Bệnh tự kỷ, COVID-19 và thai kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm, ước tính khoảng 1%...

Bệnh tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển với nhiều mức độ khác nhau. Người bị tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp và kết nối với xã hội cũng như có cách suy nghĩ và hành vi bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại.

Ngoài yếu tố chính có liên quan đến gen, còn một số yếu tố liên quan đến thai kỳ như thiếu acid folic hay mắc các bệnh lý nội khoa khác (tiểu đường, bệnh tuyến giáp, v.v…), và nhiễm virus là những nguyên nhân có thể làm tăng tỷ lệ mắc tự kỷ ở trẻ.

Vậy nếu bà mẹ nhiễm virus Corona mới trong thai kỳ thì trẻ có nguy cơ bị tự kỷ không?

Các bằng chứng từ những nghiên cứu trước dịch COVID-19

Người ta bắt đầu quan tâm đến mối liên quan giữa nhiễm trùng mẹ và bé tự kỷ khi tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ tăng từ 0,05% lên 8 - 13% ở trẻ em, khi các bà mẹ bị nhiễm virus rubella trong thai kỳ vào thời điểm mà dịch bệnh này đang hoành hành tại Hoa Kỳ năm 1964. [1][7]

Tuy nhiên, sau đó vẫn có rất ít nghiên cứu khoa học chứng minh rằng nhiễm trùng mẹ cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tự kỷ ở trẻ.

Bé tự kỷ xếp đồ chơi thành 1 hàng theo đường thẳng... (CC BY-SA 3.0, Wikipedia)

Gần đây, mối liên hệ này đã dần sáng tỏ. Tại Đan Mạch, các nhà nghiên cứu đã hồi cứu dữ liệu của 10.000 trẻ tự kỷ trong kho dữ liệu y tế quốc gia từ năm 1980 đến năm 2005, và kết quả đã công nhận mối liên quan chặt chẽ giữa tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ với tình trạng nhiễm virus ở mẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ, khoảng 12-13 tuần tuổi thai. [8]

Vậy tại sao nhiễm virus trong thời gian mang thai lại có thể làm trẻ có những biểu hiện bất thường về thần kinh như hội chứng tự kỷ?

Dòng thác cytokine

Khi cơ thể mẹ bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch sẽ sản xuất ra cytokine - các phân tử báo hiệu kích hoạt hệ thống phòng thủ của cơ thể và góp phần dẫn đến phản ứng sốt. Mặc dù bản thân virus có thể không vượt qua được nhau thai, nhưng cytokine thì có thể và chúng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Cơn bão cytokine dường như làm tăng nguy cơ rối loạn về phát triển tâm thần ở trẻ [1], và điều tương tự đã được tìm thấy ở virus Vũ Hán.

“Một số lượng lớn dữ liệu cho thấy rằng có những cơn bão cytokine nhẹ hoặc nặng ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng…”, đây là kết luận theo nghiên cứu mới nhất của tác giả Chi Zhang và cộng sự đăng trên tạp chí International Journal of Antimicrobial Agents trong năm nay (2020) [6]. Nói cách khác, nếu bà mẹ nhiễm COVID-19 nặng trong thai kỳ, thì nước ối cũng có thể xuất hiện cơn bão cytokine và gây ảnh hưởng tới thai nhi.

Hình 3D cho thấy sự phát tán của Cytokine - (www.scientificanimations.com - CC BY-SA 4.0, Wikipedia)

Từ năm 2010, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Autism and Developmental Disorders đã nhấn mạnh: “Nguy cơ trẻ bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ tăng gần gấp 3 lần khi mẹ tiếp xúc virus và nhiễm bệnh nặng trong ba tháng đầu thai kỳ” [3]. Kết hợp với nghiên cứu mới đây, thông tin trên cho thấy người mẹ phải bị nhiễm trùng đủ nghiêm trọng, đến mức nhập viện, thì nguy cơ này mới có thể xảy ra. Và ở COVID-19, cytokine cũng có thể là nguy cơ dẫn đến bệnh tự kỷ ở trẻ nếu mẹ bị nhiễm virus nặng.

Mặc dù vậy, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi không biết liệu COVID-19 có gây ra ảnh hưởng bất lợi cho phụ nữ trong khi mang thai hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé sau khi sinh hay không”. [2]

Đón thiên thần nhỏ, các mẹ có nên quá lo lắng?

Thông tin tốt là cho đến ngày 26/3, trên thế giới chỉ có một một phụ nữ mang thai 30 tuần nhiễm COVID-19 ở mức độ nặng phải thở máy. Thai phụ này đã được mổ cấp cứu để lấy thai nhi và hồi phục sức khỏe tốt (theo báo Thanh Niên). Tỉ lệ thai phụ bị nhiễm COVID-19 nặng có thể coi là rất hiếm.

Trong khi đó, tỷ lệ mắc tự kỷ chung trong dân số chỉ khoảng 1%. Vì vậy, ngay cả khi tỷ lệ này ở mẹ mang thai có nhiễm virus COVID-19 nặng tăng gấp 3 lần, thì tỉ lệ nguy cơ bệnh tự kỷ ở trẻ là rất rất hiếm. Do đó, hầu hết các trường hợp những đứa trẻ sinh ra vẫn có thể có hệ thần kinh phát triển bình thường.

Vì vậy, các mẹ bầu cần không phải quá lo lắng và căng thẳng về khả năng bé có thể bị tự kỷ. Trong khi đó, tâm lý hoảng loạn, lo lắng, bất an sẽ ảnh hưởng tới nhịp tim, hệ tuần hoàn máu, hô hấp gấp, thậm chí có thể dẫn đến rối loạn tâm thần nhẹ. Khi cơ thể mất đi sự cân bằng thì hệ miễn dịch cũng suy giảm, và khi tấm lá chắn “vàng” để bảo vệ thân thể khỏi sự xâm hại của vi khuẩn và virus biến mất, thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao.

Đừng đi ra ngoài nếu không thật cần thiết, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, trồng vài cây xanh, nấu các món ăn mà cả nhà thích, nghe nhạc giao hưởng, tập thể dục nhẹ hay thiền định là những gợi ý thích hợp cho các mẹ bầu trong mùa “cô Vi”.

Chúc các mẹ bầu vượt cạn thành công!

Mỹ Tâm

Tài liệu tham khảo:

    1. Immune mediators in the brain and peripheral tissues in autism spectrum disorder
    2. Novel Coronavirus 2019 (COVID-19)
    3. Maternal infection requiring hospitalization during pregnancy and autism spectrum disorders.
    4. Virus, Pregnancy, and Autism
    5. Nguyên nhân của bệnh tự kỷ
    6. The cytokine release syndrome (CRS) of severe COVID-19 and Interleukin-6 receptor (IL-6R) antagonist Tocilizumab may be the key to reduce the mortality
    7. Rubella Epidemic, 1964: Effect on 6,000 Pregnancies
    8. Maternal Infection Requiring Hospitalization During Pregnancy and Autism Spectrum Disorders

Sức khoẻ


BÀI CHỌN LỌC

Bệnh tự kỷ, COVID-19 và thai kỳ