Bác sĩ Trung Quốc phải đăng bài xin lỗi sau khi nói rằng vaccine của Sinopharm là “thiếu an toàn nhất trên thế giới”?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bài đăng mới của vị chuyên gia đã khiến nhiều cư dân mạng đặt nghi vấn, cáo buộc là giải thích cứng nhắc và thiếu tính thuyết phục. Cộng đồng mạng lo lắng cho vị bác sĩ và cho rằng đây chỉ là một bài viết "minh oan"...

Vài ngày trước (6/1/2021), chuyên gia vaccine Tao Lina (陶黎纳) ở Thượng Hải đã đăng tin trên Weibo, nói rằng vaccine Trung Quốc từ tập đoàn Sinopharm có 73 tác dụng phụ và là loại vaccine không an toàn nhất trên thế giới. Ngay lập tức, thông tin này đã bị xóa và làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.

Vào thời điểm đó, nhiều cư dân mạng đặc biệt lo lắng cho sự an toàn vị chuyên gia vaccine.

Chiều ngày 7/1/2021, Tao Lina đã đăng lời xin lỗi trên Weibo, cho biết: “Ý định ban đầu (của tin trước đó) đã bị bóp méo, anh ấy sẽ tuân thủ quy tắc pháp luật và nhận vaccine của Sinopharm”.

Tuy nhiên, bài báo mới của chuyên gia Tao đã khiến nhiều cư dân mạng đặt nghi vấn, cáo buộc là giải thích cứng nhắc và thiếu thuyết phục. Họ cho rằng đây chỉ là một bài viết "minh oan".

Một số netizen cho rằng ông buộc phải xin lỗi trước sức ép của chính quyền. Nếu vaccine Sinopharm thực sự tốt, thì tại sao lại phải xóa toàn bộ bài viết trước, và đăng bài xin lỗi để làm gì?

Trong bài viết vào ngày 6/1/2021, vị chuyên gia vaccine - từng là bác sĩ trưởng của Phòng Kế hoạch Tiêm chủng của CDC Thượng Hải - đã nêu tên vaccine của Sinopharm là “thiếu an toàn nhất trên thế giới". Cụ thể hơn, bác sĩ Tao cho biết mình đã đếm được tổng cộng 73 tác dụng phụ, nhiều ở mức “tiền vô cố nhân, hậu vô lai giả, nhất kỵ tuyệt trần”.

Tao Lina còn nói rằng một số bác sĩ đồng nghiệp đã nói tài liệu hướng dẫn này là "trốn tránh trách nhiệm" và nhà sản xuất sẽ không bồi thường cho người tiêm vaccine, nếu gặp phải các phản ứng phụ được liệt kê tài liệu hướng dẫn.

Bài đăng nhanh chóng được lan truyền sau khi xuất hiện trên Weibo. Nhưng nó còn khiến dư luận xôn xao hơn khi ngay tức khắc bị xóa mất. Nhiều cư dân mạng tỏ ra lo lắng trước việc này:

“Bác sĩ này có bị làm sao không?”

“Cảm ơn bác sĩ Tao đã nói thật, nhưng nói vậy có sao không?”

“Có phải chúng ta đang cạnh tranh thị trường vaccine không vậy, ông nhất định sẽ không bị bắt đấy chứ?”

Sau một ngày hỗn loạn, vào ngày 7/1/2021, chuyên gia Tao đã đăng tin trên Weibo, nói rằng mục đích ban đầu của bài đăng ngày 6/1 (đã bị xóa) là nhằm: châm biếm việc hướng dẫn sử dụng vaccine Sinopharm thiếu minh bạch, và liệt kê 73 tác dụng phụ. Ông cho biết mình vô cùng lấy làm tiếc khi nội dung bài đăng về vaccine đã bị bóp méo bởi “thị trường đen” tại Trung Quốc.

Ông nêu thêm rằng, vaccine của Sinopharm (Trung Quốc) có nhiều lợi ích rõ ràng so với vaccine mRNA của phương Tây - về độ an toàn và khả năng thích ứng dây chuyền lạnh, đồng thời tỷ lệ có tác dụng phụ là thấp.

Ông viết rằng mình đã tiêm thử vaccine liều đầu tiên vào ngày 26/12/2020 và “không có cảm giác khó chịu, thậm chí không bị đau nhức cục bộ đúng như mong đợi”, và liều thứ hai được tiêm vào ngày 9/1/2021.

