Cảnh giác với 7 tác nhân gây lão hóa ẩn trong thức ăn hàng ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ thể hấp thụ nhiều đường sẽ lão hóa nhanh hơn, biểu hiện trên làn da thường là đốm nám, vết nhăn hay độ đàn hồi kém. Ngoài đó ra, còn có những tác nhân gây lão hóa tiềm ẩn nào trong các thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày?

7 tác nhân gây lão hóa ẩn trong những món ăn hàng ngày

Tác nhân gây lão hóa thực quản: Thức ăn nóng

Bề mặt thực quản của con người được bao phủ bởi các màng nhầy mỏng manh, và nhiệt độ của thức ăn hàng ngày đều có ảnh hưởng lớn đến nó. Cụ thể:

  • Thực phẩm có nhiệt độ từ 10°C đến 40°C là thích hợp nhất;
  • Nhiệt độ từ 50°C đến 60°C hầu như không chấp nhận được;
  • Thực quản sẽ bị bỏng nếu thức ăn có nhiệt độ trên 65°C.

65℃ có vẻ là một nhiệt độ cao, nhưng thực tế, một chiếc bánh bao nóng có thể vượt quá nhiệt độ này. Ăn thức ăn quá nóng không chỉ làm bỏng niêm mạc thực quản dẫn đến viêm nhiễm, hoại tử mà về lâu dài, chúng có thể gây ung thư.

Do thực quản, dạ dày kém nhạy cảm với nhiệt độ nên bạn rất khó cảm giác được nếu chúng bị bỏng rát. Điều này khiến chúng ta không dễ phát hiện các tổn thương nhỏ bên trong.

Để tốt cho sức khỏe, bạn nên chọn thực phẩm vừa không lạnh vừa không nóng. Chỉ cần môi của bạn cảm thấy ấm khi chạm vào thức ăn là đủ.

2. Tác nhân gây lão hóa gan: Rượu

Ai cũng biết rằng uống rượu có thể gây hại cho cơ thể, nhưng nhiều người không biết rằng uống rượu cũng có thể làm cho con người già đi nhanh hơn.

Gan chuyển hóa khoảng 90% ethanol. Lúc này, các gốc tự do được tạo ra trong quá trình này sẽ tăng lên, và khi các gốc tự do sản sinh quá nhiều, chúng dẫn đến stress oxy hóa.

Stress oxy hóa là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự lão hóa của cơ thể. Nó có thể làm tổn thương các mô mỡ, DNA, protein và gây ra các bệnh liên quan đến lão hóa.

Lạm dụng rượu trong thời gian dài đặc biệt có khả năng gây tổn thương tế bào gan và gây ra nhiều bệnh khác nhau. Lượng rượu an toàn nhất để uống là bao nhiêu? Câu trả lời là "Không có!", không uống một giọt rượu nào sẽ có lợi cho sức khỏe.

3. Tác nhân gây lão hóa tim: Chất béo chuyển hóa

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một lệnh cấm toàn diện đối với chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Nguồn chất béo chuyển hóa thường có trong thực phẩm tự nhiên và nguồn đã qua chế biến. Thứ chúng ta cần kiểm soát là phần tổng hợp đã qua chế biến này.

Khi mua hàng, bạn hãy chú ý danh sách thành phần. Nếu trong các thành phần có xuất hiện shortening, kem không sữa, dầu thực vật nhân tạo, bơ thực vật… thì bạn nên tránh, bởi chúng đều là chất béo chuyển hóa nhân tạo.

Lượng chất béo chuyển hóa nạp vào cơ thể người hàng ngày không được vượt quá 2.2g. Vì nếu bạn ăn quá nhiều, thì nó sẽ gây hại cho sức khỏe.

Do đó, tốt hơn hết bạn nên hạn chế các thực phẩm như đồ ăn nhẹ và đồ tráng miệng (bánh ngọt…). Nếu muốn ăn chúng, trước tiên bạn nên kiểm tra kỹ thành phần và cố gắng tránh các sản phẩm có chứa hàm lượng chất béo chuyển hóa.

4. Tác nhân gây lão hóa dạ dày: Chế độ ăn nhiều muối

Khi cơ thể hấp thụ một lượng muối có nồng độ cao, nó sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày.

Do áp suất thẩm thấu của muối lớn nên sẽ gây tổn thương trực tiếp đến niêm mạc dạ dày; từ đó sinh ra các bệnh lý như xung huyết, phù nề, mòn, loét, hoại tử, chảy máu, và cũng có thể làm giảm tiết acid dịch vị, khiến niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương, thậm chí làm tăng tác dụng của các chất gây ung thư.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày từ 2 đến 6 lần. Do đó, bạn nên ăn nhạt hơn.

Để làm điều này, bạn có thể sử dụng hương vị của một số loại rau để làm tăng hương vị của món ăn, hoặc thay một ít muối và nước tương bằng nước sốt chua như giấm và nước cốt chanh.

Bạn cũng có thể chọn một loại muối ít natri. Ngoài ra, hãy chú ý đến hàm lượng muối ẩn trong gia vị và đồ ăn nhẹ đóng gói.

5. Tác nhân gây lão hóa phổi: Khói bếp

Ngoài việc kích ứng mạnh đến niêm mạc mũi, mắt và họng, khói dầu phát ra trong quá trình nấu nướng có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản.

Hít phải khói dầu lâu ngày cũng có thể dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ra các triệu chứng của "hội chứng khói dầu" như chán ăn, khó chịu, mệt mỏi, thiếu năng lượng và hôn mê.

Bạn nên nhớ, ngoài việc bật máy hút mùi khi nấu nướng, bạn cũng cần mở thêm cửa sổ bếp. Tốt nhất bạn nên để máy hút mùi tầm 10 phút sau khi nấu.

Ngoài ra, bạn cũng cần vệ sinh bộ lọc máy hút mùi thường xuyên, khoảng một tháng một lần để giúp tuổi thọ của máy được lâu hơn.

6. Tác nhân gây lão hóa đường ruột: Chế độ ăn uống không hợp lý

Các bác sĩ cho biết, theo tuổi tác, áp lực công việc và cuộc sống tăng lên, chế độ ăn uống không hợp lý kèm theo nhiều yếu tố ngoại cảnh sẽ làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Đường ruột là cơ quan quan trọng để tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Việc duy trì chế độ ăn uống kém lành mạnh như kiêng khem quá độ, nhịn ăn, uống rượu, hút thuốc hay thức khuya… Tất cả đều làm gia tăng gánh nặng và khiến đường ruột già đi rất nhiều so với tuổi thực.

Thông thường, bạn nên duy trì một chế độ ăn uống điều độ và tiêu thụ nhiều chất xơ hơn. Trong đó, 1/3 lượng lương thực chính tốt nhất là ngũ cốc thô.

7. Tác nhân gây lão hóa da: Đồ ngọt

Có nhiều người thích ăn đồ ngọt, nhưng chúng lại không tốt cho sức khỏe. Quá nhiều đường sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa da, khiến da mất dần độ đàn hồi, dễ bị nhăn và nám.

Vì vậy, bạn có thể hạn chế nạp lượng đường vào cơ thể bằng cách giảm thiểu thói quen ăn vặt, bánh quy, đồ ăn nhiều gạo nếp, đặc biệt là đồ uống ngọt.

Hoàng Tuấn
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giác với 7 tác nhân gây lão hóa ẩn trong thức ăn hàng ngày