9 dưỡng chất hàng đầu giúp tăng cường não bộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãy tưởng tượng có những vệ sĩ tích cực sẽ bảo vệ bạn khỏi sự tấn công của bệnh Alzheimer. Các dưỡng chất dưới đây chính là những vệ sĩ ấy, nếu bạn sử dụng chúng một cách hợp lý, chúng sẽ giúp bạn giảm những nguy cơ mà bạn có thể gặp phải.

Tổng quan

  • Chín dưỡng chất quan trọng đối với sức khỏe não bộ và chức năng nhận thức là chất béo omega-3 có nguồn gốc từ biển DHA và EPA, choline, phosphatidylserine, acetyl-L-carnitine, vitamin D và B12, dầu chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT) và men vi sinh.
  • Khi sử dụng LPC-EPA, một dạng lysophospholipid của EPA, các nhà nghiên cứu đã có thể làm tăng nồng độ EPA trong não chuột lên gấp 100 lần. LPC-EPA cũng có thể giúp gia tăng gấp đôi nồng độ DHA trong não, trong khi EPA tự do không làm thay đổi nồng độ DHA
  • Choline sẽ giúp bạn chống lại bệnh Alzheimer bằng cách giảm nồng độ homocysteine, một axit amin có liên quan đến sự thoái hóa thần kinh và sự hình thành các mảng amyloid, đồng thời ức chế sự kích hoạt microglia (một loại tế bào thần kinh đệm), giúp ức chế tình trạng viêm ở mô não
  • Kết quả của một nghiên cứu cho thấy nếu bổ sung 400 mg phosphatidylserine mỗi ngày có thể giúp tăng 20% ​​tốc độ tính toán, chức năng do trí nhớ ngắn hạn thực hiện. Ở một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy sử dụng 300 mg/ngày có thể giúp cải thiện chức năng nhận thức ở người lớn tuổi
  • Nồng độ vitamin D thấp có liên quan đến tình trạng chức năng não kém và việc tăng lượng vitamin D có thể giúp những người lớn tuổi khỏe mạnh về mặt tinh thần. Vitamin D cũng đã được chứng minh khả năng giúp cải thiện một số bệnh của não, bao gồm bệnh mất trí và bệnh Alzheimer.

Giống như bệnh tự kỷ ở trẻ em, tỷ lệ bệnh Alzheimer ở ​​người cao tuổi đã đạt đến mức độ đại dịch mà không có dấu hiệu chậm lại. Ngược lại, các bằng chứng cũng cho thấy xu hướng trên đang ngày càng xấu đi. Vào năm 2022, bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến khoảng 6,5 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên; trong đó, 73% bệnh nhân Alzheimer trên 75 tuổi. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ năm ở Hoa Kỳ[1] Tổ chức Y tế Thế giới dự báo rằng đến năm 2050, 139 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới sẽ phải sống chung với chứng mất trí.

Điều quan trọng là chúng ta phải biết rằng bệnh mất trí là một căn bệnh có nguồn gốc từ lối sống và có nhiều chiến lược có thể giúp ngăn ngừa căn bệnh thoái hóa thần kinh này. Về bản chất, tất cả những phương pháp làm tối ưu hóa ty thể trong tế bào của bạn sẽ giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer.

Bài viết này sẽ tập trung vào những chất dinh dưỡng cụ thể đã được chứng minh là có vai trò quan trọng đối với sức khỏe não bộ và chức năng nhận thức, hãy bắt đầu với omega-3 có nguồn gốc từ biển. Chất này chứa hai axit béo chuỗi dài rất quan trọng đối với sức khỏe não bộ là: axit docosahexaenoic (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA).

1. Chất béo Omega-3 có nguồn gốc từ biển: DHA

Tác dụng của chất béo omega-3 có nguồn gốc từ biển đối với sức khỏe thể chất và tinh thần là chủ đề đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều thập kỷ qua và có những bằng chứng thuyết phục cho thấy chất béo omega-3 giúp cải thiện nhiều bệnh tâm thần và tình trạng thoái hóa não, bao gồm cả bệnh Alzheimer.

