Bạn cần ngủ đủ và ngủ đúng cách trong mùa dịch COVID-19, vì sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường dành nhiều tâm trí vào học tập, công việc, chăm sóc gia đình, giao lưu bạn bè...mà quên đi việc dành thời gian thư giãn của riêng mình. Vì áp lực trong cuộc sống và “ôm đồm” việc, nhiều người đặc biệt là phụ nữ đã “cắt ngắn” thời gian ngủ. Nhưng bạn biết không, giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần mà còn ảnh hưởng cả thể chất của bạn đấy. Ngủ đủ sẽ có những lợi ích sau đây:

Tăng cường hệ miễn dịch

Trong khi ngủ, hệ thống miễn dịch giải phóng một loại protein được gọi là cytokine không chỉ giúp giấc ngủ ngon hơn, mà còn giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, kích ứng và viêm. Khi bị thiếu ngủ, cơ thể sẽ có ít thời gian hơn để giải phóng cytokine. Khi lượng cytokine tiết ra ít hơn, chúng ta sẽ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và dễ mắc bệnh, điều này giải thích cho sự "chậm chạp" mà bạn gặp phải sau một đêm ngủ không ngon giấc.

Các nghiên cứu cũng cho thấy mất ngủ làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vaccine do giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Lượng cytokine ổn định là điều cần thiết để có một giấc ngủ ngon và 1 cơ thể khỏe mạnh, đó là lý do tại sao các chuyên gia về giấc ngủ khuyên bạn nên thực hiện một lịch trình ngủ lành mạnh và đều đặn. Điều này giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi đầy đủ và cho phép các cytokine hoạt động một cách tối ưu.

Giảm cân

Ngủ đầy đủ không chỉ giúp giảm cân mà còn kiểm soát cân nặng của bạn. Nếu bạn thiếu ngủ, cơ thể sẽ sản sinh ra ghrelin, một loại hormone làm tăng cảm giác thèm ăn. Cơ thể cũng giảm sản xuất leptin, một loại hormone thông báo cảm giác no. Thêm vào đó, khi ngủ không đủ, bạn sẽ căng thẳng hơn và thèm ăn hơn, dẫn đến nguy cơ tăng cân không kiểm soát.

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tim mạch như tăng huyết áp hoặc đau tim. Đó là vì thiếu ngủ có thể khiến cơ thể tiết ra cortisol, một loại hormone gây căng thẳng khiến tim làm việc nhiều hơn. Cũng giống như hệ miễn dịch, bạn cần phải ngủ đủ cho trái tim được nghỉ ngơi để hoạt động bình thường vào ngày hôm sau.

Không chỉ vậy, mất ngủ còn dẫn đến đề kháng insulin và điều hòa insulin kém. Insulin là hormone kiểm soát lượng đường trong máu, do vậy nếu không ngủ đủ giấc, khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể sẽ bị gián đoạn. Lượng đường trong máu có thể tăng lên và gây ra bệnh tiểu đường, mà biến chứng của nó làm tổn hại các mạch máu nhỏ của cơ thể, trong đó có mạch vành của tim. Vì vậy, ngủ đủ giấc là một yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tim mạch của bạn.

Cải thiện tâm trạng

Có một câu ngạn ngữ cổ: "Hãy thức dậy với tâm trạng vui vẻ sảng khoái, tràn đầy năng lượng". Nếu ngủ ngon, bạn thức dậy với cảm giác được nghỉ ngơi đầy đủ. Nghỉ ngơi giúp năng lượng của bạn tăng cao. Khi năng lượng tràn đầy, những thử thách nhỏ trong cuộc sống sẽ không làm bạn khó chịu. Khi bạn không khó chịu, bạn sẽ không tức giận. Nếu bạn không tức giận, bạn sẽ hạnh phúc. Vì vậy, hãy đi ngủ sớm và mọi người xung quanh sẽ luôn vui vẻ và yêu thương bạn.

