7 hình dạng phân gợi ý tình trạng sức khỏe đường ruột

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hình dạng phân thải ra ngoài có thể gợi ý về tình trạng sức khỏe của bạn. Một số người hẳn sẽ có lúc thắc mắc vì sao phân có hình dạng thiếu nhất quán, chẳng hạn như lúc tiêu chảy hoặc táo bón. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ thể của bản thân, từ đó biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống để cải thiện đường ruột.

Hình dạng phân được chia thành bảy loại

Phân có thể được chia thành bảy loại theo thang phân Bristol (thang phân bristol):

Phân có thể được chia thành bảy loại theo thang phân Bristol (thang phân bristol).
Phân có thể được chia thành bảy loại theo thang phân Bristol (thang phân bristol). (Wikipedia)
  • Loại 1: còn gọi là "phân cừu", vón thành nhiều cục nhỏ, rời rạc, có hình dạng một quả bóng khô cứng.
  • Loại 2: Dạng xúc xích có những vết lồi lõm trên bề mặt, nhìn bề ngoài có thể thấy nhiều "quả bóng" nối liền nhau, hoặc có thể là những dải mỏng có vết lồi và vết nứt.
  • Loại 3: Dạng xúc xích nhưng có vết nứt trên bề mặt.
  • Loại 4: Bề ngoài giống như bắp chuối hoặc rắn, bề mặt rất nhẵn.
  • Loại 5: Phân mềm dạng cục, mặt cắt mịn và không có hình dạng.
  • Loại 6: Phân thô, xốp, vón cục đến nhão.
  • Loại 7: Phân lỏng nhiều nước.

Phân được hình thành như thế nào?

Một phần chức năng của ruột già là thu hồi nước. Sau khi thức ăn được dạ dày tiêu hóa và ruột non hấp thụ, nó sẽ được đưa vào ruột già dưới dạng chất lỏng giống như cháo, ruột già sẽ bắt đầu hấp thụ nước, làm cho phân ngày càng cô đặc, hình thành và cuối cùng là đào thải ra khỏi cơ thể.

Người có mật độ đại tiện 3 lần một ngày hoặc từ 2 - 3 ngày 1 lần là ở mức bình thường.

Chung Vân Nghê, bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật Đại trực tràng và Phẫu thuật Bệnh trĩ Xâm lấn Tối thiểu của Phòng khám Phụ nữ và Trẻ em Hexin Minquan, chỉ ra rằng nếu nhu động ruột bình thường, ngay cả khi có bất kỳ chất gây ung thư và chất kích thích nào trong thức ăn, thời gian kích ứng ruột sẽ không quá lâu, nói chung khả năng gây ung thư sẽ giảm đi.

Nếu trên 3 ngày bạn mới đại tiện một lần thì có thể bạn đã bị táo bón, tuy nhiên nếu chế độ ăn uống đúng chế độ mà nước đọng lại lâu trong ruột, kể cả với những người có nhu động tiêu hóa chậm thì phân thải ra ngoài sau ba ngày sẽ không quá khô và cứng.

Ngược lại, những người có chế độ ăn uống kém, phân sẽ cứng lại trước khi thải ra ngoài, khó cuộn và di chuyển về phía trước trong ruột già, lâu dần sẽ bị hút khô gây táo bón, cuối cùng trở thành phân dạng 2, hoặc thậm chí dạng 1.

Trong khi đó, phân loại 5 đến 7 là tiêu chảy, có liên quan đến sự kích thích đường ruột và nhu động ruột.

Cách đầu tiên để cải thiện tình trạng đại tiện bằng chế độ ăn uống: Ăn đủ 3 loại thực phẩm

Chế độ ăn uống nghèo nàn gây táo bón có liên quan đến việc cung cấp không đủ chất xơ, nước và dầu.

1 - Chất xơ

Chất xơ là "bộ xương" của phân, có thể làm tăng khối lượng phân và làm cho phân mềm.