Trong cuốn sách “Siêu nhiên liệu” viết chung với Tiến sĩ dược James DiNicolantonio, chúng tôi đã giải thích tại sao DHA là một thành phần cấu trúc thiết yếu của não và DHA có nồng độ cao trong các neuron thần kinh, đó là các tế bào của hệ thống thần kinh trung ương. Khi lượng omega-3 của bạn không đủ, các tế bào thần kinh của bạn “cứng nhắc” và dễ bị viêm hơn vì khi thiếu omega-3, tế bào sẽ thay thế bằng omega-6.

Khi các tế bào thần kinh trở nên “cứng nhắc” và viêm, khả năng dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác và ngay cả bên trong tế bào sẽ giảm xuống. Mức DHA thấp có liên quan đến chứng mất trí và bệnh Alzheimer, và một số nghiên cứu cũng cho thấy các bệnh thoái hóa não có khả năng hồi phục nếu cung cấp đủ DHA.

Ví dụ, trong một nghiên cứu, những tình nguyện viên lớn tuổi bị suy giảm trí nhớ đã có sự cải thiện đáng kể sau khi dùng 900 miligam (mg) DHA mỗi ngày trong 24 tuần so với nhóm chứng. Một nghiên cứu khác cũng ghi nhận sự gia tăng điểm số bài kiểm tra độ trôi chảy lời nói ở những người tham gia nghiên cứu sau khi dùng 800 mg DHA mỗi ngày trong vòng bốn tháng so với nhóm dùng giả dược. Hơn nữa, trí nhớ và tốc độ học tập sẽ được cải thiện rất nhiều nếu kết hợp thêm 12 mg lutein mỗi ngày cùng với DHA.

Trước đây tôi chưa bao giờ nhận ra điều này nhưng DHA cũng kích thích một trong những yếu tố phiên mã quan trọng nhất giúp điều chỉnh quá trình oxy hóa khử của tế bào, hỗ trợ quá trình giải độc và con đường Nrf2. Ngoài ra, DHA cũng làm tăng heme oxygenase 1 (một loại protein giúp đối phó với stress oxy hóa) và tăng cường các enzym chống oxy hóa. Tất cả những chất này đều quan trọng đối với sức khỏe của não bộ.

Ngoài ra, DHA còn là tiền chất của phân tử tín hiệu protectin, được tổng hợp để đáp ứng với stress oxy hóa. (Khi ở hệ thần kinh trung ương, phân tử này được gọi là neuroprotectin hay NPD1.) Đây là phần giải thích về NPD1 trong một bài báo được đăng trên tạp chí Nutrients vào năm 2011:

“NPD1 thúc đẩy sự tái tạo thần kinh, giảm sự xâm nhập của bạch cầu, duy trì cân bằng nội môi trong quá trình lão hóa bằng cách giảm những tín hiệu gây chết tế bào và những tín hiệu tiền viêm. NPDI được tạo ra bởi những stress oxy hóa và có tác dụng bảo vệ tế bào võng mạc và các tế bào thần kinh không chết theo chương trình do quá trình stress oxy hóa gây ra.

Quá trình này có nhiều cơ chế, bao gồm cả việc ức chế kích thích COX do IL-1β gây ra. Sự phát hiện ra NPD1 đã mang lại cơ hội điều trị mới cho rất nhiều bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Những hiểu biết về NPD1 tạo ra tiềm năng trong việc sử dụng DHA để trì hoãn hoặc giảm thiểu quá trình suy giảm nhận thức ‘thông thường’ xảy ra trong quá trình lão hóa.”