Cải thiện trí nhớ

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu đầy đủ lý do tại sao con người lại mơ trong khi ngủ, nhưng họ phát hiện ra rằng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình củng cố trí nhớ. Trong khi ngủ, cơ thể đang nghỉ ngơi, nhưng não lại bận rộn xử lý thông tin, tạo ra các kết nối giữa các sự kiện, cảm giác và ký ức. Giấc ngủ sâu là thời gian quan trọng để não bộ tạo ra những liên kết với ký ức, và giấc ngủ chất lượng sẽ giúp bạn ghi nhớ sự việc tốt hơn.

Giúp cơ thể tập trung và tỉnh táo

Ngủ đủ cũng giúp tâm trí bạn không bị vẩn vơ và duy trì sự tập trung trong suốt cả ngày, nâng cao hiệu quả công việc. Ngủ không đủ có thể làm giảm tư duy, tập trung, và tốc độ phản ứng của bạn vào ngày hôm sau. Điều này thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu bạn có một quyết định lớn phải thực hiện, đang lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng.

Theo một nghiên cứu từ Tổ chức An toàn Giao thông AAA, nguy cơ bị tai nạn ô tô cao gấp đôi ở những người ngủ từ 6-7 tiếng so với những người ngủ đủ 8 tiếng. Nguy cơ này tăng lên gấp 4 lần nếu ngủ ít hơn 5 tiếng. Đó là vì phản ứng của bạn chậm lại khi não của bạn không được nghỉ ngơi đầy đủ. Vì vậy, ngủ đủ giấc giúp bạn luôn nhạy bén và tập trung suốt cả ngày dài.

Giảm stress

Có rất nhiều điều có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng và cách đối phó với căng thẳng sẽ khác nhau đối với từng người. Những lo lắng về công việc, mối quan hệ, tài chính hoặc sức khỏe thường là yếu tố chính gây ra mất ngủ. Khi cảm thấy căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra hormone cortisol, giúp bạn tỉnh táo, nhưng cũng là lý do gây ra mất ngủ. Ngược lại một giấc ngủ ngon giúp làm giảm sự căng thẳng, mệt mỏi và kiểm soát được lượng máu lên não đồng thời, giấc ngủ sẽ kiểm soát mức độ cholesterol trong máu và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Tái tạo tế bào, khắc phục các tổn thương bên trong

Ngủ đủ giấc khiến cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, cho phép các cơ quan trong cơ thể làm nhiệm vụ thải độc, tái tạo và phục hồi những tổn thương do căng thẳng, tia cực tím và các tác hại khác gây ra sau một ngày dài. Nếu ngủ không đủ, một số cơ quan trong cơ thể hoạt động không thể loại bỏ hết độc tố, tích tụ lâu ngày sẽ làm tổn thương tế bào, hình thành nguy cơ ung thư cao hơn so với người ngủ đủ giờ.

Vậy ngủ bao nhiêu là đủ?

Người lớn cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng đều đặn mỗi đêm. Đối với trẻ em, thời gian ngủ cần nhiều hơn người lớn để duy trì sự phát triển tối ưu. Thanh thiếu niên cần từ 8 đến 10 giờ, trẻ em trong độ tuổi đi học cần từ 9 đến 12 giờ, trẻ mẫu giáo cần từ 10 đến 13 giờ, trẻ mới biết đi cần từ 11 đến 14 giờ và trẻ sơ sinh cần từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày.

Việc bạn (người lớn) ngủ nhiều hơn 9 tiếng mỗi ngày đồng nghĩa với ngủ quá nhiều. Theo Đông Y, nằm lâu gây tổn thương khí. Ngủ nhiều làm nhịp tim và lưu lượng máu chậm lại, cũng như ảnh hưởng đến nhu động đường tiêu hóa gây khó tiêu. Ở một số người có thể gây ra cảm giác chán ăn, trong y học cổ truyền, người ta gọi nó là "thiếu khí", lúc này cơ thể trở nên lười biếng, mệt mỏi và uể oải. Cần lưu ý rằng, ngủ đủ giấc không chỉ là ngủ đủ tiếng, điều quan trọng hơn nữa là bạn phải có một giấc ngủ chất lượng để cơ thể được cảm thấy nghỉ ngơi đầy đủ vào mỗi sáng thức dậy.

