Các phương pháp truyền thống để bảo quản nhiều loại thực phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn có nên tích trữ thực phẩm? Việc bạn lo lắng khi thấy các mặt hàng tạp hóa yêu thích bị hết hàng trong nhiều tuần liên tục là điều bình thường. Xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục và có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

Mặc dù biến đổi khí hậu toàn cầu là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta cũng không thể thay đổi được điều này. Nhưng chúng ta có thể lùi lại một bước, tìm kiếm và nâng niu những điều nhỏ nhặt giúp chúng ta quay trở về trạng thái hòa hợp với vũ trụ. Các phương pháp tích trữ thực phẩm truyền thống có thể là một cách đi đúng hướng và rất thiết thực.

Không có điện để làm mát, tổ tiên của chúng ta mùa gì thức nấy, và dùng mọi cách có thể để tích trữ đồ ăn dư thừa cho những lúc thực phẩm bị khan hiếm. Dưới đây là một số phương pháp tích trữ thực phẩm truyền thống.

Sấy khô

Máy sấy khô bằng điện có thể làm khô nhanh chóng, đồng đều nhiều loại thực phẩm. (Hình ảnh: Forest và Kim Starr qua Wikimedia Commons CC BY 3.0)

Một trong những cách đơn giản và an toàn nhất để bảo quản thực phẩm là sấy khô. Độ ẩm là yếu tố thuận lợi cho nhiều vi sinh vật phát triển khiến thực phẩm bị hỏng. Sau khi được làm khô, thực phẩm vẫn có thể giữ nguyên được vitamin và hương vị trong vòng nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Sấy khô là biện pháp lý tưởng cho nhiều loại trái cây và sản phẩm có khối lượng lớn. Thành phẩm sau khi sấy khô có khối lượng nhỏ hơn nhiều và có thể bảo quản trong lọ kín khí. Chúng không chiếm dụng phần lớn diện tích quý giá trong tủ lạnh như khi còn tươi. Mặc dù máy sấy khô bằng điện hứa hẹn mang lại kết quả hoàn hảo, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm biện pháp này mà không cần dùng đến điện. Thay vào đó là dùng nhiệt và luồng khí.

Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu khô và nóng, việc sấy khô ngoài trời rất dễ dàng, miễn là bạn có thể giữ cho thực phẩm tránh khỏi sâu bọ. Màn hoặc vải mỏng có thể giúp tránh côn trùng, hoặc thậm chí dùng dây lưới để ngăn cản những sinh vật lớn hơn vào ăn.

Nếu ô tô của bạn phơi nắng gần như cả ngày, bạn có thể dùng chúng làm một chiếc “máy sấy” bằng cách tận dụng phần mặt phẳng rộng của ô tô để dàn thực phẩm lên đó.

Những người đun nấu bằng củi có lẽ đều biết rằng không khí xung quanh bếp củi thường khô, khiến da bị khô và môi bị nứt nẻ. Chúng ta có thể tận dụng đặc điểm này để làm khô các sản phẩm mùa thu như táo khi đêm trở lạnh.

Hầu hết trái cây cắt lát mỏng (khoảng 5mm), sẽ khô trong vòng khoảng 12 giờ. Trái cây có chứa đường và axit và thành phẩm phải có vỏ. Các loại rau không có chất bảo quản cần được sấy khô cho đến khi giòn để tránh nấm mốc.

Ướp muối và hun khói thịt

Nhiều loại thịt và cá có thể được bảo quản trong thời gian dài bằng cách ướp muối và hun khói. (Hình ảnh: Ramon Piñeiro qua Wikimedia Commons CC BY-SA 2.0)

Ướp muối là một trong những phương pháp nấu ăn sớm nhất của con người. Hàng ngàn năm qua, con người đã dùng các hóa chất và cồn tự nhiên từ khói gỗ để tiêu diệt vi khuẩn và làm chậm quá trình oxy hóa. Lý do chính khiến phương pháp này vẫn còn tồn tại là khói củi cũng tạo thêm hương vị và có thể cải thiện kết cấu so với các phương pháp chế biến thịt khác.

Phương pháp nấu chậm này phù hợp nhất với các loại thịt béo, dai, vì chất béo sẽ bảo vệ thịt không bị quá khô và các mô liên kết sẽ bị phá vỡ trong quá trình hun khói lâu. Thịt mông, sườn và ức heo đều là những bộ phận được khuyên dùng để hun khói.

