Bàn chải đánh răng của bạn bẩn đến mức nào? (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bàn chải đánh răng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh, nhưng cách bạn bảo quản và chăm sóc bàn chải có thể ảnh hưởng đáng kể đến lượng vi khuẩn của nó.

Chăm chỉ đánh răng hai lần một ngày là một thói quen vệ sinh tốt, nhưng nếu bàn chải đánh răng không sạch thì sao? Thực tế là bàn chải của bạn không được vô trùng và do bản chất của việc đánh răng, nó sẽ bị nhiễm vi khuẩn, nước bọt, máu và các chất cặn... sau mỗi lần vệ sinh răng miệng.

Tùy thuộc vào nơi cất giữ bàn chải đánh răng, chẳng hạn như trong phòng tắm, các chất bẩn từ bồn cầu sẽ bám vào lông bàn chải, sau đó xâm nhập vào miệng. Tại Hoa Kỳ, các tổ chức y tế bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thừa nhận rằng “ngay cả khi được rửa sạch, bàn chải vẫn có thể bị nhiễm các sinh vật có khả năng gây bệnh”.

Điều đó có nghĩa là, trừ khi bạn mắc một tình trạng nghiêm trọng như rối loạn chảy máu nhất định hoặc ức chế miễn dịch, có thể cần làm sạch răng bằng phương pháp khác thay vì dùng bàn chải, còn không thì việc dùng bàn chải đánh răng thường xuyên khó có thể gây ra các tác động xấu đến sức khỏe.

Bàn chải đánh răng chứa vi khuẩn gây bệnh

Theo một đánh giá có hệ thống về nhiễm bẩn bàn chải đánh răng được công bố trên Tạp chí Nursing Research and Practice, bàn chải đánh răng được xem là một ổ chứa vi sinh vật. Ngay sau lần sử dụng đầu tiên, nó chắc chắn bị nhiễm các chủng loại vi sinh vật và tình trạng này sẽ tăng lên theo thời gian.

Các nhà nghiên cứu giải thích: “Bàn chải đánh răng có thể bị ô nhiễm từ khoang miệng, môi trường, tay, bình xịt và hộp đựng. Vi khuẩn bám vào, tích tụ và tồn tại trên bàn chải đánh răng có thể truyền sang người và gây bệnh”.

Với mục đích xem xét, họ đặc biệt quan tâm đến bàn chải đánh răng được sử dụng cho những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả những người trong bệnh viện. Tất cả bảy nghiên cứu thực nghiệm và ba nghiên cứu mô tả đã được phân tích, cho thấy rằng bàn chải giữ lại một lượng vi khuẩn đáng kể sau khi sử dụng. Ở cả người khỏe mạnh và người mắc bệnh răng miệng, vi khuẩn và virus gây bệnh đều được phát hiện trên bàn chải đánh răng, bao gồm:

  • Staphylococcus aureus.
  • E coli.
  • Pseudomonas.
  • Virus herpes simplex, với số lượng đủ lớn để gây nhiễm trùng.
bàn chải đánh răng được xem là một ổ chứa vi sinh vật. Ngay sau lần sử dụng đầu tiên, nó chắc chắn bị nhiễm các chủng loại vi sinh vật và tình trạng này sẽ tăng lên theo thời gian.
bàn chải đánh răng được xem là một ổ chứa vi sinh vật. Ngay sau lần sử dụng đầu tiên, nó chắc chắn bị nhiễm các chủng loại vi sinh vật và tình trạng này sẽ tăng lên theo thời gian. (Pexels)

Trong số những người mắc bệnh răng miệng, bàn chải đánh răng có thể nhanh chóng bị nhiễm bẩn, mặc dù một số bàn chải đã bị nhiễm bẩn trước khi sử dụng. Một nghiên cứu cho thấy rằng, 70% bàn chải sau khi sử dụng bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh nặng. Trong một nghiên cứu khác, người ta phát hiện thấy nhiều loại vi khuẩn khác nhau với số lượng phát triển khác nhau.

Cách bảo quản bàn chải đánh răng rất quan trọng

Cách tốt nhất để bảo quản bàn chải đánh răng là ở nơi khô ráo, nơi nó có thể được làm khô bằng không khí. Đặt bàn chải đánh răng vào một hộp kín không phải là một ý tưởng hay, vì điều này có thể khiến bàn chải bị ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Bàn chải đánh răng được bảo quản trong hộp đậy kín, hoặc bàn chải tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm, chứa hàm lượng vi khuẩn cao hơn so với bàn chải đánh răng để khô ngoài trời.

Bảo quản bàn chải đánh răng trong môi trường ẩm ướt cũng có khả năng làm tăng khả năng sống sót của vi khuẩn trên bàn chải, giống như việc đậy nắp bàn chải vậy. Vi khuẩn tồn tại hơn 24 giờ trên bàn chải đánh răng khi có hơi ẩm, trong khi bảo quản bàn chải đánh răng trong môi trường ẩm ướt và có mái che có thể làm tăng 70% sự phát triển của vi khuẩn.

