Bánh ú nước tro: sự gửi gắm giá trị sức khỏe của người xưa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo phong tục tập quán người Việt, cứ đến Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), chúng ta lại được thưởng thức một loại bánh mềm, vị thanh mát, dễ ăn - bánh tro (gio). Hiểu bánh tro không chỉ giúp chúng ta hiểu đạo lý đối nhân xử thế mà còn thấy được sự tinh tế trong giữ gìn sức khỏe của người xưa...

Bánh tro là một phần không thể thiếu trong tết Đoan Ngọ. Nó là một cách thể hiện sự hòa hợp giữa con người với đất trời. Người xưa quan niệm thiên nhân hợp nhất, con người là một phần của đất trời, mọi sinh hoạt, ăn uống đều phù hợp với tiết khí của trời đất.

Tiết khí giao thời

Đoan Ngọ là thời điểm tiết khí giao thời từ Mang chủng sang Hạ chí, thường rơi vào khoảng thời gian tuần thứ tư của tháng 6 dương lịch.

Trước là Mang chủng, “Mang” nghĩa là nhụy, “Chủng” chỉ hạt giống. Tiết Mang Chủng là khoảng thời gian cây phát triển, chín và có thể thu hoạch. Thời điểm này, thời tiết với nhiệt độ và độ ẩm đạt mức đỉnh điểm, cũng là thời điểm mưa nhiều và nhiệt độ cao nhất trong năm.

Sang tiết Hạ chí, thiên khí chí dương, hỏa khí cực vượng, vậy nên Đoan Ngọ cũng gọi là Đoan Dương. Khoa học hiện đại cũng nhận thấy đây là thời điểm nắng nóng đạt tới đỉnh điểm do lượng bức xạ của Mặt Trời rất cao.

Về mặt sức khỏe, sự giao thời của khí hậu kết hợp với hỏa khí cực vượng giai đoạn Tết Đoan Dương dễ làm tổn thương phần âm khí của cơ thể. Điều này giải thích tại sao giai đoạn này thường ẩn tàng các ôn dịch thương âm-bệnh dịch truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, tiêu chảy, cúm, viêm não Nhật Bản, thủy đậu, đau mắt đỏ...

Đồng thời, thời tiết khắc nghiệt này có thể làm những người có tiền sử các bệnh về máu huyết như huyết áp cao, tim mạch, tiền sử tai biến hay đột quỵ dễ trở nặng hơn.

Sự tinh tế của người xưa

Theo Trung Y, con người khỏe mạnh khi đạt được sự cân bằng giữa hai yếu tố: Âm và Dương. Sự cân bằng này là nền tảng của mọi phương thức điều trị với mục tiêu hướng tới là nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho cả tâm lẫn thân.

Trong giai đoạn giao thời tiết khí giữa Mang chủng và Hạ chí, thời điểm Đoan Dương, khi khí Dương của đất trời đạt cực thịnh thì cơ thể chúng ta cũng chịu ảnh hưởng. Một lượng khí âm lớn của cơ thể sẽ bị tiêu hao mà Trung Y gọi là thương âm. Để cân bằng lại khí Âm và khí Dương, người xưa thông qua thức ăn để phục hồi lại nguồn khí âm mà cơ thể tổn thất.

Bánh tro còn có tên gọi khác là bánh âm vì nó có đặc tính tư âm, bổ âm, do chứa toàn nguyên vật liệu có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali...). Loại bánh này giúp cơ thể bổ sung phần âm khí của cơ thể bị tổn thương do tiết khí gây ra.

Ngoài tác dụng giúp phòng ngừa bệnh ôn dịch thương âm, bánh tro còn có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể. Điều để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, tim mạch, thống phong (gút) sỏi thận.

Người xưa có những điều đã vượt xa khoa học hiện đại ngày nay. Bánh tro không chỉ là thể hiện nét văn hóa truyền thống của người Việt mà còn là vị thuốc độc đáo giúp chúng ta khỏe mạnh, phòng chống bệnh nhiễm truyền.

Chúng ta chỉ đạt được cảnh giới dưỡng sinh, trường sinh của người xưa khi thực sự tôn kính Trời Đất, và xem mình là một phần của tự nhiên.

Thiện Đức

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Bánh ú nước tro: sự gửi gắm giá trị sức khỏe của người xưa