5 lợi ích không ngờ của nước đường nâu đối với nam giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhắc đến nước đường nâu, nhiều người nghĩ rằng đây là thức uống dành riêng cho nữ giới, thậm chí có người còn cho rằng phụ nữ chỉ uống khi họ bị đau bụng kinh, không liên quan gì đến đàn ông.

Tuy nhiên, bạn có thể chưa biết rằng, nam giới uống nước đường nâu sẽ thu được 5 lợi ích không ngờ như giảm mệt mỏi, bổ tỳ vị và làm ấm dạ dày.

5 lợi ích chính của nước đường nâu đối với nam giới

1. Làm ấm

Đường nâu là đường thô chưa tinh chế, giữ lại nhiều vitamin và khoáng chất hơn, có tác dụng xua tan cảm lạnh và làm ấm bụng.

Theo quan điểm của y học cổ truyền Trung Hoa, đường nâu có tính ấm, vị ngọt, tốt cho tỳ vị, dạ dày và có tác dụng thúc đẩy lưu thông máu, loại bỏ huyết ứ.

Khi nam giới bị thiếu chất, thiếu khí và huyết, hoặc cảm thấy mệt mỏi uể oải thì có thể uống nước đường nâu để bồi bổ cơ thể.

2. Giảm mệt mỏi

Glucose, fructose và các chất năng lượng monosaccharide và polysaccharide khác chứa trong đường nâu có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của tế bào da và cung cấp năng lượng cho tế bào.

Đường nâu rất giàu chất sắt, đây là chất quan trọng để cơ thể tổng hợp năng lượng.

Nam giới chịu nhiều áp lực công việc, uống một ít nước đường nâu không chỉ giúp xua tan cảm lạnh, bổ khí, dưỡng gan, bảo tỳ mà còn giải tỏa mệt mỏi, phục hồi thể lực.

3. Chống lão hóa

Ngoài việc giàu chất sắt, đường nâu cũng có hàm lượng selen cao nhất. Selen có thể được ví như “chất tiên phong” trong các chất chống oxy hóa, có thể trì hoãn quá trình lão hóa, ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư.

4. Chất chống oxy hóa

Một phần vitamin và chất điện giải có trong đường nâu có thể cân bằng sự chuyển hóa nước trong môi trường nội bào, bằng cách điều chỉnh nồng độ của một số chất giữa các mô, loại bỏ các chất chuyển hóa trong tế bào, giữ cho môi trường bên trong và bên ngoài tế bào luôn sạch sẽ.

Ngoài ra, các vitamin và chất chống oxy hóa khác nhau có trong đường nâu có thể chống lại các gốc tự do, xây dựng lại và bảo vệ cấu trúc cơ bản của tế bào, duy trì chức năng bình thường và sự trao đổi chất của tế bào.

5. Dưỡng khí huyết

Đường nâu có vị ngọt, tính ấm, chứa đường maltose, axit amin, protein, vitamin B, sắt và các chất dinh dưỡng khác, giúp bổ khí, dưỡng huyết.

3 công thức nấu ăn với đường nâu tốt cho sức khỏe

1. Táo tàu - Kỷ tử - Nấm mèo

Nguyên liệu gồm 30 gram nấm mèo, 15 gram kỷ tử, 5 quả táo tàu, 50 gram đường nâu, sắc uống ngày 2 lần.

Sử dụng thường xuyên có thể loại bỏ quầng thâm mắt hiệu quả.

2. Cháo táo tàu và hoa cúc

Nguyên liệu gồm 5 - 10 quả táo tàu, 100 gram gạo tẻ, 15 gram hoa cúc. Cho ít nước vào nấu thành cháo, khi cháo đặc lại thì cho thêm một lượng đường nâu thích hợp.

Công thức này có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng huyết, bổ gan, cải thiện thị lực, uống thường xuyên có thể làm da mặt hồng hào, có tác dụng chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật và làm đẹp.

3. Nước đường nâu gừng

Gừng 15 gram, đường nâu lượng thích hợp, đun sôi lấy nước pha uống thay trà. Có thể trị cảm mạo phong hàn, hoạt huyết, khử ứ huyết.

Đối với phụ nữ, nó còn có tác dụng giảm đau bụng kinh thuộc loại huyết ứ lạnh rất hiệu quả.

Thời điểm tốt nhất để uống nước đường nâu

  • Vì trong đường nâu có quá nhiều đường, do đó bạn không nên uống trước khi đi ngủ. Bởi vào buổi tối, nếu bạn uống nhiều mà ngủ quên thì đường trong cơ thể sẽ tích tụ lại, dễ mắc bệnh tiểu đường.
  • Bạn có thể chọn uống một cốc trước bữa trưa, uống liên tục trong một tuần sẽ rất hiệu quả. Những người có các triệu chứng đau dữ dội có thể uống trước bữa tối, nhưng tránh thời điểm trước khi đi ngủ.
  • Không nên uống khi mới ngủ dậy, vì sau quá trình trao đổi chất của cơ thể vào ban đêm, cơ thể cần đào thải độc tố, cần nước đun sôi chứ không phải nước đường nâu.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng nước đường nâu tuy tốt nhưng chúng ta không nên lạm dụng và uống quá nhiều; vì suy cho cùng, nạp quá nhiều đường cũng không tốt cho sức khỏe.

Hoàng Tuấn
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

5 lợi ích không ngờ của nước đường nâu đối với nam giới