Hình dạng và thiết kế của bàn chải đánh răng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ lại vi trùng. Cụ thể, nếu lông bàn chải bị sờn hoặc sắp xếp theo kiểu rất sát nhau, có thể chúng sẽ bẫy và giữ lại nhiều vi khuẩn hơn.

Một nghiên cứu cho rằng "bàn chải đánh răng hai hàng lông mềm, tròn, trong suốt" có mức độ nhiễm bẩn cao nhất, trong khi độ ẩm và mảnh vụn răng miệng còn sót lại trong lông bàn chải sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Mặc dù rõ ràng là bàn chải đánh răng dễ bị nhiễm bẩn, nhưng những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người vẫn chưa được khám phá. Theo nghiên cứu:

“Tất cả các nghiên cứu được chọn đều phát hiện ra rằng, bàn chải đánh răng của người trưởng thành khỏe mạnh và người mắc bệnh răng miệng đều nhiễm vi khuẩn có khả năng gây bệnh, chủ yếu từ mảng bám răng, môi trường hoặc sự kết hợp của các yếu tố… Đối với nhóm dễ bị tổn thương như người trưởng thành bị bệnh nặng, tình trạng nhiễm khuẩn có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm và tử vong”.

Vi khuẩn tồn tại hơn 24 giờ trên bàn chải đánh răng khi có hơi ẩm, trong khi bảo quản bàn chải đánh răng trong môi trường ẩm ướt và có mái che có thể làm tăng 70% sự phát triển của vi khuẩn.
Vi khuẩn tồn tại hơn 24 giờ trên bàn chải đánh răng khi có hơi ẩm, trong khi bảo quản bàn chải đánh răng trong môi trường ẩm ướt và có mái che có thể làm tăng 70% sự phát triển của vi khuẩn. (Pexels)

Vi trùng từ 'bụi nhà vệ sinh' có thể là một vấn đề

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến độ sạch của bàn chải là vị trí cất giữ chúng - thường là phòng tắm, vốn là nơi xả nước bồn cầu hàng ngày. Các nhà nghiên cứu viết trên Tạp chí Kiểm soát Nhiễm trùng Hoa Kỳ: “Trong hơn 100 năm qua, đã có những kiến nghị về mối liên hệ giữa việc hít vào khí dung sinh học, vốn được tạo ra từ nước thải bị xáo trộn, và khả năng gây bệnh truyền nhiễm”.

Nói cách khác, khi xả nước bồn cầu, các khí dung trong bồn cầu được thải vào không khí, nó có thể lây lan bệnh truyền nhiễm, một phần là do các vi sinh vật trong không khí bám vào bàn chải đánh răng. Phương thức truyền bệnh này đã có từ hơn một thế kỷ trước khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra sự lây truyền vi sinh vật trong không khí từ hệ thống thoát nước thải từ tòa bệnh viện này sang tòa bệnh viện khác.

Vào những năm 1950, một nghiên cứu khác đã cấy vi khuẩn Serratia marcescens vào bồn cầu, sau đó xả nước để xem vi khuẩn kết thúc ở đâu. Người ta tìm thấy các khuẩn lạc nằm trên sàn và chúng cũng lơ lửng trong không khí - tối đa tám phút sau khi xả nước. Ngay cả trong các nhà vệ sinh sử dụng kiểu xả “washdown”, trong đó nước thoát ra từ mép bồn cầu và chảy xuống cống thoát, thì khí dung sinh học vẫn được tìm thấy phía trên bồn cầu trong vòng bảy phút sau khi xả.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khuẩn Clostridium Difficile được phát hiện trên bệ ngồi của bồn cầu trong vòng 90 phút sau khi xả nước. Xả nước với nắp úp tạo ra sự khác biệt tích cực. Vì khi xả nước với nắp mở, nồng độ vi khuẩn cao gấp 12 lần so với khi xả nắp úp. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu lưu ý:

“Có thể kết luận rằng… xả nước bồn cầu tạo ra một lượng đáng kể khí dung dạng chùm trong nhà vệ sinh, vốn có khả năng cuốn theo các vi sinh vật có kích thước ít nhất là bằng vi khuẩn. Các giọt đủ nhỏ chứa đầy vi khuẩn sẽ bay hơi để tạo thành các khí dung sinh học hạt nhân đủ nhỏ để hít sâu vào phổi. Các khí dung sinh học này có thể tồn tại lâu trong không khí và di chuyển theo các luồng không khí”.

“Việc sản xuất các khí dung sinh học này trong nhiều lần dội nước bồn cầu cho thấy nguy cơ lâu dài khiến nhà vệ sinh trở thành một máy tạo khí dung lây bệnh truyền nhiễm”.

--> Xem tiếp: Bàn chải đánh răng của bạn bẩn đến mức nào? (Phần 2)

Theo Joseph Mercola từ The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch

Tiến sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com. Là một bác sĩ nắn xương, tác giả có sách bán chạy nhất và đã nhận được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên, tầm nhìn chính của ông là thay đổi mô hình sức khỏe hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình.



BÀI CHỌN LỌC

Bàn chải đánh răng của bạn bẩn đến mức nào? (Phần 1)