Bất thường khi nhân viên y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn nhiễm Covid-19?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chức y tế giải thích lý do 53 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nhiễm Covid-19 cho dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Những lý do đó có hợp lý?

Ngày 13/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM ghi nhận tổng cộng 53 nhân viên y tế thuộc bộ phận hậu cần đã nhiễm Covid-19. Điều đặc biệt là tất cả đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 nhưng vẫn nhiễm dịch.

Lý giải của các chuyên gia y tế và những bất thường

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP. HCM, cho biết: "Hiệu quả bảo vệ trên thực nghiệm của vaccine AstraZeneca là trên 70%, nhưng thực tế có thể đạt trên 80 - 90%. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, gần 1.000 nhân viên, với 53 người nhiễm thì tỷ lệ là 5,3%, do đó chưa phải là nhiều".

Tuy nhiên lập luận này có vẻ chưa hợp lý vì tính tỷ lệ lây nhiễm cần theo số lượng người tiếp xúc. 53 nhân viên y tế bị nhiễm ở trên có thể không tiếp xúc với tất cả 1.000 nhân viên ở bệnh viện nên tỷ lệ không hẳn là 5,3%. Ngoài ra còn cần so sánh với tỷ lệ nhiễm khi không tiêm vaccine. Trên thực tế, nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng những người trong cùng gia đình, cùng công ty vẫn không bị sao.

Bác sĩ Phạm Quang Thái - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho rằng: "Vaccine COVID-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu có tác dụng".

Dù vậy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM là cơ sở y tế đầu tiên ở khu vực phía Nam được ưu tiên cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca để tiêm cho nhân viên. Các nhân viên được tiêm ngay trong đợt 1, tức là vào tháng 4/2021.

Bác sĩ Khanh còn cho rằng: "Vaccine có hiệu quả là bảo vệ được người đã đã tiêm không bị bệnh, nếu bệnh thì không bệnh nặng, không tử vong, bảo vệ người được tiêm ít có khả năng lây cho người khác, bảo vệ cộng đồng".

Tuy nhiên thực tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM cho thấy tốc độ lây lan vẫn khá nhanh. Từ một số ca sống ở chung cư Ehome (Bình Tân) và ở huyện Hóc Môn, 53 nhân viên y tế khác trong bệnh viên đã bị lây nhiễm. Đồng thời chuỗi lây nhiễm này cũng đang lan sang nhiều người nhà, người cùng gia đình.

Về việc tiêm chủng giúp cho "không bị bệnh, bệnh không nặng" thì dù chưa tiêm vaccine tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng và nhanh chóng bình phục vẫn khá cao (chiếm hơn 60%).

Ý kiến của độc giả

Nhiều bình luận của các độc giả trên các trang báo và mạng xã hội đã bày tỏ lo lắng về thực tế này.

  • Nguyễn Thu Hiền: "Mới phát hiện mà có đến 53/887 là tỷ lệ quá cao bởi những người còn lại không phải không mắc bệnh ,mà do họ chưa tiếp xúc gần với ca dương tính mà không trang bị bảo hộ. Cần xem lại chất lượng vaccine này".
  • Huy Hoàng: "Thế mới biết, cho dù có tiêm đủ vaccin phòng chống virus rồi cũng không nên chủ quan mà cẩn phải thực hiện đúng 5K".
  • Nguyễn Thành Khôi: "Dù vaccine không đạt hiệu suất 100% thì cũng không thể có chuyện 53 ca nhiễm trong 1 bệnh viện tuyến đầu được. Vaccine châu Âu đấy các bạn ạ. Tôi thật sự quan ngại về vaccine này".
  • Mai Tran: "Vậy tính ra những người đã tiêm vaccine mà bị nhiễm thì thật sự nguy hiểm vì họ ko có biểu hiện bệnh nên rất dễ lây lan ra cộng đồng".
  • Vina Chica: "52/53 người đã tiêm vacxin nhiễm bệnh nhưng hoàn toàn không có triệu chứng ho sốt - có nghĩa chính họ có thể làm virus âm thầm lây lan ra cộng đồng".

Bộ Y tế Việt Nam: Tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn phải thực hiện 5K

Hôm 13/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc tiêm đủ liều vaccine, kể cả sau 2 mũi thì hiệu quả bảo vệ chỉ mang ý nghĩa khi nhiễm bệnh thì bị nhẹ hơn và không trở nặng. Việc bảo vệ để hoàn toàn chống lại virus 100%, hiện chưa có nghiên cứu kỹ.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân, kể cả nhân viên y tế dù tiêm đủ cả 2 mũi, vẫn phải thực hiện 5K trên tất cả mọi công việc để đảm bảo cho mình và cộng đồng.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thừa nhận: "Vaccine Covid-19 là vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không".

"Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vaccine này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không", ông Phu nói thêm.

Nhiều quốc gia tiêm chủng cao những số ca mắc Covid-19 vẫn tăng mạnh

Theo tạp chí Forbes, trong nhóm 5 nước tiêm chủng nhanh nhất thế giới - gồm Seychelles (69% đã tiêm ít nhất 1 liều), Israel (60%), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Chile (45%) và Bahrain (47%) - chỉ có Israel hiện không bị bùng dịch trở lại.

Trong khi đó, nếu tính theo tỉ lệ dân số thì Seychelles và Bahrain, cũng như Maldives và Uruguay, lại ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày thuộc hàng cao nhất thế giới.

Vương quốc Anh cũng là nơi có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao với hơn 70% dân số tiêm một mũi và hơn 40% tiêm hai mũi. Nước Anh dự định có kế hoạch mở cửa nền kinh tế vào tháng 6. Tuy nhiên số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng vọt do biến thể mới của virus corona. Vì vậy kế hoạch mở cửa nền kinh tế của Anh đã phải lùi lại.

Ngoài ra, nhiều báo cáo gần đây cho thấy những người tiêm đủ vaccine đã phải chịu nhiều tác dụng phụ như viêm tim, viêm cơ tim, đông máu,...Thâm chí một số ca tử vong sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19.

Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch Covid-19 đã truyền đến hơn 200 quốc gia, khiến hơn 180 triệu người nhiễm bệnh và hơn 4 triệu người tử vong.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Bất thường khi nhân viên y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn nhiễm Covid-19?