2. Chất béo Omega-3 có nguồn gốc từ biển: EPA

Trong khi đó, EPA có hiệu quả rất tốt khi sử dụng để điều trị bệnh trầm cảm,[8] vì EPA làm giảm nồng độ TNF alpha, interleukin 1 beta và prostaglandin E2 — ba chất của hệ miễn dịch có xu hướng tăng cao ở những bệnh nhân trầm cảm.

Nhưng điều khó khăn là làm sao để đưa được một lượng EPA đủ lớn vào não của bạn. Ví dụ, để làm tăng nồng độ EPA trong não, bạn cần phải dùng một lượng dầu cá rất lớn, nhưng điều này cũng không thực tế. Có một giả thuyết cho rằng do tác dụng của enzym tụy nên EPA không có khả năng vượt qua hàng rào máu não.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã tìm ra một điều rất thú vị. Bằng cách sử dụng chế phẩm dạng lysophospholipid của EPA (LPC-EPA), các nhà nghiên cứu đã làm tăng mức EPA trong não chuột lên gấp 100 lần. Đáng chú ý hơn nữa, LPC-EPA còn làm tăng gấp đôi nồng độ DHA trong não, trong khi nếu ở dạng tự do, EPA không ảnh hưởng đến nồng độ DHA. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý thêm rằng:

“Chỉ có LPC-EPA mới làm tăng EPA và DHA trong võng mạc cũng như làm tăng sự biểu hiện của thụ thể BDNF, CREB và 5-HT1A trong não. Những phát hiện mới này cho thấy nồng độ EPA trong não có thể tăng lên thông qua chế độ ăn. Vì LPC-EPA làm tăng cả EPA và DHA trong não nên có thể sử dụng chất này để điều trị bệnh trầm cảm cũng như những bệnh viêm thần kinh, như bệnh Alzheimer.”

Papasani Subbaiah, giáo sư y học, hóa sinh và di truyền phân tử tại Đại học Y khoa UIC là tác giả liên hệ của nghiên cứu này, nói với MedicalXpress rằng:

“Dường như có một chất vận chuyển ở hàng rào máu não mà EPA phải đi qua để vào não, nhưng EPA trong dầu cá không thể đi qua được, trong khi LPC-EPA lại có khả năng này. Bạn không cần phải dùng số lượng lớn LPC-EPA để tăng lượng EPA trong não, vì vậy đây có thể là một cách để thực hiện các nghiên cứu chính xác về tác động của EPA ở người.”

Tầm quan trọng của Omega-3 liên kết với Phospholipid

Dầu cá có một số nhược điểm và một trong số đó là thiếu lượng phospholipid. DHA và EPA không tan trong nước nên không thể vận chuyển ở dạng tự do trong máu. Những chất này cần phải được đóng gói vào các túi lipoprotein như phospholipid. Đây chính là lý do tại sao khả dụng sinh học của dầu nhuyễn thể (dầu chiết xuất từ các loài nhuyễn thể) cao hơn nhiều so với dầu cá, bởi vì trong dầu cá, DHA và EPA liên kết với triglyceride.

Khi bạn sử dụng dầu cá, gan sẽ phải gắn những thành phần của dầu cá với phosphatidylcholine để cơ thể và bộ não của bạn có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả. (Ảnh: pexels.com)

Khi bạn sử dụng dầu cá, gan sẽ phải gắn những thành phần của dầu cá với phosphatidylcholine để cơ thể và bộ não của bạn có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả. Phospholipid cũng là một trong những thành phần chính của lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), đây là loại lipoprotein tốt mà bạn sẽ muốn có nhiều hơn và phospholipid giúp các tế bào của bạn duy trì tính toàn vẹn về cấu trúc từ đó các tế bào của bạn sẽ hoạt động tối ưu hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là não của bạn không thể hấp thụ DHA một cách dễ dàng trừ khi chất này được liên kết với phosphatidylcholine. Trong khi dầu nhuyễn thể có chứa phosphatidylcholine tự nhiên thì dầu cá lại không chứa chất này. Đúng như tên gọi, phosphatidylcholine được cấu tạo từ choline, đó là một tiền chất để tạo ra một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp dẫn truyền tín hiệu thần kinh đến não là acetylcholine. Bản thân choline cũng rất quan trọng đối với sự phát triển, học tập và trí nhớ của não bộ, chúng ta sẽ thảo luận kỹ về điều này ở phần sau.

Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Rhonda Patrick cũng nhấn mạnh giá trị của loại DHA được liên kết với phospholipid. Nghiên cứu cho thấy DHA ở dạng này thực sự có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở ​​những người có gen apolipoprotein E4 (APOE4), là một gen làm trẻ hóa độ tuổi khởi phát các bệnh thoái hóa não này.

Hai dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer là các mảng beta amyloid và protein tau, Cả hai thành phần này đều làm suy giảm hoạt động bình thường của não. Bệnh nhân Alzheimer có hiện tượng giảm vận chuyển glucose vào não và đây là một trong những lý do tại sao các mảng beta amyloid và protein tau được hình thành và tích tụ tại đây. Theo Patrick, DHA thúc đẩy não hấp thu glucose bằng cách điều chỉnh cấu trúc và chức năng của các chất vận chuyển glucose, loại protein này nằm ở hàng rào máu não của bạn.

Mặc dù ăn các loại cá giàu DHA đã được chứng minh là làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer ở ​​​​những người mang gen APOE4, nhưng việc uống dầu cá lại không cho thấy hiệu quả tương tự. Theo Patrick, đáp ứng không giống nhau này dường như có liên quan đến sự khác nhau về cách thức chuyển hóa và vận chuyển vào não của hai dạng DHA này.

Khi chuyển hóa DHA ở dạng kết hợp với triglyceride, phần lớn dạng DHA này sẽ được biến đổi thành DHA không ester hóa, trong khi dạng phospholipid chủ yếu được chuyển hóa thành DHA-lysophosphatidylcholine (DHA-lysoPC). Mặc dù cả hai chất chuyển hóa này đều có thể đi qua hàng rào máu não, nhưng dạng phospholipid hiệu quả hơn rất nhiều.

Theo Patrick, những người có gen APOE4 có hệ thống vận chuyển DHA không ester hóa bị lỗi và đây có thể là nguyên nhân tại sao họ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Nhưng tin tốt là DHA-lysoPC có thể vượt qua các liên kết chặt chẽ của hàng rào máu não nên có thể cải thiện quá trình vận chuyển DHA. Vì vậy đối với những người có một hoặc hai biến thể của gen APOE4, việc sử dụng dạng phospholipid của DHA có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh Alzheimer của họ.

3. Choline giúp chống lại bệnh Alzheimer

Một nghiên cứu gần đây cũng đã chứng minh tầm quan trọng của choline đối với sức khỏe não bộ và khả năng ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer. Choline là tiền chất của acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh rất cần thiết cho chức năng của não bộ và hệ thần kinh. Acetylcholine đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ của thai nhi, trí nhớ, kiểm soát hoạt động của cơ, tâm trạng và sự biểu hiện gen. Theo báo cáo của tờ Science Daily:

“Nghiên cứu trên con chuột được lai tạo để có các triệu chứng của bệnh Tăng phản xạ tự phát (AD) cho thấy rằng khi những con chuột này được cung cấp nhiều choline trong chế độ ăn, thế hệ con của chúng có sự cải thiện về trí nhớ không gian, so với chuột con có mẹ chỉ nhận được chế độ ăn có mức choline bình thường.

Đáng chú ý, hiệu quả của việc bổ sung choline dường như có tính chất xuyên thế hệ, không chỉ bảo vệ những con chuột đã được bổ sung choline trong thời kỳ mang thai và cho con bú, mà bảo vệ cả thế hệ con của những con chuột này. Mặc dù thế hệ thứ hai này không được bổ sung choline trực tiếp, nhưng chúng vẫn nhận được những lợi ích của việc bổ sung choline. Điều này có thể là do những thay đổi di truyền trong gen của chúng.”

