Ăn mỡ heo có tốt không? Liệu nó có phải là 'thủ phạm' gây bệnh tim mạch?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã có thời, mỡ lợn là món ăn quen thuộc của con người, nhưng trong mắt người hiện đại, nó đã trở thành “thủ phạm” gây bệnh tim mạch. Nguyên nhân là do mỡ lợn chứa các thành phần không tốt cho sức khỏe. Nhưng sự thật là gì?

Mỡ heo có phải là "thủ phạm" gây bệnh tim mạch?

Cách đây 60 năm, một bác sĩ ở Hoa Kỳ đã tiết lộ mối quan hệ giữa axit béo bão hòa và bệnh tim mạch, cho thấy nếu hấp thụ quá nhiều axit béo bão hòa sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch.

Trong khi đó, mỡ lợn lại "vô tình" chứa nhiều axit béo bão hòa, và nó trở thành món ăn bị nhiều người "kỳ thị". Vậy, ăn mỡ lợn có thực sự gây bệnh tim mạch?

Đúng là mỡ lợn có chứa khoảng 40% axit béo bão hòa, cao hơn so với các loại dầu ăn khác. Nhưng mỡ lợn cũng chứa 40% - 50% axit béo không bão hòa, được coi là tốt cho tim mạch.

Nói cách khác, trong mỡ lợn chứa cả những chất có lợi cũng như không có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Vậy nên, người trung niên và người già không mắc bệnh tim mạch có thể ăn điều độ, nhưng đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch thì không nên ăn.

Có cần phải hạn chế mỡ lợn?

Theo quan điểm y tế, bạn không cần né tránh ăn mỡ lợn.

Axit béo bão hòa trong mỡ lợn chiếm 40%, nhưng chất béo không bão hòa đa chiếm 10%, chất béo không bão hòa đơn chiếm 40 - 50%. Ngoại trừ axit béo bão hóa, cả hai loại axit béo còn lại đều có lợi cho cơ thể con người.

Trong mỡ lợn có rất nhiều loại vitamin cũng là những chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho cơ thể. Một khi giảm ăn mỡ, sự cân bằng dinh dưỡng của con người cũng bị thay đổi, do đó việc né tránh ăn là không cần thiết.

Khi xem xét hàm lượng axit béo bão hòa, bạn cần xem xét loại thực phẩm, tỷ lệ năng lượng của nó trong tổng năng lượng khẩu phần, đặc thù của dân số ăn uống v.v.

Nói chung, bạn không nên ăn quá nhiều mỡ lợn và cũng không loại bỏ nó hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống. Bạn có thể ăn mỡ lợn xen kẽ với dầu thực vật, không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng mà còn kiểm soát được lượng mỡ lợn hấp thụ vào.

Những người có chế độ ăn thịt được khuyên nên tiêu thụ các loại dầu thực vật không chứa axit béo bão hòa.

Bản thân những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, lipid máu, cao huyết áp hay xơ vữa động mạch nên giảm mỡ lợn. Tỷ lệ chất béo bão hòa không nên vượt quá 7%, còn chất béo không bão hòa đa không vượt 10%.

Không phải mỡ lợn, bạn cần cảnh giác hơn với hàm lượng chất béo chuyển hóa

Như đã nói ở trên, chất béo bão hòa luôn bị coi là xấu, trong khi chất béo không bão hòa đồng nghĩa với dinh dưỡng và sức khỏe, và là nguồn cung cấp chất béo cần thiết cho cơ thể người.

Nhưng mọi thứ đều có ngoại lệ! Thực ra còn có một chất béo "xấu" hơn là axit béo bão hòa, là một chất có hại được cộng đồng y tế công nhận. Đó là chất béo chuyển hóa.

Nói một cách chính xác, chất béo chuyển hóa cũng là một thành viên của axit béo không bão hòa, vì nó chủ yếu sinh ra từ quá trình đun nóng ở nhiệt độ cao của dầu ăn (dầu thực vật) và quá trình hydro hóa axit béo không bão hòa.

Các nghiên cứu y học hiện nay đã xác nhận rằng, chất béo chuyển hóa có hại cho các bệnh tim mạch (như bệnh mạch vành, huyết khối, xơ cứng động mạch), béo phì, ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng, bệnh Alzheimer, v.v.

Chất béo chuyển hóa chủ yếu được tìm thấy trong bơ thực vật, margarine, bơ ghee và bơ. Do đó, bạn hãy cố gắng giảm tiêu thụ những thực phẩm này.

Hướng dẫn bạn cách sử dụng dầu ăn tốt cho sức khỏe

Dầu ăn là nguyên liệu quan trọng để chế biến các món ăn hàng ngày, nhưng ít ai biết cách sử dụng dầu sao cho tốt cho sức khỏe, 4 kỹ năng dưới đây rất đáng học hỏi:

1. Kiểm soát lượng dầu

Tương tự với mỡ lợn, nếu bạn ăn quá nhiều dầu ăn thì cũng tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật, nhưng ăn quá ít cũng có thể dẫn đến các vấn đề lớn hơn.

Nói chung, người lớn nên tiêu thụ 25 - 30 gram dầu ăn mỗi ngày. Tất nhiên, những người mắc bệnh tim mạch nên giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa một cách hợp lý, và cẩn thận khi lựa chọn dầu.

2. Thay đổi luân phiên các loại dầu ăn

Ngoài mỡ lợn, trên thị trường có rất nhiều loại dầu ăn, mỗi loại đều có giá trị dinh dưỡng riêng.

Dưới góc độ dinh dưỡng và sức khỏe, việc tiêu thụ luân phiên các loại dầu ăn khác nhau có thể bổ sung nhiều loại nguyên tố dinh dưỡng khác nhau, đồng thời cũng có thể thay đổi khẩu vị để thêm ngon miệng. Điều quan trọng nhất là kiểm soát hiệu quả việc hấp thụ một chất đơn lẻ và giảm các rủi ro tiềm ẩn.

Ví dụ như axit linoleic trong dầu ngô và dầu hướng dương, axit alpha-linolenic trong dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu ô liu là những loại axit béo không bão hòa. Những chất này có tác dụng tốt trong việc kiểm soát cholesterol và lipid máu trong cơ thể con người.

3. Chọn dầu ăn

Khi chọn dầu ăn, trước hết cần chú ý đến thời gian sản xuất, địa chỉ sản xuất, thương hiệu và uy tín.

Thứ hai là quan sát thành phần, loại trừ các sản phẩm có chứa axit béo chuyển hóa.

Cuối cùng, theo tiền sử bệnh tật và sở thích của bạn, chọn dầu ăn có ít chất độc hại và chứa nhiều chất có lợi cho bản thân.

4. Bảo quản dầu ăn

Cố gắng tránh để dầu gần lửa và các nguồn sáng. Vì ánh sáng và nhiệt độ cao sẽ làm dầu ăn bị oxy hóa và biến chất nhanh hơn.

Khi sử dụng dầu hàng ngày, bạn cũng cần tránh tái sử dụng dầu đã nấu trước đó.

Sau khi sử dụng hết dầu, bạn hãy bịt kín đầu ra để đảm bảo hiệu quả làm kín.

Đồng thời, bạn nên tránh trộn lẫn dầu mới và cũ.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Ăn mỡ heo có tốt không? Liệu nó có phải là 'thủ phạm' gây bệnh tim mạch?