Bị tụt nướu có mọc lại được không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người gặp phải các vấn đề như kẽ răng to ra, giữa các chân răng để lộ ra lỗ hổng hình tam giác, lộ chân răng, thậm chí là răng lung lay… Đây thực chất là biểu hiện của tình trạng tụt nướu.

Tụt nướu là gì? Bản thân nó không phải là một bệnh, mà là triệu chứng của một bệnh.

Có rất nhiều bệnh lý gây tụt nướu, trong đó phổ biến và thường gặp nhất là bệnh nha chu, tiếp đó là do chải răng không đúng cách và mắc một số bệnh lý cơ thể.

Biểu hiện chính của tình trạng này là tụt nướu và tiêu xương ổ răng, trường hợp nặng có thể bị lộ chân răng và lung lay chân răng, lâu dần có thể dẫn đến mất răng.

Nướu bị tụt có tự mọc lại được không?

Nướu răng bị tụt thường không tự mọc trở lại. Tuy nhiên, do sự kích thích gây viêm của bệnh viêm nha chu, nên tình trạng tụt nướu là một quá trình liên tục, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng tụt nướu sẽ ngày càng nghiêm trọng, cuối cùng sẽ lộ ra chân răng, răng lung lay và thậm chí rụng răng.

Vì vậy, điều trị sớm bệnh nha chu có thể ngăn chặn kịp thời tình trạng tụt nướu và tiêu xương ổ răng, phục hình nướu, cố định răng lung lay thông qua các phương tiện y tế mà răng vẫn được bảo tồn.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh nha chu bao gồm chảy máu nướu răng, hôi miệng, sưng nướu răng,… Ở giai đoạn giữa, ngoài tụt nướu còn có hiện tượng chảy dịch nha chu, răng lung lay…

Vì vậy, một khi các triệu chứng này xảy ra, bệnh nhân phải đến điều trị tại bệnh viện càng sớm càng tốt, kiểm soát bệnh kịp thời, tránh để tình trạng viêm nhiễm tiếp tục gây hậu quả không thể cứu vãn được như mất răng.

Làm thế nào để ngăn ngừa và điều trị tình trạng tụt nướu?

1. Phòng chống bệnh nha chu

Tụt nướu xảy ra do bệnh nha chu, và nguyên nhân chính gây ra bệnh nha chu là do mảng bám và vôi răng.

Vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc, uống rượu và ăn uống thiếu chất đều là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của mảng bám và vôi răng.

Vì vậy, vệ sinh răng miệng hàng ngày, đánh răng đúng phương pháp, súc miệng sau bữa ăn, dùng chỉ nha khoa để làm sạch khoảng trống giữa các kẽ răng và bề mặt răng, bỏ hút thuốc và uống rượu, ăn ít đồ ngọt và chế độ ăn uống cân bằng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa bệnh nha chu.

2. Kiểm tra và làm sạch răng miệng thường xuyên

Làm sạch răng thường xuyên có thể loại bỏ cao răng hiệu quả, nhưng nếu bạn chỉ dựa vào đánh răng thì nó không thể làm sạch tối ưu.

Bạn có thể đến các phòng khám nha sĩ để làm sạch răng, bằng cách lấy cao răng và nhờ bác sĩ kiểm tra cẩn thận xem liệu bạn có mắc các bệnh lý liên quan đến răng miệng như sâu răng, nha chu hay không.

Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm, có thể giúp bạn giảm thiểu thiệt hại do bệnh nha chu gây ra.

3. Đánh răng đúng cách

Ngoài bệnh nha chu, việc chải răng không đúng cách cũng có thể gây ra tình trạng tụt nướu.

Vì vậy, điều quan trọng là phải sử dụng đúng phương pháp chải răng, chẳng hạn như tránh chải ngang, chọn bàn chải có lông mềm, tránh bàn chải có lông quá cứng vì nó sẽ làm tổn thương nướu và răng.

4. Xây dựng thói quen sống tốt

Xây dựng thói quen sinh hoạt tốt, giảm căng thẳng, thư giãn; tránh thức khuya; làm việc và nghỉ ngơi điều độ; ăn ít đồ cay, dầu mỡ; ăn thức ăn giàu chất xơ để thực hiện chức năng nhai, kích thích xương ổ răng phát triển; bổ sung đầy đủ vitamin và canxi, cùng các chất dinh dưỡng để tăng cường răng và nướu.

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Bị tụt nướu có mọc lại được không?