Choline giúp chúng ta chống lại bệnh Alzheimer bằng cách:

  • Giảm nồng độ homocysteine ​​của bạn, đây một loại axit amin đã được chứng minh là gây thoái hóa thần kinh và có liên quan đến sự hình thành các mảng amyloid, dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer. Choline giúp chuyển đổi homocysteine ​​thành methionine, chất này có một số tác dụng nhất định.
  • Ức chế kích hoạt tế bào microglia. Các tế bào microglia giúp dọn dẹp các mảnh tế bào vỡ trong não của bạn. Mặc dù đây là một chức năng rất quan trọng, nhưng trong bệnh Alzheimer, các tế bào microglia có xu hướng hoạt động quá mức, gây ra hiện tượng viêm trong não và có thể dẫn đến cái chết của các tế bào thần kinh. Thông qua việc giảm kích hoạt tế bào microglia, choline giúp bảo vệ các bệnh nhân Alzheimer giảm tiến triển tổn thương não.

4. Phosphatidylserine giúp tăng cường chức năng nhận thức

Phosphatidylserine là một chất dinh dưỡng có thể bổ sung để cải thiện chức năng nhận thức và chống lại bệnh Alzheimer. Phosphatidylserine là dẫn xuất axit amin rất phổ biến trong các mô thần kinh và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chức năng của tế bào não.

Bạn cũng có thể thu nhận Phosphatidylserine qua thức ăn ở cá tuyết. (Ảnh: pexels.com)

Mặc dù cơ thể có thể tự tổng hợp chất này nhưng bạn cũng có thể thu nhận thêm qua thức ăn (như các loại cá thu, cá tuyết, lòng đỏ trứng và nội tạng động vật) hoặc sử dụng chế phẩm bổ sung phosphatidylserine. Phosphatidylserine có cấu trúc đặc biệt khiến phân tử này vừa ưa nước, vừa kỵ nước.

Với cấu trúc này, phospholipid có thể sắp xếp thành lớp kép phospholipid — hai lớp song song tạo nên thành phần chính của màng tế bào. Trên màng tế bào não, lớp kép phospholipid hoạt động như một “người gác cổng”, kiểm soát sự đi vào của các chất có lợi, như chất dinh dưỡng, nước và oxy, đồng thời loại bỏ các chất thải chuyển hóa.

Một nghiên cứu cho thấy bổ sung 400 mg phosphatidylserine mỗi ngày giúp tăng tốc độ tính toán trong trí nhớ ngắn hạn lên đến 20% ở nhóm người trưởng thành khỏe mạnh. Mặt khác, chất này giúp cải thiện chức năng nhận thức của người lớn tuổi tuổi với liều 300 mg mỗi ngày trong vòng sáu tháng.

Khi dùng chung với DHA, phosphatidylserine cũng đã được chứng minh khả năng giúp cải thiện hành vi và trí nhớ thính giác ngắn hạn ở trẻ mắc chứng Tăng động giảm chú ý. Ở những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer, phosphatidylserine giúp ức chế các mảng beta amyloid và sự kích hoạt các tế bào microglia do interferon-gamma gây ra.

5. Acetyl-L-Carnitine chống lại các chất độc thần kinh

Acetyl-L-carnitine (ALCAR) có nhiều tác dụng có lợi đối với quá trình trao đổi chất của não, chống lại tác động của các chất độc thần kinh và đã được chứng minh hiệu quả trong việc điều trị một số dạng trầm cảm. Trong một nghiên cứu, những con chuột khỏe mạnh được cho sử dụng ALCAR trong vòng 25 ngày với liều khoảng 0,5 mg/kg cho thấy sự gia tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh noradrenaline và serotonin. Theo các tác giả, kết quả này “phù hợp với khả năng giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm của ALCAR.”

