6 câu hỏi hàng đầu về hội chứng phổi trắng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với số ca mắc COVID-19 tăng vọt kể từ tháng 12 năm 2022, rất nhiều bệnh nhân tại Trung Quốc đã được chẩn đoán là “hội chứng phổi trắng”. Đó là tình trạng viêm phổi nặng với tỷ lệ tổn thương ở hai phổi từ 75% trở lên.

  1. “Hội chứng phổi trắng” là gì và hội chứng này có những triệu chứng nào?

“Phổi trắng” là hình ảnh hai lá phổi trắng xóa trên phim X-quang ngực hoặc phim CT scan ở những trường hợp viêm phổi nặng. Ở người bình thường, khi chụp phim X-quang hoặc chụp CT scan, phổi sẽ có màu đen vì cơ quan này chứa nhiều khí. Nhưng khi phổi có tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc có các tổn thương cấp tính, những túi khí nhỏ (phế nang) và mao mạch của phổi sẽ bị tổn thương, máu và dịch sẽ thấm vào khoảng kẽ giữa các phế nang và sau đó sẽ tràn vào khiến phế nang bị xẹp. Khi đó sẽ có các mảng màu trắng xuất hiện trên phim; ảnh chụp của phổi sẽ có màu trắng, vì vậy chúng ta mới có thuật ngữ “phổi trắng”.

Khi điều này xảy ra, lượng dịch tích tụ trong phế nang sẽ ngày càng tăng lên và nồng độ oxy trong máu cũng giảm đi nhanh chóng. Khi phần lớn các phế nang bị xẹp, oxy sẽ không thể đi vào máu. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân gồm có tức ngực, nhịp thở ngắn, khó thở và độ bão hòa oxy trong máu thấp hơn 93%. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng như da tím tái (xanh xao), đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh và rối loạn nhận thức.

  1. Có phải hội chứng phổi trắng chỉ gặp trong bệnh do virus COVID-19 không?

Tất cả các nguyên nhân gây tổn thương phổi cấp tính như nhiễm khuẩn, co giật, viêm phổi hít, viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma và chấn thương ngực (dập phổi) đều có thể dẫn đến tình trạng phổi trắng.

Các công ty đa quốc gia tăng tốc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu
Một bệnh nhân đã tử vong nằm trên cáng tại bệnh viện Tongren ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 03/01/2023. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)
  1. Làm thế nào để biết chúng ta có đang mắc hội chứng phổi trắng hay không?

Điều quan trọng nhất là phải đánh giá xem bạn có khó thở hay không và nồng độ oxy trong máu có ở mức bình thường hay không. Nếu nồng độ này thấp hơn 93 phần trăm, bạn có thể nghi ngờ rằng mình đang bị viêm phổi. Khi đó, bạn cần phải đến bệnh viện để kiểm tra kỹ hơn.

Viêm phổi ở người cao tuổi có thể không kèm theo triệu chứng sốt và có thể không có những triệu chứng hô hấp rõ ràng. Do đó cần phải theo dõi sát những người cao tuổi. Khi họ có biểu hiện chán ăn, vẻ bơ phờ hoặc thờ ơ, ngủ nhiều và nồng độ oxy trong máu thấp hơn 93% thì phải lập tức đưa họ đến các cơ sở y tế.

  1. Những ai dễ mắc hội chứng phổi trắng?

Theo các báo cáo lâm sàng, người cao tuổi dễ mắc hội chứng phổi trắng nhất. Sau đó là những bệnh nhân mắc các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ghép thận, ghép gan hoặc các bệnh lý tự miễn.

  1. Chúng ta có thể phòng ngừa hội chứng phổi trắng bằng cách nào?

Những người thuộc nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là những người có bệnh nền cần được ưu tiên phòng bệnh.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý và bù đủ nước có thể giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng của COVID-19. Ngoài ra, việc duy trì lối sống lành mạnh, tránh thức khuya có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

  1. Tổn thương phổi do COVID-19 có thể hồi phục được không?

Sau khi nhiễm virus, chức năng phổi của phần lớn bệnh nhân COVID-19 đều có thể phục hồi. Nhưng cần có thời gian để tái tạo nhu mô phổi. Có thể phải mất từ ba tháng đến một năm hoặc thậm chí lâu hơn để bệnh nhân có thể quay trở lại trạng thái trước khi mắc bệnh.

Quá trình hồi phục của phổi cũng giống như khi chúng ta gãy chân và cần phải bó bột trong vài tháng. Không ai có thể chạy ngay khi xương vừa lành lại. Bệnh nhân có thể có những cảm giác khó chịu trong quá trình chiếc chân gãy lấy lại sức mạnh và khối cơ phát triển trở lại. Đó cũng chính là điều sẽ xảy ra trong quá trình hồi phục của phổi.

Thời tiết lạnh vào mùa đông có thể khiến cho tỷ lệ của các loại viêm phổi cao hơn. Ngay cả khi không có virus COVID-19, người già mắc các bệnh lý nền cũng dễ bị viêm phổi hơn. Hãy chú ý nhiều hơn đến tần số thở của bạn. Nếu bạn cảm thấy tức ngực, khó thở, sốt kéo dài và nồng độ oxy trong máu giảm thấp hơn 93%, bạn cần phải đến bệnh viện để điều trị ngay lập tức.

(Bài đăng trên The Epoch Times - Epoch Health của tác giả: Dr. Jingduan Yang

Jingduan Yang: Là Tiến sĩ, giảng viên tại Trung tâm Y học Tích hợp của Đại học Arizona, cựu trợ lý giáo sư tâm thần học và giám đốc Chương trình Châm cứu và Y học Phương Đông tại Trung tâm Y học Tích hợp Jefferson-Myrna Brind tại Đại học Thomas Jefferson. Ông đã hoàn thành học bổng nghiên cứu về tâm sinh lý lâm sàng tại Đại học Oxford, khóa đào tạo nội trú về tâm thần học tại Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia và Học bổng Bravewell về y học tích hợp tại Đại học Arizona. Bạn có thể tìm hiểu thêm về Tiến sĩ Yang tại trang web của ông www.YangInstolarship.com).

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Thiệu Huy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

6 câu hỏi hàng đầu về hội chứng phổi trắng