8 liệu pháp tự nhiên cho bệnh suy giảm tuyến thượng thận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong xã hội hiện đại, con người luôn mong muốn một cuộc sống khỏe mạnh và đủ đầy về vật chất. Dường như có một quan niệm phổ biến rằng khi chúng ta có được những vật chất thì sẽ đảm bảo một cuộc sống khỏe mạnh và vui vẻ. Tuy nhiên, chính quan niệm này lại là một nghịch lý...

Có lẽ không ai ngờ rằng những mong muốn vật chất này đang âm thầm tạo ra áp lực cho bản thân mà không tự biết. Những áp lực ấy có thể trở thành thủ phạm chính dẫn đến căn bệnh suy giảm tuyến thượng thận và khiến cho cơ thể của chúng ta mệt mỏi.

Thượng thận là tuyến nhỏ hình tháp nằm trên đỉnh hai quả thận, tại vùng đám rối dương* trong ổ bụng. Tuyến này tiết ra các hormone đối phó với stress (căng thẳng). Khi stress trở thành mãn tính, tuyến thượng thận phải làm việc liên tục, tiết hormone liên tục kéo dài có thể làm tuyến này bị kiệt. từ đó gây ra căn bệnh suy tuyến thượng thận.

Suy thượng thận có thể gây ra rất nhiều bệnh, chẳng hạn như: mệt mỏi, tiêu hóa kém, rối loạn giấc ngủ... (Pixabay | jeffjuit)

Suy tuyến thượng thận là gì

Suy tuyến thượng thận (suy thượng thận) xảy ra khi cơ thể phải thường xuyên tiết ra quá nhiều hormone chống stress để ứng phó với nhịp độ sống nhanh và bận rộn của chúng ta, đến mức mà tuyến phải hoạt động quá tải rồi dần dần bị suy yếu. Suy thượng thận biểu hiện như: tiết hormone không đủ lượng, tiết không đều hoặc sai chu kỳ (ví dụ: buổi tối tiết cortisol quá nhiều khi so với ban ngày)

Chúng ta cần lưu ý đến hai tình trạng khác nhau của bệnh suy thượng thận. Nhiều người dùng nhầm thuật ngữ suy thượng thận cấp tính (adrenal exhaustion) để chỉ tình trạng suy thượng thận mạn tính (adrenal fatigue). Trên thực tế, suy thượng thận cấp tuy rất hiếm gặp nhưng lại đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng do khi đó tuyến thượng thận gần như mất chức năng hoàn toàn.

Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận

Những loại stress tác động mạnh đến tuyến thượng thận bao gồm: các môn thể thao cường độ cao (trong thời gian ngắn sức khoẻ dường như vẫn bình thường, nhưng lâu ngày tuyến thượng thận có thể bị suy yếu dần), ép buộc bản thân quá mức để lập thành tích bằng mọi giá, làm việc quá sức, hoặc mắc các bệnh mạn tính. Suy thượng thận có thể gây ra rất nhiều bệnh, chẳng hạn như: mệt mỏi, tiêu hóa kém, rối loạn giấc ngủ, giảm chức năng hệ thống miễn dịch và tăng lượng đường trong máu.

Biện pháp hỗ trợ điều trị suy tuyến thượng thận

Trước tiên chúng ta cần loại bỏ hoặc hạn chế các yếu tố gây stress. Bên cạnh đó có thể sử dụng một số loại thảo dược và dưỡng chất bồi bổ cho tuyến thượng thận của chúng ta. Cần tham khảo ý kiến ​​bác sỹ nếu nghi ngờ bị suy tuyến thượng thận hoặc trước khi sử dụng bất kỳ loại dưỡng chất bổ sung nào.

Dưới đây là những cây thảo mộc và dưỡng chất tốt nhất cho tuyến thượng thận của bạn:

Rễ cây cam thảo

Rễ cam thảo (Glycyrrhiza glabra) được cho là một trong những loại thảo dược tốt nhất hỗ trợ cho tuyến thượng thận và sự kết nối giữa tuyến và não. Trong một cuộc phỏng vấn, có nhà báo đã từng hỏi tôi rằng, nếu bị mắc kẹt trên một hoang đảo và chỉ có thể mang theo một loại thảo mộc, tôi sẽ chọn loại nào? Tôi đã ngay lập tức trả lời là rễ cây cam thảo, vì nó là một chất rất tốt cho tuyến thượng thận, một loại thảo dược giúp cơ thể thích nghi được mọi loại stress thông qua điều hoà hệ thống miễn dịch, giảm viêm nhiễm và thậm chí có tác dụng chống ung thư.

Cam thảo vẫn được tìm thấy trong những cốc nhân trần nơi ven đường hay trong ô mai mà mọi người vẫn thích nhâm nhi suốt cả năm (©Pixabay | gate74)

Cách pha trà cam thảo để giảm stress như sau: rễ cam thảo khô một muỗng cà phê đầy pha với 1 cốc nước (250 ml), đem đun sôi trong 45 phút, sau đó lọc bỏ bã, phần nước thu được chia ra uống hai đến ba lần mỗi ngày. Tốt nhất là dùng liên tục trong 2 tuần rồi dừng lại. Bởi vì cam thảo là loại thuốc tự nhiên có hoạt tính mạnh, do vậy cần cẩn trọng khi sử dụng. Không sử dụng cam thảo nếu bạn bị huyết áp cao hay suy thận, hoặc đang dùng thuốc tim mạch.

