Bệnh tim liên quan đến loại thuốc phổ biến được hàng triệu người sử dụng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi loại thuốc đều có những tác dụng phụ đi kèm, thậm chí là những tác dụng phụ nguy hiểm. Vì vậy chúng ta thường được khuyên rằng nên dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự chỉ định của bác sĩ, việc sử dụng một số loại thuốc vẫn có thể mang lại nhiều nguy cơ cho người bệnh.

Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm mua được các loại thuốc giảm ho và giảm đau, tuy nhiên việc dùng sai những loại thuốc này lại có thể gây ra các bệnh lý tim mạch. Ví dụ như opiod là một nhóm thuốc có tác dụng làm giảm ho và giảm đau, nhưng đồng thời cũng là thủ phạm gây ra một số bệnh lý tim mạch.

Vào tháng 1 năm 2021, bác sĩ Mori J. Krantz của Trường Y thuộc Đại học Colorado, Hoa Kỳ, đã đăng một bài đánh giá trên Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) về việc sử dụng opioid gây ra các biến chứng tim mạch. Báo cáo nghiên cứu cho biết: “Opioids là loại thuốc giảm đau mạnh nhất. Mặc dù trước đây loại thuốc này chỉ được sử dụng giới hạn cho các trường hợp cấp tính hoặc để giảm nhẹ những cơn đau nghiêm trọng liên quan đến ung thư. Việc nhìn nhận cơn đau chủ quan (trên thang điểm từ 0 đến 10) là ‘dấu hiệu sinh tồn thứ năm’ đã giúp opioids đã được kê đơn rộng rãi cho cả các trường hợp có đau mạn tính không do ung thư”.

“Điều này, cùng với việc gia tăng lạm dụng opioid, đã dẫn đến sự gia tăng số ca tử vong không chủ ý, hội chứng mạch vành cấp liên quan đến thuốc (ACS) và viêm nội tâm mạc”.

Các biến chứng tim mạch của opioid hiện đang là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên toàn thế giới. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy opioid có thể gây ra các biến cố tim mạch và tình trạng rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.

Những loại thuốc nào thuộc nhóm opioid?

Opioid là loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất trong thực hành lâm sàng gồm có opioid nhẹ và opioid mạnh.

Opioid nhẹ bao gồm tramadol, dihydrocodeine và codeine,v.v. Opioid mạnh bao gồm morphine, oxycodone, hydromorphone, pethidine, fentanyl, buprenorphine, methadone và tapentadol,v.v.. Trong đó các thuốc opioid mạnh thường được lựa chọn trong những trường hợp có cơn đau từ vừa đến nặng (nhồi máu cơ tim cấp tính, phẫu thuật, hồi sức tim,v.v..).

Tác dụng chống ho (giảm ho) của opioid cũng rất nhanh và hiệu quả. Vì vậy trong thực hành lâm sàng một số opioid (ví dụ như codein) chủ yếu được kê đơn để điều trị triệu chứng ho khan gặp trong các trường hợp như ho do nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp trên hoặc đường hô hấp dưới.

Tại sao Opioid gây ra bệnh tim?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng tác động của các thuốc giảm đau gây nghiện trên hệ tim mạch phần lớn là qua trung gian thụ thể opioid.

Có ba loại thụ thể opioid chính ở người. Khi opioid vào cơ thể, chúng sẽ hoạt động bằng cách kích hoạt các thụ thể opioid trong hệ thống thần kinh trung ương. Điều này tạo ra tác dụng giảm đau, khoan khoái, dễ chịu, ức chế hô hấp, táo bón và ngứa. Một số chỉ định của opioid đã được FDA chấp thuận gồm có các loại thuốc giảm đau kê đơn (ví dụ: oxycodone), thuốc giảm ho không kê đơn (ví dụ: dextromethorphan) và thuốc điều trị tiêu chảy không kê đơn (ví dụ: loperamid).