Chế độ ăn uống hàng ngày sẽ tốt hơn với các thành phần giàu chất xơ, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt và lúa mì, trái cây và rau quả giàu chất xơ như cần tây, măng, lá khoai lang, rau muống, măng tây, nấm, chà là đen.

Bác sĩ Chung chỉ ra rằng nếu bạn không biết cách đánh giá hàm lượng chất xơ của rau, thì “bạn hãy chọn những loại rau có màu càng sẫm càng tốt".

Dương Tư Hàm, chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Y tế Tongxin, nói rằng chúng ta cũng nên chú ý đến thực phẩm ít chất xơ như dưa, trái cây và nước ép trái cây… có chiếm phần lớn trong bữa ăn hay không.

Về những loại rau mà hầu hết mọi người không thích, cả hai đều nhấn mạnh rằng không nên vì thế mà lựa chọn và loại bỏ chúng đi.

Đặc biệt là những người vốn biếng ăn, lượng thức ăn hấp thu hạn chế, càng phải ăn những cọng rau hoặc hái những loại rau có nhiều chất xơ.

Bác sĩ Chung cho biết mặc dù cọng rau không ngon nhưng vì lợi ích mà nó mang lại, bạn vẫn nên cố gắng ăn.

Bà kể lại rằng một lần bà đang ăn sáng trong một nhà hàng, bà nhìn thấy một cô gái trẻ chỉ nhặt lá non của bắp cải và bỏ cọng. Bà nhìn nó và tự nghĩ: “Nếu tiếp tục như vậy trong 10 năm nữa, người phụ nữ này có lẽ phải gặp bác sĩ."

Vì bắp cải không có nhiều chất xơ nên trong trường hợp bạn không ăn phần cọng thì lượng chất xơ sẽ không đủ.

2 - Uống đủ nước

Nước có thể làm cho phân mềm, không bị khô và cứng.

Chuyên gia Dương Tư Hàm cho biết bà đã gặp một số bệnh nhân trong bệnh viện ăn chay hoặc ăn nhiều rau nhưng vẫn bị táo bón, một trong những nguyên nhân chính là do họ uống không đủ nước và thiếu nước trong ruột để làm mềm phân, dẫn đến tình trạng phân quá khô và cứng.

3 - Dầu mỡ

Dầu mỡ có thể kích thích nhu động của đường tiêu hóa, bôi trơn ruột, hỗ trợ đại tiện. Nên bổ sung vào chế độ ăn một lượng dầu thực vật thích hợp, và tránh nấu các bữa ăn không có dầu.

Ngoài ra, nhân viên văn phòng ít vận động trong thời gian dài, người bị hạn chế vận động, người chưa có thói quen đại tiện cố định hoặc thường xuyên nhịn; người bệnh cần uống thuốc giảm đau, viên canxi, sắt và các loại thuốc khác... Tất cả đều là những người dễ bị táo bón.

Nếu táo bón do thuốc thì có thể nhờ bác sĩ kê đơn thuốc làm mềm phân, người bệnh cũng có thể uống nước ép táo tàu đen để cải thiện.

Chỉ là nước ép táo tàu đen dễ gây kích ứng đường tiêu hóa hơn, những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa dù là người lớn hay trẻ em đều nên hỏi ý kiến ​​của đội ngũ y tế trước khi sử dụng.

Cách thứ hai để cải thiện nhu động ruột bằng chế độ ăn uống: Bổ sung men vi sinh nuôi dưỡng đường ruột

Trong số các loại hình dạng phân, thì loại 5 và 6 là tiêu chảy nhẹ. Hãy chú ý xem bạn có hấp thụ những thức ăn gây kích ứng đường tiêu hóa hay không, chẳng hạn như sữa (đường lactose), thức ăn chiên rán và thức ăn cay.

Đồng thời, nên bổ sung các loại thực phẩm như men vi sinh (men vi sinh dạng uống, sữa chua) và chất xơ hòa tan trong nước có chứa pectin như yến mạch, táo, đậu bắp.