Vì trước khi hun khói, thịt cần được ướp qua muối, vì vậy những người có chế độ ăn kiêng muối không nên dùng sản phẩm này. Muối thường được dùng để bảo quản thực phẩm như cá.

Bảo quản trứng

Trứng có thể được bảo quản ở trạng thái tươi mới bằng phương pháp gần như đã bị lãng quên đó là “ngâm nước”. (Ảnh: pexels.com)

Phương pháp bảo quản trứng bằng nước đã từng được sử dụng phổ biến để bảo quản trứng mà không cần làm lạnh. Ngày nay, chúng ta có trứng tươi quanh năm; nhưng trước khi đại cách mạng nông nghiệp và ánh sáng nhân tạo ra đời, gà đẻ trứng theo chu kỳ tự nhiên, khi xung quanh chúng có nhiều ánh sáng nhất. Theo đó, gà mái không đẻ vào những tháng mùa đông.Vì vậy, cần phải bảo quản trứng từ mùa xuân và mùa hè, khi gà đẻ nhiều trứng nhất để dành cho mùa thu và mùa đông, khi chúng hầu như không sinh sản.

Quá trình bảo quản trứng bằng nước được thực hiện bằng cách cho trứng tươi vào dung dịch nước và vôi ngậm nước, với tỷ lệ 28g vôi ngậm nước với 1 lít nước sạch. Dung dịch này không chỉ không phù hợp với vi khuẩn mà còn phản ứng với vỏ trứng để làm cho chúng kín khí, giữ được độ tươi. Một số người ở độ tuổi chín mươi vẫn còn nhớ đã lấy những quả trứng này từ một thùng nước và sử dụng chúng giống như những quả trứng tươi.

Điều quan trọng là ngâm trứng ngay khi chúng được lấy từ ổ gà để đảm bảo không có bất kỳ chất độc hại nào xâm nhập qua lớp vỏ xốp của trứng. Khi lấy trứng ra dùng sau thời gian bảo quản, tốt nhất bạn vẫn nên đập chúng ra một cái bát riêng, vì bạn không thể chắc được rằng quả trứng đó đã bị hỏng hay chưa, cho đến khi bạn đập vỡ, tận mắt nhìn và ngửi chúng.

Lên men và ngâm chua

Kim chi, một loại bắp cải siêu cay phổ biến ở Hàn Quốc, được lên men ngoài trời trong những chiếc vại gốm lớn. (Hình ảnh: OlkhichaAppa qua Wikimedia Commons CC BY-SA 3.0)

Kể từ buổi bình minh của nền văn minh nhân loại chúng ta, con người đã biết sử dụng vi sinh vật để bảo quản thực phẩm thông qua các quá trình lên men khác nhau. Trong điều kiện thích hợp, vi khuẩn tự nhiên có thể chuyển hóa đường trong thực phẩm thành axit và rượu hoạt động như chất bảo quản. Quá trình lên men có thể mất vài ngày, vài tuần hoặc vài năm, tùy thuộc vào loại thực phẩm.

Một số ví dụ phổ biến về thực phẩm lên men bao gồm các sản phẩm từ sữa như sữa chua, kefir và một số loại pho mát lâu năm, sử dụng nhiều loại vi khuẩn axit lactic; các loại rau muối như kim chi, dưa cải bắp và dưa chua thì là; các sản phẩm từ đậu nành như tương nén, miso và một số loại nước tương; và thậm chí cả các loại ngũ cốc như bánh mì bột chua hoặc rượu ngũ cốc.

Quá trình lên men thường tạo ra rất nhiều vi khuẩn có lợi quan trọng cho quá trình tiêu hóa. Khi bạn đã có thành phẩm mong muốn, cần phải làm lạnh để kết thúc quá trình lên men tích cực.

Một tác dụng bảo quản tương tự có thể đạt được thông qua ngâm chua. Mặc dù một số thực phẩm lên men được gọi là dưa chua, nhưng quy trình ngâm chua lại rất khác. Thay vì nuôi cấy trong môi trường axit, ngâm thực phẩm trong dung dịch đã có tính axit, điển hình là giấm có thêm đường, muối và gia vị. Dưa được muối theo cách này chỉ trong một thời gian ngắn là có thể dùng được. Nếu được đóng hộp, chúng có thể được bảo quản trong tủ bình thường.

