Âm dương: Con đường dẫn đến cuộc sống cân bằng (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ đứng trên một chân trong vài giây, bạn ngay lập tức cảm thấy mọi thứ bấp bênh và khó khăn. Khi bạn giữ hai chân vững chắc trên mặt đất, sức mạnh, ổn định và sự hài hòa sẽ trở lại.

Đây là bài học về âm và dương.

Âm và dương được biểu tượng bằng thái cực — một vòng tròn bao gồm hai chấm đen trắng xen kẽ. Cả hai mặt đều chứa một chấm nhỏ có màu đối lập tương phản.

Biểu tượng bí ẩn này là một hình ảnh phổ biến ngày nay, nhưng ý tưởng này đã có từ hàng thiên niên kỷ trước. Nó cũng là cơ sở cho nền khoa học và văn hóa Trung Quốc cổ đại.

Tài liệu tham khảo sớm nhất về âm dương xuất phát từ Kinh Dịch - một môn khoa học thần bí đã có tuổi thọ ít nhất 3500 năm.

Âm dương mô tả thế giới như một cặp đối cực vô tận: lạnh - nóng, lên - xuống, ướt - khô. Dịch nghĩa đen của âm / dương là tối / sáng. Nó đề cập đến một ngọn núi, một bên được chiếu sáng bởi mặt trời, bên kia ẩn mình trong bóng tối.

Nếu cảnh quá sáng hoặc quá tối thì khó có thể nhìn thấy ngọn núi. Nhưng sự cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối mang lại hình ảnh ngọn núi sắc nét, rõ ràng và ý nghĩa.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được ý chính của sự phân đôi sáng tối ngay từ đầu.

Theo Brandon LaGreca, một nhà y học cổ truyền Trung Hoa và là giám đốc của East Troy Acupin ở đông nam Wisconsin, quan niệm sai lầm lớn nhất của mọi người về mối quan hệ âm / dương là họ hiểu nhầm nó sang cuộc đấu tranh giữa thiện và ác.

LaGreca nói: “Thay vì đối lập trong xung đột, hãy coi chúng là lực lượng bổ sung cho nhau. Nửa này cần nửa kia, và chỉ thiếu một cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến phần còn lại. Theo lý thuyết này, dương là nam và âm là nữ, nhưng bạn cần cả hai điều đó để tạo nên giống loài”.

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ âm / dương, hãy quay lại phần đầu của câu chuyện có nguồn gốc xa xưa này. Trong lý thuyết của Đạo giáo, vũ trụ bắt đầu với khoảng không (hay còn gọi là hỗn độn) — được biểu tượng bằng một vòng tròn trống rỗng.

Từ hỗn độn sinh ra thái cực, rồi từ thái cực sinh ra vạn vật.

Một khi bạn đã quen với cặp bổ trợ tương hỗ cho nhau này, bạn có thể tìm thấy bằng chứng của nó ở khắp mọi nơi: đất - trời, đêm - ngày, đông - hè, thực vật - động vật, những con sóng lăn tăn vỗ vào bờ đá bất động.

Khi các nhà khoa học hiện đại tìm ra những cách riêng để hiểu thế giới, họ cũng đã phát hiện thấy những yếu tố khẳng định ý tưởng về âm / dương: Điện tích âm và dương của các nguyên tố nguyên tử là một ví dụ điển hình.

Khi âm dương cân bằng, cuộc sống thăng hoa nhờ dòng chảy sáng tạo của quy luật tự nhiên. Nhưng khi chúng mất cân bằng, sinh lực trở nên cong vênh và trì trệ. Theo thời gian, sự mất cân bằng này dẫn đến bệnh tật và suy hoại.

Y học cổ truyền coi cơ thể người là đại diện tiêu biểu về khía cạnh âm / dương, và đưa ra các phương pháp bổ sung để giữ cho chúng cân bằng.

Ông LaGreca nói: “Đó là cốt lõi trong y học cổ truyền Trung Hoa. Từ góc độ đó, chúng ta có thể tiến hành chẩn đoán và điều trị thích hợp với mỗi từng loại bệnh”.

