9 lý do khiến bạn muốn nhảy dây mỗi ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhảy dây ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong tất cả các môn rèn luyện cơ thể. Các vận động viên, người mẫu, dân tập gym, ai cũng quen thuộc với nhảy dây.

Không chỉ là một hình thức tập thể dục vui nhộn, rẻ tiền, dễ mang theo người, nhảy dây còn mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe và thể chất của chúng ta.

Vậy nhảy dây có tác dụng gì?

1. Nhảy dây tăng cường sức khỏe tim mạch

Nhảy dây từ lâu đã được các võ sĩ sử dụng như một hình thức tập luyện giúp cải thiện sức mạnh của đôi chân và tăng cường khả năng vận động nói chung.

Nó giúp tăng cường dần nhịp tim tối đa và nhịp thở tương tự như chạy bộ. Nếu bạn dành ra 10 phút mỗi ngày để nhảy dây, bạn sẽ tạo cho cơ thể nền tảng để thích nghi với nhiều cường độ vận động khác nhau, giúp làm giảm huyết áp và giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi.

Nhảy dây cũng có tác dụng tăng cường hoạt động hô hấp. Nói đơn giản là cơ thể bạn đang hấp thụ và sử dụng oxy hiệu quả hơn.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhảy dây có tác dụng tăng cường thể dục tim mạch. Nó liên quan đến việc cải thiện sức khỏe và tuổi thọ. Cải thiện hoạt động thể chất của hệ tim mạch đã được chứng minh là làm giảm huyết áp. Bên cạnh đó, nó còn cải thiện độ nhạy insulin, giảm viêm trong cơ thể, giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và nhiều bệnh mãn tính khác.

2. Nhảy dây tập luyện toàn thân

Nhảy dây là một bài tập sử dụng toàn thân và tập trung vào cơ bụng để ổn định cơ thể. Lúc này, chân để nhảy, vai và cánh tay của bạn dùng để xoay dây. Do đó, nó mang lại một buổi tập luyện toàn diện thay vì chỉ sử dụng một phần của cơ thể.

Tập luyện toàn thân có tác dụng tăng trương lực cơ. Điều này sẽ giúp ích cho tất cả các hoạt động hàng ngày và tăng cường trao đổi chất, giúp chúng ta đốt cháy calo ngay cả khi đang nghỉ ngơi.

3. Tác dụng về kỹ năng phối hợp và vận động

Nhảy dây liên quan đến sự phối hợp và cân bằng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó cải thiện sự phối hợp, cân bằng và các kỹ năng vận động cơ bản ở trẻ em. Chúng cũng giúp làm giảm nguy cơ mất thăng bằng dẫn đến té ngã và tạo nền tảng rất quan trọng cho cuộc sống sau này.

Có rất nhiều bài tập khác nhau mà bạn có thể thực hiện với sợi dây và mỗi bài đòi hỏi sự phối hợp khác nhau để hoàn thành bài tập. Điều này cũng có tác dụng rèn luyện trí não của bạn.

4. Nhảy dây có tác dụng tăng mật độ xương

Nhảy dây liên quan đến việc tạo ra một tác động với mặt đất trong mỗi bước nhún nhảy. Những động tác này giúp cho xương của chúng ta tự sửa chữa và hoàn thiện để trở nên chắc khỏe hơn. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng mật độ xương tạo, điều này rất có ích vì mật độ xương của chúng ta sẽ giảm dần khi về về già.

Nhảy dây giúp xương của chúng ta chắc khỏe hơn... (David Pereiras / Shutterstock)

Không chỉ vậy, nhảy dây còn có tác dụng tăng mật độ khoáng chất của xương. Mật độ khoáng xương cao hơn giúp bạn ít bị gãy xương hoặc bị loãng xương khi tuổi đã cao niên. Gãy xương hông là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong ở người lớn tuổi, dẫn đến mất khả năng tự lập và là gánh nặng kinh tế to lớn.

5. Nhảy dây tăng tốc độ

Vì nhảy dây đòi hỏi chuyển động linh hoạt của bàn chân và cánh tay nên nó được coi là một bài tập plyometric. Đây là các bài tập mà các cơ sẽ được tác động lực tối đa trong khoảng thời gian ngắn với mục tăng sức mạnh.