Thay vì kích thích sự phát triển của vi khuẩn, việc ngâm chua sẽ tiêu diệt vi khuẩn bằng cách đun nóng dung dịch ngâm. Mặc dù rau ngâm và rau lên men có thể trông giống nhau, nhưng thực phẩm ngâm chua thường có vị chua mạnh hơn và thường ngọt hơn là mặn. Chúng không giàu men vi sinh.

Đóng hộp

Trước khi trái cây được vận chuyển khắp các lục địa và trên toàn thế giới, đóng hộp là một cách lưu trữ phổ biến các loại hoa quả dồi dào đang vào mùa để dành cho những lúc khan hiếm. Lọ thủy tinh được chế tạo đặc biệt để đóng hộp sẽ chịu được nhiệt độ cao trong nồi cách thủy. Chúng có kích thước nắp tiêu chuẩn để dễ dàng thay thế, vì vậy bạn có thể dùng cùng một chiếc lọ qua nhiều thế hệ.

Trái cây đã sơ chế được cho vào lọ tiệt trùng nóng, đậy nắp nóng, tiệt trùng và cho vào nồi cách thủy đang sôi trong thời gian khuyến nghị, thường từ 10 đến 30 phút. Các lọ tự đóng kín khi chúng nguội đi, sau đó chúng có thể được bảo quản trong tủ. Bạn có thể kiểm soát được lượng đường cho vào lọ bằng cách tự làm mứt và chất bảo quản.

Mặc dù ngộ độc thịt là nỗi sợ phổ biến khi nói đến đồ hộp, nhưng thực phẩm có hàm lượng axit và đường cao - như trái cây chín và cà chua - không hỗ trợ việc sản xuất ra độc tố chết người này. Mặt khác, thực phẩm có hàm lượng axit thấp cần được đóng hộp áp suất để đảm bảo an toàn.

Một nỗi sợ hãi khác liên quan đến đồ hộp là nồi áp suất đáng sợ. Những chiếc nồi áp suất ngày nay khá an toàn và dễ sử dụng; nhưng miễn là bạn làm theo hướng dẫn, thì chiếc nồi áp suất kiểu cũ cũng vẫn rất hữu ích.

Kho mát

Hầm chứa củ là một phần không thể thiếu của các ngôi nhà ở Anh, dùng để bảo quản khoai tây, cải bắp, các loại rau ăn củ và táo trong suốt mùa đông. Những người di cư đã truyền “bí kíp” này tới Bắc Mỹ và những chiếc hầm được xây trong lòng đất để duy trì nhiệt độ mát mẻ - mà lại không khiến thực phẩm bị đóng băng.

Mặc dù việc xây dựng một hầm chứa thực phẩm có lẽ không thực tế đối với đa số chúng ta hiện nay, nhưng có những lựa chọn thay thế đơn giản khác. Bất kỳ hố nào được đào dưới mức sương giá sẽ duy trì nhiệt độ mát mẻ quanh năm mà không bị đóng băng. Chúng ta có thể đào và xây hố theo tiêu chuẩn để tránh vi khuẩn lọt vào thực phẩm mà vẫn đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Một lớp cách nhiệt xung quanh hộp và trên nắp sẽ giúp giữ nhiệt độ không đổi.

Bảo quản các loại hạt và ngũ cốc

Các loại hạt, ngũ cốc và hạt giống cũng là những thực phẩm quan trọng mà mọi người muốn “dự trữ”. Mặc dù hiện nay việc này không còn phổ biến như trước, nhưng các loại hạt được mua về — hoặc thu hái ngoài tự nhiên — để nguyên vỏ, đóng gói tự nhiên để bảo vệ chúng khỏi bị thối rữa. Theo truyền thống, người ta sẽ xát vỏ khi cần thiết.

Mặc dù ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt có thời hạn sử dụng ngắn hơn các loại bột tinh chế đã qua chế biến, nhưng chúng vô cùng bổ dưỡng. Bánh mì cứng giòn hoặc bánh quy giòn làm từ ngũ cốc tốt cho sức khỏe này có thể giữ được nguyên các khoáng chất và chất xơ mà không cần làm lạnh. Tuy nhiên, hãy bảo quản chúng trong hộp kín khí vì chúng vẫn dễ bị sâu mọt tấn công.

Hải Quỳnh

(Theo The Epoch Times tiếng Anh)



BÀI CHỌN LỌC

Các phương pháp truyền thống để bảo quản nhiều loại thực phẩm