9 lầm tưởng phổ biến về bệnh đậu mùa khỉ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia cho biết thông tin sai lệch về virus đậu mùa khỉ đang lan truyền nhanh chóng, bao gồm cả cách nó lây lan và ai có thể nhiễm virus. Điều này khiến giới chức y tế lo ngại.

Thông tin sai lệch về sức khỏe đã trở nên tràn lan và có hại đến mức Tổng bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ, Tiến sĩ Vivek H. Murthy đã đưa ra lời khuyên về nó vào năm 2021.

Ông Murthy nói: “Thông tin sai lệch về sức khỏe là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nó có thể gây ra nhầm lẫn, gieo rắc ngờ vực, gây hại cho sức khỏe của nhiều người và làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng khác”.

Giờ đây, Hoa Kỳ đang phải đối phó với một trường hợp y tế khẩn cấp mới: Bệnh đậu mùa khỉ.

Các chuyên gia cho biết thông tin sai lệch về virus đậu mùa khỉ đang lan truyền nhanh chóng, bao gồm cả cách nó lây lan và ai có thể nhiễm virus. Điều này khiến giới chức y tế lo ngại.

Tiến sĩ Linda Yancey, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống Y tế Memorial Hermann ở Houston (Hoa Kỳ), cho biết:

“Trong bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh mới (hoặc lạ) nào, điều quan trọng là phải cung cấp thông tin chính xác, chất lượng cho dân chúng.

Như chúng ta đã thấy trong đại dịch COVID-19, các tin đồn khác nhau đã phát huy tác dụng như thế nào, và… mọi người không phải lúc nào cũng có đủ thông tin cần thiết để bảo vệ bản thân và giữ an toàn”.

Dưới đây là 9 lầm tưởng khác liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ:

Lầm tưởng: Đậu mùa khỉ là một căn bệnh mới

Bạn có thể đã nghe nói về bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên vào tháng 5 khi nước Anh báo cáo một trường hợp nhiễm virus trở về từ Lagos (Nigeria).

Tiếp đó, Hoa Kỳ đã báo cáo trường hợp đầu tiên của họ vào cuối tháng đó là một người đàn ông ở bang Massachusetts, từng du lịch đến Canada.

Nhưng sự thật là, chúng ta đã biết về đậu mùa ở khỉ hơn sáu thập kỷ.

Tiến sĩ Bayo Curry-Winchell, giám đốc lâm sàng khu vực tại Carbon Health, giải thích: “Các nhà khoa học lần đầu tiên biết về loại virus này vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát của một căn bệnh giống như thủy đậu xảy ra ở các đàn khỉ nghiên cứu”.

Tiến sĩ Mark Fischer, giám đốc y tế khu vực tại International SOS, nói thêm rằng nó lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Nhưng bà Curry-Winchell nói rằng, cho đến nay, hầu hết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ vẫn chỉ giới hạn ở một số quốc gia châu Phi, nơi virus này vẫn luôn lưu hành.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu ở Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana (mới chỉ được xác định ở động vật), Bờ biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và phía nam Sudan.

Lầm tưởng: Bạn có thể bị nhiễm virus đậu mùa khỉ khi ở bể bơi

Tiến sĩ Fischer nói rằng các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và tìm hiểu về bệnh đậu mùa khỉ. Nhưng hiện tại, ông cho biết nó dường như không lây qua đường nước mà lây lan chủ yếu qua sự tiếp xúc trực tiếp.

Virus cũng dễ lây lan khi chạm vào quần áo và khăn trải giường chưa giặt mà bệnh nhân đậu mùa khỉ sử dụng trước đó. Với suy nghĩ này, ông Fischer khuyên mọi người vẫn nên đề phòng tại bể bơi.

Vị tiến sĩ nói: “Điều quan trọng là phải biết những gì bạn chạm vào khi ở bên hồ bơi, vì khăn tắm và quần áo có nguy cơ lây lan virus cao hơn”.

Bên cạnh đó, bà Curry-Winchell cũng lưu ý rằng bạn có thể nhiễm virus ở hồ bơi nếu có sự tiếp xúc da kề da hoặc mặt đối mặt. Nữ tiến sĩ nhấn mạnh: “Hãy lưu tâm đến những cuộc tụ họp đông người như tiệc hồ bơi”.

Lầm tưởng: Bạn có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ khi ở trong một đám đông

Giãn cách xã hội là một chiến lược được áp dụng trong suốt đại dịch COVID-19 vì điều đó ngăn virus lây lan trong không khí, giảm thiểu nguy cơ hít phải các giọt bắn và các hạt có chứa virus.

Giới chức y tế khuyến cáo công chúng rằng càng ít người ở trong cùng một phạm vi không gian thì nguy cơ lây nhiễm càng thấp.

Mặc dù đậu mùa khỉ có thể lây lan qua dịch tiết đường hô hấp, nhưng bà Curry-Winchell nói rằng khả năng mắc khi ở trong một đám đông là gần như bằng không. Tuy nhiên nó không phải là không thể.

