9 hiểm họa khôn lường của đồ ngọt đối với sức khỏe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thỉnh thoảng ăn đồ ngọt có thể bổ sung năng lượng và giúp bạn có tâm trạng thoải mái. Nhưng ăn đồ ngọt quá nhiều lại rất có hại cho cơ thể.

Các thực phẩm chứa nhiều đường luôn nằm trong danh sách "đen" đối với sức khỏe. Ăn ngọt vừa phải không hẳn là xấu, nhưng nếu bạn hấp thụ quá nhiều đường vào cơ thể thì chúng sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cũng như nhiều phương diện khác.

Dưới đây là 9 tác hại của việc ăn ngọt quá nhiều đối với cơ thể:

1. Gây béo phì

Tác hại dễ thấy nhất do ăn quá nhiều đường là béo phì, khi lượng đường ăn vào vượt quá nhu cầu, cơ thể thường khó tiêu thụ hết và phần còn lại được chuyển hóa thành mỡ.

Khi cơ thể đói vào lần sau, chỉ một lượng nhỏ chất béo trước đó được chuyển hóa thành glucose.

Nếu bạn tiếp tục ăn quá nhiều đồ ngọt, thì lượng đường trong thực phẩm lại chuyển hóa thành chất béo, kết hợp với lượng mỡ thừa ban đầu, chúng ngày càng tích lũy nhiều lên và khiến cơ thể béo phì.

2. Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Khi bạn ăn kẹo, mức đường huyết trong cơ thể sẽ gia tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn. Lúc này, cơ thể sản sinh ra insulin để giúp glucose trong máu đi vào tế bào, từ đó thực hiện quá trình trao đổi chất.

Tuy nhiên, hấp thụ quá nhiều đường có thể khiến insulin không thể xử lý hết lượng đường huyết trong máu, dẫn đến kháng insulin và dung nạp glucose bất thường, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, hội chứng chuyển hóa và các bệnh khác.

3. Tổn thương gan

Đồ ngọt thường chứa đường sucrose, cần được phân giải thành đường fructose và glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Glucose ngay lập tức được tế bào sử dụng để sản xuất năng lượng, nhưng fructose phải được gan chuyển hóa trước khi tế bào có thể sử dụng.

Nếu bạn hấp thụ quá nhiều đường fructose, chất béo trung tính chuyển hóa từ đường fructose sẽ tích tụ trong gan, gây ra gan nhiễm mỡ hay thậm chí là xơ gan.

4. Tăng nguy cơ ung thư

Ăn quá nhiều đồ ngọt có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến béo phì; bao gồm ung thư tuyến tụy, thận, túi mật, vú, nội mạc tử cung và đại trực tràng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đồ ngọt làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 47%.

5. Tổn thương tim và mạch máu não

Lượng đường nạp vào cơ thể hàng ngày có liên quan mật thiết đến mức độ cholesterol tỷ trọng cao trong máu (viết tắt là HDL).

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu ít nhất 25% lượng calo hàng ngày của họ đến từ thực phẩm chứa nhiều đường, thì mức HDL trong máu có khả năng thấp hơn gấp ba lần so với bình thường.

Chúng ta đều biết rằng cholesterol tỷ trọng cao được gọi là "chất nhặt rác trong mạch máu".

Nếu lượng đường chuyển hóa quá nhiều thành chất béo, trong khi mức độ cholesterol tỷ trọng cao trong máu lại có hàm lượng quá thấp, thì nó sẽ dẫn đến hiện tượng xơ vữa động mạch, từ đó gây ra các bệnh tim mạch hoặc mạch máu não.

6. Tổn thương dạ dày

Ví dụ các món tráng miệng đã qua chế biến khác nhau, trái cây bảo quản, thực phẩm đóng hộp, đồ uống có đường…

Đường tinh luyện và chất làm ngọt nhân tạo trong các thực phẩm trên đặc biệt phá hủy hệ vi khuẩn đường ruột, sẽ làm tăng tình trạng viêm đường ruột và dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn.

Hơn nữa, đồ ngọt kích thích lâu ngày dễ gây rối loạn tiêu hóa và trào ngược axit.

7. Tổn thương răng

Nếu bạn ăn đồ ngọt trong thời gian dài mà không vệ sinh răng miệng, đồ ngọt sẽ đọng lại trong miệng và gây kích ứng răng, dẫn đến sâu răng, viêm tủy răng, viêm quanh răng, viêm nướu và các vấn đề khác, đồng thời sẽ kích thích sự hình thành của loét miệng.

8. Làm tổn thương da

Việc hấp thụ quá nhiều đường sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất bã nhờn, khiến vi khuẩn kỵ khí trong tuyến bã nhờn sản sinh quá mức, gây ra mụn trứng cá.

9. Suy dinh dưỡng

Ăn đồ ngọt sẽ làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng khác, nếu thói quen xấu này kéo dài dễ khiến bạn bị suy dinh dưỡng, thiếu canxi hay thiếu máu, v.v.

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

9 hiểm họa khôn lường của đồ ngọt đối với sức khỏe