Cách tiếp cận này không khác với cách mà các bác sĩ hay chính cơ thể đang tìm kiếm.

Y học phương Tây có khái niệm về cân bằng nội môi, một cơ thể khỏe mạnh hướng tới sự cân bằng tương đối ổn định giữa nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau.

Chúng ta có các quá trình sinh lý vô tận hoạt động liên tục để tạo ra cân bằng nội môi, chẳng hạn như hormone kích hoạt cơn đói và những chất khác làm tắt nó, hoặc các tế bào miễn dịch kích hoạt phản ứng miễn dịch khi chúng cảm thấy nguy hiểm và những tế bào khác tắt nó khi mối nguy hiểm đi qua.

Trước khi xuất hiện phương pháp xét nghiệm máu và chụp CT, các bác sĩ cổ đại dựa vào giác quan của bản thân để xác định xem cơ thể bệnh nhân đang có vấn đề như thế nào.

Nguyên lý âm dương cung cấp một phương pháp thuận tiện để phát hiện và giải quyết sự mất cân bằng trong cơ thể mà không cần thiết bị phức tạp.

Nhìn cơ thể qua lăng kính âm / dương cho thấy nhiều mối quan hệ bổ sung cho nhau. Ví dụ, bên trong cơ thể là âm, bên ngoài là dương. Thân trước là âm, thân sau là dương. Nửa dưới của cơ thể là âm, và nửa trên là dương.

Nếu bạn đến gặp bác sĩ châm cứu để điều trị chứng đau đầu của mình, bạn có thể thấy phản cảm khi họ cắm kim vào chân bạn, cho đến khi bạn nhận ra kỹ thuật này đang đem lại hiệu quả rõ rệt.

Phương pháp cân bằng âm dương này xuyên suốt trong mọi khía cạnh của y học cổ truyền Trung Hoa. Ví dụ, mỗi loại thảo mộc được phân loại theo tính chất âm dương cụ thể của chúng.

Đặc tính của các loại thảo mộc khác nhau được kết hợp cân bằng để tạo ra các công thức khác nhau. Mỗi công thức được chọn đều sẽ phù hợp với thể trạng và triệu chứng của từng bệnh nhân.

Ông LaGreca nói:

“Chúng ta thường nghĩ về dương là sự ấm lên và âm là sự nguội lạnh“.

Vì vậy, các loại thảo mộc có chức năng làm ấm cơ thể, như gừng hoặc hạt tiêu, sẽ mang lại tính dương cho cơ thể. Chúng sẽ tăng cường lưu thông và bài tiết mồ hôi. Các loại thảo mộc có tính lạnh, thì càng liên quan đến âm”.

Thực phẩm được phân loại tương tự theo bản chất âm hoặc dương của nó. Trái cây, rau và ngũ cốc thường nghiêng về phía âm, trong khi thịt và trứng nghiêng về phía dương hơn.

Khi mục đích của thực phẩm là mang lại sự cân bằng cho cơ thể, việc lựa chọn những gì tốt nhất để ăn sẽ khác nhau ở mỗi cá nhân.

Ông LaGreca cho biết: “Nếu bệnh nhân có thể trạng yếu thì cần bồi bổ, bổ sung thêm thức ăn bổ dương. Nếu bệnh nhân có cơ địa rất nóng, và có bệnh gì đó như cao huyết áp, có lẽ họ cần thêm những thực phẩm giải độc hoặc bổ âm”.

Y học phương Tây không gọi thực phẩm là âm hay dương, nhưng các nhà nghiên cứu hiện đã hiểu rõ hơn về cách thức thực phẩm khuấy động các phản ứng trao đổi chất kép này.

Họ đã bắt đầu phát hiện ra rằng, thực phẩm có phản ứng hóa sinh phức tạp tương tác với hóa sinh trong cơ thể chúng ta theo những cách khác nhau.

Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như quế, làm loãng máu trong khi các loại rau xanh có nhiều vitamin K có thể làm đặc máu.

--> Xem tiếp: Âm dương: Con đường dẫn đến cuộc sống cân bằng (Phần 2)

Bảo Vy
Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Âm dương: Con đường dẫn đến cuộc sống cân bằng (Phần 1)