50% bệnh ung thư có thể phòng ngừa được, danh sách những yếu tố gây ung thư nên tránh xa (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số người sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, họ thường tỏ ra hối hận: “Nếu biết trước thế này thì tôi đã không…”. Thực tế, không ít bệnh ung thư có thể tránh được bằng cách hạn chế tiếp xúc với các yếu tố ngoại cảnh.

Không chỉ di truyền, ung thư còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài

Ước tính khoảng 40/100 nam giới và 39/100 phụ nữ ở Hoa Kỳ sẽ phát triển bệnh ung thư trong suốt cuộc đời của họ.

Bệnh ung thư không chỉ do tác động của yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt, ăn uống mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh.

Ví dụ, tia cực tím và bức xạ ion hóa là chất gây ung thư vật lý; ô nhiễm amiăng trong các tòa nhà cũ, rượu hay aflatoxin trong đậu phộng bị nấm mốc là chất gây ung thư hóa học; một số vi khuẩn và virus cũng có thể gây ung thư, chẳng hạn Helicobacter pylori dễ bị nhiễm khi ăn, và HPV… là những chất gây ung thư sinh học.

Mặc dù khó kiểm soát các đột biến gen gây ung thư, nhưng nếu ngăn chặn hiệu quả các yếu tố gây ung thư bên ngoài, tuân thủ các thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, thì khả năng tránh được vẫn khá cao.

Thực ra, 30%-50% bệnh ung thư trên thế giới vẫn có thể ngăn ngừa bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh và tránh xa các chất gây ung thư. Đằng sau con số này, đối với các loại ung thư khác nhau, tỷ lệ tránh được bằng cách giảm các yếu tố rủi ro liên quan cũng khác nhau.

Một số bệnh có thể tránh được hoàn toàn bằng cách không tiếp xúc với một số chất gây ung thư bên ngoài. Một số chỉ do yếu tố di truyền gây ra, trong khi các yếu tố ngoại cảnh là tương đối nhỏ.

30%-50% bệnh ung thư trên thế giới vẫn có thể ngăn ngừa bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh và tránh xa các chất gây ung thư.
30%-50% bệnh ung thư trên thế giới vẫn có thể ngăn ngừa bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh và tránh xa các chất gây ung thư. (Pexels)

Tránh xa yếu tố ngoại cảnh, ngăn ngừa ung thư

Trong các nghiên cứu của Hoa Kỳ, Canada, Anh và Úc, các kết luận về mối liên hệ giữa các yếu tố gây ung thư bên ngoài và nguy cơ mắc ung thư là tương đối thống nhất.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã thực hiện nghiên cứu với hơn 1.57 triệu người Mỹ trưởng thành trên 30 tuổi. Kết quả cho thấy 42% trường hợp ung thư có liên quan đến các yếu tố ngoại cảnh. Ở Canada, con số này là 33%-37%, Vương quốc Anh là 38% và Úc là 32%.

Ở Trung Quốc, một quốc gia đang phát triển, 47% bệnh nhân ung thư nam và 28% bệnh nhân ung thư nữ là do các yếu tố nguy cơ bên ngoài.

Ngoài ra, ở Brazil, cũng là một quốc gia đang phát triển, 34% trường hợp ung thư mới ở nam giới và 35% trường hợp ung thư mới ở phụ nữ là do các yếu tố ngoại cảnh gây nên.

Tử vong do ung thư có thể bắt nguồn từ tác động của các yếu tố liên quan, nếu sắp xếp mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này theo thứ tự giảm dần thì đó là: hút thuốc, thừa cân, uống rượu, bức xạ, lười vận động, nhiễm vi khuẩn và virus, chế độ ăn uống kém - chẳng hạn như ít ăn trái cây, rau quả và chất xơ, tiêu thụ thịt chế biến sẵn và thịt đỏ, lượng canxi trong chế độ ăn uống thấp.

Theo nghiên cứu mới nhất trên Tạp chí The Lancet năm 2022, 44.4% ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau.

Ngoài ra, việc phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone mãn kinh và thuốc tránh thai kết hợp, thời gian cho con bú quá ít có thể làm tăng nguy cơ ung thư cơ quan sinh sản.

Hơn nữa, tiếp xúc với một số hóa chất độc hại có thể gây ung thư: ví dụ như tiếp xúc với amiăng có thể gây ung thư phổi; uống nước có chứa nhiều asen có thể gây ung thư da, ung thư bàng quang hoặc ung thư phổi.

