Những con người quả cảm trong tâm dịch COVID-19: Thông điệp của yêu thương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện về cuộc khủng hoảng thế giới trước virus Corona vẫn tiếp diễn. Trong khi chờ tin mới, mỗi người trong chúng ta hãy gửi tới các bác sĩ đang tận lực nơi tuyến đầu những thông điệp yêu thương!...

Trong khi chờ đợi các nhà khoa học, các nhà vi trùng học đang chạy đua trong các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới để tìm ra vaccine cũng như phác đồ để tận trị chủng virus Corona “cứng đầu”, thì ở tuyến đầu của cuộc chiến, có một nhóm những con người quả cảm luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Họ là nhóm người đầu tiên nhìn thấy bệnh nhân, thấy được sự nguy hiểm của việc lây nhiễm và đã đặt mạng sống của người khác trước cả khi nghĩ tới mình. Họ chính là các nhân viên y tế. Hãy gửi tới họ những thông điệp yêu thương bạn nhé!

Bất kỳ ai chưa từng ở trong tâm dịch đều khó có thể hiểu được tâm trạng của các y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu với đại dịch nguy hiểm này. Cùng là những người hành nghề y, thông tin về các y bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai bị phân biệt đối xử khi nơi này đang trở thành ổ dịch có nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất, đã làm tôi cảm thấy rất rầu lòng.

Có nhân văn hay không khi chúng ta lại quay lưng xa lánh chính những người đang ngày đêm tận lực cứu mạng người khác. Họ cũng là những con người bình thường, và bác sĩ là công việc với chữ "nghiệp" gắn chặt với chữ "nghề". Bạn biết không, không dễ gì để có thể luôn là “ngọn lửa sửa ấm” cho những con người đang tuyệt vọng bởi sự “tàn phá” của con virus ác nghiệt này. Họ cũng đã phải trải qua những cung bậc cảm xúc rất khó chịu đựng.

Tôi muốn kể bạn nghe câu chuyện cảm động về hành trình vượt qua thử thách sinh tử của 188 nhân viên y tế tại bệnh viện Tan Tock Seng (Singapore) cách đây 17 năm để minh chứng tuyệt vời cho điều đó...và để bạn có thể cảm thông hơn, trân trọng hơn và yêu thương hơn những anh hùng thầm lặng của chúng ta. Chúng ta cùng quay ngược lại thời gian nhé!

“Tạm biệt, chúng tôi đi đây!”

Tháng 3/2003, ba người từ Hồng Kông trở về Singapore đã mang theo một mầm bệnh bí ẩn chết người. Bệnh viện Tan Tock Seng là nơi khám điều trị cấp cứu cho ba bệnh nhân đó và thừa cơ, virus đã lây lan cho các nhân viên chăm sóc, phục vụ trong bệnh viện và cả những bệnh nhân đến thăm khám. Chẳng mấy chốc, nơi đây đã trở thành ổ dịch và một nhóm nhân viên y tế đầu tiên đã được cử đến ứng cứu.

Đối với nhóm y bác sĩ này, còn quá nhiều điều mà họ vẫn chưa được biết: Nguồn gốc virus, con đường lây truyền... Một căn bệnh hô hấp lạ thường, kỳ quái mà họ chưa từng chứng kiến, nên càng chưa thể biết tên. Điều duy nhất mà họ biết về chủng virus này là sự lây nhiễm nhanh chóng và tỷ lệ tử vong cao. Một nỗi sợ hãi bắt đầu bao trùm, xâm chiếm tâm trí họ.

SARS-CoV, chủng Virus Corona từng gây ám ảnh cho người dân toàn cầu... (CDC)

Họ không biết làm gì hơn là sửa soạn vật dụng cá nhân để lên đường nhận nhiệm vụ. Họ ôm hôn chào tạm biệt gia đình trong tâm trạng ngổn ngang, giằng xé về bổn phận cứu người và những nguy cơ mà họ phải đối mặt, như bị nhiễm bệnh và buộc phải cách ly.

Họ tự chuẩn bị cho mình một tình huống tồi tệ nhất khi Singapore đã có trung tâm chính thức để quản lý và điều trị SARS. Tất cả các trường hợp nghi nhiễm đều được chuyển đến bệnh viện Tan Tock Seng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đầu thế kỷ XXI.

Sự hy sinh cao cả

Dịch bệnh tiếp tục lây lan, các đồng nghiệp của họ đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh. Độ an toàn và hiệu quả của các phương pháp bảo hộ bị hoài nghi. Sự bất lực trong tình huống không thể kiểm soát, và nỗi sợ hãi khi chính mình có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác đã trở thành áp lực đè nặng đối với mỗi người trong số họ.