Trong một nghiên cứu khác, ALCAR được phát hiện là giúp cải thiện tình trạng lâm sàng ở những bệnh nhân mắc chứng thất điều tiểu não thoái hóa (bệnh lý dẫn đến mất kiểm soát các chuyển động của cơ thể). Theo các tác giả, “sự cải thiện có ý nghĩa thống kê đối với một số triệu chứng và sự tiến triển chậm của bệnh ở cả hai nhóm bệnh nhân” đã được ghi nhận trong nghiên cứu này.

6. Vitamin D giúp chống lại chứng mất trí

Sự kích hoạt các thụ thể vitamin D làm tăng khả năng phát triển các tế bào thần kinh trong não của bạn. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được những con đường chuyển hóa vitamin D ở vùng hồi hải mã và tiểu não. Đây là những vùng não liên quan đến việc lập kế hoạch, xử lý thông tin và hình thành trí nhớ.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Journal of Neurology, Neurosurgery and Psychiatry, hàm lượng vitamin D thấp có liên quan đến tình trạng chức năng não kém và việc tăng lượng vitamin D có thể giúp những người lớn tuổi khỏe mạnh về mặt tinh thần. Vitamin D đã được chứng minh khả năng giúp cải thiện một số bệnh của não, trong đó bao gồm cả chứng mất trí và bệnh Alzheimer.

Trong một nghiên cứu kéo dài 6 năm, những người có tình trạng thiếu vitamin D nghiêm trọng có nguy cơ mắc chứng mất trí và bệnh Alzheimer cao hơn gấp đôi so với những người có lượng vitamin D cao hơn. Ngay cả những người bị thiếu hụt vitamin D mức độ vừa cũng tăng 53% nguy cơ mắc tất cả các loại sa sút trí tuệ và tăng 69% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Các tác giả cho rằng: “Kết quả của chúng tôi xác nhận rằng sự thiếu hụt vitamin D làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc chứng mất trí do mọi nguyên nhân và cả bệnh Alzheimer.”

Kết quả nghiên cứu cũng đề xuất ngưỡng nồng độ vitamin D cần thiết, nếu dưới ngưỡng này, nguy cơ mắc chứng mất trí của bạn sẽ tăng lên. Ngưỡng vitamin D cần thiết khoảng 20 ng/mL (50 nmol/L). Nồng cao hơn mức này có thể giúp sức khỏe não bộ tốt hơn.

Tôi khuyên các bạn nên kiểm tra nồng độ vitamin D hai lần mỗi năm và có thể dùng bổ sung một liều cần thiết để duy trì nồng độ vitamin D trong khoảng từ 60 đến 80 ng/mL (150 và 200 nmol/L). Phương pháp lý tưởng nhất là bạn làm tăng nồng độ vitamin D thông qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách hợp lý. Nhưng nếu không thực hiện được, hãy xem xét bổ sung vitamin D3 đường uống cân bằng với lượng magiê và vitamin K2.

7. Sự thiếu hụt vitamin B12 làm suy giảm chức năng nhận thức

Vitamin B12 cũng là một chất rất quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy những người thiếu hụt vitamin B12 có khả năng đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra nhận thức và có tổng thể tích não nhỏ hơn. Điều này cho thấy việc thiếu B12 có thể góp phần gây ra tình trạng teo não.

Hội chứng sương mù não và các vấn đề về trí nhớ là hai trong số những dấu hiệu hàng đầu cảnh báo bạn đang thiếu vitamin B12. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của vitamin B12 đối với sức khỏe não bộ của bạn.

Các nhà nghiên cứu Phần Lan cũng phát hiện ra rằng những người tiêu thụ các loại thực phẩm giàu B12 giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer vào những năm cuối đời. Với mỗi đơn vị B12 (holotranscobalamin) được bổ sung, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer sẽ giảm 2%. Một nghiên cứu khác cho thấy việc bổ sung nhóm vitamin B, bao gồm cả vitamin B12, giúp làm chậm quá trình teo não ở những người cao tuổi có tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ.