Tử vong do ung thư có thể bắt nguồn từ tác động của các yếu tố liên quan.
Tử vong do ung thư có thể bắt nguồn từ tác động của các yếu tố liên quan. (Max Pixel)

1. Hút thuốc

Hút thuốc được xếp đầu danh sách gây ung thư. Trung bình, cứ ba người tử vong do ung thư, thì có một người tử vong do hút thuốc. Thuốc lá và khói thuốc có thể gây ung thư ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể, từ miệng đến bàng quang.

Các hóa chất có hại trong khói thuốc xâm nhập vào phổi và lan truyền khắp cơ thể qua máu và hệ bạch huyết, cản trở sự phát triển bình thường của tế bào và làm hỏng DNA của tế bào, khiến các tế bào khó sửa có thể dẫn đến ung thư.

Nghiên cứu trên hơn 220.000 người cho thấy, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau lên 42% so với những người không hút thuốc.

Cụ thể:

  • Nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc gấp 17.7 lần so với người không hút thuốc;
  • Nguy cơ ung thư thanh quản gấp 11.3 lần;
  • Nguy cơ ung thư gan gấp 4.1 lần;
  • Nguy cơ ung thư thực quản gấp 3.8 lần
  • Nguy cơ ung thư bàng quang là 3.1 lần.
  • Những người hút thuốc đến tuổi 80, khoảng một nửa số người sẽ bị ung thư, trong đó 14% sẽ phát triển ung thư phổi.
Nghiên cứu trên hơn 220.000 người cho thấy, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau lên 42% so với những người không hút thuốc. 
Nghiên cứu trên hơn 220.000 người cho thấy, hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau lên 42% so với những người không hút thuốc. (Pexels)

2. Thừa cân

Thừa cân là nguyên nhân gây ung thư thứ hai có thể tránh được sau hút thuốc, chiếm 7.8% các ca ung thư mới ở Hoa Kỳ.

Có tới 13 loại ung thư do thừa cân gây ra, chẳng hạn như: ung thư vú sau mãn kinh, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy, ung thư túi mật, v.v.

Trong số đó, ung thư vú sau mãn kinh là bệnh ung thư liên quan đến béo phì phổ biến nhất ở phụ nữ; ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư liên quan đến béo phì phổ biến nhất ở nam giới.

Thừa cân có thể dẫn đến những thay đổi trong cơ thể, bao gồm tình trạng viêm nhiễm lâu dài và mức insulin cao hơn bình thường, các yếu tố tăng trưởng giống như insulin và hormone giới tính, cùng những thứ khác, cuối cùng dẫn đến ung thư.

Một người càng tăng cân và ở trong tình trạng thừa cân kéo dài thì nguy cơ ung thư của họ càng cao.

Một người càng tăng cân và ở trong tình trạng thừa cân kéo dài thì nguy cơ ung thư của họ càng cao.
Một người càng tăng cân và ở trong tình trạng thừa cân kéo dài thì nguy cơ ung thư của họ càng cao. (Rawpixel)

3. Uống rượu

Uống rượu xếp sau hút thuốc và thừa cân. Các bệnh ung thư liên quan đến rượu chiếm 5.6% các ca ung thư mới ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, nghiên cứu của The Lancet chứng minh rằng không có lượng rượu tối thiểu an toàn cho cơ thể người và tốt nhất là không nên uống.

Uống rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư gan, ung thư đại trực tràng…

Quá trình phân hủy ethanol trong cơ thể được chia thành hai bước: đầu tiên là phân hủy thành acetaldehyde, sau đó phân hủy thành axit axetic. Acetaldehyde là một hóa chất độc hại gây tổn thương DNA và protein trong tế bào, có thể dẫn đến ung thư.

Rượu có thể làm giảm khả năng phân hủy và hấp thụ các chất dinh dưỡng khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như vitamin A, axit folic, vitamin C, vitamin D, vitamin E và carotenoid, sự thiếu hụt các chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Đồng thời, rượu cũng có thể làm tăng nồng độ estrogen trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ ung thư vú.

Trong quá trình lên men và sản xuất đồ uống có cồn, nhiều loại chất ô nhiễm gây ung thư cũng có thể được thêm vào, chẳng hạn như nitrosamine, sợi amiăng, phenol và hydrocarbon.

--> Xem tiếp: 50% bệnh ung thư có thể phòng ngừa được, danh sách những yếu tố gây ung thư nên tránh xa (Phần 2)

Theo Li Luming từ Epoch Times tiếng Trung
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

50% bệnh ung thư có thể phòng ngừa được, danh sách những yếu tố gây ung thư nên tránh xa (Phần 1)