Ăn cay lâu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ăn cay nhiều rất dễ gây nghiện. Có quan điểm cho rằng ăn cay nhiều sẽ gây hại cho dạ dày; ngược lại, cũng có người nói ăn cay rất tốt cho cơ thể. Vậy thì ăn cay lâu ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Ảnh hưởng lâu dài của đồ ăn cay đối với cơ thể

1. Ăn đồ cay lâu có hại cho dạ dày không?

Có quan điểm cho rằng, ăn cay thường xuyên có thể gây hại cho dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy những người ăn cay trong thời gian dài dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Mặc dù dường như không có mối quan hệ rõ ràng giữa việc ăn cay và các bệnh về đường tiêu hóa, nhưng cần lưu ý rằng chất capsaicin trong ớt sẽ gây kích thích dạ dày. Do đó, việc hấp thụ một lượng lớn capsaicin trong thời gian dài cũng sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày, thủng dạ dày và các vấn đề về dạ dày khác.

Vì vậy, những người mắc các bệnh cơ bản về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm túi mật mãn tính… cần thận trọng khi ăn đồ cay để tránh làm bệnh nặng thêm.

2. Người ăn cay có thể sống lâu hơn?

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Phòng ngừa Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, những người ăn cay thường xuyên có thể sống lâu hơn, đồng thời có nguy cơ tử vong do bệnh ung thư và tim mạch thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu tuyển chọn 570.000 người có độ tuổi từ 18 đến 79, và khảo sát thói quen ăn ớt của họ. Kết quả cuối cùng cho thấy, 54.6% người tham gia hiếm khi hoặc không bao giờ ăn cay.

Sau khi loại bỏ các yếu tố liên quan, so sánh giữa người ăn cay thường xuyên với những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn cay, thì nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân giảm 13%, trong đó bệnh tim mạch, ung thư và đột quỵ lần lượt là 17%, 8% và 20%.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng capsaicin trong ớt có thể làm giảm trọng lượng cơ thể, kích thích thần kinh giao cảm tiết catecholamine, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất béo, tăng tiêu thụ năng lượng và cải thiện lượng đường trong máu, cuối cùng có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Mặc dù nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ nhất định giữa việc ăn cay và giảm nguy cơ tử vong, nhưng xét cho cùng, đây chỉ là một nghiên cứu quan sát, không có nghĩa rằng ăn đồ cay sẽ tương đương với tuổi thọ được kéo dài. Do đó, chúng ta cần có thêm bằng chứng để xác nhận mối quan hệ giữa hai khía cạnh này.

3. Ăn cay đúng cách mang lại 4 lợi ích

(1) Giúp giảm cân

Ớt có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tăng phân hủy chất béo, chuyển hóa thành năng lượng cần thiết cho cơ thể người, có vai trò ngăn ngừa béo phì.

Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, hấp thụ capsaicin trước bữa ăn có thể làm tăng cảm giác no, giảm lượng chất béo và calo, giúp duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân và béo phì.

(2) Tăng cường sự thèm ăn

Các enzym tiêu hóa trong ớt có thể phân hủy protein. Một số chất trong ớt cũng có thể thúc đẩy quá trình tiết endorphin, làm tăng cảm giác thèm ăn và có tác dụng tạo cảm giác ngon miệng.

(3) Hệ vi khuẩn có lợi cho đường ruột

Ăn ớt điều độ có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng sản sinh các vi khuẩn có lợi cho đường ruột như bifidobacteria, vi khuẩn axit lactic… từ đó ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại và bảo vệ đường ruột.

(4) Giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn cay có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Vì ớt có chứa chất capsaicin có thể làm tăng tiết insulin, cải thiện lượng đường trong máu lúc đói và đường huyết sau ăn.

5 kiểu người không hợp ăn cay

Mặc dù ớt có nhiều lợi ích khi ăn điều độ, nhưng nó không phải là gia vị phù hợp với 5 nhóm người sau đây:

- Người bệnh tim mạch: Ăn cay sẽ thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu khiến tim đập nhanh, nhịp tim nhanh, từ đó tăng gánh nặng cho tim.

- Bệnh nhân bị viêm túi mật mãn tính: Ăn cay sẽ kích thích dạ dày tiết axit, gây co bóp túi mật và đau quặn mật.

- Người có chức năng tiêu hóa kém: Ăn cay sẽ kích thích niêm mạc đường tiêu hóa và làm bệnh nặng thêm.

- Bệnh nhân trĩ: Ăn cay có thể gây phù nề và sung huyết tĩnh mạch, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ.

- Bệnh nhân mắc các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm giác mạc: Ăn cay có thể khiến các bệnh về mắt khó hồi phục.

“4 gia vị cay” có tác dụng xua gió, xua lạnh

Các lương y cho rằng ăn “4 vị cay” dưới đây khi trời lạnh có tác dụng xua gió, xua lạnh và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

(1) Ớt

Ớt thích hợp với những người dễ bị thiếu máu, tay chân lạnh. Khi nấu bạn nên cho ớt đỏ, ớt xanh… nhưng không nên cho quá nhiều. Đặc biệt vào mùa đông nhiều người thích ăn lẩu cay, tốt nhất là kiểm soát nó dưới 3 lần một tháng.

(2) Hạt tiêu

Hạt tiêu trắng thích hợp cho người tỳ vị hư hàn và thường xuyên bị đau bụng vào mùa đông, hạt tiêu đen có tác dụng làm ấm tỳ vị, dạ dày.

(3) Gừng

Có thể pha thành trà gừng, canh gừng để uống, gừng không cần bỏ vỏ có tác dụng xua gió, cảm lạnh, nhưng tốt nhất người da khô, hay cáu gắt nên ăn ít.

(4) Hành tây

Hành tây có thể giúp ức chế nhiều loại vi khuẩn có hại, bảo vệ mạch máu, dây thần kinh, giúp kiểm soát mức cholesterol, tránh xơ cứng động mạch.

Tóm lại, ăn cay đúng cách sẽ không ảnh hưởng xấu đến cơ thể, nhưng lưu ý không nên ăn quá nhiều, vì nó sẽ gây kích thích dạ dày.

Những người có huyết áp quá cao hoặc dao động không nên ăn ớt, ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp.

Đối với những người ban đầu không ăn được cay, họ không cần bắt buộc phải cố gắng ăn cay chỉ vì những lợi ích sức khỏe của nó.

Hoàng Tuấn
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Ăn cay lâu sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?