Hiện nay tình trạng thiếu hụt vitamin B12 ngày càng phổ biến và nhiều người gặp khó khăn trong việc hấp thu chất này từ các loại thực phẩm. Kết quả xét nghiệm máu xác định nồng độ vitamin B12 không phải lúc nào cũng là một chỉ số đáng tin cậy. Vì vậy, việc theo dõi các triệu chứng thiếu hụt để tăng lượng bổ sung và cải thiện chế độ ăn là một giải pháp thay thế cho xét nghiệm máu.

B12 có sẵn ở dạng tự nhiên trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt bò. (Ảnh: pexels.com)

B12 chỉ có sẵn ở dạng tự nhiên trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như hải sản, thịt bò, thịt gà, thịt lợn, sữa và trứng. Nếu bạn hiếm khi hoặc không bao giờ sử dụng những loại thực phẩm này, bạn sẽ có nguy cơ cao thiếu hut vitamin B12.

Có một tin tốt là việc bổ sung vitamin B12 hoàn toàn không gây độc và ít tốn kém hơn khi so sánh với chi phí xét nghiệm. Tôi khuyên bạn nên dùng loại phun sương dưới lưỡi, vì phương pháp này giúp bạn hấp thụ vitamin B12 thông qua các mao mạch dưới lưỡi.

8. Dầu chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT) giúp tăng cường hiệu suất não bộ

Một trong những nhiên liệu chính mà não cần dùng là glucose. Chất này sẽ được chuyển hóa thành năng lượng. Bộ não có thể sản xuất ra loại “insulin” riêng của nó để biến đổi glucose trong máu thành loại “thức ăn” cần thiết.

Nếu quá trình sản xuất insulin của não bị giảm, não của bạn sẽ bắt đầu “đói” theo đúng nghĩa đen. Lúc này não bị thiếu nguồn năng lượng từ sự chuyển hóa glucose để hoạt động bình thường. Đó cũng là điều xảy ra ở những bệnh nhân Alzheimer - những phần não của họ bắt đầu bị teo hoặc “đói”, dẫn đến sự suy giảm chức năng và cuối cùng ảnh hưởng đến trí nhớ, ngôn ngữ, vận động và nhân cách.

Trên thực tế, não của bạn sẽ bắt đầu teo đi vì đói nếu có tình trạng kháng insulin và mất khả năng biến đổi glucose thành năng lượng. May mắn thay, bộ não của chúng ta không chỉ có một nguồn cung cấp năng lượng. Não có thể hoạt động bằng cả glucose và ketone , và thậm chí ketone còn tốt hơn cả glucose.

Ketone là chất giúp cơ thể tạo ra năng lượng (được chuyển hóa từ chất béo chứ không phải từ glucose) và nguồn chính tạo ra các thể ketone là chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT). Mặc dù dầu dừa cũng tốt cho sức khỏe, nhưng dầu MCT tạo nhiều ketone hơn, vì vậy dầu MCT phù hợp hơn để sử dụng trong lâm sàng.

Hầu hết sản phẩm dầu MCT thương mại đều chứa thành phần 50/50 của chất béo C8 và C10 ("số C" là viết tắt của số cacbon trong phân tử dầu MCT). Tôi thích sử dụng loại C8 mạch thẳng (axit caprylic) hơn, vì nó được chuyển đổi thành ketone nhanh hơn nhiều so với loại C10 và sẽ cung cấp lượng ketone cao hơn.

Ketone là nguồn năng lượng thích hợp hơn cho não của những bệnh nhân đái tháo đường, alzheimer, parkinson và thậm chí là bệnh xơ cứng cột bên teo cơ. Bởi vì trong những bệnh lý này, một số tế bào thần kinh kháng insulin hoặc mất khả năng sử dụng glucose một cách hiệu quả. Kết quả là, các tế bào thần kinh này dần dần chết đi.