Đối với những người bị tiêu chảy, ăn men vi sinh có thể bổ sung vi khuẩn tốt cho đường ruột, nhưng bạn phải ăn đầy đủ rau củ quả bình thường.

Bác sĩ Chung nói rằng bà sẽ không đặc biệt hạn chế bệnh nhân ăn khoai tây chiên và đồ cay, chỉ là họ phải ăn nhiều rau hơn.

Bà nhấn mạnh, rau là thực phẩm có tác dụng ổn định dạ dày và đường ruột, chất xơ trong ruột giống như miếng bọt biển, có thể hút nước, gom cặn trong phân, tạo thành khối phân bông xốp và dễ thải ra ngoài.

Chất xơ cũng có thể nuôi dưỡng hệ vi khuẩn đường ruột tốt. Chỉ cần cung cấp đủ chất xơ, thì đường ruột vẫn sẽ ổn định; bất kể bạn bổ sung men vi sinh hay không.

Vì vi khuẩn tốt sẽ giúp giải phóng các chất gây viêm nhiễm và phân hủy các chất gây ung thư, dù vi khuẩn xấu có ăn vào cũng bị vi khuẩn tốt đào thải ra ngoài và không lưu lại trong ruột.

Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là do hội chứng ruột kích thích, do vi khuẩn có hại trong đường ruột, hoặc do viêm ruột lâu ngày.

Loại phân lỏng thứ 7 là tiêu chảy nặng, có thể được chia thành tiêu chảy cấp và tiêu chảy mãn tính: tiêu chảy cấp phần lớn là do nhiễm vi khuẩn, chẳng hạn như Salmonella và Staphylococcus; tiêu chảy mãn tính có thể do ung thư, bệnh gan và thận.

Chuyên gia Dương Tư Hàm chỉ ra rằng đối với trường hợp tiêu chảy nặng, trước tiên bạn phải nhịn ăn, để ruột nghỉ ngơi, đồng thời chú ý bổ sung nước và chất điện giải.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên đi khám và ăn uống sau khi tình trạng bệnh được cải thiện. Lúc này, trước tiên bạn phải ăn thức ăn nhẹ như cơm canh, bổ sung nước táo giàu pectin. Sau khi lành hẳn, hãy bắt đầu ăn trái cây và rau có nhiều chất xơ hơn.

Loại phân hỗn hợp, khó phân loại có liên quan đến nhiều vi khuẩn xấu trong đường ruột

Một số người có thể có kinh nghiệm đại tiện như sau: đầu tiên thải phân có hình dạng cụ thể, sau đó thải phân mềm có màu hơi sệt. Rất khó để phân loại nó thuộc loại phân nào.

Bác sĩ Chung nói rằng phân hình thành phía trước thường khô hơn phía sau, vì nó bị hấp thụ nhiều nước nhất, trong khi phân hình thành ở phía sau đẩy nó về phía trước.

Trong trường hợp bình thường, ruột có thể hấp thụ nước và di chuyển phân với tốc độ ổn định, có thể tạo thành phân có hình dạng nguyên vẹn.

Khi đường ruột chưa đủ ổn định và nhu động lúc nhanh lúc chậm, phân trước có thể đọng lại lâu hơn, phân sau không hồi phục được nước do ruột bị kích thích, nhu động ruột nhanh, tiết các chất gây viêm mạn tính… dẫn đến phân trước và phân sau không có hình dạng thống nhất.

Loại tình huống này có thể là do sự bất ổn của hệ thần kinh tự chủ, và nó cũng liên quan đến số lượng lớn vi khuẩn xấu trong đường ruột.

Cần lưu ý rằng vi khuẩn xấu bao gồm Helicobacter pylori trong dạ dày, và đường tiêu hóa thông với nhau, những người thường xuyên đại tiện kiểu này rất dễ bị viêm loét đường tiêu hóa, ruột kích thích và các bệnh khác.

Bảo Vy
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

7 hình dạng phân gợi ý tình trạng sức khỏe đường ruột