Bà cho biết:

“Có một rủi ro tương đối nhỏ. Virus đậu mùa khỉ lây truyền qua tiếp xúc kéo dài, gần gũi với cá thể bị nhiễm bệnh, vì vậy bạn cần tiếp xúc da kề da với vết loét hở, chẳng hạn như khi ôm hoặc chạm vào đồ vật hoặc vải mà bệnh nhân sử dụng trước đó".

Hôn và dùng chung đồ dùng và cốc, chẳng hạn như trong một đám cưới lớn, với một người bị đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan virus.

Nói cách khác, bản thân đám đông lớn không phải là vấn đề lớn nhất, mà chính những người tiếp xúc trực tiếp với da và các dịch tiết khi ở trong đó mới là mối nguy hiểm.

Lầm tưởng: Bệnh đậu mùa ở khỉ là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Mặc dù bệnh đậu mùa ở khỉ có thể lây lan qua đường tình dục, nhưng tiến sĩ Armand Balboni, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói rằng đó không phải là cách duy nhất để một người có thể bị nhiễm bệnh.

Ông Balboni nói:

“Đậu mùa khỉ có thể lây lan khi tiếp xúc da với da, không chỉ đơn thuần thông qua quan hệ tình dục hoặc thân mật.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường lây lan qua đường tình dục. Chỉ có điều quan hệ tình dục không phải là cách duy nhất để lây lan bệnh đậu mùa khỉ”.

Lầm tưởng: Chỉ những người đồng tính nam và lưỡng tính nam mới có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ

Tiến sĩ Balboni nói thêm:

“Điều quan trọng nhất về bệnh đậu mùa khỉ là nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể khuynh hướng tình dục của bạn. Mọi người nên nhận thức được những rủi ro và tự giáo dục về cách họ có thể tự bảo vệ mình chống lại virus”.

Lầm tưởng: Bất kỳ ai cũng có thể tiêm vaccine đậu mùa khỉ

ACAM2000 và JYNNEOS không phải là vaccine được phát triển để chuyên trị và phòng ngừa đậu mùa khỉ, mà chúng được phát triển cho bệnh đậu mùa.

Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Hoa Kỳ cho biết khả năng chống lại đậu mùa khỉ của chúng có thể đạt tới 85%.

Ông Fischer nói: “Loại vaccine này được cung cấp hạn chế và do chính phủ liên bang ở Hoa Kỳ kiểm soát”.

CDC khuyến cáo nên tiêm phòng cho những người đã bị phơi nhiễm hoặc có nguy cơ mắc bệnh. Theo CDC, những người đủ điều kiện nhận vaccine để bảo vệ trước nguy cơ nhiễm đậu mùa khỉ bao gồm:

  • Cá nhân tiếp xúc với virus trong 4 đến 14 ngày.
  • Những cá nhân đang làm việc trong một số lĩnh vực hoặc môi trường nhất định, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhân viên phòng thí nghiệm, những người xét nghiệm để chẩn đoán các loại virus gây bệnh.

Lầm tưởng: Thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa cho khỉ là thuốc mới

Tiến sĩ Fischer nói rằng cả hai loại vaccine được sử dụng cho bệnh đậu mùa khỉ đều không phải là mới, và chúng đều có hiệu quả.

Vaccine JYNNEOS là loại được sử dụng phổ biến hơn và mới hơn trong hai loại. FDA đã phê duyệt nó vào năm 2019 dành cho những người từ 18 tuổi trở lên, vốn được coi là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa hoặc đậu mùa khỉ.

Trong khi ACAM2000 đã được phê duyệt vào năm 2007 và thay thế Dryvax để triển khai trong các đợt tiêm phòng đậu mùa vào năm 2008.

Lầm tưởng: Bệnh đậu mùa khỉ được tạo ra trong phòng thí nghiệm

Ông Balboni cho biết: “Bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn từ một đàn khỉ đang được nghiên cứu vào cuối những năm 1950.

Trong vài thập kỷ qua, đã có những đợt bùng phát virus lẻ tẻ trên toàn cầu, những đợt bùng phát này phần lớn xảy ra ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới Trung và Tây Phi”.

Mặc dù các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra virus ở khỉ, nhưng ông Fischer lưu ý rằng nguồn gốc virus có thể không xuất phát từ loài này.

Tiến sĩ nói thêm: “Vẫn chưa biết liệu có phải khỉ truyền virus sang người hay không vì một số loài vẫn luôn mang virus trên cơ thể. Nhưng chắc chắn rằng nó không được tạo ra trong phòng thí nghiệm”.

Lầm tưởng: Bệnh đậu mùa ở khỉ sẽ gây ra sự tàn phá tương tự như COVID-19

Tiến sĩ Balboni cho rằng dựa vào đặc điểm lây nhiễm của virus đậu mùa khỉ, rất khó để xảy ra tình trạng lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, hoặc dẫn đến nhiều tổn thất cho nền kinh tế cũng như nhân mạng.

Hoàng Tuấn
Theo Health Line



BÀI CHỌN LỌC

9 lầm tưởng phổ biến về bệnh đậu mùa khỉ