Bí quyết sống lâu của làng trường thọ Trúc Lâm, cố đô Huế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khác xa với tuổi thọ trung bình của người Việt, cư dân làng Trúc Lâm có tuổi thọ trung bình từ 80 - 90 tuổi, đặc biệt có nhiều người hơn 100 tuổi. Bí quyết sống lâu của họ thật đơn giản...

Nếu như thế giới có “vùng xanh” hay còn gọi là Blue zones, những vùng trường thọ trên thế giới, thì Việt Nam cũng có làng Trúc Lâm, một làng trường thọ với tiêu chuẩn gần giống với vùng xanh.

Vùng xanh lần đầu được đề cập đến vào năm 2005 bởi nhà thám hiểm người Mỹ Dan Buettner, tác giả của nhiều bài báo nổi tiếng trên tạp chí New York Times. Hiện nay, khi nói đến “vùng xanh”, người ta thường đề cập đến 5 vùng: (1) Vùng Barbagia của Sardinia, (2) Ikaria, Hy Lạp, (3) Bán đảo Nicoya, Costa Rica, (4) Loma Linda, California, (5) Okinawa, Nhật Bản. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện những khu vực này có chung một đặc điểm: tỷ lệ người không mắc bệnh và sống thọ (có tuổi thọ từ 90 trở lên) là rất cao.

Làng Trúc Lâm, vùng Blue zone của Việt Nam

Theo thống kê của Hội người cao tuổi, tuổi thọ người dân làng Trúc Lâm cao hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình hiện tại của người Việt (73,6 tuổi). Cư dân Trúc Lâm có tuổi thọ trung bình từ 80-90 tuổi, đặc biệt có nhiều người hơn 100 tuổi.

Hiện tại làng có hơn 400 người có tuổi thọ trên 80, nhưng đáng chú ý nhất không phải là tuổi thọ mà là tình trạng sức khỏe. Làng Trúc Lâm đặc biệt không có mấy người mắc bệnh mãn tính, thưởng thức cuộc sống vô cùng vui vẻ và hạnh phúc.

Tuy nhiên, bí quyết của cư dân làng “Trúc Lâm trường thọ” lại vô cùng đơn giản.

Bí quyết sống lâu của “vùng xanh Việt Nam”

Theo sự chia sẻ của cư dân vùng Trúc Lâm, bí kíp để họ sống lâu là chăm chỉ lao động, luôn vui vẻ, ăn giản dị, tập dưỡng sinh, và luôn quan tâm đến người khác. Những điều này cũng là bí quyết trường thọ của các vùng xanh khác trên thế giới.

1. Tập dưỡng sinh mỗi ngày

Hằng ngày, người dân nơi đây dậy rất sớm, khoảng 5 giờ sáng. Họ tập trung gặp nhau để tập dưỡng sinh. Dưỡng sinh không chỉ là môn thể dục ưu thích của người cao tuổi, mà còn đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho chúng ta.

Theo một nghiên cứu năm 2018, sau khi phân tích dữ liệu hơn 1,2 triệu người Mỹ từ 18 tuổi trở lên, có một điều vô cùng bất ngờ đã được tiết lộ. Nếu nghĩ sự giàu có sẽ giúp chúng ta vui vẻ hơn bất cứ điều gì khác, thì bạn đã lầm, tập thể dục mới là điều khiến chúng ta trở nên hạnh phúc hơn nhiều so với việc có nhiều tiền.

Ngoài ra, điều thú vị là những người có hoạt động thể chất cảm thấy trạng thái tinh thần tốt tương đương với những người kiếm được 25.000 đô la Mỹ mỗi năm mặc dù họ có thể có thu nhập thấp hơn nhiều con số đó.

Cơ chế giúp chúng ta thoải mái, hạnh phúc sau khi tập thể dục là do cơ thể tiết ra BDNF (yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não) và endorphin. BDNF là một yếu tố bảo vệ, có thể sửa chữa các nơron bộ nhớ và hoạt động như một công tắc thiết lập lại não bộ. Trong khi, endorphin có khả năng giảm thiểu cảm giác đau và khó chịu của cơ thể. Chúng có tác dụng tương tự như các chất gây kích thích, nicotine hoặc heroin, nhưng không gây nghiện, lại vô cùng có lợi cho cơ thể.

Một phần khác cơ thể tặng chúng ta khi tập thể dục là dopamine. Một hóa chất mang lại cho bạn cảm giác vui thích, xứng đáng với nỗ lực của mình bỏ ra để đạt được nó.

2. Chia sẻ, quan tâm cuộc sống với nhau

Chia sẻ là cách mà người dân vùng Trúc Lâm, thường xuyên làm sau giờ tập thể dục mỗi buổi sáng. Họ chia sẻ với nhau chuyện vui buồn trong cuộc sống, cách giúp “niềm vui nhân đôi, nỗi buồn vơi nửa”, niềm vui lớn nhất của người cao tuổi vùng Trúc Lâm.

Bên cạnh việc chia sẻ nỗi niềm trong cuộc sống, các ông bà vùng “Trúc Lâm trường thọ” rất chăm chỉ làm việc và luôn vui vẻ. Cười có thể là một bí kíp khác giúp họ sống lâu.

Từ xa xưa, con người đã biết không có thuốc bổ nào quý giá hơn tiếng cười, “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Nó là linh đan diệu dược, bí quyết của nhiều dân tộc trường thọ trên thế giới như người dân Bhutan, quốc gia phía đông dãy Himalaya mệnh danh “Vương quốc hạnh phúc nhất thế giới” hay tộc người Hunza, dân tộc thọ nhất thế giới.

Theo khoa học hiện đại, cười là một phương pháp giúp giải phóng nhiều hormone giảm đau, giảm stress như dopamine, serotonin, endorphin. Các chất này đồng thời giúp máu huyết lưu thông, các cơ được thư giãn, làm nhịp tim chậm lại và giảm bớt huyết áp. Điều này giải thích tại sao người cười nhiều ít mắc bệnh mãn tính và có cuộc sống trường thọ.

3. Ăn uống giản dị

Mộ phần không thể thiếu trong bí quyết trường thọ chính là chế độ ăn. Khi được hỏi về cách ăn uống hàng ngày, người dân Trúc Lâm chia sẻ, “Họ ăn uống đạm bạc, chủ yếu là rau cùng những thực phẩm có trong vườn”.

Đôi khi, chỉ cần mua chai ruốc, một loại nước chấm như nước mắm, hay được người xứ Huế sử dụng, rồi về chấm cùng mấy quả vả hoặc trái chuối trong vườn là xong bữa, theo bà Bùi Thị Bé (73 tuổi, làng Trúc Lâm, phường Hương Long, thành phố Huế) chia sẻ.

Tuy có chế độ ăn giản dị, nhưng thực phẩm họ dùng hàng ngày vô cùng sạch, không có dùng hóa chất cũng như không có các chất kích thích.

Bí quyết trường thọ của người dân làng Trúc Lâm thật giản dị, với phương châm sống vui sống khỏe với những nụ cười rạng rỡ, và cảm nhận cuộc sống đầy ý nghĩa.

Thiện Đức



BÀI CHỌN LỌC

Bí quyết sống lâu của làng trường thọ Trúc Lâm, cố đô Huế