Vitamin C

Vitamin C là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với tuyến thượng thận, là nguyên liệu chính để tuyến sản xuất các hormone chống stress. Tình trạng stress càng cao thì nhu cầu vitamin C càng nhiều. Liều thông thường để hỗ trợ suy tuyến thượng thận là 2000 mg hoặc cao hơn; nếu cần dùng liều cao hơn hãy tham vấn bác sỹ của bạn hoặc bác sỹ chuyên khoa.

Axit pantothenic

Axit pantothenic là một loại trong vitamin B complex (tổng hợp), rất cần thiết cho tuyến thượng thận, có sẵn trong tuyến thượng thận ở nồng độ cao, tuy nhiên cũng có thể bị cạn kiệt khi hormone được sản xuất liên tục để đáp ứng với stress. Liều thông thường dùng trong suy thượng thận là 1500 mg, nhưng cũng cần dùng kèm vitamin B tổng hợp do chúng có tác dụng hiệp đồng.

Nhân sâm Siberia

Các bác sĩ Đông Y thường sử dụng loại nhân sâm này trong điều trị suy tuyến thượng thận. Nhân sâm Siberia hay tên khoa học là Eleutherococcus senticosus, tác động chủ yếu lên tuyến yên trong não, là nơi kích thích tuyến thượng thận sản xuất nhiều hormone hơn. Khi suy thượng thận, tín hiệu liên lạc giao tiếp giữa tuyến yên và tuyến thượng thận có thể bị suy yếu theo. Liều thông thường trong điều trị suy thượng thận là 100 đến 200 mg mỗi ngày.

Rhodiola Integrifolia (cây Rễ vàng)

Hay gặp ở Yukon, Alaska, Siberia và miền bắc Trung Quốc. Rhodiola, thường được biết dưới tên gọi là Rễ hoa hồng và có hoa rất đẹp, tuy nhiên, ít ai biết nó cũng là một trong những loại thảo dược thượng thận. Giống như nhân sâm Siberia, Rhodiola là một trong số ít thảo dược thuộc nhóm có tác dụng giúp cơ thể “thích nghi với stress” (adaptogen). Rễ cây cung cấp dinh dưỡng cho tuyến thượng thận, bổ sung năng lượng và cải thiện tâm trạng. Đem đun rễ khô đã cắt nhỏ trong nước, đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa, đun tiếp trong 10 đến 20 phút. Uống hàng ngày trong 3 tuần/một đợt để bồi bổ tuyến thượng thận. Nhà thảo dược học Beverley Grey, tác giả của The Boreal Herbal cho biết, cô thường thêm trà rhodiola mát lạnh vào món sinh tố buổi sáng để tăng cường sinh lực.

Nhà thảo dược học Beverley Grey, tác giả của The Boreal Herbal cho biết, cô thường thêm trà rhodiola mát lạnh vào món sinh tố buổi sáng để tăng cường sinh lực. (©Pixabay | Monicore)
Rễ cây Ashwagandha

Ashwagandha thuộc nhóm thảo dược giúp “thích nghi với stress” (adaptogen), thường được nhắc đến trong y thuật cổ Ayurveda ở Ấn Độ, rễ cây đặc biệt tốt cho tuyến thượng thận. Theo một nghiên cứu trong đó những người tham gia, hoặc uống rễ ashwagandha, hoặc uống giả dược đối chứng (placebo). Kết quả là nhóm người uống rễ ashwagandha được cải thiện đáng kể về tình trạng stress và các triệu chứng của suy thượng thận. Rễ Ashwagandha được bào chế dưới dạng: rượu thuốc, viên nang, trà và rễ phơi khô. Lưu ý, tuân thủ hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm.

Tinh dầu thông và hương thảo

Trong nhiều năm qua, người ta đã sử dụng tinh dầu của các cây họ lá kim này để hỗ trợ tuyến thượng thận. Bác sĩ, Giảng viên Hương liệu pháp, Shirley Price đã viết cuốn sách mang tên Aromatherapy for Health Professionals (Hương liệu pháp dành cho chuyên gia y tế), trong đó có đề cập đến một nghiên cứu cho thấy rằng, cả hai loại tinh dầu này đều hỗ trợ rất tốt cho vỏ thượng thận – là nơi điều chỉnh quá trình chuyển hóa chất béo và carbohydrate, cũng như cân bằng muối natri trong cơ thể.

Cách sử dụng tinh dầu thông (tên khoa học: Pinus sylvestris) và Hương thảo (tên khoa học: Rosmarinus officinalis) như sau: pha loãng một vài giọt tinh dầu nguyên chất trong một thìa cafe dung môi là dầu dừa hoặc dầu hạnh nhân ngọt, hàng ngày xoa hỗn hợp này lên vùng bụng nơi tương ứng với đám rối dương*. Khí dung tinh dầu thông/ hương thảo nguyên chất ít nhất 20 phút mỗi ngày, làm hàng ngày.

Nội Nhiên (biên dịch)

*Đám rối dương: hay gọi là đám rối bụng, nằm trong khoang bụng, tại vùng phía sau dạ dày và phía trước động mạch chủ. Đóng vai trò quan trọng trong chỉ huy chức năng dạ dày, gan, thận và tuyến thượng thận.



BÀI CHỌN LỌC

8 liệu pháp tự nhiên cho bệnh suy giảm tuyến thượng thận