Các biện pháp cải thiện giấc ngủ

Ngủ và dậy đúng giờ

Nhịp sinh học của cơ thể bạn hoạt động theo một vòng lặp cố định, tự điều chỉnh theo Mặt Trời mọc và lặn. Do vậy duy trì giờ đi ngủ và thức dậy mỗi ngày làm tăng chất lượng giấc ngủ.

Bằng cách tìm ra thời gian cần thức dậy, bạn có thể đặt lịch đi ngủ phù hợp. Nếu khó ngủ, hãy cố gắng duy trì thói quen thức dậy và đi ngủ đúng giờ. Sau vài tuần, bạn thậm chí có thể thức dậy mà không cần chuông báo thức.

Thư giãn trước khi đi ngủ

Thư giãn là một bước quan trọng để chuẩn bị cho một giấc ngủ ngon. Có rất nhiều cách để thư giãn:

  • Tắm nước ấm giúp cơ thể đạt nhiệt độ lý tưởng để nghỉ ngơi.
  • Lên danh sách những việc cần làm cho ngày hôm sau để sắp xếp suy nghĩ và loại bỏ mọi phiền nhiễu của bạn.
  • Tập các bài vận động nhẹ nhàng như yoga.
  • Đọc sách hoặc nghe nhạc để thư giãn đầu óc.
  • Tránh sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc các thiết bị điện tử khác trong một giờ hoặc lâu hơn trước khi đi ngủ vì ánh sáng từ màn hình trên các thiết bị này có thể ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ của bạn.
  • Thực hành thiền định trước khi đi ngủ giúp tăng sự bình an nội tâm, có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm các triệu chứng mất ngủ, khó ngủ.

Thiết kế phòng ngủ phù hợp

Phòng ngủ của bạn phải là một nơi thư giãn để ngủ. Các chuyên gia khẳng định có mối liên hệ chặt chẽ trong tâm trí con người giữa giấc ngủ và phòng ngủ. Phòng ngủ lý tưởng nhất cần tối, yên tĩnh, ngăn nắp và được giữ ở nhiệt độ từ 18°C đến 24°C. Hãy lắp rèm cửa dày. Nếu bạn dễ bị làm phiền bởi tiếng ồn, hãy sử dụng nút tai hoặc cân nhắc làm kính hai lớp.

Thay đổi thói quen sống

Tránh uống cà phê, uống rượu và hút thuốc trước giờ đi ngủ vì chúng có thể khiến bạn tỉnh táo. Ăn đồ chiên rán và đồ ngọt cũng như uống quá nhiều nước cũng làm giảm chất lượng chất lượng của giấc ngủ. Nếu quá đói, bạn có thể uống một ly sữa không đường ấm để giảm cơn đói và giúp bạn dễ ngủ hơn.

Tập thể dục là một trong những cách tốt nhất được khoa học chứng minh giúp cải thiện giấc ngủ, các triệu chứng mất ngủ và tốt cho sức khỏe. Mặc dù tập thể dục hàng ngày là chìa khóa để có một giấc ngủ ngon, nhưng nếu tập luyện quá muộn trong ngày có thể gây ra tác dụng ngược lại. Điều này là do tác dụng kích thích của việc tập thể dục, làm tăng sự tỉnh táo do tăng các hormone như epinephrine và adrenaline. Nên tập thể dục như chạy bộ hay đạp xe vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Quỳnh Liên



BÀI CHỌN LỌC

Bạn cần ngủ đủ và ngủ đúng cách trong mùa dịch COVID-19, vì sao?