậy để tiếp tục vệ sinh và làm sạch bát đĩa không những không đạt được hiệu quả làm sạch mà còn gây ô nhiễm thứ cấp.

Để đảm bảo an toàn, bạn nên thay giẻ lau và miếng bọt biển rửa bát ít nhất mỗi tháng một lần. Nếu có thể bạn cũng nên cân nhắc sử dụng giẻ lau dùng một lần thân thiện với môi trường.

Với những người có sẵn máy rửa chén, sau khi sử dụng, bạn có thể đặt giẻ lau và miếng bọt biển vào máy. Nó sẽ giúp làm sạch và khử trùng tốt hơn, giúp bạn có thể tái sử dụng chúng mà giảm thiểu các nguy cơ nhiễm bẩn thứ cấp.

Đối với những ai không có máy rửa chén, bạn có thể làm ướt miếng giẻ hoặc miếng bọt biển, rồi cho vào lò vi sóng quay khoảng 2 phút, hoặc đun nước sôi và ngâm khoảng 5 phút cũng là một cách hay.

Ngoài ra, khi đun với nước sôi, bạn có thể cho một ít vỏ trứng vào nước. Chờ một lúc, bạn lấy giẻ và miếng bọt biển ra như bình thường và rửa bằng nước sạch.

Điều này không chỉ giúp loại bỏ dầu mỡ còn sót lại trên đó tốt hơn mà còn giúp loại bỏ mùi hôi.

Giẻ lau và miếng bọt biển rửa chén lâu ngày ở trong môi trường ẩm ướt rất dễ tích tụ một lượng lớn vi khuẩn.
Giẻ lau và miếng bọt biển rửa chén lâu ngày ở trong môi trường ẩm ướt rất dễ tích tụ một lượng lớn vi khuẩn. (Unsplash)

Vật dụng #4 cần thay trong bếp: Dầu ăn

Nhiều người mua những thùng dầu ăn lớn với hạn sử dụng 18 tháng, nhưng bạn cần lưu ý rằng nó chỉ đề cập đến tình trạng chai dầu chưa mở.

Sau khi mở dầu ăn, dầu trong đó tiếp xúc với oxy trong không khí, dễ xảy ra phản ứng và tạo ra một số sản phẩm oxy hóa.

Đặc biệt là dầu thực vật, càng có nhiều liên kết không no, sau quá trình oxy hóa sẽ tạo thành các phân tử nhỏ xeton, andehit và nhiều chất khác không tốt cho sức khỏe.

Hơn nữa, chai dầu mở nắp trong thời gian lâu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm mốc.

Vì vậy, bạn cố gắng không tiêu thụ dầu ăn đã mở nắp quá 3 tháng, nếu phát hiện có “mùi hắc” thì nên vứt ngay. Nếu lo lắng về sự lãng phí, bạn có thể mua dầu trong chai nhỏ.

Ngoài ra, thùng đựng dầu tốt nhất nên đặt ở nơi tối và mát, phải vặn chặt nắp sau mỗi lần sử dụng.

Còn một điểm nữa bạn cần chú ý: dầu trong thùng phải dùng hết mới đổ dầu mới vào, nhớ rửa sạch thùng trước khi đổ dầu mới. Vì dầu cũ và dầu mới lẫn lộn với nhau rất dễ đẩy nhanh quá trình oxy hóa.

Theo Aboluowang
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

4 vật dụng trong bếp nếu không thay thường xuyên, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe