Giấc mơ đến từ đâu? 5 giấc mơ cảnh báo bệnh tật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nguồn gốc của giấc mơ là gì, nó có liên quan đến sức khỏe hay không? Nếu bạn thường gặp 5 giấc mơ dưới đây, thì rất có khả năng cơ thể đang có bệnh.

Tại sao bạn lại mơ khi ngủ?

Giấc mơ là một trải nghiệm kỳ diệu mà ai cũng sẽ trải qua. Có người vui vì giấc mơ, có người bị giấc mơ mê hoặc, cũng có người vì mơ mà sợ hãi, nhưng ít ai đi sâu tìm hiểu nguồn gốc của giấc mơ là gì.

Việc hình thành các giấc mơ thực sự liên quan đến các hoạt động sống, nó là kết quả tổng hợp từ sự ảnh hưởng của tâm sinh lý.

Ở trạng thái ngủ, cơ thể con người vẫn duy trì những hoạt động sống cơ bản nhất, và não bộ cũng không ngoại lệ.

Mặc dù nằm trong cơ chế ngủ đông nhưng vẫn có một số tế bào não ở trạng thái hoạt động. Chính phần này tạo ra giấc mơ trong khi ngủ.

Người xưa thường nói: “Ngày nghĩ, đêm mơ”. Nhiều người sẽ thấy trong giấc mơ thường xuất hiện những âm thanh, hình ảnh, sự vật… mà họ có ấn tượng mạnh vào ban ngày.

Điều này là do não bộ đã lưu trữ chúng dưới dạng ký ức và rất khó quên.

Bởi vì suy nghĩ, cảm xúc, công việc, sở thích, cuộc sống… của mỗi người là khác nhau; quan điểm, cách nhìn nhận về sự việc cũng khác nhau nên giấc mơ đều không giống nhau.

Khi ngủ thường xuyên mơ, đó là tốt hay xấu?

Vì giấc mơ của mỗi người đều không giống nhau nên phản ứng mà chúng gây ra cũng khác nhau. Có người cho rằng giấc mơ là điềm báo may mắn, số khác lại cho rằng đó là triệu chứng của bệnh.

Nhưng dù là giấc mơ nào đi chăng nữa thì bạn cũng nên đối đãi với giấc mơ của mình một cách khách quan. Bởi vì mơ là bản năng bẩm sinh của con người và chúng ta không thể cưỡng lại được.

Bác sĩ Phan Tiểu Bình (Pan Xiaoping), Trưởng khoa Thần kinh tại Bệnh viện Nhân dân số 1 Quảng Châu (Trung Quốc), từng nói rằng người bình thường mơ trung bình 4 - 5 lần mỗi đêm, chỉ là hầu hết chúng ta đều không thể nhớ rõ ràng.

Có thể nói rằng giấc mơ tồn tại như một phần của giấc ngủ. Theo quan điểm y học, ngủ mơ rất tốt cho cơ thể con người, bởi nó mang đến 3 tác dụng cho sức khỏe:

1. Kích thích tiềm năng

Giấc mơ không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Trong giấc mơ, con người ta có thể thỏa sức sáng tạo và bứt phá giới hạn trên của sức sáng tạo.

2. Điều tiết cảm xúc

Giấc mơ không chỉ giúp một người thực hiện được mong muốn của mình, mà còn cho phép họ đối mặt nỗi sợ hãi và giải phóng áp lực, từ đó điều chỉnh cảm xúc.

3. Duy trì chức năng não và thúc đẩy giải độc não

Giấc mơ có thể làm tăng lưu lượng máu đến các mao mạch trong não, vừa đảm bảo cung cấp nhiều oxy và chất dinh dưỡng, vừa thúc đẩy quá trình loại bỏ chất thải và độc tố ra khỏi não.

Việc loại bỏ độc tố có thể giúp não bộ duy trì chức năng ghi nhớ và giảm tình trạng thoái hóa não.

5 loại giấc mơ cảnh báo bệnh tật trong cơ thể

Y học hiện đại phát hiện ra rằng, giấc mơ đôi khi có thể báo trước sự xuất hiện của bệnh tật.

Một nghiên cứu tâm lý, trong đó các nhà khoa học tạo ra những yếu tố nhân tạo xung quanh một người đang ngủ như phun nước, chạm vào chân, tiếng ồn…

Khi người tham gia thí nghiệm thức dậy và kể lại giấc mơ của mình, hầu như đều có những tình huống liên quan đến các yếu tố nhân tạo này.

Điều đó cho thấy khi cơ thể người chìm vào giấc ngủ sâu, những giấc mơ thực sự diễn giải thông tin hấp thụ từ thế giới bên ngoài. Ngược lại, nếu loại trừ yếu tố con người thì điềm báo của giấc mơ còn có thể liên quan đến bệnh tật.

Ông Thẩm Chính (Shen Zheng), giáo sư tâm sinh lý tại Đại học Bắc Kinh, cho biết theo tâm lý học hiện đại, sau khi loại bỏ sự can thiệp của con người, nếu một người thường xuyên lặp lại những giấc mơ giống nhau hoặc tương tự trong một thời gian, thì chúng được xác định là một triệu chứng của bệnh.

5 giấc mơ kỳ lạ nếu lặp lại thường xuyên có thể cảnh báo bệnh tật bao gồm:

  • Nghe thấy tiếng động lạ trong giấc mơ - đề phòng các bệnh về hệ thống thính giác.
  • Nằm mơ thấy ăn uống, cảm thấy buồn nôn và nôn mửa - đề phòng các bệnh về đường tiêu hóa.
  • La hét trong giấc mơ - thường được gọi là ác mộng, hoặc liên quan đến hoạt động quá mức của não, mệt mỏi, cung cấp máu không đủ cho động mạch vành, v.v.
  • Mơ thấy mình bị rơi từ độ cao - đề phòng bệnh tim tiềm ẩn.
  • Nằm mơ thấy vùng vẫy dưới nước - hoặc các bệnh về gan thận.

Giáo sư Thẩm Chính cũng nhắc nhở: hãy đối xử với những giấc mơ một cách khoa học và hợp lý. Những giấc mơ có thể phản ánh trạng thái thể chất của một người, nhưng nó không phải là tuyệt đối, và không phải lúc nào cũng liên quan đến bệnh.

Nếu bạn có cùng một giấc mơ lặp đi lặp lại trong thời gian dài, bạn cần phải chú ý, nhưng kết quả cuối cùng vẫn dựa trên kết quả khám tại bệnh viện.

Ba thói quen giúp hạn chế mộng mị và giúp ngủ ngon

Ngủ là cách tốt nhất để cơ thể con người tự phục hồi và giải tỏa mệt mỏi.

Trong xã hội hiện đại, khi áp lực cuộc sống ngày càng tăng mạnh thì giấc ngủ tốt chính là điều mà ai cũng muốn có. Nếu bạn muốn thoát khỏi những cơn mộng mị kéo dài, thì bạn nên làm tốt 3 điều sau:

1. Tránh lạm dụng trí não

Bên cạnh khối lượng công việc quá tải, áp lực cuộc sống thì việc tiếp xúc máy tính, điện thoại thông minh liên tục 24/24 cũng sẽ tạo gánh nặng cho não.

Việc sử dụng trí não quá mức sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, giảm chất lượng giấc ngủ.

Đặc biệt, tinh thần trở nên nhạy cảm với thế giới bên ngoài cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến giấc mơ. Vì vậy, bạn nên học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm bớt gánh nặng và áp lực cho não bộ, tránh làm việc trí óc quá sức.

2. Tư thế ngủ phải đúng

Khi nằm ngửa, cột sống cổ và cột sống lưng của con người sẽ duy trì một đường thẳng, có lợi cho việc cân bằng áp lực của toàn bộ cơ thể, giúp quá trình tuần hoàn máu diễn ra thuận lợi, từ đó nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Ngược lại, nằm sấp khi ngủ sẽ khiến cổ và các cơ bị căng, khó đi vào giấc ngủ. Đồng thời nó cũng gây chèn ép lên tim, phổi và các bộ phận khác, cuối cùng làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và hay mơ nhiều hơn.

Những người có thói quen ngủ ngáy, tốt nhất nên nằm nghiêng (bên phải) để tránh lưỡi chặn đường thở sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

3. Xây dựng thói quen sống tốt

Duy trì những thói quen tích cực không chỉ tốt cho việc cải thiện giấc ngủ, mà còn là cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh khác. Trước hết, đảm bảo thói quen sinh hoạt đều đặn, ổn định bữa ăn sáng, trưa, tối và ngủ muộn nhất không quá 23 giờ.

Thứ hai, thức ăn nên chủ yếu là thức ăn nhẹ và cân đối dinh dưỡng. Cuối cùng, xây dựng một kế hoạch tập thể dục thường xuyên để cải thiện khả năng điều hòa thần kinh của bạn.

Người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất từ 3 - 5 lần mỗi tuần. Mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút.

Nếu bạn muốn tránh ác mộng, thì cần tránh xem một số bộ phim, chương trình kích thích trước khi đi ngủ, chẳng hạn như phim hành động, kinh dị...

Đồng thời, bạn nên tránh các đồ uống có chứa caffein và thành phần giải khát, cũng không tập thể dục quá sức.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Giấc mơ đến từ đâu? 5 giấc mơ cảnh báo bệnh tật