Bài tập Plyometric được sử dụng trong giới thể thao để tăng tốc độ của vận động viên. Trong rất nhiều bài tập có thể cải thiện sức khỏe tim mạch thì nhảy dây được chú ý có thể giúp cải thiện tốc độ. Tập nhảy dây hàng ngày có thể giúp bạn nhanh hơn trước.

6. Nhảy dây có tác dụng giảm cân

Đối với một người có thể trạng trung bình thì một phút nhảy dây có thể đốt tới 10 calorie. Nếu phải so sánh giữa việc nhảy dây 30 phút và chạy bộ nhẹ trong cùng thời gian thì nhảy dây sẽ đốt cháy nhiều năng lượng hơn.

Theo tờ Science Daily, “Bài tập nhảy dây có thể đốt cháy năng lượng trực tiếp lên tới 1.300 calorie cho một giờ vận động mạnh, với trung bình 0,1 calorie được tiêu thụ cho mỗi lần nhảy. Nhảy dây 10 phút có thể tương đương với chạy một dặm trong vòng 8 phút”.

Các bài tập cường độ cao như nhảy dây cũng đã được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm mỡ bụng và giúp củng cố cơ bụng cũng như cơ lõi của cơ thể. Khi nhảy dây, chúng ta thường siết chặt cơ bụng, nhờ đó mà bài tập này vô cùng hiệu quả cho những ai muốn một cơ bụng hoàn hảo. Đơn giản là bạn chỉ cần nhớ hãy siết cơ bụng trong quá trình nhảy dây nhé.

7. Hiệu quả về thời gian

Nhảy dây là một hình thức luyện tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT). Bài tập HIIT là nơi bạn có các đợt tập cường độ cao sau đó là khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn. Điều này được lặp lại nhiều lần. HIIT đã được chứng minh là tạo ra mức độ rèn luyện sức khỏe tim mạch cao hơn so với tập luyện sức bền truyền thống.

Nó cũng hiệu quả hơn về thời gian vì các bài tập nhảy dây có thể thực hiện trong khoảng thời gian ngắn. Đây là lý do tại sao tập HIIT đã trở thành bài tập phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nhảy dây có thể giúp bạn dễ dàng thích nghi và có thể là một bài tập cường độ cao hay thấp tùy biến theo sức chịu đựng của người tập.

8. Cải thiện khả năng giữ bình tĩnh

Khi bạn vừa vận động cơ thể vừa sử dụng trí óc liên tục sẽ giúp cho cơ thể và tâm trí của bạn bình tĩnh dễ hơn. Do đó, khi đương đầu với các sự việc trong cuộc sống, bạn có thể trầm tĩnh xử lý vụ việc hơn so với những người không thực hiện bài tập nhảy dây.

9. Nhảy dây mang lại sự thú vị

Một trong những điều quan trọng trong việc thay đổi thói quen đó là sự thích thú mà nó mang lại.

Điều tuyệt vời của việc nhảy dây là có rất nhiều cách khác nhau để bạn có thể thực hiện. Bạn có thể tạo ra các bài tập luyện đa dạng giúp duy trì sự thích thú của mình.

Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng lực tiếp đất của chân có thể dẫn đến chấn thương phần dưới cơ thể. Nhưng chúng ta có thể sử dụng các kiểu nhảy khác nhau để giúp giảm lực và giảm nguy cơ chấn thương. Đối với tất cả các loại bài tập, bạn nên tăng dần thời lượng. Điều này sẽ giúp làm giảm thiểu chấn thương.

Nhìn chung, nhảy dây có thể là một hình thức tập thể dục rất có lợi. Nó không chỉ cải thiện nhiều khía cạnh quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta — bao gồm sức khỏe tim mạch và mật độ xương — mà còn rất tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Video: 10 kiểu nhảy dây cơ bản

Thùy Linh
-Theo The Epoch Times tiếng Anh.

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

9 lý do khiến bạn muốn nhảy dây mỗi ngày