Dù vậy khi trở về nhà, họ vẫn luôn mang theo điện thoại bên mình chỉ để liên tục cập nhật tình hình của đồng nghiệp. Họ tự nghi ngờ bản thân, dõi theo mọi dấu hiệu trên cơ thể mà dường như đều liên quan đến SARS. Họ vô thức tự cách ly mình với những người thân yêu, một vài người trong số họ không dám ôm hôn con vì cảm giác lo âu nhiễm bệnh, và một số thì quyết định ở lại bệnh viện.

Họ đã đặt sứ mệnh cứu người lên trên hết bằng cách không ôm hôn con trong suốt nhiều tuần, để đảm bảo an toàn cho người thân mà vẫn có thể chăm sóc cho bệnh nhân: “Tôi sẽ không hôn con tôi để những người khác được tiếp tục hôn con của họ”.

Bản đồ minh họa các khu vực trên khắp thế giới bởi sự bùng phát của dịch SARS vào 2002-2003...(Strickla/Wikipedia)

Trớ trêu thay, SARS đã tạo nên sự hoán đổi “định mệnh” vô cùng cay nghiệt: Bệnh nhân trở thành người bạn và các y bác sĩ trở thành bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu hụt nhân viên y tế, những người còn lại tiếp tục gồng mình điều trị cho những “người bạn” có thể ra đi bất cứ lúc nào. Một số người cảm thấy bất lực, thống khổ khi không cứu được bệnh nhân cũng như phải chứng kiến sự ra đi của đồng nghiệp.

Những cảm xúc đan xen hỗn độn. “Tạ ơn Chúa đó không phải là tôi”; “Mỗi ngày khi tôi đi làm, tôi cảm ơn vì vẫn còn có thể được ở đây”; “Tại sao không phải là tôi?”... Những câu hỏi liên quan đến sự sống và cái chết luôn bủa vây tâm trí họ. Cuộc sống quá bất trắc và phận người quá mong manh. Vài người trong số họ đã bắt đầu sắp xếp công việc cho gia đình, đề phòng trường hợp họ có thể là “người tiếp theo”...

Họ bị phân biệt đối xử...

Dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan khó kiểm soát. Nhưng dù sao, cứu người là sứ mệnh của các y bác sĩ - những người đáng được tôn trọng khi phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn quá nhiều hiểm nguy, và phải đối diện với lằn ranh sinh tử quá khắc nghiệt. Họ có thể phải hy sinh tính mạng khi làm nhiệm vụ vào thời điểm Bộ Y tế Singapore công bố: Bệnh viện Tan Tock Seng là trung tâm điều trị SARS.

Không chỉ đối mặt với sự đe dọa của chủng virus này, khi rời bệnh viện, một vài người trong nhóm các y bác sĩ ấy đã bị chủ nhà cắt hợp đồng cho thuê, một số khác không được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu ai đó nhìn thấy đồng phục của họ.

Ngay cả những người thân yêu cũng nhìn họ bằng ánh mắt cảnh giác như thể họ là nguồn lây nhiễm nghiêm trọng. Nhiều nhân viên y tế bị ngăn cản không được gặp con cái, cũng như phải tạm thời chia tay vợ hoặc chồng. Họ phải tự khử trùng trước khi về nhà hoặc buộc phải cách ly.

Một người đàn ông Trung Quốc đeo mặt nạ bảo vệ khi ngủ chờ tàu về ăn Tết - tại nhà ga Bắc Kinh ngày 23/1/2020, Trung Quốc... (Kevin Frayer/Getty Images)

…không bỏ cuộc

Còn nhiều, nhiều, và nhiều hơn nữa những vấn đề nghiêm trọng mà họ phải đối diện. Nhưng may thay, ý thức trách nhiệm, tinh thần đồng đội, sự hy sinh, niềm tin, và sự hỗ trợ từ nhiều phía… là những động lực to lớn giúp họ vượt qua khủng hoảng.

Trước những áp lực quá lớn về tâm lý mà nhóm nhân viên y tế đang phải oằn mình gánh chịu, một nhóm hỗ trợ tâm lý đã được thành lập tại bệnh viện với mục đích khuyến khích họ chia sẻ những cảm xúc và trải nghiệm mà họ phải đối diện trước bão tố.

Nếu không ai bỏ cuộc, tôi cũng vậy”, “Tôi phải mạnh mẽ”, “Tôi sẽ chiến đấu với SARS”, “Tôi sẽ chiến thắng”. Những lời tự động viên đã trở thành động lực cho chính họ, họ nhận thấy cần gạt bỏ những xúc cảm tiêu cực và tập trung nỗ lực hơn vào công việc nặng nề mà cao cả của họ. Sự phục hồi của bệnh nhân chính là liều thuốc tinh thần lớn cho các y bác sĩ tuyến đầu đang trong ổ dịch.