Tuy nhiên ngoài những tác dụng đã được ghi nhận này, người ta nhận thấy rằng việc tác động lên thụ thể opioid cũng có ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Đó là do sự hiện diện của một chất có trong cơ tim được gọi là “peptide opioid nội sinh” có liên quan đến quá trình điều chỉnh cảm giác đau.

Khi opioid liên kết với các thụ thể opioid, quá trình sản xuất peptide opioid nội sinh bị ức chế. Từ đó có thể dẫn đến hiện tượng hạ huyết áp và tăng nhịp tim. Bên cạnh tác dụng trên hệ thống thần kinh trung ương, thụ thể opioid còn có tác dụng điều hòa nhịp tim, tăng co bóp cơ tim (tăng lực co bóp), tác động lên chức năng mạch máu và sự thích ứng của tế bào đối với tổn thương do thiếu máu cục bộ (giảm lưu lượng máu).

Nhìn chung, việc sử dụng, lạm dụng, sử dụng quá liều và ngưng sử dụng (hội chứng cai) opioid mạn tính có liên quan đến các biến chứng tim mạch bao gồm các di chứng về mạch máu, van tim và hội chứng rối loạn nhịp tim. Một số bệnh lý tim mạch cấp tính do thụ thể opioid gây ra đã được biết rõ gồm có hạ huyết áp tư thế, ngất và nhịp tim chậm. Tại Mỹ, các loại thuốc opioid như morphin được sử dụng phổ biến trong phác đồ điều trị hội chứng mạch vành cấp do có đặc tính làm giãn mạch giúp đem lại hiệu quả điều trị cao.

Tuy nhiên, theo kết quả của một nghiên cứu đoàn hệ trên 57.039 bệnh nhân của Đại học Duke, những bệnh nhân có sử dụng morphine trong vòng 24h sau khi nhập viện có nguy cơ tử vong cao hơn so với những bệnh nhân chỉ sử dụng nitroglycerin.

Một người đàn ông đang lên cơn đau tim do mắc bệnh tim mạch.
Những bệnh nhân có sử dụng morphine trong vòng 24h sau khi nhập viện có nguy cơ tử vong cao hơn so với những bệnh nhân chỉ sử dụng nitroglycerin.. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều yếu tố tạo nên kết quả này. Chúng ta không thể loại trừ rằng việc sử dụng morphin có thể là dấu hiệu của việc chăm sóc y tế kém. Ngoài ra, việc sử dụng morphine cũng có thể gặp trong trường hợp bệnh nhân đang chuyển biến nặng, ví dụ như những người bị đau thắt ngực dai dẳng hoặc suy tim sung huyết, vì morphine là loại thuốc được sử dụng phổ biến cho cả hai bệnh lý này. Ngoài ra, do tác dụng giảm đau, morphine tiêm tĩnh mạch chỉ có thể làm giảm mức độ của cơn đau nhưng không làm cải thiện tình trạng bệnh hoặc tình trạng tổn thương gây ra cơn đau ngực.

Chúng ta cũng có thể xem xét những tác dụng phụ đã được biết rõ của morphine. Tác dụng phụ thường gặp nhất của morphin là hạ huyết áp, nhịp tim chậm và ức chế hô hấp. Những tác dụng phụ này có thể dẫn đến tình trạng giảm cung cấp oxy cho cơ tim, giảm oxy hóa động mạch, tăng nồng độ CO2 trong máu động mạch và thậm chí có thể gây thiếu máu não và hạ oxy máu (nồng độ oxy trong máu thấp). Những tác dụng phụ này có thể tạo ra kết quả bất lợi cho những bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp. Bởi vì những bệnh nhân này không thể chịu đựng được tình trạng tổn thương mạch vành do hạ huyết áp và hạ oxy máu. Trên thực tế, trong các nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được morphin có thể làm tăng kích thước vùng nhồi máu cơ tim.

