Bị chó dại cắn, nam sinh 15 tuổi tử vong sau hai tháng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù bị chó dại cắn, nhưng L. chủ quan và không thông báo với người thân.

Theo báo Người Lao Động, nạn nhân là nam sinh lớp 9 tên C.N.L (15 tuổi), ngụ tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Hai tháng trước, khi đang đá bóng, L. bị một con chó lao đến cắn vào chân. Mặc dù thấy đau nhưng vì chủ quan, L. không nói cho người nhà biết điều này. Đặc biệt, sau 2 ngày kể từ thời điểm cắn L., con chó phát bệnh và chết.

Sáng 26/5, L. cảm thấy mệt trong người, đau nhiều ở vùng chân nơi từng bị chó dại cắn và sợ gió. Gia đình đưa em đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba ở Đồng Hới để cấp cứu.

Tuy nhiên, bác sĩ cho biết tình trạng của L. đã hết cách cứu chữa. Sau khi được gia đình đưa về nhà ít giờ, L. tử vong.

Từ cuối năm 2021 đến nay, đây là ca tử vong thứ 4 vì chó dại cắn ở Quảng Bình.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, mỗi năm có hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng do động vật dại hoặc nghi dại cắn. Khoảng 60.000 - 70.000 người tử vong do virus dại, trong đó tập trung nhiều ở các quốc gia vùng nhiệt đới, theo Zing.

Thực tế, từ năm 1920, các nước phương Tây đã chú trọng tiêm phòng dại cho vật nuôi, nên căn bệnh này hầu như rất ít xuất hiện.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 1990-1995, mỗi năm có trung bình 350-500 ca tử vong do bệnh dại. Từ năm 1996 đến trước 2004, các biện pháp phòng chống virus dại được tăng cường đã góp phần giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, số trường hợp nhiễm virus dại có dấu hiệu tăng lên và tập trung ở một số địa phương. Điều này cũng tương tự với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Các chuyên gia y tế cho biết, virus dại được xem là loại virus cực kỳ nguy hiểm, bởi nó có thể khiến 100% trường hợp mắc phải tử vong. Trong đó, hầu hết người bị lây bệnh đều thông qua vết cắn hoặc liếm của động vật nhiễm virus. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp nhiễm bệnh là do hít phải khí dung.

Các chuyên gia y tế cho biết, virus dại được xem là loại virus cực kỳ nguy hiểm, bởi nó có thể khiến 100% trường hợp mắc phải tử vong.
Các chuyên gia y tế cho biết, virus dại được xem là loại virus cực kỳ nguy hiểm, bởi nó có thể khiến 100% trường hợp mắc phải tử vong. (Wikipedia)

Sau khoảng thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1-3 tháng, virus dại sẽ bắt đầu tác động và gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, dây thần kinh. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NHS), một khi triệu chứng xuất hiện, thì khả năng cứu chữa gần như bằng 0.

Khi lan đến hệ thống thần kinh trung ương, người bệnh sẽ bị viêm não với các triệu chứng như mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động và gió. Hơn nữa, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện các biểu hiện khác như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp hoặc xuất tinh.

Mặc dù virus dại rất nguy hiểm và có thể gây tử vong cho 100% bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng, nhưng thế giới vẫn ghi nhận một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt.

Theo Zing, Jeanna Giese-Frassetto được xem là người đầu tiên sống sót khỏi "bàn tay tử thần" của virus dại.

Vào năm 2004, khi Giese mới chỉ 15 tuổi, cô bất ngờ bị một con dơi cắn ở nhà thờ. Cha mẹ cô đã rửa sạch vết thương khi phát hiện vết cắn trên cơ thể của con, nhưng vì cho rằng cô bé sẽ ổn nên họ không đưa tới bệnh viện.

Ba tuần sau, Giese bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh dại. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết đã quá muộn để tiêm vaccine cho cô, do đó, họ đã "đánh liều" áp dụng phương pháp Milwaukee protocol để cứu vãn tình hình.

Milwaukee protocol là một phương pháp điều trị do Rodney Willoughby, một bác sĩ người Mỹ ở Bệnh viện Nhi Wisconsin, sáng tạo ra.

Phương pháp này có thể "đóng băng não bộ" của bệnh nhân, ngăn virus xâm nhập hệ thần kinh trung ương. Các bác sĩ cho rằng Giese có thể sống sót nếu tạm dừng chức năng não bộ, trong khi chờ hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt toàn bộ virus dại.

Bác sĩ Willoughby cho biết, họ đã gây mê cho Giese, kèm theo đó sử dụng thuốc kháng virus ribavarin và amantadine. Sau 6 tháng kể từ thời điểm Giese tỉnh khỏi cơn mê, cô bé tiếp tục được cho uống hợp chất tetrahydrobiopterin để cải thiện khả năng nói và ăn uống.

Cuối cùng, Giese đã sống sót thần kỳ. Chỉ trong vòng một năm, hầu hết khả năng nhận thức và kỹ năng của cô bé được khôi phục.

Mặc dù vậy, bệnh dại vẫn khiến Giese chịu một số ảnh hưởng tiêu cực. Cô bị nghiêng hẳn người sang một bên khi chạy, cũng không thể chơi các môn thể thao như bóng chuyền hay bóng rổ như trước.

Nói về điều này, bác sĩ Willoughby cho biết, các triệu chứng nói trên giảm dần theo thời gian.

Kể từ đó, phương pháp Milwaukee protocol được áp dụng ở một số quốc gia khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của bệnh dại và đã cứu ít nhất 10 người khác.

Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả. Các bác sĩ ở Thái Lan và Canada đã thử nhưng không thành công.

Bác sĩ Willoughby cho biết, trước trường hợp của Giese, ông đã thử phương pháp này hàng chục lần nhưng đều không thành công. Vị bác sĩ nhận định rằng, Giese có thể đã nhiễm một phiên bản hiếm gặp của virus dại. Hơn nữa, các bác sĩ cũng có phần "gặp may".

Một yếu tố khác khiến phương pháp Milwaukee protocol không được ứng dụng rộng rãi là vì chi phí đắt đỏ lên tới 800.000 USD (vào thời điểm năm 2004) và "thiểu cơ sở khoa học rõ ràng".

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Bị chó dại cắn, nam sinh 15 tuổi tử vong sau hai tháng