Ăn rau sống thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ nhiễm sán lá gan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Y tế cảnh báo về thói quen ăn rau sống của người Việt có thể cho phép sán lá gan xâm nhập vào cơ thể, và gây ra các biến chứng nghiêm trọng về lâu dài.

Theo đó, thói quen uống nước kém vệ sinh (nước lã), ăn các loại rau sống như ngổ, húng, muống, cần, cải xoong hay ngó sen…; kể cả với thực phẩm chưa nấu chín đều tiềm ẩn nguy cơ chứa ấu trùng sán lá gan.

Sán lá gan là một loại giun ký sinh. Sau khi ăn phải, sán sẽ di chuyển từ ruột đến ống mật trong gan, bắt đầu sinh sống và phát triển tại đây.

Mặc dù hầu hết những người bị nhiễm sán không có biểu hiện rõ rệt ở thời kỳ đầu, nhưng đôi khi các triệu chứng phát sinh liên quan đến hệ thống mật. Trong một số trường hợp hiếm hoi, các biến chứng lâu dài cũng có thể phát triển, theo Health Line.

Nhìn chung, các triệu chứng nhiễm sán dễ nhầm với bệnh khác, chúng thường chủ yếu là sốt, mệt mỏi, giảm cảm giác thèm ăn, sút cân, buồn nôn và nôn mửa, thiếu máu.

Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn cấp tính, khoảng 70-80% bệnh nhân bị đau bụng, đau hạ sườn phải lan về phía sau. Tại thời điểm này, người bệnh sẽ cảm thấy đau âm ỉ, cũng có lúc đau dữ dội, đau từng cơn, sốt cao và rét run.

Đến giai đoạn mạn tính, tức ở thể nặng, sán có thể dẫn đến sự hình thành sỏi, tắc mật, nhiễm trùng tái phát hệ thống mật, viêm đường mật… Trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra ung thư đường mật (ung thư ống mật), thậm chí vỡ gan.

Sán lá gan định cư trong các ống mật nhỏ và có thể sống ở đó từ 20-30 năm. Những con sán sống lâu có thể gây nên tình trạng viêm mãn tính kéo dài của đường mật, từ đó gây ra các vấn đề khác.

Từ 4-6 tháng sau khi sán định cư trong ống mật, những con sán trưởng thành bắt đầu sản xuất trứng, sau đó thải ra ruột, theo Health Line.

Về cơ bản, nguy cơ lây nhiễm sán lá gan giữa người với người khá thấp, nó thường xảy ra khi hai người ăn chung một món và có cùng thói quen ăn uống kém lành mạnh.

Nhiều người có thể cả đời sống chung với sán lá gan mà không có bất kỳ triệu chứng hay biến chứng nào. Ngoài ra, nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

Ung thư đường mật là biến chứng nặng nhất có thể phát triển do nhiễm sán lá gan. Trong trường hợp hiếm hoi xảy ra, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của dạng ung thư này là từ 20-50% nếu bệnh được phát hiện kịp thời.

Vì vậy, để an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình, bạn nên hạn chế (tốt nhất là tránh) các thực phẩm sống như rau sống, gỏi sống… và chỉ uống nước đã đun sôi thay vì nước lã.

Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Ăn rau sống thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ nhiễm sán lá gan