Thời gian và liều lượng thuốc được sử dụng cũng là một yếu tố ảnh hưởng

Nhóm thuốc opioid gây ra các bệnh lý tim mạch chủ yếu do sự kích hoạt thụ thể opioid. Những tác động của nhóm thuốc opioids trên hệ tim mạch cũng bao gồm nhiều yếu tố. Trong đó, thời gian và liều lượng opioid được sử dụng cũng có liên quan chặt chẽ đến các biến cố tim mạch.

Việc gia tăng lạm dụng opioid đã dẫn đến sự gia tăng số ca tử vong không chủ ý, hội chứng mạch vành cấp liên quan đến thuốc và viêm nội tâm mạc (viêm màng bên trong của tim). Mặc dù nhóm thuốc opioid đóng vai trò quan trọng trong phác đồ điều trị của nhiều loại bệnh khác nhau, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua những tác dụng phụ của các thuốc trên hệ tim mạch. Do đó, nếu có thể, chúng ta hãy thận trọng trì hoãn việc sử dụng opioid với mục đích làm giảm đau, ít nhất là cho đến khi các bác sĩ đã chẩn đoán và quyết định phương án điều trị cuối cùng.

Một nghiên cứu khác tại Anh cho thấy tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở 1,7 triệu người sử dụng opioid tăng gấp 1,28 lần so với những người không sử dụng opioid. Một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã đánh giá tỷ lệ nhồi máu cơ tim và bệnh tim mạch vành ở 148.657 người sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài và 148.657 người không dùng thuốc giảm đau. Nghiên cứu cho thấy những người trong nhóm sử dụng opioid có nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim/bệnh mạch vành cao hơn. Dữ liệu này cảnh báo các chuyên gia tim mạch rằng bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nên hạn chế việc sử dụng opioid lâu dài.

Sử dụng các chiến lược để giảm thiểu nguy cơ

Chúng ta có một số phương pháp để ngăn ngừa các tác dụng phụ của opioid. Ví dụ, Trung tâm Điều trị Lạm dụng Ma túy khuyến nghị rằng cần phải tầm soát khoảng QTc trong quá trình điều trị bằng methadone và phải đo ECG 12 chuyển đạo trong vòng 30 ngày và hàng năm sau đó, và nếu liều methadone vượt quá 100 mg/ngày.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân đã xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim sau khi tăng liều methadone. Khả năng gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim của methadone không chỉ do việc chặn các kênh kali của tế bào cơ tim, mà còn tác động đến khả năng co bóp của tim, hiệu ứng chronotropy và các kênh ion khác.

Opioid còn có thể gây ức chế hô hấp và gây rối loạn nhịp tim ở những người nhạy cảm. Guildline chung của Hiệp hội Nhịp tim Hoa Kỳ và Hiệp hội Đau Hoa Kỳ cũng khuyến cáo rằng nên kiểm tra điện tim (ECG) cho những bệnh nhân đau mạn tính.

Những chiến lược giảm thiểu nguy cơ cần chú ý đến hiện tượng ức chế hô hấp, rối loạn nhịp thất và tỷ lệ viêm nội tâm mạc ngày càng tăng. Các chuyên gia tim mạch cần quyết định một cách cẩn thận lượng opioid sử dụng cho các bệnh nhân hậu phẫu và nên tránh sử dụng lâu dài.

Hội chứng cai opioid cũng có thể gây tăng huyết áp, nhịp tim nhanh (nhịp tim trên 100 lần mỗi phút), bệnh cơ tim do stress (bệnh cơ tim) và hội chứng mạch vành cấp.

Để điều trị kịp thời, việc phát sớm các biểu hiện của tình trạng lệ thuộc và các triệu chứng của hội chứng cai rất quan trọng. Các chiến lược điều trị quan trọng bao gồm việc phát hiện kịp thời các biến cố tim mạch do sử dụng thuốc quá liều, phòng ngừa viêm nội tâm mạc và theo dõi tình trạng rối loạn nhịp tim ở những bệnh nhân sử dụng opioid lâu dài.

Chúng ta có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau nào để thay thế các thuốc opioid?

