Bác sĩ ở Bắc Kinh choáng ngợp trước cơn sóng thần dịch bệnh: Chúng tôi không phải là người máy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làn sóng bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc hiện nay đã gây ra tình trạng khan hiếm thuốc men và những hàng dài người phải xếp hàng trước các nhà tang lễ. Các nhân viên y tế tuyến đầu của hệ thống y tế đã bị quá tải. Thậm chí, các nhân viên đang nhiễm bệnh và người đã nghỉ hưu cũng phải trở lại làm việc.

“Chúng tôi có thể cố gắng hết sức, ai cũng làm thêm giờ, nhưng dù sao nhân viên y tế cũng chỉ là con người. Chúng tôi không phải là người máy. Dù tận tâm đến đâu, sức chịu đựng về thể chất và tinh thần của chúng tôi cũng có giới hạn". Bác sĩ Ninh nói với tờ Financial Times.

ĐCSTQ dỡ bỏ phong tỏa, nhân viên y tế tuyến đầu bước vào trận chiến mới

Các bác sĩ và y tá được tờ Financial Times phỏng vấn cho biết điều kiện làm việc ngày càng trở nên tồi tệ khi các nhân viên bị nhiễm COVID.

"Hành động thay đổi chính sách đột ngột không giúp hoàn cảnh của chúng tôi dễ thở hơn. Ngược lại, chúng tôi phải bước vào một giai đoạn khó khăn hơn", bác sĩ Ưng làm việc tại một bệnh viện lớn ở Thượng Hải cho biết. Các ca phẫu thuật không khẩn cấp phải hoãn lại để đảm bảo nhân lực cấp cứu bệnh nhân Covid.

Bác sĩ Đổng tại tỉnh Quảng Đông cho hay, các cơ quan y tế đã yêu cầu phòng khám của ông tiếp nhận điều trị những trường hợp dương tính với Covid sau khi các bệnh viện đã quá tải. Tuy nhiên, phòng khám của ông không hề được cung cấp bất kỳ loại thuốc hay kít xét nghiệm nào để ứng phó với Virus SARS-CoV-2.

Một số bệnh viện ở Bắc Kinh đã đưa ra thông báo kêu gọi các bác sĩ và điều dưỡng đã nghỉ hưu quay lại làm việc. Thậm chí các nhân viên y tế nếu sốt dưới 38 độ vẫn phải làm việc (theo Financial Times).

Cô Đoàn Hiểu Khánh - y tá trưởng Khoa thần kinh tại Bệnh viện số 3 thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, đã đăng trên WeChat và phương tiện truyền thông địa phương rằng tất cả 38 nhân viên của cô đều bị nhiễm bệnh với các triệu chứng như viêm họng và sốt cao nhưng vẫn phải làm việc.

Ngày càng có nhiều lo ngại về sự an toàn của nhân viên y tế, đặc biệt là sau khi một sinh viên y khoa họ Trần đột ngột qua đời vì ngừng tim tại Bệnh viện Đại học Y Tứ Xuyên, Trung Quốc. Theo hai bạn học cùng lớp cho biết, sinh viên này đã có kết quả dương tính nhưng vẫn được yêu cầu tiếp tục làm việc. Đoạn hội thoại giữa anh và giảng viên được đăng tải lên mạng cho thấy giảng viên yêu cầu sinh viên chuẩn bị cho ca phẫu thuật ngày mai. Sinh viên nói: “Thưa cô, em bị sốt”. Cô giáo trả lời: “Tôi không khỏe cũng vẫn phải đi làm, vậy tại sao em không thể tiếp tục làm việc”.

Tại một thị trấn nhỏ ở Tây Nam Tứ Xuyên, một bác sĩ ở bệnh viện địa phương cho biết, nhân viên y tế đang phải chịu áp lực nặng nề khi các phòng khám đều đã chật cứng các bệnh nhân sốt.

Một bác sĩ họ Hứa đã bị nhiễm bệnh nhưng bị yêu cầu tiếp tục làm việc. "Hơn một nửa số nhân viên y tế bị nhiễm bệnh nhưng mỗi giờ lại có thêm nhiều bệnh nhân đến điều trị. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc", ông nói.

Truyền thông nước ngoài đưa tin về trình trạng quá tải của các bệnh viện Trung Quốc

Ngày 24/12, Antoine Morel - phóng viên người Pháp của France 24 tại Trung Quốc, đã đưa tin tweet về tình hình tại một bệnh viện ở Thượng Hải: "Hôm qua (ngày 23) tôi đến một bệnh viện công ở Thượng Hải, bệnh nhân đã chật cứng. Chủ yếu là những người già cần thở oxy nhưng không còn chỗ trống. Đợt này sẽ rất khó khăn..."

