Âm nhạc có thể giúp điều trị trầm cảm, bệnh tim và giúp phát triển trí não, theo khoa học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Âm nhạc đóng một vai trò không thể thiếu đối với văn hóa của con người trên toàn thế giới. Âm nhạc có “năng lực” đưa đến vô vàn những cung bậc cảm xúc, làm tâm hồn con người trở nên hòa ái, hướng tới đạo đức cao thượng, thêm vào đó các nhà khoa học còn cho rằng, ‘liệu pháp âm nhạc’ có năng lực chữa bệnh đáng kinh ngạc.

Âm nhạc, khi được sử dụng như một phương pháp trị liệu, có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề về sức khỏe và giúp phát triển năng lực trí tuệ. Dưới đây là tám công dụng đã được chứng minh thể hiện năng lực phi thường ấy.

1. Âm nhạc thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ nhỏ

Nhà soạn nhạc cổ điển Marc Neikrug trên trang tin tức HuffPost chia sẻ: ‘Tôi nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là để trẻ em, ở độ tuổi sớm nhất, phát triển khả năng tập trung. Âm nhạc tuyệt vời có thể làm được điều đó, bởi vì bạn bị cuốn hút vào những gì bạn đang nghe’. Khả năng tập trung này giúp các em nhỏ trở nên xuất sắc trong những năm đầu tiên đi học.

Thêm vào đó, theo một nghiên cứu từ Đại học Liverpool, học chơi một nhạc cụ khi còn trẻ sẽ làm tăng lưu lượng máu đến bán cầu não trái. Điều này rất tốt cho trí não đang phát triển của trẻ.

2. Học nhạc giúp trẻ cải thiện kỹ năng đọc

Âm nhạc đa dạng có khả năng giúp trẻ tiếp xúc với các kích thích thính giác, cảm xúc, nhận thức và thị giác. Theo tạp chí Psychology of Music, những đứa trẻ được tiếp xúc với chương trình học nhạc kéo dài nhiều năm có hiệu quả nhận thức vượt trội về kỹ năng đọc so với những trẻ không được đào tạo về âm nhạc.

3. Nâng cao thành tích học tập ở trường trung học

Giáo sư James S. Catterall của Đại học California đã xem xét thành tích học tập ở trường trung học của khoảng 6.500 sinh viên. Khi bước vào lớp 10, 41,4% học sinh đã tham gia các khóa học nghệ thuật trong những năm học đầu tiên đạt điểm cao nhất trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Và chỉ có 25% những sinh viên không đầu tư vào nghệ thuật từ nhỏ có thành tích đạt nửa trên trong lớp.

Bữa tiệc âm nhạc nhỏ giữa các sinh viên (Ảnh: Pexels)
Bữa tiệc âm nhạc nhỏ giữa các sinh viên (Ảnh: Pexels)

4. Âm nhạc có thể làm dịu chứng cao huyết áp và rối loạn tim

Nghe nhạc có nhịp điệu lặp đi lặp lại có thể giúp giảm và điều hòa nhịp tim. Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Oxford cho rằng việc nghe nhạc với nhịp điệu 10 giây lặp đi lặp lại khiến huyết áp giảm. Do đó, âm nhạc có nhịp điệu có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh tăng huyết áp.

5. Giảm bớt căng thẳng và trầm cảm

Điều kì diệu của âm nhạc là một giai điệu có thể dễ dàng làm chúng ta trở nên tích cực hơn, yêu đời hơn, cũng như giúp chúng ta trở nên hòa ái và tĩnh lặng. Một nghiên cứu khoa học từ Đại học McGill ở Canada cho thấy dopamine, một hợp chất sinh ra từ các hoạt động thần kinh có thể ‘tạo cảm giác dễ chịu’, sẽ được giải phóng khi chúng ta nghe nhạc.

Ngoài ra, theo trang tin WebMD, chơi một nhạc cụ thậm chí có thể ‘làm giảm phản ứng căng thẳng’, ngăn cản chứng lo âu và trầm cảm trở thành các vấn đề mãn tính.

6. Chơi nhạc cụ có thể giúp điều trị chứng PTSD

Sau khi Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ chia sẻ một nghiên cứu mang tính đột phá, chơi nhạc để chữa lành chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD) là một phương pháp đang được phổ biến vì tính hiệu quả của nó. Các cựu chiến binh trải qua PTSD cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi học chơi guitar cá nhân một 1h trong tuần, và có một buổi hướng dẫn nhóm hàng tuần. Không chỉ guitar, kết luận của nghiên cứu cho thấy, bất kỳ nhạc cụ nào cũng có khả năng giúp người chơi đạt được hiệu quả tương tự.

7. Âm nhạc giúp người bị bệnh Alzheimer

Bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer thường bị giảm trí nhớ và lú lẫn và ảnh hưởng đến giao tiếp. Trang web chuyên về bệnh Alzheimer Being Patient trích dẫn nghiên cứu từ Đại học Lille ở Paris, chỉ ra rằng âm nhạc có thể giúp những bệnh nhân này kiểm soát triệu chứng bệnh, thậm chí nó có thể giúp người bệnh khôi phục những ký ức đã mất, đồng thời cũng có tác dụng cải thiện tâm lý cho người chăm sóc.

8. Nghe nhạc cải thiện chất lượng giấc ngủ

Đối với bất kỳ ai trải qua chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính do lo lắng hoặc mất ngủ, ‘thư giãn với âm nhạc’ là ‘chìa khóa’ - một phương pháp để có một giấc ngủ ngon. Theo Trung tâm Bệnh tim mạch ở Trung Quốc, nghe nhạc trước và trong khi ngủ có thể giúp tăng chất lượng giấc ngủ của bạn.

Âm nhạc có thể giúp cải thiện giấc ngủ (Ảnh: Pexels)
Âm nhạc có thể giúp cải thiện giấc ngủ (Ảnh: Pexels)

Tờ Los Angeles Times cũng cho biết danh sách nhạc hỗ trợ giấc ngủ qua các ứng dụng chăm sóc sức khỏe đã trở thành một phần của ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ. Khi cuộc sống ngày càng bộn bề, chất lượng giấc ngủ đã trở thành một mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Những người khó ngủ đang tìm thấy sự thoải mái trong những bài nhạc ‘tiếng ồn trắng’ (white noise) để giúp họ thiếp đi.

Đối với vô số căn bệnh, khoa học cho rằng liệu pháp âm nhạc rất có thể là câu trả lời hợp lý.

Quang Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Âm nhạc có thể giúp điều trị trầm cảm, bệnh tim và giúp phát triển trí não, theo khoa học