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu để tìm ra các loại thuốc có thể thay thế opioid.

Vào tháng 2 năm 2021, tiến sĩ Enas S. Kandil của Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas, đã báo cáo rằng một loại thuốc kháng sinh được sử dụng cách đây hơn 30 năm có thể ngăn chặn các cơn đau do tổn thương thần kinh. Phát hiện này có thể đưa ra một giải pháp để thay thế các thuốc giảm đau opioid, từ đó có thể làm giảm tình trạng lạm dụng opioid tại Mỹ.

Hơn 100 triệu người Mỹ có tình trạng đau mạn tính và một phần tư số người này có các cơn đau hàng ngày. Gánh nặng bệnh tật này gây thiệt hại khoảng 600 tỷ đô la tiền lương và chi phí y tế mỗi năm. Nhiều bệnh nhân trong số này - chẳng hạn như những người bị ung thư, đái tháo đường hoặc chấn thương - cơn đau của họ là do nguyên nhân thần kinh, nghĩa là họ có tình trạng tổn thương các dây thần kinh cảm giác đau.

Để điều trị đau mạn tính, các đơn thuốc có nhóm opioid đã tăng theo cấp số nhân kể từ cuối những năm 1990, dẫn đến việc gia tăng tình trạng lạm dụng và sử dụng quá liều nhóm thuốc này. Trưởng nhóm nghiên cứu Enas S. Kandil, phó giáo sư gây mê và quản lý cơn đau tại UTSW giải thích rằng: Mặc dù nhu cầu thực tế về các loại thuốc giảm đau an toàn là rất lớn nhưng việc phát triển thành công một loại thuốc theo toa mới thường phải mất hơn một thập kỷ và chi phí khoảng hơn 2 tỷ đô la

Trong khi tìm kiếm giải pháp thay thế cho opioid, phó giáo sư Kandil và các đồng nghiệp tại UTSW đã khám phá ra tiềm năng của một loại thuốc đã được FDA chấp thuận.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào EphB1, một loại chất protein được tìm thấy trên bề mặt tế bào thần kinh. Đây là loại protein mà Mark Henkemeyer, giáo sư của UTSW và các đồng nghiệp của đã phát hiện ra trong quá trình học sau tiến sĩ gần ba thập kỷ trước. Nghiên cứu chỉ ra rằng loại protein này là nguyên nhân chủ yếu gây ra các cơn đau thần kinh. Ông giải thích rằng những con chuột được biến đổi gen để loại bỏ tất cả EphB1 không có cơn đau thần kinh. Ngay cả những con chuột có lượng protein giảm một nửa so với bình thường cũng có khả năng chịu đựng các cơn đau thần kinh tốt hơn, cho thấy triển vọng xem EphB1 là mục tiêu của các loại thuốc giảm đau. Nhưng thật không may, cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể làm bất hoạt EphB1.

Để nghiên cứu sâu hơn từ góc độ này, Mahmoud Ahmed, một trong những tác giả nghiên cứu, đã sử dụng mô hình máy tính để quét thư viện các loại thuốc được FDA chấp thuận, kiểm tra xem cấu trúc phân tử của chúng có hình dạng và hóa chất phù hợp để liên kết với EphB1 hay không. Cuộc tìm kiếm của họ đã phát hiện ra được ba loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm tetracycline, là các loại thuốc kháng sinh đã sử dụng từ những năm 1970. Ahmed cho biết những loại thuốc này - demeclocycline, chlortetracycline và minocycline - có lịch sử sử dụng an toàn và ít tác dụng phụ.

Để kiểm tra xem liệu những loại thuốc này có thể liên kết và làm bất hoạt EphB1 hay không, nhóm nghiên cứu đã đặt protein EphB1 và những loại thuốc này trong đĩa petri và đo mức độ hoạt động của EphB1. Và kết quả cho thấy, các loại thuốc này đều có thể ức chế protein EphB1 ở liều lượng tương đối thấp.