Anh ấy cũng đính kèm một video được quay trong bệnh viện. (Xem video bấm vào đây)

Ngày 26/12, Morel tiếp tục tweet rằng: "Lại một ngày nữa, bệnh viện Thượng Hải quá tải bệnh nhân. Có những thời điểm, hành lang bệnh viện không còn lối đi vì chật kín người. Hầu hết bệnh nhân cao tuổi đều phải dùng máy thở”.

Kể từ đầu tháng 12, các quan chức ĐCSTQ đột ngột chấm dứt chính sách Zero-COVID hà khắc mà họ đã duy trì suốt 3 năm qua trong khi khắp nơi trên thế giới đều đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Đồng thời ĐCSTQ thông báo sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023.

Ông Ngô Mộc Loan - chuyên gia nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với tờ BBC rằng mở cửa vào thời điểm này rất nguy hiểm. Đây vốn là mùa cao điểm của bệnh cúm và virus hợp bào hô hấp RSV. Việc này sẽ dễ tạo nên bộ ba dịch bệnh cùng lúc.

Ông Ngô cũng cho rằng ĐCSTQ chưa chuẩn bị đầy đủ về việc tiêm phủ vắc xin và dự trữ thuốc.

"Tôi không nghĩ họ có chuẩn bị gì cả. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khâu chuẩn bị quan trọng nhất là tiêm phủ vaccine cho người lớn tuổi. Ngoài ra, nếu có nguồn dự trữ thuốc dồi dào thì người dân sẽ không phải đổ xô đi mua."

Sau khi ĐCSTQ đột ngột thay đổi chính sách, các hiệu thuốc trên toàn quốc đã hết thuốc hạ sốt, thuốc điều trị cảm và thuốc giảm ho. Kit xét nghiệm cũng khó mua được. Điều này càng làm tăng nguy cơ các ca bệnh nặng không được điều trị kịp thời. Phòng cấp cứu ở các nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông quá đông, gây áp lực căng thẳng cho nhân viên y tế.

Ngoài ra, việc ĐCSTQ che giấu các số liệu về dịch bệnh đã làm dấy lên các quan ngại trên trường quốc tế.

Ngày 19/12, ông Leo Lord-Jones, nhà sản xuất Sky News châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh, đã tweet rằng: “Trung Quốc chỉ báo cáo hai ca tử vong mới do COVID trong ngày hôm nay (19 tháng 12). Nhưng vào buổi sáng có hàng dài xe tang đã xếp hàng tại lò hỏa táng ở ngoại ô phía đông Bắc Kinh. Lò hỏa táng là nơi được chỉ định để xử lý thi thể nạn nhân COVID-19."

Ông cũng đăng kèm bức ảnh chụp hàng dài xe ô tô đến lò hỏa táng ở vùng ngoại ô phía đông ngày hôm đó cùng dòng tweet của mình.

Các biện pháp ứng phó không theo kịp tốc độ lây lan của virus

Ông Hoàng Nghiêm Trung, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại trả lời trong một cuộc phỏng vấn với "Medical World" rằng, biến thể Omicron sẽ lây lan từ thành thị sang các vùng nông thôn từ giờ đến trước Tết Nguyên đán. Khả năng sẽ xuất hiện biến thể mới. Vì vậy, hệ thống y tế và các biện pháp chống dịch sẽ gặp thách thức lớn ở các vùng nông thôn.

Nhân viên Y tế làm việc tại một cơ sở dịch vụ y tế khi mọi người xếp hàng bên ngoài ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc vào ngày 22 tháng 12 năm 2022. (Ảnh của STR/AFP qua Getty Images)

Ông cũng đề cập đến chính sách phòng chống dịch trước đây với quy định rằng các trung tâm y tế tại thị trấn phải có phòng khám sốt và tỷ lệ bao phủ sẽ tăng từ 45% lên 90% vào cuối tháng 3 năm 2023. Nhưng quy định này có thể là quá muộn để để đối phó với đợt dịch này.

Mặt khác, quy trình điều trị ở các cơ sở vùng nông thôn còn nhiều hạn chế. Nếu bệnh nhân không được điều trị hiệu quả sẽ dồn áp lực lên các bệnh viện tuyến đầu ở thành phố.

"Khi số ca nhiễm tăng mạnh thì các kế hoạch phòng dịch sẽ không thể ứng phó kịp. Cho dù hiện tại đã áp dụng một số biện pháp, cũng có thể không theo kịp tốc độ lây lan của virus", ông Hoàng nói.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Cát Mộc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ ở Bắc Kinh choáng ngợp trước cơn sóng thần dịch bệnh: Chúng tôi không phải là người máy