Bác sĩ Trung Quốc nhận định COVID-19 có thể tái nhiễm và gây suy tim

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các bác sĩ tại Trung Quốc cho biết các bệnh nhân đã từng bị nhiễm COVID-19 và hồi phục thì vẫn có thể bị tái nhiễm - và nếu điều này xảy ra, họ sẽ dễ bị trụy tim hơn do bản chất của virus và tác dụng của thuốc đã được sử dụng cho điều trị trước đó, theo tin từ hãng tin Đài Loan, Taiwan News...

Thông tin có được từ các bác sĩ làm việc tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, được cho là nơi khởi phát của virus. Các bác sĩ này giấu tên vì sợ bị chính phủ Trung Quốc “trả thù”.

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn thông tin về sự bùng phát dịch bệnh và trừng phạt những người làm rò rỉ thông tin. "Có khả năng cao bị nhiễm lần thứ hai", một bác sĩ nói với Taiwan News. "Một số người đã tự hồi phục trong lần nhiễm bệnh đầu tiên do hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân, nhưng các loại thuốc được sử dụng đang làm hỏng mô tim của họ, và khi những người này bị nhiễm bệnh lần thứ hai, kháng thể không còn hữu hiệu nữa mà làm bệnh tình tồi tệ hơn và bệnh nhân sẽ chết đột ngột vì suy tim".

Ngoài ra, phạm vi lây nhiễm thực sự của bệnh vẫn chưa được xác định, do một số biến số rất phức tạp. Các bác sĩ Trung Quốc đã gặp các trường hợp âm tính giả đối với kết quả các xét nghiệm Coronavirus. Các trường hợp này có kết quả chụp X quang cho thấy nhiễm trùng phổi nặng nhưng lại có kết quả xét nghiệm âm tính với Coronavirus nhiều lần.

Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc đột ngột quyết định thay đổi cách tính các trường hợp nhiễm virus vào tuần trước. Lúc đầu, chỉ các trường hợp được xác nhận là dương tính mới được tính. Hiện tại, Trung Quốc đang tính số người nhiễm bệnh gồm cả những người được chẩn đoán là có các triệu chứng nhưng xét nghiệm không cho kết quả dương tính. Với cách tính mới này, số ca nhiễm và số bệnh nhân tử vong tăng đột biến.

Sáng 13/2, thế giới bị sốc khi chứng kiến số liệu thống kê dịch COVID-19 do Trung Quốc công bố trên toàn đại lục tính đến hết ngày 12/2: 15.152 ca nhiễm mới và 254 người tử vong. Riêng tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch, là gần 15.000 ca nhiễm mới và thêm 242 người tử vong.

Điều đáng nói chỉ mới một ngày trước, nhiều quan chức còn lạc quan vì dịch có dấu hiệu chậm lại, thậm chí tin tưởng nó sẽ kết thúc vào khoảng tháng 4.

Bên ngoài Trung Quốc, khác biệt trong thống kê của các nước, khu vực cũng gióng lên hồi chuông báo động. Cụ thể, các nước tương đối phát triển ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan có số ca nhiễm cao (lần lượt là 50 và 33), trong khi những nước y tế kém phát triển hơn như Indonesia, Lào, Campuchia lại hầu như không ghi nhận ca nhiễm nào.

Virus có thể xuất hiện ở một người mà không có triệu chứng

Trong một bài phân tích đáng chú ý, báo South China Morning Post (SCMP) chỉ ra rằng thoạt nhìn thì đặc khu Hong Kong với 13 cửa khẩu giáp Trung Quốc đại lục lẽ ra dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19 hơn Singapore, quốc gia nằm cách Trung Quốc hơn 3.500km, nhưng thực tế cho thấy số ca nhiễm ở cả 2 nơi tương đương nhau (khoảng 50 ca tính đến sáng 13-2).

Bác sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore), nhận xét người dân Singapore được khuyến khích đến bệnh viện khi cảm thấy không khỏe, và nhìn chung họ đủ tin tưởng chính phủ của mình để làm điều này.

"Chúng tôi đang rà soát rất kỹ, càng kiểm tra kỹ bao nhiêu, số ca lây nhiễm được phát hiện càng lớn. Tổng số ca sẽ giảm sau đó vì chúng tôi đang tích cực cách ly", bác sĩ Leong cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, các nước láng giềng của Singapore nhiều khả năng có số ca nhiễm Covid-19 lớn hơn thống kê, nhưng phần lớn không phát hiện được vì "không rà soát kỹ".
Một bác sĩ cũng nói với hãng tin Taiwan News rằng virus có thể xuất hiện ở một người mà không có triệu chứng nào trong vòng 24 ngày và virus này đã " ‘qua mặt’ tất cả chúng ta". Nếu điều này đúng thì nghĩa là nhiều người có thể đã bị nhiễm bệnh mà không hay biết và tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Như vậy, đây sẽ là một vấn đề rất lớn mà các cán bộ y tế cộng đồng phải đối mặt khi đang cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.

Truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin rằng một bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm bệnh 42 ngày sau khi cô trở về nhà từ Vũ Hán

Tính đến thứ hai (17/2), Trung Quốc có hơn 70.000 trường hợp nhiễm Coronavirus, trong số này gần 1.800 người đã tử vong.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Bác sĩ Trung Quốc nhận định COVID-19 có thể tái nhiễm và gây suy tim