Trong ba mô hình chuột bị đau thần kinh khác nhau, việc tiêm kết hợp ba loại thuốc này làm giảm đáng kể các phản ứng đối với các kích thích gây đau như nhiệt hoặc áp suất và việc sử dụng cả ba thuốc ở liều thấp đạt được hiệu quả cao hơn so với khi sử dụng riêng lẻ từng thuốc. Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra não và tủy sống của những con chuột này, họ xác nhận rằng EphB1 trên tế bào của những mô này đã bị bất hoạt. Đó có thể là nguyên nhân tạo ra khả năng kháng đau của chúng. Phó giáo sư Kandil cho biết, sự kết hợp của những loại thuốc này cũng có thể làm giảm cơn đau ở người. Với việc thực hiện các nghiên cứu như vậy, nhiều lựa chọn để thay thế cho opioid sẽ có thể được tìm ra trong tương lai. Điều này sẽ giúp giảm bớt tỷ lệ các bệnh lý tim do opioid gây ra.

Tất nhiên, dù là có phải là opioid hay không, mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ. Có thể bạn sẽ đặt ra câu hỏi rằng: có cách nào để giảm đau mà không cần dùng thuốc không? Câu trả lời là có. Các nhà khoa học cũng đang suy nghĩ về vấn đề này, và hiện tại đã có một số cách giảm đau không cần dùng thuốc.

Vào năm 2021, Dey S. và Vrooman BM từ Trường Y khoa Geisel tại Đại học Dartmouth đã đề xuất nhiều phương pháp giảm đau không dùng thuốc bao gồm: luyện tập và vận động thể chất, vật lý trị liệu, liệu pháp hành vi,v.v.

Những chuyên gia này cho rằng luyện tập và vận động thể chất có thể làm giảm mức độ đau và cải thiện chức năng, chất lượng cuộc sống và sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu về liệu pháp tập thể dục lâu dài trong trường hợp đau thắt lưng cho thấy khả năng làm giảm đau và cải thiện chức năng của bệnh nhân. Đánh giá mới nhất của Cochrane năm 2017 cho thấy luyện tập và vận động thể chất an toàn cho những trường hợp đau mạn tính và có thể cải thiện mức độ đau, chức năng và chất lượng cuộc sống.

Liệu pháp kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS) là liệu pháp sử dụng các điện cực dính trên bề mặt da ở vùng bị đau. TENS sử dụng dòng điện áp thấp có thể điều chỉnh được từ pin. Phương pháp này đã được sử dụng để điều trị nhiều loại đau. Tuy nhiên, do thiếu bằng chứng về hiệu quả, hiện tại chúng ta vẫn chưa có những kết luận rõ ràng về phương pháp này.

Liệu pháp hành vi: Đau mạn tính có thể liên quan đến những suy nghĩ và hành vi không thích nghi hoặc tiêu cực liên quan đến các kích thích đau. Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) làm giảm suy nghĩ tiêu cực và không thích nghi này. CBT giúp bệnh nhân xây dựng các kỹ năng ứng phó với cơn đau và cải thiện chức năng tổng thể. CBT cũng có thể làm giảm cường độ đau ở bệnh nhân đau mạn tính.

Không phải tất cả liệu pháp đều phù hợp với bệnh nhân. Điều này cho thấy rằng, các nhân viên y tế cần phải biết về các phương pháp điều trị không sử dụng opioid có thể sử dụng. Các bệnh lý về thể chất và tâm thần đi kèm và mong muốn của bệnh nhân cũng nên được xem xét khi đưa ra quyết định điều trị. Các bác sĩ được khuyến cáo sử dụng mô hình sinh học - tâm lý - xã hội để thiết kế một kế hoạch điều trị đa mô thức cho từng bệnh nhân. Tư vấn điều trị ngoại trú cũng cần được thực hiện sớm cho những bệnh nhân đau mạn tính để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh
Tư Hạ biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bệnh tim liên quan đến loại thuốc phổ biến được hàng triệu người sử dụng