Những biện luận thiếu minh bạch này hiển nhiên không có sức thuyết phục trước dư luận Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng bình luận trên Weibo rằng:

“Bạn thật là phiền. Một hồi nói an toàn, một hồi không an toàn. Bạn có chắc bạn còn bình tĩnh chứ? Đọc bài đăng của bạn thực sự khiến người ta sợ không dám đi tiêm, giờ lại nói là không sao cả???”

“Cả đêm tôi không ngủ, bây giờ có quá muộn để vãn hồi không?”.

“Tôi tin chắc bài mà ông Tao đã xóa, là muốn nói rằng vaccine này thật sự không an toàn”.

“Vaccine Trung Quốc có thể chịu được sự thử thách, tại sao bạn lại sợ? Văn hóa tự tin của chúng ta sợ gì thế lực ở bên ngoại?”

“Ban đầu, vaccine này đã có nhiều ý kiến ​​khác nhau. Bây giờ các chuyên gia nói rằng, vaccine Sinopharm này không an toàn, sau đó lại đăng bài xin lỗi về nó. Thoạt nhìn là có vấn đề rồi, không cần phải xin lỗi, mọi người tự biết đánh giá”.

Hãy để các nhà lãnh đạo tiêm trước

Trên thực tế, người dân Trung Quốc luôn nghi ngờ tính an toàn của vaccine trong nước. Vào tháng 12/2020, ĐCSTQ đã huy động toàn dân thử nghiệm vaccine Trung Quốc.

Trước tình huống đó, GS Trương Văn Hoành, một chuyên gia phòng dịch nổi tiếng của Trung Quốc và là Giám đốc Khoa nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn tại Thượng Hải, trong cuộc họp ngày 22/12 đã nói:

“10% các vị tiêm vaccine cũng được, 20% cũng được, kỳ thực chúng tôi không quá sốt ruột”. Ông còn nói thêm rằng: “Thế hôm nay ai nên tiêm (vaccine) trước? Cá nhân tôi cho rằng cán bộ lãnh đạo cần phải tiêm vaccine trước.

Trước đó, vào tháng 11/2020, chính quyền thành phố Thượng Hải đã tiến hành một cuộc điều tra, theo đó cho thấy hơn 90% nhân viên y tế tại Bệnh viện Trung Y của quận Dương Phổ đã từ chối tiêm vaccine COVID-19 của Trung Quốc.

Gần đây, một thông báo khẩn về việc tiêm chủng của thành phố Trấn Giang (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cũng đã được đăng tải lên mạng; và không có một quan chức địa phương nào đăng ký tiêm chủng.

Kể từ khi phát ngôn của GS Hoành được công bố, trên Internet đã xuất hiện làn sóng kêu gọi “Hãy để các nhà lãnh đạo tiêm trước”.

Nhiều người vẫn nhiễm COVID-19 sau khi ra nước ngoài

Theo đài Á Châu Tự Do đưa tin, vào tháng 12 năm ngoái, có ít nhất 17 người Trung Quốc đã nhiễm bệnh ở Angola, 16 người trong số họ đến từ một công ty quốc doanh Trung Quốc. Được biết, những nhân viên này đã được tiêm vaccine do tập đoàn Sinopharm sản xuất - trước khi ra nước ngoài.

Ngoài ra còn có 47 nhân viên Trung Quốc ở Uganda nhiễm COVID-19 và 300 trong số hơn 400 nhân viên Trung Quốc thuộc Công ty Xây dựng Điện lực Thiên Tân ở Serbia đã được xét nghiệm và chẩn đoán dương tính với virus Vũ Hán. Hầu hết những nhân viên này đều đã được tiêm phòng trước khi ra nước ngoài.

Theo hãng tin AP cho biết, không có lý do rõ ràng để nghi ngờ vaccine của Trung Quốc, nhưng lịch sử của chính phủ Đại Lục có rất nhiều vụ bê bối vaccine. Hơn hết, các nhà máy dược phẩm của Trung Quốc không bao giờ công bố kết quả thử nghiệm cuối cùng ở trên người. Tuy nhiên, họ đã hiên ngang tiêm vaccine trong nước đến hơn 1 triệu lượt.

Japan Times đặt ra câu hỏi: làm sao Trung Quốc sao có thể phát triển vaccine nhanh như vậy được?

Văn Đức
- Theo SoH.



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ Trung Quốc phải đăng bài xin lỗi sau khi nói rằng vaccine của Sinopharm là “thiếu an toàn nhất trên thế giới”?