Tinh thần đồng đội là một yếu tố quan trọng. “Làm sao tôi có thể từ bỏ các đồng nghiệp của mình?”. Nhiều người đã là đồng nghiệp của nhau trong suốt nhiều năm, họ đồng lòng cùng nhau để vượt qua cuộc khủng hoảng. Nhiều người đã tạm gạt bỏ cuộc sống gia đình riêng để tình nguyện túc trực tại bệnh viện. Họ không đành lòng nhìn đồng nghiệp đang phải vật lộn xử lý các ca cấp cứu. Vài người lớn tuổi hơn cảm thấy cần phải tỏ ra mạnh mẽ và can đảm để trấn an những đồng nghiệp trẻ, trong khi chính họ thực sự cảm thấy vô cùng căng thẳng. Họ tin rằng trách nhiệm của họ là sưởi ấm cho người khác.

Các y tá điều trị cho bệnh nhân bị mắc một căn bệnh không rõ nguồn gốc - trong phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện No1 tại Quảng Châu, Trung Quốc vào 12/06/2003... (Peter park/AFP/ GettyImages)

Khi được hỏi động lực nào giúp nhóm nhân viên y tế đó vượt qua được gian khó, tất cả họ đều nhắc tới ý thức về nghĩa vụ, bổn phận đã buộc họ phải tiếp tục tiến tới. Tất cả được đào tạo để làm điều này. Không người lính nào được phép sợ hãi khi bước ra tiền tuyến. Không một người lính cứu hỏa nào tránh khỏi việc phải đối diện với ngọn lửa, nhưng ý thức về trách nhiệm đã giúp họ vượt qua bất kỳ trở ngại của cảm tính.

Có một điều thú vị là trong những thời khắc nguy nan đó, mỗi người trong nhóm nhân viên y tế ấy đều cảm thấy trầm tĩnh và bình an khi đặt niềm tin vào những vị Thần mà họ tín phụng.

Ngày 31/5/2003, sau ba tháng chiến đấu kiên cường và nhờ sự hy sinh thầm lặng của họ, Singapore đã tuyên bố ngăn chặn thành công dịch SARS. Tính đến tháng 6/2003, Singapore đã có 206 người bị nhiễm SARS và 32 người tử vong - trong đó có 4 nhân viên y tế.

Việt Nam: “Chúng tôi tin các bạn!”

Việt Nam trong những ngày này, khi dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu phức tạp, với số ca nhiễm, nghi nhiễm và số người bị cách ly tăng nhanh chóng mặt, chúng ta đều cảm thụ được rằng các y bác sĩ không hề lo lắng cho bản thân mình. Họ đã đặt sự đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng ở vị trí thiết yếu.

Bằng chứng là những bài chia sẻ trên mạng xã hội của họ vô cùng hữu ích, những kiến thức thiết thực phòng bệnh trước sự nguy hiểm của chủng virus Corona mới cũng được các y bác sĩ liên tục cập nhật. Họ còn thắp lên niềm tin, hy vọng cho tất cả chúng ta và hy vọng chúng ta cùng đồng lòng vượt qua được thử thách sinh tử này. Vậy mà... họ chỉ mong xã hội đồng cảm và ủng hộ.

Nhưng tôi biết, ai cũng có những góc khuất trong nội tâm, ai cũng sẽ có nỗi sợ hãi của riêng mình và cho cả người khác. Họ, những y bác sĩ tuyến đầu cũng đều có gia đình riêng, có người thân cha mẹ, con cái và bạn bè. Họ đều có trong mình những ngổn ngang giằng xé, nhưng đã cùng nhau gạt bỏ những cảm xúc riêng tư và đặt toàn tâm vào việc cứu người. Giờ đây, những lời động viên từ gia đình, bạn bè, xã hội… đối với họ thực sự rất quan trọng.

Những trải nghiệm của các nhân viên y tế tại Singapore cách đây 17 năm thực sự là một câu chuyện cảm động đầy nhân văn, một nguồn động viên lớn cho tất cả đồng nghiệp của họ trên thế giới đang ở tuyến đầu trực diện với chủng virus Coronavirus mới – một cuộc khủng hoảng chưa biết hồi kết.

Họ là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng, với kẻ thù vô hình nhưng đầy hiểm nguy. Chúng ta chỉ có thể gửi những lời cầu nguyện và yêu thương tới cho họ: “Các bạn sẽ chiến thắng Coronavirus. Chúng tôi tin các bạn!”.

Hãy chia sẻ lời động viên của bạn nhé, rất có thể họ sẽ nghe được.

Mỹ Tâm - Trọng Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Những con người quả cảm trong tâm dịch COVID-19: Thông điệp của yêu thương