Việc sử dụng ketone có thể cứu những tế bào thần kinh này và giúp chúng vẫn có thể tồn tại và phát triển. Trong nhiều nghiên cứu, ketone đã được chứng minh là vừa có tác dụng điều trị vừa có tác dụng bảo vệ thần kinh. Chúng cũng là có khả năng làm giảm tình trạng viêm toàn thân. Theo ghi nhận của tờ Mental Health Daily:

“Trong các thử nghiệm quy mô nhỏ trên người, bổ sung dầu MCT giúp tăng cường chức năng nhận thức ở những người bị suy giảm nhận thức và các dạng bệnh Alzheimer mức độ nhẹ chỉ sau khi dùng một liều duy nhất. Mặc dù không phải tất cả mọi người đều được cải thiện khi sử dụng phương pháp điều trị bằng dầu MCT, nhưng những người có một số yếu tố duy truyền nhất định có sự cải thiện đáng kể.”

9. Men vi sinh giúp bảo vệ bộ não thứ hai của bạn

Ruột chính là “bộ não thứ hai” của bạn. Tình trạng của ruột cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và tâm lý của bạn. Men vi sinh đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng trầm cảm và giảm các dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer, là các mảng beta amyloid. Trong một nghiên cứu, chủng lợi khuẩn L. plantarum MTCC1325 được xác định là có “đặc tính giúp chống lại bệnh Alzheimer”.

Trong một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience, 60 bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh Alzheimer được điều trị bằng giả dược hoặc các sản phẩm sữa có men vi sinh chứa Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus casei, Bifidobacterium bifidum và Lactobacillus fermentum trong vòng 12 tuần.

Khi bắt đầu và kết thúc nghiên cứu, những người tham gia đã thực hiện một bài kiểm tra nhận thức được tiêu chuẩn hóa và xét nghiệm protein phản ứng C độ nhạy cao (hs-CRP), một chỉ số thể hiện tình trạng viêm nhiễm. Theo báo cáo của biến sĩ thần kinh học David Perlmutter:

“Kết quả nghiên cứu thật tuyệt vời. Nhóm sử dụng giả dược có sự gia tăng dấu chỉ điểm viêm hs-CRP đến 45%. Ngược lại, trong nhóm dùng men vi sinh, hs-CRP không chỉ giữ nguyên mà còn giảm 18%, cho thấy tình trạng viêm đã giảm đáng kể.

Nhưng đây mới là thật sự thú vị Trong vòng 12 tuần, những bệnh nhân dùng giả dược tiếp tục sa sút về mặt tâm thần, giống như tiến triển bình thường của bệnh. Điểm MMSE của họ giảm từ 8,47 xuống 8,00, đây là một mức giảm đáng kể.

Nhưng ở nhóm những bệnh nhân sử dụng men vi sinh, chức năng não không chỉ không suy giảm mà còn được cải thiện. Điểm số MMSE của nhóm này tăng từ 8,67 lên 10,57. Đó là một sự cải thiện rất lớn. Như vậy tình trạng sa sút tâm thần của họ không chỉ dừng lại, mà những bệnh nhân còn có sự hồi phục chức năng não!

Thông điệp ở đây chính là tình trạng viêm trong cơ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự khỏe mạnh và đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột và hệ vi khuẩn đường ruột cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe, chức năng và khả năng chống lại bệnh tật của não bộ.”

(Bài viết Được xuất bản lần đầu vào ngày 27 tháng 7 năm 2022, trên Mercola.com

Tác giả Joseph Mercola: Bác sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com. Ông là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình và là tác giả có sách bán chạy nhất, nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn cốt lõi của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình.)

Đức Nhân

(Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh)



BÀI CHỌN LỌC

9 dưỡng chất hàng đầu giúp tăng cường não bộ